Nông dân gặp khó vì giá vật tư nông nghiệp tăng cao

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Hiện nay, nông dân các địa phương trong tỉnh Gia Lai đang làm đất, chuẩn bị giống, vật tự nông nghiệp để gieo trồng vụ mùa 2022. Tuy nhiên, giá các loại phân bón và vật tư nông nghiệp liên tục tăng cao đã gây áp lực đến kế hoạch sản xuất của bà con.

Giá phân bón tăng “phi mã”

Hai năm trở lại đây, giá các loại phân bón trên thị trường liên tục tăng cao đã gây áp lực lớn đến đời sống, sản xuất của nhiều nông dân trong tỉnh. Qua khảo sát tại một số cơ sở kinh doanh phân bón cho thấy, giá hầu hết các loại phân bón vô cơ đều tăng nhiều lần so với cùng kỳ năm 2021. Cụ thể, giá phân urê Phú Mỹ đang ở mức 880 ngàn đồng/bao loại 50 kg, tăng hơn 2,44 lần; kali 850 ngàn đồng/bao, tăng hơn 2,42 lần; đạm SA 460 ngàn đồng/bao, tăng hơn 2,4 lần; NPK Korea 880 ngàn đồng/bao, tăng gần gấp đôi... Theo tính toán, nếu giá vật tư nông nghiệp không hạ nhiệt, dù năng suất cây trồng có đạt cao thì nông dân cũng chỉ hòa vốn hoặc lỗ.

Giá phân bón tăng cao đã ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất của người dân. Ảnh: Quang Tấn
Giá phân bón tăng cao đã ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất của người dân. Ảnh: Quang Tấn


Bà Phan Thị Quyên (thôn 1, xã Nam Yang, huyện Đak Đoa) cho biết: “Gia đình tôi trồng 3 sào đậu phộng, 5 sào cà phê và 300 trụ hồ tiêu. 2 năm trở lại đây, giá phân bón trên thị trường liên tục tăng cao, trong khi giá cà phê, hồ tiêu thì tăng nhỏ giọt. Cứ đà này thì vụ thu hoạch tới cầm chắc lỗ vốn. Với 5 sào cà phê, chi phí bón phân 4 đợt mất khoảng 20 triệu đồng. Vì vậy, năm nay, tôi giảm gần một nửa lượng phân bón so với những vụ trước và hạn chế thuê nhân công chăm sóc vườn cây nhằm giảm chi phí đầu tư. Hy vọng giá phân bón nói riêng và các loại vật tư nông nghiệp nói chung sẽ giảm trong thời gian tới để nông dân có điều kiện đầu tư cho sản xuất, nâng cao năng suất, thu nhập”.

Còn ông Đoàn Minh Tuấn (làng Bông Bao, xã Chư Á, TP. Pleiku) thì chia sẻ: Gia đình ông có hơn 1 ha cà phê và 5 sào rau màu. Để đối phó với giá phân bón tăng cao, ông giảm hẳn việc sử dụng phân hóa học, tăng cường bón phân chuồng tự ủ hoặc các loại phân hữu cơ. Ngoài ra, ông cũng hạn chế thuê nhân công để chăm sóc vườn cây với phương châm “lấy công làm lãi”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, không chỉ bà con nông dân mà các cơ sở kinh doanh phân bón, vật tư nông nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng đang lo lắng khi giá các mặt hàng này tăng cao. Tất cả đều cho rằng, giá vật tư nông nghiệp tăng cao khiến việc tiêu thụ các mặt hàng này chậm hẳn so với những năm trước, thậm chí không bán được, nhất là phân vô cơ có giá trị cao như: DAP Hàn Quốc, NPK Korea, NPK Việt-Nhật...

Thay đổi phương thức sản xuất

Trong bối cảnh giá phân bón, vật tư nông nghiệp tăng cao như hiện nay, chính quyền các địa phương đang tập trung tuyên truyền, hướng dẫn người dân từng bước thay đổi tập quán canh tác, chuyển từ bón phân vô cơ sang sản xuất theo hướng hữu cơ, có chứng nhận VietGAP, GlobalGAP và truy xuất nguồn gốc để nâng cao chất lượng, giá trị nông sản trên thị trường. Ông Nguyễn Văn Luyến-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Prông-cho biết: Trước tình hình đó, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện phối hợp với các đơn vị liên quan tuyên truyền, vận động người dân tận dụng nguồn rơm tại 2 cánh đồng Ia Lâu và Ia Piơr để ủ làm phân bón. Đồng thời, hướng dẫn bà con xử lý, cày ải trước khi gieo sạ cũng như tăng cường sử dụng phân chuồng nhằm giảm chi phí đầu vào. Riêng trên cây cà phê, người dân có thể tận dụng cành lá ép phân xanh kết hợp sử dụng các chế phẩm sinh học phòng trừ dịch bệnh, cải tạo đất, bảo vệ môi trường để giảm chi phí đầu vào.

