Thắng lợi trong vụ lúa Đông Xuân đầu tiên
Thời điểm sau giải phóng, các cấp ủy, chính quyền của tỉnh tập trung chỉ đạo đẩy mạnh sản xuất nhằm bảo đảm lương thực, thực phẩm cho người dân. Việc khai hoang, vỡ đất và xây dựng hệ thống kênh mương thủy lợi để sản xuất lúa 2 vụ được khởi xướng tại xã An Phú, thị xã Pleiku.
Ban cán sự Đảng thị xã lúc bấy giờ đã đưa 1 tiểu đoàn thanh niên xung phong về hỗ trợ người dân An Phú làm thủy lợi, xây dựng cánh đồng. Công trình được khởi công ngay sau khi thu hoạch vụ mùa năm 1975 để kịp thời cấy lúa vụ Đông Xuân 1976-1977.
Ông Nguyễn Thế Binh (bìa trái)-nguyên Chủ tịch UBND xã An Phú giai đoạn 1976-1979 kể lại những ngày đầu tiên sản xuất lúa 2 vụ. Ảnh: M.K |
Nhớ về khí thế sôi nổi những ngày người dân An Phú cùng chung tay xây dựng những cánh đồng lúa 2 vụ đầu tiên, ông Nguyễn Thế Binh (thôn 2, xã An Phú) cho biết: Lúc bấy giờ, tôi làm Chủ tịch UBND xã An Phú. Thực hiện chủ trương của Thị ủy và UBND thị xã Pleiku, chúng tôi đã triển khai kế hoạch xây dựng cánh đồng sản xuất lúa 2 vụ.
Người dân đã đào đắp hệ thống kênh mương dẫn nước của công trình thủy lợi An Phú gồm 1 kênh chính dài 1.500 m, 4 kênh nhánh dài 3.500 m, 20 kênh mương nhỏ dài 12.000 m và xây 5 cống lớn để đưa nước vào ruộng. Ngoài ra, thị xã cũng đã huy động hơn 60.000 công lao động về hỗ trợ xã An Phú. Đặc biệt, để tập trung cao độ cho việc làm thủy lợi, khai hoang, xây dựng cánh đồng, xã đã thành lập Tiểu đoàn thanh niên xung kích, biên chế thành 3 đại đội.
“Sau một thời gian nỗ lực của quân và dân, công trình thủy lợi An Phú hoàn thành phục vụ sản xuất nông nghiệp, góp phần quan trọng làm thay đổi bộ mặt nông thôn. Cuối năm 1976, người dân xã An Phú tập trung làm đất cấy lúa vụ Đông Xuân và đến đầu năm 1977 đưa nước về cấy đại trà trên toàn cánh đồng 150 ha. Thời điểm đó, người dân toàn thị xã nói chung và xã An Phú nói riêng hồi hộp chờ đợi vụ lúa Đông Xuân đầu tiên thắng lợi”-ông Binh hào hứng kể.
Là người trực tiếp tham gia khai hoang, làm thủy lợi và gieo cấy vụ lúa Đông Xuân đầu tiên, ông Đoàn Thế Nghè (thôn 1, xã An Phú) chia sẻ: “Hồi đó, gia đình tôi có 4 sào đất lúa nhưng chỉ làm 1 vụ. Khi có hệ thống thủy lợi, người dân vừa háo hức vừa hồi hộp tham gia trồng thử nghiệm lúa 2 vụ. Tuy nhiên, khi được cán bộ trực tiếp xuống động viên, khuyến khích và hướng dẫn kỹ thuật trồng lúa vụ 2, chúng tôi hoàn toàn yên tâm sản xuất”.
Như kỳ vọng, vụ Đông Xuân 1976-1977, nhờ chủ động nước tưới nên xã An Phú đã gieo cấy được 150 ha lúa, năng suất đạt hơn 1,5 tấn/ha. An Phú trở thành vùng thâm canh lúa nước, góp phần nâng cao đời sống người dân trong xã và tạo nguồn cung cấp lương thực cho người dân thị xã lúc bấy giờ.
Thắng lợi trong vụ lúa Đông Xuân đầu tiên đã đánh dấu một bước ngoặt lớn trong sản xuất nông nghiệp ở thị xã Pleiku. Từ đây, người dân càng vững tin vào sự lãnh đạo của Đảng và chính quyền.
Ông Lê Đình Long-Bí thư Chi bộ thôn 2 (xã An Phú) cho hay: “Cùng với niềm hân hoan của những ngày đầu giải phóng thì thành công của vụ lúa Đông Xuân 1976-1977 đã tiếp thêm động lực, sức mạnh cho người dân chúng tôi. Năm 1977 và 1978, chúng tôi tiếp tục mở rộng diện tích lúa Đông Xuân lên 250 ha. Năng suất lúa cũng tăng lên hơn 4 tấn/ha. Khi ấy, tôi là Xã đội trưởng nên có nhiệm vụ cắt cử dân quân bảo vệ và theo dõi thường xuyên cánh đồng lúa. Cùng với đó, chúng tôi tham gia Tiểu đoàn thanh niên xung kích của xã hỗ trợ xã Gào, Trà Đa… làm các công trình thủy lợi để xây dựng cánh đồng lúa 2 vụ”.
