Nỗi sợ hãi mang tên Momo lan truyền thế nào trên Internet

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Rất nhiều người dùng trên Internet đang lan truyền nỗi lo sợ về Momo Challenge dù chưa có bất kỳ bằng chứng nào xác nhận hậu quả thực tế.
Trên mạng xã hội như Facebook thời gian gần đây xuất hiện nhiều bài viết, thông tin đầy tính cảnh báo về trào lưu được gọi là "Thử thách Momo". Nó được miêu tả như một trò chơi, thường minh họa bằng bức ảnh ghê sợ về khuôn mặt của một người phụ nữ, trong đó những người tham gia (chủ yếu là trẻ em) bị ép buộc để hoàn thành các nhiệm vụ ngày càng nguy hiểm với bản thân. Nhiều bài đăng trong số này nói nó là xu hướng mới nhất trên mạng Internet.
Trong thực tế, câu chuyện về Momo đã được điều chỉnh một cách hoàn hảo để đưa ra những cảnh báo gây chú ý với bất kỳ bậc cha mẹ nào. Nó là việc có một thứ gì đó trên mạng Internet mà bạn không biết và nó sắp giết hoặc làm tổn thương con cái bạn. Tuy nhiên có một vấn đề tồn tại là có rất ít bằng chứng để xác nhận "Thử thách Momo" có thật. Một số nguồn tin quy kết việc nhiều cái chết của trẻ em có liên quan đã được các hãng tin lớn xác nhận là tin giả.
 Bài viết từ một tài khoản Facebook nặc danh được cho là khởi đầu của
Bài viết từ một tài khoản Facebook nặc danh được cho là khởi đầu của "Thử thách MoMo". Ảnh: Manchester Evening News.
Vào ngày 17/2, một phụ huynh nặc danh đã gửi một cảnh báo về "Thử thách Momo" cho một nhóm trên Facebook ở thị trấn Westhoughton, Anh. Nội dung của nó xuất phát từ cuộc nói chuyện giữa cô và giáo viên của con mình. Người giáo viên cho biết con của người phụ nữ này đã làm ba đứa trẻ khóc bằng cách nói với chúng: "Momo sẽ đi vào phòng vào ban đêm và giết chúng". Bài cảnh báo cũng mô tả về những thử thách và kêu gọi các bậc cha mẹ khác trong thị trấn nói chuyện với con cái mình về người xấu trên mạng Internet.
Bài đăng sau đó được biên tập để xuất hiện trên báo địa phương. Tiếp đó, nhiều trang tin tức tổng hợp lớn như Daily Mail và Daily Star đã đăng tải thông tin về "Thử thách MoMo". Nhiều bài viết nói mục đích cuối cùng của thử thách là thuyết phục những người tham gia tự sát trước máy ảnh. "Trò chơi tự tử tấn công nước Anh", là một trong các tiêu đề của Daily Star. Còn Daily Mail tập trung nhiều vào câu chuyện tư vấn để bậc phụ huynh biết cách xử lý thế nào.
Sau đó, các cảnh báo này lan sang Mỹ. Một đài tin tức ở bang Florida tuyên bố "Thử thách Momo" là xu hướng mới nhất trên mạng xã hội. Một số người nổi tiếng như Kim Kardashian đã chia sẻ bài đăng để lan truyền cảnh báo.
Dù ý định của họ là gì, người ẩn danh đăng bài trên nhóm Facebook ở Westhoughton đã tạo ra một chuỗi sự kiện khiến cảnh báo về "Thử thách Momo" được lan truyền rộng rãi. Nhiều bậc cha mẹ đang gấp rút tìm cách bảo vệ con cái mình ngay cả khi có ít bằng chứng cho thấy trò đùa đáng lo ngại này phổ biến với trẻ em.
Trên thực tế, sự hoảng loạn đối với Momo thực tế dựa theo một mô hình khá quen thuộc và rất dễ lan truyền, đó là những thử thách. Nó tương tự nhiều trào lưu từng khá nổi trên mạng xã hội trước đó như "Thử thách bao cao su" (Condom Challenge) hay "Thử thách viên nước giặt" (Tide Pod Challenge). Chúng từng được cảnh báo là có thể gây ra thương tích, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng cho những người tham gia. Nhưng thực ra, những trào lưu lan truyền rất nhanh trên mạng xã hội như thế này ít gây ra nguy hiểm trực tiếp tới trẻ em. Ngược lại, chúng dễ dàng thành công trong việc lan tỏa nỗi sợ qua Internet tới các bậc phụ huynh.
