"Nữ tướng" giàu nhất VN mất 8.400 tỷ; biến động nhân sự tại Sabeco, Habeco

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Tuần qua, thông tin "nữ tướng" giàu nhất Việt Nam - bà Nguyễn Thị Phương Thảo – CEO Vietjet Air "bốc hơi" hơn 8.400 tỷ đồng trong nửa tháng thu hút được sự quan tâm của độc giả. Bên cạnh đó, những biến động nhân sự tại Sabeco, Habeco tiếp tục cũng được bạn đọc theo dõi.
“Nữ tướng” giàu nhất Việt Nam mất hơn 8.400 tỷ đồng trong nửa tháng
Chỉ trong vòng nửa tháng (tính từ thời điểm chốt phiên 15-5 tới nay), cổ phiếu VJC của Vietjet Air đã mất tới 50.000 đồng, tức giảm 25,38%.
Trước đó, mã này đã ghi nhận hai phiên giảm sàn liên tục vào cuối tuần trước (25-5) và phiên đầu tuần này (28-5).
 
Với mức giảm của VJC phiên ngày 30-5, bà Nguyễn Thị Phương Thảo – CEO Vietjet Air ghi nhận mất 821,6 tỷ đồng và mức thiệt hại của bà Thảo ở mã này trong nửa tháng qua là 8.425,5 tỷ đồng (con số lớn hơn nhiều so với tài sản của bà Vũ Thị Hiền, người giàu thứ 9 thị trường chứng khoán hiện nay đang có, là 5.747 tỷ đồng).
Những thiệt hại trên thị trường chứng khoán đã khiến bà Thảo sụt hạng nhanh trong danh sách người giàu thế giới. Nếu như hồi tháng 3, bà Thảo đứng thứ 766 danh sách này với tài sản ròng 3,1 tỷ USD thì tại thời điểm này, bà Thảo đã lùi về vị trí thứ 911 với khối tài sản giảm còn 2,7 tỷ USD.
Thêm một Phó Tổng giám đốc Sabeco đột nhiên… xin nghỉ việc
Theo nguồn tin của Dân trí, lại có một lá đơn xin nghỉ việc bất thường trong ban lãnh đạo Tổng công ty Bia Rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco). Được biết, đó là đơn của Phó Tổng giám đốc – ông Nguyễn Minh An.
Ông Nguyễn Minh An có đơn xin được nghỉ việc tại Sabeco từ ngày 20/6/2018 với lý do bận việc riêng.
Theo công bố của Sabeco, trước đây, ông Nguyễn Minh An chính thức được Hội đồng quản trị Tổng công ty thông qua việc đề cử vị trí Phó Tổng giám đốc.
Thời điểm đó, ông Minh An cũng được giới thiệu tham gia Hội đồng quản trị Bia Sài Gòn – Khánh Hoà theo đề nghị của Chủ tịch Sabeco.
Biến động nhân sự tại Habeco
Theo nguồn tin của Dân trí, trên cơ sở đề xuất của Bộ phận đại diện vốn Nhà nước tại Habeco, Bộ Công Thương đã “xuôi” với phương án nhân sự mới.
Theo dự kiến, ông Trần Đình Thanh, hiện là ủy viên Hội đồng quản trị, Phó Tổng giám đốc được đề xuất sẽ thay ông Đỗ Xuân Hạ làm đại diện vốn Nhà nước và giới thiệu giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị Habeco nhiệm kỳ 2018-2023.
 
