Làm cha mẹ ai chẳng thương con, xót con, muốn cho con những điều tốt đẹp. Nhưng trong trường hợp này, phụ huynh đâm đơn kiện cô giáo tưởng là tốt cho con nhưng là đang hại con.
Con trai tôi năm học lớp 9 ở một trường chuyên tại TP HCM. Có lần lớp liên hoan sinh nhật của một bạn, cháu đi vứt rác, khi quay lại lớp, cửa bị đóng. Tay dơ nên không mở cửa được, cháu giơ chân đá cửa. Cả lớp đang vui đùa nên không ai nghe thấy, cháu lại đá cửa mạnh hơn. Vì hành động đó cháu đã bị cô giáo phạt bắt quỳ ngay tại lớp.
Khi biết chuyện, tôi bảo con: "Con đạp cửa như vậy gây ồn ào và có thể hỏng cửa. Bị phạt là đúng. Các bạn không nghe, con chờ thêm chút có sao đâu". Và tôi đã gặp riêng cô giáo. Cô giải thích rằng ở nhà cô, mỗi khi ai phạm lỗi đều bị phạt. Kể cả anh trai cô khi ra trường đi làm vẫn còn bị ba mẹ phạt quỳ nếu phạm lỗi. Nghe cô nói vậy, tôi hiểu đi từ quan niệm gia đình, hình thức phạt quỳ của cô giáo là điều bình thường. Tôi chỉ đề nghị cô lần sau nên thay đổi bằng hình thức phạt khác. Rồi mọi chuyện qua đi nhẹ nhàng.
Trường hợp cô giáo phạt học sinh (HS) quỳ ở Hà Nội, phụ huynh viết đơn kiện, nhà trường đình chỉ công tác 1 tuần, luật sư khép tội "làm nhục danh dự người khác", mạng xã hội rần rần chia sẻ. Hãy đặt mình vào hoàn cảnh của cô giáo. Dường như nghề giáo rất dễ bị tai nạn, dễ bị rơi vào đơn độc khi có sự cố xảy ra. Cảm giác cô giáo bị lép vế, không cẩn thận là dễ bị kiện cáo, bị mất việc bất cứ lúc nào...
Tôi không cổ xúy cho hình thức phạt quỳ của cô giáo. Có nhiều hình thức để xử phạt khác hữu hiệu hơn như chép phạt, đứng cuối lớp, trực lớp, dọn vệ sinh... Nhưng đơn kiện của phụ huynh làm lớn chuyện và hình phạt của nhà trường đình chỉ giáo viên (GV) giảng dạy là quá nặng.
Làm cha mẹ ai chẳng thương con, xót con, muốn cho con những điều tốt đẹp. Nhưng trong trường hợp này, phụ huynh đâm đơn kiện cô giáo tưởng là tốt cho con nhưng là đang hại con.
Dẫu muốn hay không, HS vẫn bị xáo trộn bởi dư luận xã hội. Có đáng không chuyện đang nhỏ đừng làm lớn để con khỏi chịu áp lực? Tại sao phụ huynh không trực tiếp làm việc với cô giáo, vừa nhẹ nhàng lại vừa thấu tình đạt lý? Sao không tìm hiểu vì sao con mình bị phạt? Đơn kiện cô vậy có cạn tình không? Liệu phụ huynh có tạo cho con tính ỷ lại, sự cậy quyền và ta sẽ khó dạy con hơn.
Hình phạt đình chỉ giảng dạy 1 tuần là quá nặng nếu trước đó GV chưa vi phạm điều gì. Phạt GV như vậy liệu ban giám hiệu đã sinh hoạt quy chế chuyên môn nghiệp vụ đầu năm cho GV hay không? Hay thả nổi để khi có sự cố mới "trảm"? Ta đặt câu hỏi tại sao cô giáo không chọn hình thức xử phạt khác đối với HS và bây giờ chúng ta cũng đặt câu hỏi: Tại sao nhà trường không có cách xử lý khác đối với cô giáo trong trường hợp này dễ chấp nhận hơn?
Thời đại của thế giới mạng cái gì cũng bị tung lên, bị săm soi. GV lên lớp phải chịu biết bao nhiêu áp lực. Nhất cử nhất động đều bị ghi hình rồi bị dư luận phán xử.
Phạt bắt HS quỳ đúng bởi ngày xưa, không nên trong thời đại ngày nay. Nhưng cô giáo bị đình chỉ giảng dạy vì bắt HS quỳ có cái gì đó bất ổn. GV đang bị tước đoạt đi tất cả mọi quyền hành, dường như đang bị rơi vào tầng lớp dễ bị bắt nạt nhất. Vậy làm sao có thể có chất lượng giáo dục tốt được.
"Lương sư hưng quốc", "bạc sư quốc suy" chân lý ấy vẫn luôn luôn đúng.
Hoàng Thị Thu Hiền (NLĐO)