Nữ lái xe đường Trường Sơn huyền thoại – Ngày ấy, bây giờ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Giữa thời điểm cả nước diễn ra nhiều hoạt động kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931 – 26/3/2021), rất nhiều đoàn viên, cựu đoàn viên ưu tú một thời cùng tìm về di tích nhà tù Hỏa Lò, Hà Nội, không chỉ để tham quan, mà còn là dịp để tìm lại những hồi ức đẹp đẽ về một thời thanh xuân sôi nổi.
Trong số đó có những vị khách đặc biệt – các cựu nữ lái xe trên đường Trường Sơn huyền thoại. Cùng với những hiện vật, hình ảnh được trưng bày, câu chuyện của các cựu nữ lái xe giúp khách tham quan không chỉ sâu sắc hơn về những trang sử hào hùng của đất nước mà còn tự hào hơn về các thế hệ cha anh, vững bước noi theo.
Cùng với các cựu đồng đội đi thăm di tích nhà tù Hỏa Lò, bà Nguyễn Thị Kim Quy cho biết, các thành viên trong nhóm đều là các cựu thanh niên xung phong, sau đó được chọn chuyển sang quân đội, tham gia phục vụ trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại. Đến nay, tất cả đều đã ngoài 70 tuổi nhưng những kỷ niệm, ký ức về thời thanh niên sôi nổi vẫn chưa bao giờ phai mờ.

