(GLO)- Nắm bắt nhu cầu của thị trường về nông sản sạch, nhiều nông dân huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) đã đầu tư xây dựng mô hình sản xuất an toàn, đồng thời chủ động tìm hướng tiêu thụ sản phẩm.
Liên kết trồng sầu riêng sạch
Sau hơn 2 năm thành lập, Nông hội trồng cây ăn quả xã Ia Blang đã thu hút 72 thành viên tham gia canh tác gần 100 ha sầu riêng. Anh Nguyễn Phước Thiện (thôn 2) cho biết: Năm 2015, tôi phá bỏ 5 ha hồ tiêu bị chết do dịch bệnh để chuyển sang trồng sầu riêng. Đến năm 2019, vườn cây đã cho thu bói. “Vụ thu hoạch năm nay, với giá bán tại vườn 46-55 ngàn đồng/kg, sau khi trừ chi phí, gia đình thu lãi hơn 2 tỷ đồng. Do trồng và chăm sóc theo hướng hữu cơ nên chất lượng quả thơm ngon, được thương lái đến tận vườn thu mua. Việc tham gia Nông hội giúp mọi người chia sẻ kinh nghiệm trồng và chăm sóc sầu riêng theo quy trình sản xuất an toàn, cho năng suất, chất lượng cao, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường”-anh Thiện chia sẻ.
Theo ông Trần Duy Kham-Chủ nhiệm Nông hội trồng cây ăn quả xã Ia Blang: “Các thành viên đều tuân thủ cách trồng, chăm sóc theo quy chuẩn đảm bảo chất lượng. Khi có doanh nghiệp đến đặt vấn đề thu mua, chúng tôi cung cấp được số lượng lớn. Ngoài ra, việc thành lập Nông hội sẽ tạo điều kiện cho mọi người học hỏi kinh nghiệm trong quá trình trồng và chăm sóc đạt hiệu quả cao nhất. Đặc biệt, nếu sản xuất theo quy trình sạch thì giá bán cũng được nâng lên”.
|
Vườn sầu riêng của anh Nguyễn Phước Thiện (thôn 2, xã Ia Blang) vụ năm nay cho thu nhập hơn 2 tỷ đồng. Ảnh: Ngọc Sang |
Ông Nguyễn Văn Khôi-Chủ tịch UBND xã Ia Blang-cho hay: Xã hiện có diện tích sầu riêng lớn nhất huyện với gần 230 ha. Để tạo điều kiện cho Nông hội trồng cây ăn quả hoạt động, hàng năm, UBND xã mời các kỹ sư nông nghiệp, doanh nghiệp cung ứng phân bón về tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật trồng và chăm sóc cây sầu riêng cho các thành viên. Nhờ đó, các hộ bước đầu nắm được kỹ thuật canh tác, có thu nhập ổn định. Thời gian tới, UBND xã tiếp tục vận động bà con ở các thôn tham gia Nông hội để hình thành vùng chuyên canh sản xuất sầu riêng sạch, đủ điều kiện được cấp mã số vùng trồng, hướng tới xuất khẩu.
Hình thành các mô hình sản xuất an toàn
Năm 2022, anh Nguyễn Đình Thảo (thôn Hồ Nước, thị trấn Chư Sê) liên kết với Công ty TNHH Nông nghiệp công nghệ cao Nasumi để trồng dưa lưới trong nhà màng. Anh làm 2 sào nhà màng kết hợp hệ thống tưới nhỏ giọt, béc phun làm mát, áp dụng biện pháp kỹ thuật trồng theo tiêu chuẩn VietGAP. Anh Thảo chia sẻ: “Tôi được Công ty cung ứng giống, vật tư nông nghiệp, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc nên kiểm soát tốt quá trình sinh trưởng và phát triển của vườn cây. Đồng thời, Công ty ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với giá 20-30 ngàn đồng/kg tùy theo loại giống. Trồng dưa lưới trong nhà màng mỗi năm được 3 vụ, có thể mang lại lợi nhuận 150 triệu đồng/sào, cao gấp mấy lần so với cây hồ tiêu, cà phê, lại xoay vòng vốn nhanh”.
Ông Phan Hoàng Hải (làng Ring Răng, xã Dun) cũng thành công với mô hình trồng đậu cô ve, dưa leo theo hướng hữu cơ. Ông cho hay: Trước đây, trên diện tích hơn 1 ha, gia đình tôi trồng mía, mì nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Nhận thấy trồng đậu cô ve và dưa leo rất hiệu quả nên tôi đào giếng, lắp đặt đường ống nước tưới, cải tạo đất và mua cây giống về trồng theo hướng hữu cơ. Mỗi năm, gia đình thu nhập 120-150 triệu đồng sau khi trừ chi phí.
|
Vườn đậu cô ve và dưa leo của ông Phan Hoàng Hải (làng Ring Răng, xã Dun, huyện Chư Sê) cho thu nhập mỗi năm 120-150 triệu đồng. Ảnh: Ngọc Sang |
Cũng theo ông Hải, nhận thấy trồng rau màu cho thu nhập ổn định nên nhiều hộ trong làng đã chuyển đổi sang trồng với diện tích gần 3 ha, hình thành vùng chuyên canh rau an toàn của xã. Tháng 8-2022, Hội Nông dân xã vận động các hộ liên kết thành lập Nông hội trồng rau. Từ khi tham gia Nông hội, các thành viên có cơ hội trao đổi kinh nghiệm sản xuất, làm ra sản phẩm với số lượng lớn hơn đáp ứng nhu cầu của thương lái, đầu ra cũng ổn định hơn trước đây.
Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Văn Hợp-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Sê-thông tin: Hiện nay, nhiều hộ dân trong huyện đã liên kết thành lập nông hội sản xuất theo hướng an toàn, bước đầu mang lại thu nhập khá. Thời gian tới, Phòng tiếp tục vận động các hộ đầu tư phát triển nông nghiệp hàng hóa với quy mô lớn theo hướng liên kết sản xuất sạch gắn với Chương trình OCOP. Đồng thời, vận động người dân nâng cao nhận thức trong sản xuất sạch nhằm đưa nông sản thế mạnh ra thị trường trong và ngoài tỉnh, từng bước xây dựng thương hiệu sản phẩm đặc trưng của địa phương để phát triển nông nghiệp hàng hóa theo hướng bền vững.
NGỌC SANG