Nóng nghề viết hồi ký cho người già

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Không phải là các nghệ sĩ, chính khách, người nổi tiếng..., bất cứ ai nếu muốn đều có thể xuất bản một cuốn hồi ký. Dịch vụ viết hồi ký bắt đầu phổ biến từ mấy năm nay. Nhóm khách là người già chiếm đa số, những người trẻ phần vì cuộc đời chưa có mấy chuyện để tổng kết, phần khác, họ thường thích tự viết hơn là nhờ người khác.

Thị trường có nhu cầu rất lớn!

Đây là tổng kết của một nhà văn giấu tên, người từng có kinh nghiệm chấp bút hồi ký cho một số nghệ sĩ nổi tiếng. Người này cho biết, sau khi phong trào hồi ký lan rộng, rất nhiều người bình thường cũng tìm đến nhờ chị viết giúp “một cuốn sách về cuộc đời”. Các đơn hàng liên tục đến mức chị đã tính mở hẳn một fanpage chuyên nhận viết hồi ký thuê.

Đơn vị tiên phong trong dịch vụ viết hồi ký cho người già ở Hà Nội phải kể đến HASU. CEO Ngô Thùy Anh của HASU chia sẻ, ý tưởng viết hồi ký cho người cao tuổi cô học từ ông ngoại. Trước khi qua đời, ông đã dành khá nhiều thời gian và tâm huyết để viết lại câu chuyện cuộc đời mình, từ thuở ấu thơ, cho tới khi nhập ngũ, trở thành sĩ quan quân đội, và cả mối tình của ông bà lẫn những kỷ niệm của ông với các con, cháu. Cuốn hồi ký giản dị này đã khiến các thành viên trong đại gia đình Thùy Anh, nhất là những người thuộc thế hệ thứ hai, thứ ba... thêm hiểu, yêu thương và kính trọng ông hơn.

Bà Vũ Thị Tươi khoe cuốn hồi ký của mình.

Bà Vũ Thị Tươi khoe cuốn hồi ký của mình.

Từ câu chuyện của ông, Thùy Anh nảy ra ý tưởng làm dịch vụ viết hồi ký giúp những người già, bởi mỗi gia đình đều có những câu chuyện kể lại, như một sợi dây để gắn kết các thế hệ. Qua khảo sát cô càng thêm vững tin vào lựa chọn của mình, bởi nhu cầu viết hồi ký thì lớn, trong khi không phải ai cũng có khả năng viết, tổ chức bản thảo hay xuất bản một cuốn sách.

Một khách hàng của HASU, bà Vũ Thị Tươi, nhân vật chính trong cuốn hồi ký “Chân cứng đá mềm” cho biết, đây là món quà các con bà dành tặng mẹ khi bà bước sang tuổi 80. “Tôi xúc động lắm, món quà thật ý nghĩa. Đọc lại cuốn hồi ký tôi như sống lại những năm tháng thanh xuân của mình, cả những quãng rất khó khăn vì mưa bom bão đạn. Có nhiều khi mình kể chuyện các cháu nó bảo xưa rồi, nhưng viết ra sách, chúng nó chủ động đọc thì lại hỏi đủ thứ chuyện. Bạn tôi bảo, cuốn hồi ký như một dạng gia phả của gia đình, nhiều người bạn còn hỏi tôi thủ tục đăng ký làm hồi ký”.

Giới thiệu với khách hàng mới sản phẩm hồi ký cho người già.
Giới thiệu với khách hàng mới sản phẩm hồi ký cho người già.

Chị Trần Thanh Nga, một khách hàng của dịch vụ viết hồi ký cho người già chia sẻ: “Khi mẹ của bạn tôi khoe bà có một cuốn hồi ký do con cháu hiếu kính, mẹ tôi đã rất ao ước. Mẹ không phải là một phụ nữ được gọi là thành đạt hay nổi tiếng như tiêu chuẩn chung của những nhân vật hồi ký trong văn học nên chưa bao giờ nghĩ mình có thể tự xuất bản một cuốn sách về bản thân. Tôi tìm hiểu thì được biết, khách đặt dịch vụ hồi ký hầu hết đều là con cháu đặt cho bố mẹ, ông bà. Có người đặt viết cả về những người thân đã khuất. Thế là tôi cũng đặt cho mẹ mình. Cuốn sách hơn 200 trang có cả ảnh, in đẹp giờ trở thành cuốn album gối đầu giường của mẹ. Mỗi con, cháu được phát một cuốn. Mẹ tôi còn đem khoe cuốn sách ở các hội hè nơi bà sinh hoạt. Nghe đâu các cụ giờ đua nhau làm hồi ký, rất vui”.

