Chi phí tiết kiệm được khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia là hơn 8.100 tỉ đồng/năm.
Còn Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế - OECD đánh giá cao hơn: Các hệ thống thông tin do Văn phòng Chính phủ chủ trì triển khai được đưa vào vận hành giúp tiết kiệm chi phí xã hội ước tính trên 9.900 tỉ đồng/năm và nhận được phản hồi tích cực của xã hội.
8.100 tỉ đồng và 9.900 tỉ đồng/năm? Không nhầm. Đó là con số khổng lồ tiết kiệm được khi vận hành số hoá, phát triển Chính phủ điện tử thực hiện Nghị quyết số 17/NQ-CP trong 2 năm qua.
Nên nhớ, thu ngân sách của 4 tỉnh là Hoà Bình, Yên Bái, Sơn La, Tuyên Quang trong năm 2020 cộng vào cũng chỉ khoảng 9.000 tỉ đồng.
Hàng loạt những con số khác được công bố hôm qua cũng ấn tượng không kém: Từ thời điểm Thủ tướng Chính phủ nhấn nút khai trương (ngày 9.12.2019) với 8 dịch vụ công ban đầu, đến ngày 8.3.2021 đã có hơn 2.800 dịch vụ công được tích hợp, cung cấp trên tổng số gần 6.800 thủ tục hành chính tại 4 cấp chính quyền, với hơn 116 triệu lượt truy cập, hơn 468.000 tài khoản đăng ký; hơn 42,5 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái; trên 940.000 hồ sơ thực hiện trực tuyến và hơn 67.000 giao dịch thanh toán điện tử (tổng số tiền hơn 26,7 tỉ đồng) trên Cổng; tiếp nhận, hỗ trợ trên 53.000 cuộc gọi, hơn 10.000 phản ánh, kiến nghị…
Tiết kiệm hàng nghìn tỉ đồng mỗi năm là điều rất cần trong bối cảnh kinh tế còn gặp nhiều khó khăn vì COVID-19. Hay, bình luận ngắn gọn nhưng đầy đủ của Cổng thông tin điện tử Chính phủ: “Giá trị nghìn tỉ từ nút bấm điện tử”.
Nhưng tiền cũng chỉ là một chuyện, điều quan trọng là khi triển khai chính phủ điện tử, áp dụng công nghệ vào chỉ đạo, điều hành, giải quyết thủ tục đã mang lại những thuận lợi không ngờ cho người dân. Thay vì phải mệt mỏi chờ đợi hàng giờ, đi hàng chục km để xin xác nhận một thứ giấy tờ, hay làm một thủ tục liên quan đến cá nhân thì người dân ở nhiều địa phương có thể ngồi ở nhà, dùng điện thoại để làm tất cả những việc đó.
Ở chiều ngược lại, các cơ quan, tổ chức chính quyền cũng không phải tổ chức một lực lượng xử lý công văn giấy tờ hàng ngày. Những công việc đã từng tồn tại và tưởng chừng không thể thiếu ấy bây giờ chỉ cần một cái nút bấm, một cái click chuột máy tính.
Những lợi ích ấy còn lớn hơn rất nhiều con số hàng nghìn tỉ đồng đưa ra hôm qua. “Nghĩ lớn, nhìn tổng thể, hành động nhanh, bắt đầu từ những việc cụ thể” là quan điểm được quán triệt trong quá trình xây dựng Chính phủ điện tử trong thời gian qua.
Bắt đầu từ những việc cụ thể của dân, lấy người dân làm trung tâm, lấy công nghệ thông tin làm công cụ thì Việt Nam sẽ càng tiến nhanh, tiến xa bằng nội lực và bằng những khoản tiết kiệm hàng nghìn tỉ đồng từ nút bấm điện tử.
https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/nut-bam-dien-tu-va-khoan-tiet-kiem-9900-ti-dongnam-887833.ldo
Theo Hoàng Lâm (LĐO)