Nỗ lực khắc phục hậu quả hạn hán

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nắng hạn kéo dài đã gây ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất và đời sống của người dân huyện Ia Pa. Hiện tại, cấp ủy, chính quyền huyện đang rốt ráo giúp người dân khôi phục sản xuất và ổn định cuộc sống.

   Nạo vét cống dẫn nước và hạ đầu hút trạm bơm Ia Kdăm. Ảnh: T.Đ
Nạo vét cống dẫn nước và hạ đầu hút trạm bơm Ia Kdăm. Ảnh: T.Đ

Từ trung tuần tháng 11-2015 đến nay, trên địa bàn huyện Ia Pa nắng hạn gay gắt, thời tiết khô hanh làm cho lượng nước bốc hơi nhanh. Mực nước trên sông Ba, sông Tul xuống thấp kỷ lục, còn các suối và ao hồ bị cạn khô, trơ đáy. Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Ia Pa, đến thời điểm hiện tại, diện tích cây trồng của 9/9 xã trên địa bàn huyện đã bị ảnh hưởng nặng nề của hạn hán, đặc biệt là đối với cây trồng cạn sản xuất dựa vào nước trời. Qua kiểm tra, tổng diện tích cây trồng bị thiệt hại do hạn hán là 3.083 ha. Một phần nguyên nhân khiến thiệt hại do nắng hạn tăng lên là do vào thời điểm cuối tháng 3 vừa qua trên địa bàn huyện có 2 cơn mưa vừa, tuy chưa đủ nước cho sản xuất, nhưng bà con nông dân đã vội vàng xuống giống cây trồng cạn, bất chấp khuyến cáo của chính quyền và ngành chuyên môn. Liền sau đó trời tiếp tục nắng hạn kéo dài, không còn nước để tưới, do đó diện tích cây trồng cạn như mía, mì tiếp tục bị ảnh hưởng, diện tích lúa gieo sạ muộn không đủ nước tưới đã giảm năng suất, số diện tích mất trắng tăng cao. Trong đó, diện tích lúa 88,7 ha, điều 97,5 ha, cây trồng ngắn ngày là 1.968 ha… Ước tính tổng thiệt hại do hạn hán gây ra tới thời điển hiện tại là gần 28 tỷ đồng.

Nắng hạn vẫn đang diễn ra gay gắt trên địa bàn huyện. Hầu hết các cánh đồng, rẫy mía đang khô khốc, tỷ lệ mía con chết khô, chết gốc, hoặc không lên mầm được sau vụ thu hoạch vừa rồi quá nhiều khiến người dân vô cùng lo lắng cho năng suất và sản lượng vụ ép tới sẽ bị sụt giảm nghiêm trọng. Ông Ngô Văn Sơn-công chức Văn phòng Thống kê xã Pờ Tó cho hay, tổng diện tích mía bị thiệt hại trên địa bàn xã đã lên đến trên 1.000 ha. Rất nhiều người dân đã buộc phải cày bỏ ruộng mía để chuyển qua trồng mì với hy vọng cây mì sẽ chống chịu nắng hạn tốt hơn.

Trong khi đó, chính quyền và cơ quan chuyên môn khuyến cáo người dân tạm thời chưa xuống giống để chờ có mưa to. Tuy nhiên, có vẻ như người dân đã quá sốt ruột với mùa vụ. Tại nhiều xã như: Pờ Tó, Chư Răng, Kim Tân, Ia Kdăm, Chư Mố… người dân đã bắt đầu trồng mì. Nếu trong vòng 1 tháng tới trời không có mưa to thì khả năng hom mì sẽ chết khô dẫn đến bị mất giống.

Nắng hạn còn làm cho 496 giếng nước bị khô cạn (trong đó, hộ gia đình là 485 giếng, trường học 9 giếng, trạm y tế 2 giếng). Tuy nhiên, theo ông Lữ Phúc Phong-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Ia Pa, người dân đã chủ động lấy nước sinh hoạt từ các giếng lân cận và các sông suối trên địa bàn để sử dụng nên tình hình thiếu nước sinh hoạt chưa đến mức báo động.  

Để giúp người dân khắc phục hậu quả hạn hán, khôi phục sản xuất và ổn định cuộc sống, UBND huyện đã chỉ đạo các xã, hợp tác xã nông nghiệp, các tổ dịch vụ thủy nông chủ động kinh phí để triển khai các biện pháp chống hạn cho cây trồng như: đắp đập, đào hồ trữ nước, khoan giếng trên ruộng, tăng cường tưới luân phiên vào cả giờ cao điểm… Nhờ đó đã hạn chế thấp nhất thiệt hại xảy ra đối với cây lúa nước. Cùng với đó, UBND huyện phân bổ 461 triệu đồng được UBND tỉnh cấp để hỗ trợ nạo vét kênh dẫn, bể hút ở các trạm bơm điện, đắp đập, đào hồ trữ nước trạm bơm điện Kim Tân 2, gia công lắp đặt tấm thép chắn nước và gia cố đường tràn qua làng Du (xã Chư Răng).

Đối với nước sinh hoạt của dân, UBND huyện đã tiếp nhận 11 bồn nước do Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cấp hỗ trợ để bố trí cho các điểm thiếu nước sinh hoạt gay gắt. Theo đó, có 3 bồn tại xã Chư Mố bố trí ở Trường Mẫu giáo Vành Khuyên, Trường Tiểu học Nay Der, Trạm Y tế xã; 2 bồn tại xã Chư Răng bố trí ở Trường Tiểu học Võ Thị Sáu và làng Du; 5 bồn tại xã Ia Tul bố trí ở Trạm Y tế xã, buôn Tơ Khế, buôn Blanh; 1 bồn tại xã Kim Tân bố trí ở Trường Mầm non 1-6. Huyện ủy đã chỉ đạo Ban Chỉ huy Quân sự huyện phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh bố trí xe bồn chở nước về cấp cho các bồn chứa tại các cụm nói trên giúp giải cơn khát kịp thời cho người dân. Cùng với đó, UBND huyện đã liên hệ với Công ty TNHH một thành viên Thành Thành Công Gia Lai chở nước tinh khiết về cấp cho người dân các làng khó khăn về nước uống giúp giải cơn khát tức thời cho người dân.

Bên cạnh đó, để giúp người dân khôi phục sản xuất trong vụ mùa tới, UBND huyện đã có văn bản kiến nghị UBND tỉnh hỗ trợ giống cây trồng theo chính sách của Chính phủ với tổng số tiền 2,4 tỷ đồng theo hình thức hỗ trợ bằng hạt giống cây trồng theo nguyện vọng của nông dân.

Trần Đức

Có thể bạn quan tâm

Thu tiền tỷ từ cà phê chất lượng cao

Thu tiền tỷ từ cà phê chất lượng cao

(GLO)- Hơn 30 năm gắn bó với vùng cao nguyên đất đỏ, ông Huỳnh Đức Xuyến (320 Nguyễn Huệ, thị trấn Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) đã trải qua bao thăng trầm cùng cây cà phê. Chính từ sự kiên trì cùng với việc chọn hướng đi phù hợp, ông đã nhận được “quả ngọt” từ loại cây công nghiệp này.

Gồng mình chống hạn

Gồng mình chống hạn

(GLO)- Nắng nóng kéo dài khiến nhiều công trình thủy lợi, ao hồ, đập dâng, sông suối trên địa bàn tỉnh Gia Lai cạn nước. Tình trạng này khiến nhiều diện tích cây trồng, nhất là cây công nghiệp dài ngày đang đối mặt với nguy cơ thiếu nước tưới, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng vườn cây.