Được biết, không có giá chung cho các cuốn hồi ký. Tùy vào độ dài ngắn của câu chuyện, số lượng ảnh in kèm và các dịch vụ kèm theo như thu âm thành podcast, chế bản dạng file mềm để tiện gửi cho người thân ở xa... mà giá của một cuốn hồi ký có thể dao động từ 15 triệu đồng trở lên. Thời gian để hoàn thành một cuốn hồi ký kéo dài từ 3 – 7 tuần.

Sau khi dịch vụ viết hồi ký của HASU được chào đón, một số cá nhân, tập thể cũng đã đi theo hướng khai thác này. Ngoài hồi ký dạng sách, hiện có cả hồi ký dạng web, phim ngắn.

Dịch vụ viết hồi ký nở rộ cả trong kỳ đại dịch
Dịch vụ viết hồi ký nở rộ cả trong kỳ đại dịch

Nghề mới cho những người thích viết

Công việc viết hồi ký thực chất khá giống với việc thực hiện một tác phẩm báo chí. Đầu tiên, những người chấp bút phải dành thời gian để phỏng vấn, mà thực chất là gợi chuyện nhân vật. Rất nhiều người cao tuổi thường ngại chia sẻ hoặc không có kỹ năng kể chuyện. Chưa kể, trí nhớ người già là một rào cản để câu chuyện có thể liền mạch. Không thiếu trường hợp, các chi tiết của chuyện hoàn toàn phi logic, và nếu là người phỏng vấn không có kinh nghiệm thì rất khó để chắp nối và xác thực tính hợp lý của mạch kể.

Nhiệm vụ của người phỏng vấn cũng thường kèm với việc tư vấn ý tưởng, đưa ra phong cách, hướng đi cho cuốn sách. Bởi nếu không làm tốt điều này, các cuốn hồi ký có xu hướng giống nhau sẽ không thể thu hút được những khách hàng tiếp theo. Điều quan trọng nhất của nghề viết hồi ký là phải cá nhân hóa được nội dung câu chuyện để vừa làm hài lòng khách hàng vừa có một sản phẩm “đọc được”.

“Mình từng phải bỏ gần 20.000 chữ gỡ băng vì sau khi nghe thử, con gái cả của nhân vật nói rằng, những gì cụ kể là thiếu chính xác và hoàn toàn đảo lộn về mặt thời gian. Về sau mình mới biết, cụ đã lẫn, có nhiều khi chuyện đời người khác cụ lại tưởng là đời mình. Về sau, mỗi lần nói chuyện, con gái cụ lại phải ngồi cùng để thông ngôn. Bản thảo ra, chúng mình còn phải cho chị em họ của cụ và ban chính trị của đơn vị cụ kiểm tra lại. Mặc dù sách không phát hành rộng rãi nhưng tính xác thực thì vẫn phải đảm bảo, nhất là những câu chuyện liên quan đến quân đội, nhà nước vv...”, biên tập viên Hoàng Anh, người từng có kinh nghiệm làm hơn 30 cuốn hồi ký chia sẻ.

Theo Hoàng Anh, việc phỏng vấn chiếm tới hơn nửa sự thành công của cuốn hồi ký. Người có kinh nghiệm sẽ “đào” được từ các cụ nhiều câu chuyện hay, có chi tiết đắt giá. Giống một bài báo, hồi ký sẽ hấp dẫn, dễ đọc và “cuốn” hơn nếu có nhiều chi tiết, câu chuyện. Song song với quá trình lắng nghe, người phỏng vấn cũng cần có kinh nghiệm “bẻ lái” khi các cụ kể lan man hoặc sa vào luận đề “giống như phát biểu của nhiều ông quan”.

Bước tiếp theo sau phỏng vấn là gỡ băng và viết. Người càng có kỹ năng viết thành thạo càng có nhiều cơ hội được chọn. Một số người sau khi chấp bút thì thường được khách hàng yêu cầu: phải là tác giả này làm cho tôi! Một cựu nhà báo hiện đã chuyển hẳn nghề viết hồi ký thuê cho biết, nếu trung bình một tháng hoàn thành một cuốn hồi ký 200 trang thì thu nhập có thể tương đương với công việc làm báo, nhưng được lợi hơn là giờ giấc lại tự do, không bị áp lực phải chạy đua với thời gian.

Bước cuối cùng để một cuốn hồi ký ra đời là chế bản và in ấn. Thường các dịch vụ viết hồi ký đều rất chú ý đầu tư vào mảng này. Một cuốn sách được trình bày đẹp, chỉn chu không chỉ đáp ứng nhu cầu khách hàng, còn là ví dụ để đem chào hàng tốt nhất.

