Nữ nghệ nhân đất Đông Hồ

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Chị Nguyễn Thị Oanh khẳng định luôn tự hào về quê hương Kinh Bắc và dòng tranh dân gian Đông Hồ nên cùng con cháu sẽ tiếp tục làm tranh để giới thiệu với du khách khi đến Bắc Ninh.

Nghệ nhân Nguyễn Thị Oanh truyền nghề cho học trò
Nghệ nhân Nguyễn Thị Oanh truyền nghề cho học trò


"Hỡi cô thắt lưng bao xanh/Có về làng Mái với anh thì về/Làng Mái có lịch có lề/Có sông tắm mát có nghề làm tranh". Đó là câu ca xưa của làng Đông Hồ (xưa gọi là làng Mái) truyền lại.

Quyết gìn giữ di sản

Đông Hồ nằm sát bờ sông Đuống. Qua nhiều thế kỷ, 17 dòng họ quy tụ về làng. Vốn xưa tất cả đều làm tranh, bây giờ chỉ còn 2 gia đình nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế và Nguyễn Hữu Sam cùng con cháu là vẫn theo nghề này, quyết gìn giữ di sản tranh Đông Hồ.

Một ngày nắng vàng óng ả ở làng tranh Đông Hồ (thuộc xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh; cách thủ đô Hà Nội trên 35 km), chúng tôi đến nhà nghệ nhân Nguyễn Thị Oanh - con dâu nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam.

Chị Oanh sinh năm 1960, là nữ nghệ nhân duy nhất của dòng tranh làng Đông Hồ. Sinh ra trong gia đình có 4 chị em, chị lớn lên trong mùi thơm của hồ làm từ gạo nếp, ngủ ngon trong âm thanh giã nghiền vỏ điệp. Mê tranh từ nhỏ, đến năm lên 10, chị đã quen với cách tô màu tranh, thuộc từng khuôn in các loại tranh để biết tranh nào khuôn ấy, khuôn nào in trước, khuôn nào in sau.


 

Nghệ nhân Nguyễn Thị Oanh truyền nghề cho học trò
Nghệ nhân Nguyễn Thị Oanh truyền nghề cho học trò



Thấy chị yêu nghề, cha mẹ cho chị tô màu tranh từ dễ đến khó, bắt đầu từ màu vàng rồi mới đến các màu khác. Mỗi bức tranh, chị được hướng dẫn với nhiều công đoạn. Cách quét màu phải nhẹ nhàng, đều tay, sao cho màu thấm vào tranh không nhiều quá, không ít quá để bức tranh phẳng như lụa, màu không gồ ghề. Thường một bức tranh phải có 5 màu chủ đạo nên phải có 5 bản khắc, 5 lần in. Màu nhạt in trước, màu đậm in sau. Độ lệch các bản màu càng ít thì chất lượng tranh càng cao. In xong, mới in bản nét cuối cùng với đầy đủ các nét trong tranh (màu đen). Bản nét có nét to đậm, mềm mại bao quanh những mảng màu to bẹt, đồng bộ, tạo thành một đường viền làm bức tranh sắc nét. Khâu cuối cùng gọi là đồ tranh, tức là chấm sửa cho hoàn thiện.

 


Chị Nguyễn Thị Oanh bày tỏ niềm tin rằng tranh Đông Hồ sẽ còn mãi mãi được lưu truyền vì việc gìn giữ không chỉ nhằm bảo tồn nghề truyền thống của gia đình, của quê hương mà còn góp phần bảo lưu bản sắc độc đáo của văn hóa Việt Nam.
 


Nhanh mắt, nhanh tay lại chịu khó học nên dần dà chị cũng thực hành không mấy khó khăn. Nhìn chị làm tranh với dáng ngồi thẳng, 2 chân khoanh gọn, tay phải cầm chổi quết màu, tay trái giữ khuôn nhịp nhàng như diễn viên múa. Nét mặt chị an nhiên bình thản. Vừa làm, chị vừa nói chuyện, đôi tay vẫn quết màu, rải giấy, in tranh thoăn thoắt không ngừng. Tôi thoáng nghĩ có lẽ không cần nhìn, chị cũng làm rất thành thạo. Sau khi in một màu, chị lại đem phơi tranh cho khô rồi mới in màu khác.

Chị tâm sự: "Người phơi tranh sợ nhất là mưa và gió nên khi phơi phải canh thời tiết. Nếu bỗng nhiên mưa không kịp gom hoặc để gió cuốn tranh bay mất thì sẽ mất công và hỏng hết tranh".

Được làm dâu vì yêu nghề

Là con lớn trong gia đình nên học hết THCS, chị đã phải nghỉ học đi làm tranh cho hợp tác xã để lấy công điểm. Ngày công rất rẻ nhưng chị vẫn miệt mài làm nghề.

Thấy cô gái bé nhỏ, xinh đẹp, ngoan hiền lại thông minh khéo léo, nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam (lúc đó làm chủ nhiệm hợp tác xã) chú ý. Ông quan sát cô gái cần cù miệt mài làm tranh và lấy làm ưng ý. Ông bàn với vợ nhất định chấm cô gái này cho đứa con trai lớn. Chàng trai được cha mẹ ngắm cho cô gái xinh xắn, dễ thương thì cũng ưng thuận. Thế là họ thành vợ thành chồng rồi tình yêu mới nảy nở sau hôn nhân. Anh là cán bộ nhà nước nên hằng ngày đi làm ở cơ quan, chị ở nhà cùng gia đình chồng miệt mài làm tranh.


