Lênh đênh trên lòng hồ Nam Ka

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Họ mưu sinh trên sông nước trong những ngôi nhà nổi lúp xúp và lênh đênh trên những mạn thuyền tròng trành. Trong cái lênh đênh vô định ấy có cả những cụ ông, cụ bà, hay những đứa trẻ ngày ngày gắn cuộc đời với sông nước cho cuộc mưu sinh. Họ chọn cuộc sống này, đơn giản như uống ngụm nước, ăn con cá vậy.
Đời du mục ở lòng hồ
Ở mảnh đất cao nguyên đầy nắng gió như Đắk Lắk lại có một làng chài quanh năm gắn mình với nghiệp đánh cá mưu sinh đến nay đã hơn 10 mùa rẫy. Họ là những con người không tên, không tuổi và đã quá quen bởi cuộc sống của họ là một thế giới khác lạ, tách biệt hẳn với nhịp sống sôi động ở giữa phố phường nhộn nhịp.
Trên con nước này có khoảng gần 30 chiếc thuyền, là 38 hộ dân sống bám víu vào nhau để qua ngày. Đây là một xóm chài nhỏ bé được thành lập vào năm 2009, khi một vài người dân các tỉnh miền Tây tìm đến con suối Đắk Hil thuộc địa bàn 2 xã Nam Ka và Krông Nô (huyện Lắk, Đắk Lắk) và rồi khi thủy điện buôn Tua Srah xây dựng trên địa phận xã Nam Ka, quá trình tích nước hồ chứa đã làm nước dâng lên, con suối Dak Hil vì thế mà như rộng thêm, lượng nước dồi dào khiến nơi đây tập trung nguồn cá rất lớn, từ đó xuất hiện “làng chài” này.

Vẻ đẹp của hồ Nam Ka lúc chiều tà.
Vẻ đẹp của hồ Nam Ka lúc chiều tà.
Những người ngược xuôi cao nguyên khi đi qua đây, ai cũng dễ dàng nhìn thấy những chiếc bè cũ kỹ nằm ngang dọc dưới chân cầu. Ở đó, có những con người đang gắn cuộc sống của mình với con thuyền, bến nước tìm kế mưu sinh hằng ngày. Chiều ngang qua hồ Nam Ka, nơi mấy chục con người trú ngụ trên sông, không gian vô cùng tĩnh lặng, thi thoảng chỉ nghe những tiếng rì rầm, bất chợt lao xao trên mặt sông càng làm cho khung cảnh xóm chài thêm lặng lẽ.
Cư dân ở đây đều là dân tứ xứ, cùng về cư ngụ một góc sông tạo thành xóm, sống bằng nghề chài lưới. Họ làm nhà trên mặt nước, bám vào các mom đá và sống bằng nghề đánh bắt thủy sản và nuôi cá lồng bè. Từ lâu suối Đắk Hil đã được mệnh danh là một trong những dòng sông có màu nước đẹp và có nhiều loại cá. Xóm chài nơi đây mưu sinh chủ yếu dựa vào đánh bắt cá trên sông. Mới đầu chỉ là đánh bắt, về sau, họ nhận thấy nơi đây không chỉ có nguồn cá dồi dào mà nước sâu, trong xanh rất thích hợp cho nghề nuôi cá nên quyết định dừng chân lập nghiệp.
