Nước mắt... đào rừng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Đã nhiều năm nay, mỗi dịp chuẩn bị đến Tết Nguyên đán, khắp vùng Tây Bắc đâu đâu cũng bắt gặp hình ảnh người dân chở những cành đào đủ kích cỡ khắp các ngả từ vùng cao xuôi xuống các thành phố, thị trấn để bán. Cũng bởi thú chơi đào rừng, muốn sở hữu những cành đào có dáng độc lạ, nên những vựa đào rừng tại một số tỉnh của Tây Bắc đang có nguy cơ bị tận diệt...
Đua nhau chặt đào đem bán
Còn khoảng 2 tuần nữa là đến Tết cổ truyền của dân tộc, cái lạnh đặc trưng nơi vùng cao Co Mạ (huyện Thuận Châu, Sơn La) cắt da cắt thịt. Khắp vùng được phủ kín những làn sương mù trắng bạc. Lạnh là vậy nhưng cảnh hàng đoàn xe máy của những người chuyên đi buôn đào rừng ngược xuôi khiến cho không khí lạnh nơi đây như nóng lên.
 
Dọc Quốc lộ 6 lên các tỉnh Tây Bắc dịp này, đào được xếp dài cả km hai bên đường. Ảnh: Q.T
“Có cung mới có cầu, cuộc sống của người dân vùng cao còn nhiều khó khăn, vất vả chỉ biết trồng cây ngô, cây sắn. Khi bà con biết một gốc đào đẹp nếu bán được, một ngày có thể thu được số tiền bằng họ làm cả năm trời, nên khi người vùng thấp hỏi mua, họ sẵn sàng chặt bán cả cây, thậm chí còn đào cả gốc đem bán. Giờ muốn nhìn thấy đào rừng bung nở như trước cũng không còn nhiều nữa rồi. Cứ thế này thì vùng cao chúng tôi sẽ không còn đào cổ thụ ngày xưa nữa…”.

Già bản Và Sếnh Súa


Hơn 1 tuần nay, anh Lường Văn Dinh, xã Chiềng Pha (huyện Thuận Châu, Sơn La) cũng rong ruổi khắp các bản vùng cao của Co Mạ để tìm mua những cành đào rừng mang xuống thành phố bán lại cho người qua đường hay các xe tải dưới xuôi lên thu mua...
Vừa xuýt xoa trong cái lạnh kèm mưa phùn, anh Lường Văn Dinh, bảo: “Với tốc độ chặt đào bán tết như hiện nay, mỗi năm có hàng nghìn gốc đào, cành đào bị mất đi. Như tôi, mỗi năm mua đi bán lại cũng gần 60 cành đào được chặt từ các bản vùng cao ở Co Mạ, Long Hẹ, É Tòng (Thuận Châu). Có năm, đào bán không hết đành vứt lại. Là người buôn đào gần 5 năm nay, biết việc làm của mình và mọi người là đang hủy hoại dần diện tích đào rừng. Thực lòng khi chứng kiến cảnh những gốc đào, cành đào cổ thụ bị người dân dùng dao, máy cưa cắt đem bán tết, chúng tôi cũng xót lắm. Nhưng biết làm thế nào được vì cuộc sống mưu sinh.
Nếu mình không thu mua thì cũng có người khác, nên cũng đành phải làm thôi. Tôi cũng đã chứng kiến cảnh bà con ngậm ngùi chặt hạ bán những cây đào cổ thụ đã gắn bó với họ hàng cả quãng đời để lấy về mấy trăm ngàn...”.
Trong câu chuyện với những người chuyên nghề buôn đào rừng từ các bản vùng cao được biết: Tết đến chính là dịp họ hái ra tiền nhờ những cây đào rừng. Bởi đây là thời điểm họ có thể kiếm một khoản tiền kha khá để lo cho cái tết được chu đáo hơn.
Anh Lò Đông Hoàng, người buôn đào, xã Chiềng Đen (TP.Sơn La), nói: “Trước đây, nhu cầu dùng đào không như bây giờ nên đào ở rừng hoặc tại các bản vùng cao nở hoa kín cả vùng, rồi sau đó ra quả. Thậm chí, đào chín rụng đầy gốc, trâu bò còn không thèm ăn. Ấy vậy mà mấy năm nay, do nhu cầu sử dụng đào rừng trong dịp tết nhiều nên người đi buôn đào cũng nhiều hơn. Và cũng bởi là công việc thời vụ hái ra tiền nên tôi cũng theo đuổi nghề này 6 năm nay rồi.
Thực tế cho thấy, với những cây đào càng to, thế đẹp và cổ thụ thì giá càng cao. Cũng bởi tiêu thụ nhiều nên mấy năm gần đây phải đi thật xa mới thu mua được, vì ở gần đã được người dân chặt hạ đem bán hết rồi. Kiếm được cành đào cổ thụ thời điểm hiện tại là vấn đề khó rồi. Vì chỉ thấy chặt đem bán chứ có mấy ai trồng đào để bán đâu, chủ yếu là chặt hạ những cây đào có từ trước”.
 