Trịnh Văn Mười, sinh viên báo chí mới tốt nghiệp Học viện Báo chí cho biết: “Tôi quyết định sẽ đi sâu vào con đường viết hồi ký chứ không làm báo nữa. Theo như tôi tìm hiểu, đây là một thị trường hứa hẹn, ở nước ngoài rất được hoan nghênh. Việc làm tốt một cuốn hồi ký sẽ là mở đầu để bạn có thể làm tốt những cuốn sách của mình trong tương lai”.

Được biết, dịch vụ viết hồi ký hiện đã được chị Ngô Thùy Anh mở rộng sang thị trường nước ngoài với tên gọi Memory Love Books và đã nhận được không ít đơn hàng (dù giá ở nước ngoài đang cao gấp khoảng 4 lần tại Việt Nam). Một điều thú vị nữa, vị CEO này tiết lộ: “Trên thực tế thì tất cả khách hàng đăng ký dịch vụ của chúng tôi không có một ai hỏi lại về giá, vì họ đều hiểu có những thứ khi thời gian qua đi, thì tiền không mua lại được".

Có thể bạn quan tâm

'Báu vật' của làng

'Báu vật' của làng

Hàng chục cây kơ nia trăm năm tuổi được người dân ở Bình Định ví như 'báu vật' được bảo vệ qua nhiều thế hệ. Địa phương đang lập hồ sơ đề nghị công nhận rừng kơ nia này thành rừng cây di sản VN.

Trường Sa: Vững vàng nơi đầu sóng - Kỳ IV: “Điểm tựa” cho ngư dân vươn khơi bám biển

Trường Sa: Vững vàng nơi đầu sóng - Kỳ IV: “Điểm tựa” cho ngư dân vươn khơi bám biển

Cùng với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền và bảo đảm an ninh trên biển, thời gian qua, công tác dân vận luôn được cán bộ, chiến sĩ trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa quan tâm triển khai hiệu quả, thực sự trở thành “điểm tựa” vững chắc để ngư dân an tâm vươn khơi bám biển.

Chuyện những người đam mê đờn ca tài tử

Chuyện những người đam mê đờn ca tài tử

(GLO)- Ở một “sân khấu” nhỏ trong căn nhà tại tổ 2 (phường Sông Bờ, thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai), những bài ca cổ vào thập niên 80-90 của thế kỷ trước vẫn thường xuyên được cất lên bởi những người đam mê loại hình nghệ thuật dân gian đặc trưng vùng Nam Bộ.

Thung lũng Ia Drăng: Ngày ấy, bây giờ

Thung lũng Ia Drăng: Ngày ấy, bây giờ

(GLO)- Nói đến thung lũng Ia Drăng, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến nơi ghi dấu trận thắng Mỹ đầu tiên của quân và dân ta ở Tây Nguyên. Nửa thế kỷ sau ngày đất nước thống nhất, vùng chiến địa năm xưa đang từng ngày “thay da, đổi thịt”.

Vững niềm tin chiến thắng

Vững niềm tin chiến thắng

(GLO)- Với niềm tin chiến thắng, những thầy thuốc kiên trung đã vượt mọi gian khổ, hy sinh cho đến ngày thống nhất đất nước. Trong tháng Tư lịch sử này, nhớ lại những năm tháng cống hiến sức trẻ vì độc lập, tự do của Tổ quốc, ai cũng xúc động xen lẫn tự hào.

Những người trẻ dân tộc thiểu số đong đầy tình yêu buôn làng-Kỳ 1: Bệ phóng cho những ước mơ

E-magazineNhững người trẻ dân tộc thiểu số đong đầy tình yêu buôn làng-Kỳ 1: Bệ phóng cho những ước mơ

(GLO)- Đồng hành cùng sự sáng tạo, đổi mới của người trẻ, các tổ chức Đoàn-Hội trên địa bàn tỉnh Gia Lai không chỉ là điểm tựa vững chắc mà còn trở thành bệ phóng, giúp họ tự tin bứt phá, vượt qua giới hạn bản thân và lan tỏa giá trị văn hóa dân tộc sâu rộng trong cộng đồng.

Kỳ tích cao su vươn mình trên xứ sở Angko - Kampong Thom: Kỳ cuối-Đời sống người lao động ngày càng nâng cao

Cao su vươn mình trên xứ sở Angkor - Kampong Thom: Kỳ cuối - Đời sống người lao động ngày càng nâng cao

(GLO)- Bên cạnh xây dựng tổ chức Đảng vững mạnh, phát triển sản xuất kinh doanh, Đảng ủy, Ban Giám đốc Công ty cổ phần Cao su Chư Sê - Kampong Thom luôn quan tâm cải thiện đời sống cho hơn 3.300 lao động tại Campuchia với thu nhập bình quân 10 triệu đồng/tháng.