Không mảnh đất cắm dùi, họ đóng thuyền, dựng nhà ngay trên mặt nước. Mỗi nhà rộng chừng 15-20 m2, nóc nhà lợp bằng tôn, xung quanh được phủ kín bằng bạt ni lông hoặc ván gỗ. Phía dưới sàn nhà sử dụng 9-10 thùng phuy nhựa bịt kín, buộc chặt vào nhau, thả dưới mặt nước để nhà luôn luôn nổi khi nước lên nước xuống rồi đóng neo cố định một chỗ.
Cứ 4-5 giờ chiều mỗi ngày, người dân nơi đây chèo thuyền ra xa thả lưới, đốt đèn đuổi cá đến tận đêm khuya, sáng sớm tinh mơ phải dậy gỡ cá cho kịp thương lái thu mua. Trung bình mỗi chuyến đánh bắt, người dân thu từ 10-15 kg cá, chủ yếu là lóc, cá bống, rô phi,.. mỗi tháng kiếm được 4-5 triệu đồng. Số tiền này một phần dùng cho sinh hoạt gia đình, phần còn lại đầu tư nuôi cá. Anh Dũng (35 tuổi, quê An Giang) cho biết: “Coi vậy chứ nghề này cũng bấp bênh lắm, ngày thường còn làm ăn được chứ mùa nắng nước cạn, mùa mưa gió bão không đánh được thì chỉ có đói. Miếng cơm manh áo gia đình chỉ trông chờ vào lồng cá nuôi quanh nhà, một đợt thu được vài chục triệu, trừ vốn ra, còn lại cũng đủ chi tiêu!”.
Theo lời anh Dũng, nhà nào đông lao động, nhiều vốn thì nuôi cả chục lồng cá, nhà nào không nào vốn ít thì nuôi vài lồng, như vậy cũng đủ ăn. Chị Phương (quê Vĩnh Long) cho biết, nuôi cá thì mỗi năm bán một lần, tùy vào từng loại. “Cứ đến đợt bán, thương lái tới tận nơi mua, bơm ôxi rồi chở xuống TP Hồ Chí Minh, đầu ra ổn định nên tôi và mọi yên tâm nuôi”. Thấy làm thuận lợi, nhiều người đưa thêm con cái, người thân lên đây làm ăn, lúc đầu vài hộ, đến nay đã trên 38 hộ.
Đứng trên cầu Nam Ka nhìn xuống, những chiếc lồng bè của các hộ dân nối dài, kề sát vào nhau như con trăn khổng lồ tựa sát vào bờ sông. Chiếc cầu này là con đường đi từ Đắk Lắk sang Lâm Đồng, nối liền với làng vạn này với các thương lái ngày ngày tìm đến mua cá đem đi nơi khác bán. “Những ngày vừa rồi dịch bệnh, thương lái cũng ít đến mua vì khó chuyên chở đi tiêu thụ ở các nơi khác. Bà con đánh bắt và nuôi cá lồng bè ở đây đều phải phơi khô chờ thương lái”, lão ngư có cái tên Tình tâm sự.