Những cành đào rừng được bó lại chờ xe tải bốc về thủ đô bán.
Những ngày này, dọc 2 bên đường thuộc các tuyến quốc lộ chạy qua tỉnh Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình… đâu đâu cũng thấy những cành đào do những cánh buôn đào chở về từ các bản vùng cao được dựng bên đường để bán. Thậm chí, có những cành đào còn non hay chưa có nụ cũng bị chặt đem bán.
Đáng lo ngại hơn khi các tay buôn đào dưới xuôi còn dùng cả những chiếc xe tải cỡ lớn thu mua những cành đào để mang về xuôi bán. Các gốc đào tại đây tùy thuộc vào thế, độ tuổi và nhiều nụ hay không mà có những mức giá khác nhau.
Nỗi đau đào rừng
Già bản Và Sếnh Súa, bản Co Mạ (xã Co Mạ, huyện Thuận Châu, Sơn La), tâm sự: “Những cây đào cổ thụ ở trong vùng có từ khi chúng tôi còn bé. Đào này không biết có nguồn gốc từ đâu nên người dân chúng tôi gọi là đào rừng. Cứ mỗi dịp tết đến, xuân về những cây đào rừng quanh nhà bung nở hoa, phủ sắc khắp các bản, đẹp lắm… Mấy năm nay, vì thú chơi đào rừng của người dân miền xuôi nên số lượng đào rừng hiện nay đã gần như biến mất”.
Đúng như nỗi lòng của già bản Và Sếnh Súa, một thực tế ai cũng phải thừa nhận khi mỗi năm tết đến là đào rừng “nườm nượp” kéo nhau về xuôi phục vụ nhu cầu người dân mỗi dịp Tết Nguyên đán. Và kết quả sau đó là những vựa đào trước đây giờ trở nên xơ xác. Chả thế, không ít người từng lên với Tây Bắc và hôm nay trở lại cũng phải thốt lên những lời lo lắng cho số phận những vựa đào nơi đây.
Ông Mùa A Chu, bản Háng Đồng C (xã Háng Đồng, huyện Bắc Yên, Sơn La), cho biết: “Mấy cái tết gần đây, người dưới vùng thấp nên trên này săn tìm mua đào rất nhiều. Như nhà tôi còn lại mấy gốc đào cũng có người hỏi mua cả cây nhưng tôi không bán. Vì những gốc đào này gắn bó với chúng tôi lâu rồi. Chúng tôi không có thói quen chặt đào trang trí tết, chỉ để ra hoa lấy quả ăn. Tôi cũng đã bàn với mấy con trai sẽ ươm đào để trồng, bù đắp lại những diện tích đào đã bị chặt đem bán. Vùng cao ngày tết mà thiếu sắc đào thì buồn lắm”.
Với tình trạng khai thác đào rừng một cách ồ ạt mà không có bù đắp như hiện thì câu chuyện mà nhiều người lo lắng về nguy cơ đào rừng bị tận diệt chỉ còn là thời gian. Bởi hiện nay, việc quản lý, bảo vệ những diện tích đào rừng này lại phụ thuộc vào các chủ đào là những người dân vùng cao, những người mà cuộc sống còn đó vô vàn những khó khăn, thu nhập và nhận thức còn hạn chế…
Đào rừng hiện không nằm trong danh sách các cây cần bảo tồn nên việc ngăn chặn nguy cơ tận diệt đào rừng ở các địa phương nếu có thì cũng chỉ dừng lại ở công tác tuyên truyền mà thôi. Đây cũng chính là bài toán chưa lời giải khi năm hết tết đến đào rừng vẫn tiếp tục bị chặt hạ ồ ạt đem bán..
Quốc Tuấn (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm

'Người cha' của rừng gỗ quý

'Người cha' của rừng gỗ quý

Gần 30 năm miệt mài ươm trồng, cánh rừng với hàng vạn cây Pơmu, Samu của gia đình ông Vừ Rả Tênh (trú xã Tây Sơn, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) đã trở thành một trong những điểm đến thu hút du khách trong và ngoài huyện vui chơi, tận hưởng không khí trong lành.

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...