Giá phân bón tăng cao nông dân chuyển sang dùng phân chuồng bón cho cây bắp- Ảnh Nguyễn Diệp
Giá phân bón tăng cao, nông dân chuyển sang dùng phân chuồng bón cho cây bắp. Ảnh: Nguyễn Diệp
Vụ mùa 2022, toàn tỉnh dự kiến gieo trồng 221.420 ha cây trồng các loại, trong đó, nhóm cây lương thực 84.150 ha, nhóm cây tinh bột có củ 72.650 ha, nhóm cây thực phẩm 38.050 ha, nhóm cây công nghiệp ngắn ngày 5.400 ha, nhóm cây hàng năm khác 9.700 ha, nhóm cây công nghiệp dài ngày 2.580 ha, nhóm cây ăn quả 8.350 ha và nhóm cây dược liệu, cây lâu năm 540 ha.

Còn ông Nguyễn Kim Anh-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Đoa thì thông tin: “Phòng tăng cường hướng dẫn bà con cách sử dụng phân chuồng, ủ phân bón từ vỏ cà phê, rơm rạ… kết hợp sử dụng các chế phẩm sinh học để bón cho cây trồng nhằm nâng cao hiệu quả, giảm chi phí sản xuất”.

Trao đổi với P.V, ông Lưu Trung Nghĩa-Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT-cho biết: Hiện nay, giá một số loại phân bón, vật tư nông nghiệp đang ở mức cao nhất trong 50 năm trở lại đây. Nguyên nhân là do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên việc lưu thông khó khăn dẫn đến yếu tố đầu vào tăng cao. Bên cạnh đó, cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine cũng là nguyên nhân dẫn đến vật tư nông nghiệp tăng cao. Trước những khó khăn này, Bộ Nông nghiệp và PTNT cùng Bộ Công thương đã tìm cách tháo gỡ. Sở Nông nghiệp và PTNT cũng đã có văn bản đề nghị các địa phương, hợp tác xã và người dân tổ chức lại sản xuất theo hướng “3 giảm, 3 tăng” (giảm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và giống, kể cả nước tưới; tăng phân bón hữu cơ, chất lượng và giá trị). Đặc biệt, các địa phương cần vận động người dân vào hợp tác xã để tổ chức sản xuất theo hình thức mua chung, bán chung, sản xuất hàng hóa tập trung. Từ đó, sản xuất các sản phẩm nông sản có chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ, có truy xuất nguồn gốc, có mã số vùng trồng… nhằm nâng cao giá trị và đáp ứng nhu cầu xuất khẩu qua các thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc và châu Âu...

“Thời gian tới, ngành tiếp tục tăng cường kiểm tra, kiểm soát chất lượng phân bón, vật tư nông nghiệp để đảm bảo chất lượng cho người dân sản xuất; tránh trường hợp các đối tượng lợi dụng giá phân bón tăng cao để làm giả bán cho người dân gây thiệt hại kép”-ông Nghĩa thông tin thêm.

 

 NGUYỄN DIỆP - QUANG TẤN
 

Có thể bạn quan tâm

“Làng yến” trên cao nguyên

“Làng yến” trên cao nguyên

(GLO)- Năm 2022, Hợp tác xã (HTX) Phố Yến (thôn Thắng Lợi 3, xã Ia Sol, huyện Phú Thiện) bắt đầu triển khai xây dựng mô hình “làng yến” với nhiều nhà nuôi yến được quy hoạch bài bản, khoa học. Mô hình mới này bước đầu đang mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Nhờ ứng dụng công nghệ trong chế biến, sản phẩm yến sào của Công ty TNHH một thành viên Sản xuất-thương mại-xuất nhập khẩu yến sào Win Nest Alpha được người tiêu dùng đánh giá cao. Ảnh: V.C

Yến sào Đông Nam tỉnh Gia Lai khẳng định vị thế

(GLO)- Khu vực Đông Nam tỉnh Gia Lai có số lượng nhà nuôi yến lớn với chất lượng tổ yến rất tốt. Khai thác lợi thế này, cùng với quy hoạch vùng nuôi, nhiều cơ sở sản xuất yến sào đã chủ động đăng ký thương hiệu, đa dạng hóa sản phẩm nhằm khẳng định vị thế trên thị trường.

Ông Nguyễn Văn Thuận (thôn 2, xã Nghĩa Hòa, huyện Chư Păh) chặt bỏ gần 40 cây cà phê để hiến đất mở rộng mặt đường. Ảnh: N.D

Đòn bẩy phát triển vùng nguyên liệu cà phê bền vững

(GLO)- Sau 2 năm triển khai hợp phần 5 của Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông-lâm-thủy sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022-2025, nhiều tuyến đường nội đồng ra vùng nguyên liệu sản xuất cà phê được đầu tư xây dựng.