Những nhà nổi, lồng bè nuôi cá trên hồ Nam Ka.
Những nhà nổi, lồng bè nuôi cá trên hồ Nam Ka.
Xóm chài nằm lọt mình giữa bốn bề đồi núi, cách xa chợ vài chục cây số lại thêm công việc đánh cá buộc người dân suốt ngày dầm nước, không có thời gian, việc chợ búa chỉ trông chờ vào những chiếc xe máy chuyên chở lương thực, thức ăn, nước uống bán vào sáng sớm đi ngang qua đây. Người dân tranh thủ mua trữ, ai không có tiền thì ký nợ hoặc đổi cá. Có lúc nhờ người mua rồi đứng trên cầu dùng dây thả xuống các thuyền.
Mọi sinh hoạt trong gia đình gón gọn trong căn nhà chật hẹp, chỉ vừa chỗ ăn, ngủ, còn không gian giải trí cho gia đình hầu như không có. Lúc rãnh rỗi, người dân chèo thuyền sang các nhà bên trò chuyện tán gẫu cho đỡ buồn, cuộc sống của họ dường như tách biệt với thế giới hào nhoáng bên ngoài.
Bà Loan (quê Bến Tre) cho biết: “Nhiều lúc cũng thấy buồn, nhớ cuộc sống ở dưới quê hơn nhưng đi làm ăn mà, phải chấp nhận chứ biết sao giờ, ngày đầu mới lên buồn lắm, giờ thì đỡ rồi. Chỉ tội cho bọn trẻ cũng đều gắn bó với nơi ở nửa thuyền, nửa nhà này. Nhiều khi nhìn cuộc sống trên bờ tấp nập mà thèm, thương bọn nhỏ!”.
Điều mà cư dân xóm chài phải chấp nhận lâu nay đó là mọi sinh hoạt như tắm rửa, vệ sinh, giặt giũ, nuôi gia súc, gia cầm... đều diễn ra trên con nước này. Thậm chí chỉ cần múc nước lên và để cho lắng là có thể sử dụng làm nước ăn, uống.
Nguồn điện sinh hoạt đối với người dân nơi đây bấy lâu nay vẫn chỉ là mơ ước, vì không có hộ khẩu, vì không đảm bảo an toàn cho việc sử dụng điện ở dưới nước nên không có hệ thống lưới điện cung cấp cho cư dân xóm nổi này. Người dân phải dùng bình ắc quy, chạy máy nổ để sạc pin, thắp đèn, xem tivi, còn nấu nướng phải dùng củi.
Quanh năm trôi nổi trên con nước khiến nhiều em nhỏ bỏ học nửa chừng, phần vì trường xa, phần vì gia đình khó khăn. Một vài gia đình sợ con thất học nên đưa về quê, số khác gửi người quen cho con ra ngoài huyện học. Những đứa trẻ lên 3-4 tuổi đã biết bơi, nước da đen sạm, tóc cháy vàng vì nắng cao nguyên. Cuộc sống du mục lênh đênh trên sông nước, sự vất vả mưu sinh đã khiến họ chẳng mấy quan tâm đến việc gì khác ngoài chuyện kiếm sống qua ngày.
Những chông chênh chờ đợi
 Những ngày mưa bão như cuối năm 2020 vừa qua, sóng dội liên tục khiến những ngôi nhà nổi này trở nên chông chênh hơn. Tuy vậy, nhiều người vẫn quyết bám trụ mưu sinh vì quen cuộc sống sông nước, hơn nữa bao nhiêu tiền của đều đầu tư nuôi cá nên mọi người cố gắng bám trụ. Trầm ngâm, lão ngư cao tuổi, đã 8-9 mươi với nếp da đen ngăm nhưng đôi mắt sáng quắc.
Nhấp ngụm trà đã nguội và đắng ngắt, ông lão cười buồn: “Đời vạn chài như sống du mục, vì mưu sinh có mấy khi ở lâu một chỗ, cứ phải lăn lóc nay đây mai đó, trần mình để kiếm miếng ăn trong cuộc sống lúc nào cũng óc ách sóng nước dưới chân và gió ràn rạt thổi trên đầu. Cứ ở mãi dưới sông có lẽ nghèo mãi thôi, mà nếu có kéo nhau lên bờ biết làm gì để nuôi mình. Vạn chài chỉ gắn với sông nước, sống nhờ sông nước, nhiều khi ước ao được lên bờ nhưng vẫn mãi dở dang...”.
Trên mặt hồ buổi chiều ánh vàng lấp lánh, những lồng bè trông tạm bợ, dập dềnh theo sóng nước. Ông Đạt, một cư dân cho hay cả xóm này có trên 30 lồng cá lóc, riêng ông nuôi khoảng 2 lồng, mỗi năm thu chừng 4 tấn cá. Nuôi cá lóc lồng bè trên hồ Nam Ka là kiểu nuôi “con nhà nghèo”, vì không có tiền mua thức ăn chế biến săn theo kiểu công nghiệp nên các hộ ở đây phải nuôi bằng cá nhỏ đánh bắt trong tự nhiên.
Mấy năm nay, để cải thiện kinh tế và bán những loại thủy sản tự nuôi cũng như đánh bắt được, những hộ dân ở xóm chài này đã dựng lều, mang cá khô một nắng lên cầu Đắk Hil bán. Do thuận đường QL27, cá lóc nuôi ở đây mỗi lần xuất bán là có xe đưa lên Buôn Ma Thuột, hoặc sang Lâm Đồng, rồi tỏa đi các tỉnh. Một lượng cá được xẻ, ướp làm khô để bán lẻ.
Thấy có xe máy hay ô tô chầm chậm qua, những phụ nữ bán hàng ra sát mép đường vẫy tay mời gọi. Một xe khách dừng lại, hơn chục hành khách ùa xuống sà vào các quầy hàng. Một phụ nữ đứng tuổi tên Sáu đon đả: “Mua khô đi mấy cô chú, ở đây toàn là khô sạch, một con cá lóc to vầy nuôi cả năm mới đem xẻ thịt làm khô, hỏi sao thịt không chắc, thơm ngon cho được!”. Rồi cứ thế, tiếng mời chào, tiếng hỏi han, tiếng trả giá ríu ran trên sóng nước.