Các cựu nữ lái xe Trường Sơn ôn lại kỷ niệm xưa cùng các đại biểu tham quan bảo tàng.
Các cựu nữ lái xe Trường Sơn ôn lại kỷ niệm xưa cùng các đại biểu tham quan bảo tàng.
“Ngày ấy, nhiều người trốn gia đình đi thanh niên xung phong. Tôi giấu bố mẹ, lĩnh quân tư trang về, gửi nhà bạn. Lúc chúng tôi lên xe, bố mẹ mới biết. Xe di chuyển, bố mẹ cứ chạy theo xe mà khóc… Nghe tin Binh trạm 12, Đoàn 559 tuyển nữ, tôi liền xung phong đi vào tuyến trong. Vào Trường Sơn từ năm 1968 đến năm 1970, chúng tôi chở súng, đạn, lương thực thực phẩm, vận chuyển thương binh, không nề hà bất cứ công việc. Lái xe chủ yếu đi đêm, ban ngày thì giấu xe mới được ngủ, nghỉ. Chúng tôi nhiều lần chạy xe qua ngã ba Đồng Lộc, Hà Tĩnh. Lần cuối cùng, các nữ thanh niên xung phong ở Đồng Lộc còn dặn: Các chị đi về nhớ mua quà cho chúng em!  Khi chúng tôi đánh xe quay trở về, chưa có quà thì nghe tin 10 cô đã hy sinh. Các cô ấy còn trẻ quá!”. Bà Nguyễn Thị Kim Quy nhớ lại.
Bà Dương Thị The cũng cho hay, bà đi thanh niên xung phong từ năm 1964, cũng trốn cha mẹ mà đi. Bố bà theo đến tận ga Từ Sơn, Bắc Ninh tìm. Bà phải chui trong đống chăn để trốn… 5 tháng sau, bà đi vào Trường Sơn.
Bà Lê Thị Hải Nhi thì kể, bà đi thanh niên xung phong năm 17 tuổi. Để thể hiện quyết tâm, bà lấy kim chọc vào đầu ngón tay, dùng máu viết đơn tình nguyện. Sau khoảng 1 năm lăn lộn cùng thanh niên xung phong tại Lào Cai, Yên Bái, bà được chuyển sang quân đội. “Được chuyển sang bộ đội, dù làm lái xe, chúng tôi cũng thấy rất vinh dự. Nhưng hoàn thành khóa học, về đơn vị rồi, đội nữ lái xe không được nhận nhiệm vụ ngay. Chúng tôi nhiều lần yêu cầu Chính trị viên lên đề xuất với chỉ huy. Nghe chỉ huy thông báo lại là lãnh đạo nói địch đang đánh ác liệt, rất dễ hy sinh, chưa cho nữ lái xe. Cả đội thấy vậy khóc lóc, đề nghị Trung đội trưởng đề xuất lãnh đạo tiếp thì được trả lời là con gái tóc dài thế kia thì lái thế nào? Nghe thế, tất cả bảo nhau cắt tóc ngắn. Sau đó ít lâu thì chúng tôi được nhận xe”, bà Lê Thị Hải Nhi nói.
Cũng theo bà Lê Thị Hải Nhi, tuổi trẻ, không ngại gian khổ, vất vả, nhưng với những nữ lái xe Trường Sơn ngày ấy, sự hy sinh của đồng đội vẫn luôn là những nỗi đau khó vượt qua nhất. Bà nhớ một lần lái xe chở 4 thương binh, trong đó có 1 người bị thương nặng rơi vào mê sảng. Đường xóc, vết thương nặng, họ quá đau. Không có thuốc giảm đau, họ yêu cầu bà hát. Thế là bà hát hết bài nọ sang bài kia, cả hát chèo, cả quan họ. Khi đến trạm giao liên, người lính bị thương nặng nhất đã mất… Có trường hợp, bà vừa nhận một người đồng hương, nói chuyện quê hương, ôm nhau hẹn ngày giải phóng. Xe di chuyển 1 đoạn thì nghe tiếng nổ lớn. Nghe xe trước báo lại là anh đã hy sinh. Bà vừa đi vừa khóc. Chiến trường ở phía trước, khóc, đau đớn thế nào cũng tiến về phía trước…
“Rừng rậm, vắt, muỗi, sốt rét, nhưng không ai nản chí. Lái xe ở Trường Sơn được cấp cho thùng lương khô. Rau vào rừng hái, có khi là quả khế, quá vả… Có thời gian dài không kiếm được rau xanh nên rất thèm. Gặp xe chở từ thực phẩm ngoài Bắc vào, được cho 1 buồng chuối xanh, bó rau muống, cả đội mừng không tả xiết, nấu nướng ăn uống như mở tiệc. Có đêm xe qua đoạn đường khó, tôi xuống dò đường, thấy đám lá mát mát dưới chân, ngắt lên nếm thử, phát hiện ra lá me chua đất, mừng quá, gọi nhau xuống hái, được một bọc to… Kham khổ thế nên tóc rụng nhiều. Tôi cuộn lại, giấu đi, sợ đồng đội nhìn thấy lại buồn” - bà Lê Thị Hải Nhi kể.
Chiến trường gian khổ, ác liệt nhưng cũng là nơi nảy nở và nuôi dưỡng nhiều mối tình đẹp. Chuyện tình của bà Nguyễn Thị Nguyệt Ánh và người chồng- ông Trần Công Thắng là trường hợp như thế. 
Bà Ánh kể, ngày ấy, ông và bà đều là thanh niên xung phong. Hò đối đáp là một thú vui phổ biến. Đơn vị bà có nhiều người hò rất giỏi. Ông và bà quý mến nhau qua những câu hò đối đáp. Năm 1968, bà về đội nữ lái xe Trường Sơn cũng là thời điểm ông sang Lào nhận công tác. 
Lúc lên đường, ông hò thay lời hẹn: “Đất tốt anh để trồng hành. Bao nhiêu thứ đẹp anh để dành lái xe”… Chiến tranh ác liệt, liên lạc cũng theo đó đứt đoạn. Năm 1972, bà cùng các đồng đội về Hà Nội nhận công tác mới. Sau đó, đội có dịp tham gia lễ duyệt binh tại Quảng trường Ba Đình. Thời điểm ấy, ông cũng về Hà Nội thăm nhà. Nghe người nhà nói ngoài Quảng trường có đội nữ lái xe Trường Sơn, vội chạy ra tìm. 2 người nên duyên, sống hạnh phúc đến bây giờ…
Được biết, cho đến ngày hoàn thành nhiệm vụ, đội nữ lái xe Trường Sơn là 1 trong số ít đơn vị bảo toàn trọn vẹn lực lượng. Đất nước thống nhất, các thành viên dần dần nối lại liên lạc, tổ chức các chuyến thăm lại chiến trường xưa, hỗ trợ, giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Đến nay, 10 người đã mất, chỉ còn lại 36 thành viên. Cuộc gặp gỡ tại di tích nhà tù Hỏa Lò cũng là dịp để mọi người nhớ về thời thanh xuân đã qua. Chia sẻ với chúng tôi, các cựu nữ lái xe Trường Sơn năm nào đều cho hay, họ tự hào vì đã được cống hiến tuổi trẻ của mình cho quê hương, đất nước.
N.Nguyễn (cand.vn)