 
Đối với chiếc ghế quyền lực số 2 trong Hội đồng quản trị, nhân sự mới thay thế cho ông Nguyễn Hồng Linh chính là nhân vật được báo chí đề cập trong thời gian gần đây là ông Ngô Quế Lâm. Theo đó, ông Lâm sẽ làm đại diện vốn Nhà nước đồng thời được giới thiệu tham gia Hội đồng quản trị Habeco giữ chức Tổng giám đốc nhiệm kỳ 2018 – 2023.
Ông Phạm Nhật Vượng: Cứ xe tốt, giá hợp lý thì người dân sẽ mua
Tại ĐHĐCĐ diễn ra ngày 31-5, ông Phạm Nhật Vượng – Chủ tịch Tập đoàn Vingroup - Công ty CP cho biết định hướng của Vinfast sẽ là thị trường ô tô trong nước, không phải nước ngoài.
Cho biết dù hiện nay vẫn là tên tuổi mới trong lĩnh vực này song ông Vượng cho rằng khả năng thành công vẫn cao nếu công ty làm tốt.
Theo Chủ tịch Vingroup, ngay từ đầu Vinfast sẽ tập trung vào khâu chất lượng và đây sẽ là yếu tố để cạnh tranh với các thương hiệu khác.
“Tại Vinfast, mức độ tự động hóa rất cao, riêng xưởng hàn có tới 1.200 robot, hoàn toàn tự động, các công đoạn phức tạp khác cũng hoàn toàn tự động nên chất lượng xe sẽ rất tốt. Tôi cho rằng, cái quan trọng đầu tiên là chất lượng, tiếp đến là giá thành”, ông Vượng nói.
Đề cập tới chiến lược lâu dài, ông Vượng cho biết Vinfast tiến tới sẽ hướng đến việc xuất khẩu ra thị trường nước ngoài. Chủ tịch Vingroup cũng cho rằng người tiêu dùng thế giới “không hẳn chỉ quan tâm đến thương hiệu”, như ở Mỹ là một ví dụ. Ở nước này, cứ xe tốt, giá hợp lý thì người dân sẽ mua.
Đại gia Chu Thị Bình: Mất 250 tỷ đồng chuyện nhỏ, lo vụ lớn tỷ USD
Sau 2 năm có thể là đầy thất vọng, CTCP Tập đoàn thủy sản Minh Phú (MPC) của vợ chồng “vua tôm” Lê Văn Quang - Chu Thị Bình đã có một quyết định đảo chiều.
Theo đó, ngày 12-6 tới, DN này sẽ chốt danh sách cổ đông phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ từ nguồn vốn chủ sở hữu tỷ lệ 100%, tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu được nhận về 1 cổ phiếu mới. Thủy sản Minh Phú sẽ phát hành hơn 68,46 triệu cổ phiếu mới thưởng cho cổ đông (685 tỷ đồng theo mệnh giá). Đây là một phần trong kế hoạch tăng vốn từ 700 tỷ đồng hiện nay lên 2.000 tỷ đồng.
 
Trước đó, hồi cuối tháng 3/2017, Thủy sản Minh Phú đã chính thức hủy niêm yết tự nguyện tại Sở GDCK TP.HCM (HOSE) với mức giá đóng cửa khi đó là 122.000 đồng/cổ phiếu.
MPC đã mua lại cổ phiếu của các cổ đông để rút niêm yết với mục tiêu là để dễ dàng tìm đối tác chiến lược và tái cơ cấu tập đoàn, đảm bảo nguồn vốn để phát triển trong bối cảnh việc bán cổ phần cho đối tác nước ngoài do bị vướng quy định room ngoại ở mức 49%.
Sau một thời gian rời sàn, cổ phiếu MPC hiện có giá khoảng 70.000 đồng/cp, thấp hơn khá nhiều so với mức giá trước khi rời sàn.
Không những thế bà Chu Thị Bình, vợ ông Lê Văn Quang, gần đây còn dính vào vụ việc bị mất 245 tỷ đồng trong sổ tiết kiệm gửi tại Ngân hàng Eximbank.
Bà Bình hiện đang nắm giữ 17,47 triệu cổ phiếu của MPC, chiếm khoảng 24,96% vốn điều lệ của công ty, trị giá hơn 1,2 ngàn tỷ đồng.
Vợ Chủ tịch VPBank đăng ký mua 5 triệu cổ phiếu VPB
Bà Hoàng Anh Minh, vợ Chủ tịch HĐQT VPBank Ngô Chí Dũng vừa đăng ký mua thêm 5 triệu cổ phiếu của VPBank. Giao dịch được thực hiện bằng phương thức khớp lệnh trên sàn và dự kiến giao dịch từ ngày 1-6 đến 30-6.
Với mức giá gần 40.000 đồng/cổ phiếu, bà Hoàng Anh Minh sẽ cần chi khoảng 200 tỷ đồng để mua số cổ phần trên.
Hiện bà Hoàng Anh Minh sở hữu hơn 67,9 triệu cổ phiếu tương đương 4,324% vốn điều lệ của ngân hàng. Nếu giao dịch thành công, bà Minh sẽ nâng lượng cổ phiếu nắm giữ lên hơn 72,9 triệu cổ phiếu, chiếm tỷ lệ 4,642% vốn điều lệ VPBank.
Thế Hưng (Dantri)

Có thể bạn quan tâm

Xuất khẩu “về đích” sớm

Xuất khẩu “về đích” sớm

(GLO)- Năm 2024, Gia Lai đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 750 triệu USD. Với nhiều yếu tố thuận lợi như giá các mặt hàng nông sản chủ lực tăng cao, thị trường được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã “về đích” sớm trước 2 tháng.