Thấy có xe máy hay ô tô chầm chậm qua, những phụ nữ bán hàng ra sát mép đường vẫy tay mời gọi.
Thấy có xe máy hay ô tô chầm chậm qua, những phụ nữ bán hàng ra sát mép đường vẫy tay mời gọi.
Tại đây, có hàng chục sạp hàng khô cá đủ các loại. Hai đầu cầu Đắk Hil là những chòi tạm bán khô cá. Treo trên mép mái tôn là những con cá khô lóc xẻ dọc đã bóc hết xương, dải thịt cá ươm mỡ óng ánh. Phía dưới sạp là rổ cá khô nhỏ như cá mương, cá lìm kìm... Con đường qua đây là QL 27, người xuôi sang Lâm Đồng, người ngược lên Buôn Ma Thuột cũng đông đúc và thấy cảnh chốn này rất đẹp nên thường dừng chân chụp ảnh. Người dân mang cá lên đây bán cũng là một cách để cải thiện và người đi đường cũng có thức quà mang về.
Chỉ trên một khoảnh mặt hồ nhưng ở đây có một cuộc sống khác hẳn với cuộc sống nhộn nhịp ở nhiều nơi khác. Họ lầm lũi và cần mẫn với cuộc mưu sinh. Xóm vạn đò chỉ đông vui, nhộn nhịp khi chiều xuống thế này, bởi khi ấy lũ trẻ đi học về, người lớn sau một ngày dong thuyền ngược xuôi kiếm sống cũng trở về neo bến để đón lũ nhỏ lên “nhà”, thả mấy con vịt nhốt cả ngày trên thuyền cho xuống bãi sông kiếm ăn, rồi nhóm lửa trên thuyền nấu bữa cơm chiều.
Phụ nữ, trẻ em lo tắm giặt, nấu nướng, đàn ông túm tụm lại trên một con thuyền chuyền tay nhau ly rượu. Với những người lênh đênh sông nước như họ thì khoảnh hồ rộng lớn này là nhà nhưng làm được bao nhiêu, ăn uống hết bấy nhiêu, chẳng lo nghĩ gì nhiều. Với họ, xóm chài này đã trở thành quê hương. Nhưng trong sâu thẳm suy nghĩ của bà con xóm chài này, ai cũng ao ước được lên bờ ổn định cuộc sống.
Sau hàng chục năm, giấc mơ ngày đầu mờ phai theo năm tháng. Bây giờ, họ chỉ mong được lên bờ lập nghiệp. Những hàng quán bán khô cá bên đường ấy vẫn chưa thể kéo làng chài ra khỏi sự túng quẫn, khó khăn. Nhìn những bè cá ọp ẹp, xiêu vẹo như muốn đổ nhào xuống mặt nước. Người lớn thì không nói làm gì nhưng còn lũ trẻ? Sống trên đò, mùa nắng thì còn lên bờ đi học được, mùa mưa lũ chỉ biết theo cha mẹ dạt vào khe núi, cồn bãi nào đó tránh mưa gió thì làm sao đến trường?
Bây giờ, họ ao ước được lên bờ. Thế mà, giấc mơ ấy vẫn xa xôi và mờ mịt như sương sớm núi rừng Tây Nguyên. Vì sống tạm cư trên lòng hồ nên 38 hộ dân ở đây chỉ được đăng ký tạm trú dài hạn chứ chưa được cấp hộ khẩu.
Ông Hồ Văn Anh, Chủ tịch UBND xã Krông Nô cho biết: “Xã thường xuyên cử cán bộ công an xuống nắm bắt tình hình, khuyên người dân không được kích điện bắt cá. Xã cũng đã nhiều lần động viên người dân lên bờ sinh sống, vừa đảm bảo an toàn tính mạng, vừa thuận tiện cho công tác quản lý trật tự địa phương. Tuy nhiên, vì còn rất nhiều khó khăn nên người dân hiện chưa muốn lên bờ!
Những năm qua, UBND xã cũng tạo điều kiện cho người dân ở làng chài về việc tạm trú, cấp giấy khai sinh cho trẻ em, được tham gia các hoạt động y tế, giáo dục của địa phương. Còn về đất tái định cư cho người dân làng chài cần phải đợi chủ trương, quy hoạch của cấp có thẩm quyền”.
Chiều muộn, mặt trời phủ xuống những ráng buồn. Từ trên cầu cách mặt hồ cả trăm mét, những ngôi nhà nổi trên lòng hồ đã đượm những làn khói lam bay ra lan tỏa trên mặt hồ buồn yên ả. Phía xa xa vẫn còn bóng dáng những ngư dân bắt cá lo bữa cơm cuối ngày. Trong cuộc mưu sinh, hình như đâu đó vẫn đọng lại tiếng thở dài...
Bùi Hữu Cường (cand.vn)