Nội dung của "Thử thách bao cao su" khuyến khích trẻ em khịt mũi để hít một bao cao su qua khoang mũi rồi rút nó ra từ miệng. Tuy nhiên, ít người biết nguồn gốc của thử thách này lại đến từ một bài thuyết trình trong một nhóm nhỏ phụ huynh ở San Antonio, Texas, Mỹ vào tháng 3/2018. Câu chuyện được đưa lên báo địa phương rồi sau đó tổng hợp lại bởi nhiều hãng tin trên cả nước và mạng xã hội, biến nó thành cơn ác mộng tồi tệ nhất của các bậc phụ huynh.
Trên thực tế, năm 2013 đã có một số YouTuber thử làm điều này nhưng từ đó tới nay không có bằng chứng nào cho thấy có bất kỳ ai thực hiện lại thử thách với bao cao su. Ngược lại, số lượng video cảnh báo về nó trên YouTube lại nhiều tới chóng mặt. Sự việc tương tự sau đó xảy ra với "Thử thách Tide Pod", yêu cầu người chơi ăn một viên xà phòng giặt. Gần đây nhất là một thử thách yêu cầu người chơi bịt mắt để đi ra ngoài đường, dựa theo bộ phim Bird Box trên Netflix.
Momo cũng đang gây chú ý theo cách tương tự. Hình ảnh người phụ nữ với đôi mắt lồi và mái tóc đen, trông giống như một con quái vật gây chú ý nhanh chóng với mọi người và giới truyền thông. Các lời cảnh báo xuất hiện một cách dày đặc dù không có cái chết nào được xác nhận là có mối liên hệ với "Thử thách MoMo".
"Thử thách MoMo" khiến người lớn lan truyền sự sợ hãi hơn là gây nguy hiểm tới trẻ em.
"Thử thách MoMo" khiến người lớn lan truyền sự sợ hãi hơn là gây nguy hiểm tới trẻ em.
Chưa hết, một bài viết trên Facebook và sau đó được đăng tải lên Twitter đưa ra video cho thấy Momo đang lan tràn trên YouTube và YouTube Kids. Hình ảnh "người chim" đã được trông thấy trên một số chương trình thiếu nhi nổi tiếng như Peppa Pig, LoL Doll... Nhưng như các câu chuyện ở trên, rất khó để tìm thấy những video này. Thay vào đó là hàng loạt video đang phổ biến trên YouTube lại liên tục đưa ra các cảnh báo đầy đáng sợ về những gì "Thử thách MoMo" có thể gây ra. Nhiều người hứa hẹn đưa ra các bằng chứng, nhưng tất cả đều không có sức thuyết phục.
YouTube phủ nhận "Thử thách Momo" đang lan truyền trên nền tảng của họ. Bản tuyên bố cho biết dù rất nhiều thông tin cảnh báo được đưa ra, không có bất kỳ video hay đường dẫn nào được gắn cờ vi phạm hoặc chia sẻ với đội ngũ quản lý. Công ty cũng tuyên bố sẽ gỡ bỏ hoặc cấm quảng cáo trên tất cả các video về "Thử thách Momo". Chúng bao gồm cả những video từ cả tổ chức tin tức và người dùng có thể lan truyền sự hoảng loạn của công chúng.
Còn theo The Guardian, điều các bậc cha mẹ nên lo ngại hơn "Thử thách Momo" là nguy cơ tự tử tiềm ẩn ở trẻ em. Samaritans, một tổ chức phòng chống tự tử có trụ sở tại Anh, nói họ lo ngại sự phủ sóng của tin tức về "Thử thách MoMo" sẽ làm tăng nguy cơ gây hại cho những người dễ bị tổn thương. Bởi khi câu chuyện này được công bố rộng rãi và mọi người bắt đầu hoảng loạn đồng nghĩa với việc những người dễ bị tổn thương biết về nó và đây mới chính là các rủi ro.
Bảo Nam (VNE)
(theo Washington Post)

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai: Sơ kết 3 năm thực hiện Kế hoạch triển khai đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia đến năm 2025”

Gia Lai: Sơ kết 3 năm thực hiện Kế hoạch triển khai đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia đến năm 2025”

(GLO)- Chiều 14-11, Sở Khoa học và Công nghệ (KH-CN) Gia Lai tổ chức hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Kế hoạch triển khai đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) Quốc gia đến năm 2025” trên địa bàn tỉnh.