 

 Phơi tranh tại xưởng của nghệ nhân Nguyễn Thị Oanh
Phơi tranh tại xưởng của nghệ nhân Nguyễn Thị Oanh


Theo lời chị, tranh Đông Hồ đậm đà chất dân tộc. Tranh được tạo nên từ các chất liệu rất tự nhiên là cây cỏ, sản vật của vùng Kinh Bắc. Đó là vỏ cây dó làm nên giấy dó, chủ yếu do vùng núi của tỉnh Bắc Ninh cung cấp. Ở công đoạn bồi điệp cho giấy dó, gạo nếp thơm được giã nhuyễn, nấu lên thành hồ trộn với vỏ sò điệp giã nhuyễn, tạo ra thứ hồ đặc sánh. Nghệ nhân dùng chổi lá thông bồi điệp lên giấy dó rồi đem phơi khô. Lúc này gọi là giấy điệp. Với đặc tính chống ẩm, giấy dó giúp cho các tác phẩm nghệ thuật không bị ẩm mốc và có tuổi thọ tương đối cao.

Chị Oanh bật mí rằng màu sắc của tranh, của từng chi tiết trong bức tranh cũng được tạo ra rất phức tạp. Màu đen lấy từ tro của lá tre, màu vàng từ màu cây hoa hòe, màu xanh là của lá chàm, màu đỏ của sỏi son… Chính vì những màu sắc trong tranh là màu tự nhiên nên sau khi bức tranh khô, màu sắc vẫn tươi tắn như khi còn ướt.

Sáng tạo bản khắc mới

Dẫu không ít lúc thị trường khó khăn nhưng chị Oanh và các con vẫn tiếp nối nghề của cha ông. Năm 2016, trong chương trình "Âm vang miền quan họ’’ chị cũng có một bức tranh lớn được tôn vinh.

Ngoài các bản khắc cổ điển của cha ông, nghệ nhân Nguyễn Thị Oanh còn sáng tạo thêm một số bản khắc mới. Chị vẽ và con trai khắc thành mẫu để in tranh. Người con trai này nối nghề mẹ và cũng say mê tranh như ông nội, biết tạo ra nhiều bản khắc độc đáo. Cô con dâu xinh đẹp cũng phụ mẹ chồng làm tranh, lên khung tranh.

"Tuy các công đoạn kỹ thuật vẫn như xưa nhưng do sự thay đổi của thị hiếu thẩm mỹ và nhu cầu thưởng thức nên chất lượng của tranh Đông Hồ ngày càng được chú trọng hơn, đa dạng thể loại và xuất hiện nhiều tranh treo tường khổ lớn, có khung và mặt kính nên trông sang trọng. Bên cạnh đó là các bức tranh khổ nhỏ hoặc đóng thành quyển vở bằng giấy dó với nhiều kích cỡ khác nhau, có bìa là một bức tranh dân gian về dạy học. Ngoài ra còn có các bức điêu khắc dân gian được làm từ gỗ cây thị rất bền, dùng để treo tường, để ở gian thờ tự hoặc phòng khách. Các sản phẩm này có thể được du khách mua để làm kỷ niệm tặng bạn bè, người thân sau mỗi chuyến đi du lịch, rất phải chăng về giá cả" - chị nói và khẳng định trong lòng luôn tự hào về quê hương Kinh Bắc, tự hào về dòng tranh dân gian Đông Hồ nên cùng con cháu sẽ tiếp tục làm tranh để giới thiệu với du khách khi đến thăm Bắc Ninh.


Tiềm tàng những khát vọng

Tranh Đông Hồ có nhiều nhóm thể loại, như tranh lịch sử, tranh chúc tụng, tranh thờ tự, tranh sinh hoạt... Mỗi thể loại phản ánh mỗi chiều cạnh khác nhau của cuộc sống dân dã, trong đó tiềm tàng những tâm tư, tình cảm, tư duy và khát vọng của cư dân nông nghiệp vùng đồng bằng Bắc Bộ. Tuy làng tranh Đông Hồ có mai một nhưng nghề tranh vẫn còn.

Tôi ngắm nghía những bức tranh trên giấy điệp. Nào là bức tranh hứng dừa rồi đấu vật, cậu bé trên lưng trâu thổi sáo được cách điệu… bức nào cũng có màu sắc tươi vui. Màu vàng rộm lên như cánh đồng lúa chín tượng trưng cho sự no đủ; màu xanh như lũy tre làng đang đu đưa theo chiều gió; màu đỏ gấc như yếm thắm của các liền chị mùa trẩy hội.


Lưu Lan Phương (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Hun hút giữa mây ngàn

Hun hút giữa mây ngàn

Bám trường lớp ở những nóc heo hút, nhiều thầy cô giáo gần như gởi cả thanh xuân theo cuộc hành trình. Đầu tuần, những người trẻ lầm lụi ôm ba lô ngược núi. Họ như mất hút cho tới cuối tuần, mới có thể ra nơi có sóng điện thoại.

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Sau gần 30 năm đưa vào sử dụng, điểm trường Phú Quý thuộc Trường Tiểu học số 2 Bình Châu (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) hiện xuống cấp nghiêm trọng, tường bong tróc, nứt toác… chờ sập. Hàng trăm học sinh và giáo viên thấp thỏm, lo âu vừa học vừa run.

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.