Có thể bạn quan tâm

Rừng cháy, người khát

Rừng cháy, người khát

Khô hạn kéo dài đang khiến rừng ở nhiều nơi tại các tỉnh Tây Nguyên và Nam Trung bộ bị cháy trụi, cùng với đó, người dân và cây trồng... khát khô. Nắng nóng gay gắt kéo dài cũng khiến mực nước kênh mương khô cạn, nhiều cánh rừng ở miền Tây đối mặt với nguy cơ cháy rất cao.
Về làng tương gần 200 năm danh tiếng

Về làng tương gần 200 năm danh tiếng

Làng nghề truyền thống tương nếp Úc Kỳ, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên đã có truyền thống gần 200 năm, tạo ra loại tương trứ danh, là một trong 10 đặc sản của tỉnh Thái Nguyên. Nghề tương đã mang lại cuộc sống ấm no cho người dân nơi đây.
Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng - kỳ 3: Có thực mới vực được đạo

Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng - kỳ 3: Có thực mới vực được đạo

Mổ xẻ nguyên nhân người giữ rừng bỏ việc, các ngành chức năng đều nhận thấy cốt lõi bởi trách nhiệm cao nhưng đồng lương bèo bọt. Có trường hợp xin từ chức, xuống chức mặc dù chưa tới tuổi nghỉ hưu. Trong khi, nguồn tuyển không có dù chủ rừng đã hạ tiêu chuẩn, chỉ cần tốt nghiệp THPT.
Vì những cánh rừng bình yên

Vì những cánh rừng bình yên

Đam mê từ những chuyến đi và tình yêu với màu xanh thiên nhiên, cô gái trẻ Lê Thị Lan Anh (SN 1996) quê Quảng Bình đã tìm về miền núi Nam Tây Nguyên, nơi có những cánh rừng già bạt ngàn để thực hiện những khát khao, hoài bão của tuổi trẻ.
Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng

Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng

Cuộc chiến bảo vệ rừng xanh đang nóng lên từng ngày, đặc biệt là Đắk Lắk - “lá phổi xanh” của cả nước. Lâm tặc ngày càng manh động, sẵn sàng chống trả người giữ rừng bằng vũ khí nóng. Máu người giữ rừng đã đổ, thậm chí có người đã mất mạng, trong khi chế độ, chính sách cho họ chưa tương xứng…
Nơi biên giới có vườn địa đàng

Nơi biên giới có vườn địa đàng

Giữa bạt ngàn mây trắng ấy, ngôi làng thiên đường hiện ra nhỏ bé mà bừng sáng và chỉ cần một cái với tay là đã có thể chạm tới được trời cao. Ngôi làng ấy vẫn nguyên thủy bản thể như thế bất chấp làn sóng hiện đại đã phủ xuống khắp nơi.