Có thể bạn quan tâm

Lặng thầm nghề giám định pháp y

Lặng thầm nghề giám định pháp y

(GLO)- Trong hành trình phá án, đội ngũ bác sĩ và cán bộ giám định pháp y của Phòng Kỹ thuật hình sự (KTHS), Công an tỉnh Gia Lai đóng vai trò rất quan trọng. Tuy vất vả nhưng họ vẫn cần mẫn làm việc, góp phần đấu tranh phòng-chống tội phạm và giữ bình yên cuộc sống.

Đổi thay tích cực cho nghề nuôi biển: Tháo gỡ các nút thắt

Đổi thay tích cực cho nghề nuôi biển: Tháo gỡ các nút thắt

Với đường bờ biển dài, điều kiện tự nhiên thuận lợi, nguồn lợi thủy sản phong phú, Việt Nam sở hữu lợi thế lớn về nghề nuôi biển. Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành các chính sách nhằm tháo gỡ những nút thắt, phát huy tiềm năng, hướng tới mục tiêu phát triển nghề nuôi biển hiện đại, bền vững.

Bắt chồng giữa đại ngàn

Bắt chồng giữa đại ngàn

Nằm nép mình dưới chân núi Voi hùng vĩ, thôn Đarahoa hiện có hơn 340 hộ dân sinh sống, trong đó 80% là đồng bào dân tộc K’Ho. Không chỉ nổi bật bởi khung cảnh đại ngàn thơ mộng, Đarahoa còn gìn giữ một trong những phong tục đặc sắc bậc nhất của người K’Ho, tục "bắt chồng".

Những bưu tá mang báo Đảng tới vùng biên

Những bưu tá mang báo Đảng tới vùng biên

(GLO)- Trong thời đại mà mỗi người đều có smartphone, mạng xã hội nhảy số từng giây, vẫn có những người đều đặn chờ báo giấy để đọc từng mục, gạch từng dòng. Vì lẽ đó, ở xã vùng sâu, xã biên giới, bưu tá vẫn lặng lẽ mang báo Đảng đến tay các cán bộ cơ sở, đảng viên, người có uy tín...

Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân tặng giấy khen cho các nhà báo, phóng viên hoàn thành chuyến thăm, chúc Tết cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn DK1. Ảnh: N.Q

Tác nghiệp trên Nhà giàn DK1

(GLO)- Vượt qua hàng trăm hải lý để đến với Nhà giàn DK1 là một trải nghiệm không thể nào quên đối với người làm báo. Càng đặc biệt hơn đối với tôi khi đây là lần đầu tiên được đặt chân lên Nhà giàn DK1 tác nghiệp, để thấm thía thế nào là gian khó, thế nào là tự hào.

Nhớ thời làm báo trong kháng chiến

Nhớ thời làm báo trong kháng chiến

(GLO)- Trong kháng chiến, bên cạnh những người lính cầm súng chiến đấu còn có nhiều phóng viên chiến trường với “vũ khí” là chiếc máy ảnh, cuốn sổ tay, cây bút để ghi lại từng khoảnh khắc của lịch sử. Ông Nguyễn Đức Thanh và ông Lý Vĩnh Hoa là những nhà báo như vậy.

null