Trong những tháng đầu năm 2016, ngành Nông nghiệp và PTNT đã phải ứng phó với rất nhiều tình huống cấp bách về thiên tai.
Người dân huyện Chư Pưh (Gia Lai) thu hoạch vớt vát diện tích lúa Đông Xuân bị ảnh hưởng bởi nắng hạn. |
Do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino và biến đổi khí hậu, tình hình thời tiết, thiên tai những tháng đầu năm 2016 diễn biến bất thường và cực đoan, gây hậu quả nặng nề.
Hạn hán, xâm nhập mặn kéo dài đã làm khoảng gần 300.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt; gần 250.000 ha lúa, hơn 18.000 ha hoa màu, hơn 30.000 ha cây ăn quả, gần 150.000 ha cây công nghiệp bị thiệt hại, sản lượng lúa giảm khoảng 844.000 tấn...
Tính đến ngày 20-5, ước khoảng 1.355 con gia súc, gia cầm bị chết và hàng nghìn con khác đang thiếu nước uống; ước khoảng 6.857 ha nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại.
Tính đến giữa tháng 5-2016, tổng thiệt hại trên phạm vi cả nước vào khoảng 9.735 tỷ đồng (thiệt hại do rét đậm, rét hại là 700 tỷ đồng, thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn là 8.906 tỷ đồng, thiệt hại do giông, lốc, sét, mưa đá là 129 tỷ đồng).
Nhìn chung, tình hình sản xuất hầu hết các lĩnh vực trồng trọt, nuôi trồng thủy sản đều suy giảm nghiêm trọng về sản lượng và diện tích nuôi trồng. Theo báo cáo của Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và PTNT), tại vụ lúa Đông Xuân, diện tích cả nước ước đạt 3,1 triệu ha, năng suất ước đạt 64,2 tạ/ha, sản lượng ước đạt 19,9 triệu tấn, giảm khoảng 844.000 tấn so với vụ Đông Xuân trước.
Tại miền Bắc, tính đến ngày 15-5, diện tích lúa Đông Xuân khoảng 1,15 triệu ha, bằng 99 % so với cùng kỳ năm trước; năng suất ước đạt 62,5 tạ/ha (tăng 0,5 tạ/ha); sản lượng ước đạt 7,3 triệu tấn, tăng khoảng 30.000 tấn so với vụ trước. Miền Nam đã thu hoạch được gần 1,83 triệu ha lúa Đông Xuân, đạt 95,3% diện tích gieo cấy và bằng 95,5% so với cùng kỳ năm trước. Tổng diện tích tại phía Nam đạt khoảng 1,9 triệu ha, (giảm 15.000 ha); năng suất đạt 65,1 tạ/ha (giảm 4 tạ/ha); sản lượng đạt 12,6 triệu tấn (giảm 874.000 tấn so với vụ Đông Xuân năm trước).
Đáng lưu ý, các địa phương xuống giống lúa Hè Thu đạt hơn 1.000 ha, giảm 17,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó vùng đồng bằng sông Cửu Long đạt 959.200 ha, giảm 18,3%.
Nhìn chung, nhiều địa phương ở miền Nam có tiến độ xuống giống lúa Hè Thu chậm so với cùng kỳ năm trước, một phần do ảnh hưởng của nắng hạn và tình trạng nhiễm mặn kéo dài.
Tương tự, ngành thủy sản cũng đang quyết liệt chỉ đạo các địa phương theo dõi diễn biến thời tiết và môi trường, khi đã đủ điều kiện để nuôi thì nên thả giống lớn để tránh bị chết và bảo đảm thời vụ phù hợp.
Tổng cục Thủy sản đã cử đoàn công tác trực tiếp tới đồng bằng sông Cửu Long, mỗi tỉnh có 1 cán bộ nằm vùng trực tiếp chỉ đạo. Đồng thời, hướng dẫn các địa phương ven biển từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên-Huế triển khai tốt các biện pháp cấp bách, chính sách hỗ trợ ứng phó với tình trạng hải sản chết bất thường, nhanh chóng phục hồi hoạt động nuôi trồng thủy sản, bảo đảm tiêu thụ, sớm ổn định đời sống người dân.
Theo Chinhphu.vn