Nhân rộng những cánh đồng lúa 2 vụ
Tiếp nối thành công ở xã An Phú, thị xã Pleiku đã huy động lực lượng về hỗ trợ xã Gào xây dựng cánh đồng lúa 2 vụ. Lúc bấy giờ, xã Gào có khoảng 3.200 người dân với 2.500 ha đất nông nghiệp. Dù đất đai màu mỡ nhưng phương thức sản xuất của bà con chủ yếu vẫn theo tập quán cũ. Bên cạnh đó, việc tổ chức sản xuất của chính quyền theo hình thức tổ, đội còn chưa phát huy hiệu quả, năng suất lao động đạt thấp.
“Khi Thị ủy đưa một số cán bộ, nông dân và thanh niên có kinh nghiệm sản xuất ở An Phú lên giúp đỡ người dân xã Gào khai hoang đất, làm thủy lợi và sản xuất lúa 2 vụ, bộ mặt của xã bắt đầu đổi thay tích cực”-ông Rơ Mah Djói-nguyên Bí thư Đảng ủy xã Gào-cho biết.
Ông Lê Đình Long-Bí thư Chi bộ thôn 2 kể về thành công trong sản xuất vụ lúa Đông Xuân đầu tiên của người dân An Phú. Ảnh: M.K |
Từ đó, người dân xã Gào đã biết cày ruộng bằng sức trâu bò, gieo mạ, cấy lúa và đặc biệt là học hỏi được nhiều kinh nghiệm về sản xuất lúa 2 vụ.
Ông Siu Chiêu-Bí thư Chi bộ làng D là người chứng kiến vụ lúa Đông Xuân đầu tiên thành công trên những cánh đồng của xã. Ông kể lại: “Nhờ được người dân xã An Phú và cán bộ Phòng Nông nghiệp thị xã hướng dẫn kỹ thuật nên người Jrai chúng tôi đã biết cách trồng, chăm sóc, đảm bảo cho cây lúa phát triển tốt, đạt năng suất cao”.
Phong trào trồng lúa Đông Xuân ở xã Gào những năm sau đó đạt kết quả rất khả quan. Năng suất lúa Đông Xuân đạt trên 4 tấn/ha, cao gấp đôi so với vụ mùa và gấp nhiều lần lúa rẫy. Bà con phấn khởi, hăng hái tiếp thu khoa học kỹ thuật và kinh nghiệm để sản xuất lúa 2 vụ ngày càng đạt hiệu quả cao.
Phát huy tinh thần lao động hăng hái của người dân, giai đoạn 1979-1985, thị xã Pleiku tiếp tục xây dựng và củng cố các điểm kinh tế mới, đưa một số hộ dân nội thị đến các điểm đất đai còn rộng nhưng thiếu lao động. Đồng thời, thị xã tổ chức khai hoang thêm 1.687 ha và xây dựng 17 công trình thủy lợi phục vụ sản xuất lúa nước.
Việc hoàn chỉnh hệ thống kênh mương thủy lợi ở cánh đồng An Phú, hoàn thành hồ chứa Trà Đa, làm thêm các đập thủy lợi nhỏ Ia Bung, Thống Nhất và 2 trạm bơm ở xã Gào, An Phú… góp phần nâng diện tích lúa 2 vụ của thị xã lên hơn 550 ha, tăng gần 4 lần so với vụ Đông Xuân 1976-1977.
Cánh đồng lúa Đông Xuân ở xã Gào (TP. Pleiku) . Ảnh: T.D |
Ông Kpă Duan-Bí thư Đảng ủy xã Gào-cho hay: Theo lịch sử Đảng bộ TP. Pleiku, ngoài diện tích lúa nước nói trên, những năm đầu giải phóng, Ban cán sự Đảng thị xã cũng khuyến khích nông dân thuê mướn ruộng có khả năng làm lúa 2 vụ của người dân tộc thiểu số để cấy lúa Đông Xuân. Nhờ vậy, diện tích lúa Đông Xuân ở xã Gào nói riêng và trên địa bàn thị xã nói chung tăng lên hàng năm. Để lan tỏa phong trào trồng lúa 2 vụ, người dân xã Gào cùng các xã, phường khác đã tham gia xây dựng công trình thủy lợi Biển Hồ và một số địa điểm khác trong thị xã; đồng thời chia sẻ rộng rãi kỹ thuật trồng lúa 2 vụ.
“Những cánh đồng lúa 2 vụ đã góp phần quan trọng vào sự khởi sắc của xã Gào. Hiện xã có đến 220 ha lúa 2 vụ, năng suất đạt trên 5 tấn/ha”-Bí thư Đảng ủy xã Gào phấn khởi thông tin.
Chung niềm phấn khởi ấy, Bí thư Đảng ủy xã An Phú Nguyễn Văn Quang cho hay: “Người dân An Phú tự hào là “cái nôi” khởi xướng phong trào sản xuất lúa 2 vụ của Gia Lai. Để hôm nay, việc canh tác lúa 2 vụ phát triển mạnh mẽ trên toàn tỉnh, góp phần đảm bảo lương thực cho người dân, tạo tiền đề phát triển kinh tế-xã hội địa phương”.