Nỗi đau lăn dài sau những vòng xe

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tai nạn giao thông (TNGT) liên quan đến người dân tộc thiểu số đang trở thành vấn đề đáng quan ngại ở Gia Lai. Không ai đếm được đã có bao nhiêu nước mắt đổ xuống sau mỗi vụ tai nạn khiến cha mẹ mất con, vợ mất chồng, con cái rơi vào cảnh mồ côi.

"Tiếng sét" giữa ngày thường

Hơn 9 giờ đêm 14-2, đoạn quốc lộ 14 qua làng Plei Đung (xã Ia Hrú, huyện Chư Pưh) đã vắng người xe qua lại. Nhiều nhà dân ven đường cũng đã đóng cửa đi ngủ. Bỗng một tiếng “ầm” vang lên xé toạc màn đêm. Biết có chuyện không lành, mọi người chạy ra thì đập vào mắt là cảnh tượng hãi hùng: 2 chiếc xe máy nát tươm, có đến 5 người nằm bất động trên đường, không còn nhận ra hình dạng… Đây là vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng đầu tiên xảy ra trên địa bàn tỉnh trong năm 2021. Theo hồ sơ lưu lại, thời điểm đó, Ksor Khúc (SN 2002, trú tại thị trấn Nhơn Hòa, huyện Chư Pưh) điều khiển xe mô tô BKS 81S1-159.37 chở theo Siu H’Yưng (SN 2001, trú tại xã Ia Rong, huyện Chư Pưh) lưu thông trên quốc lộ 14 hướng từ Đak Lak đi Gia Lai. Đến Km 1647+700 quốc lộ 14 thì xe mô tô của Khúc va chạm với xe mô tô BKS 81X1-010.59 (không rõ người điều khiển), trên xe có 3 người gồm: Rmah Chưng (SN 2001), Kpă Giăng (SN 2003), Siu H’Yin (SN 2006, cùng trú tại xã Ia Hrú). Hậu quả: Chưng, Khúc, H’Yưng, Giăng tử vong, H’Yin bị thương nặng. Kết quả điều tra cho thấy, tất cả các thanh niên trong vụ TNGT này đều có nồng độ cồn vượt mức quy định, không có giấy phép lái xe, không đội mũ bảo hiểm. “Kpă Giăng là cháu bên vợ của tôi. Hồi còn nhỏ, nó hiền lành và ngoan lắm, lớn lên chút thì bắt đầu có bạn bè, thích đi chơi. Lâu nay, nó uống rượu, cha mẹ nói không được. Giờ nó đến tuổi có thể đỡ đần cha mẹ thì lại bỏ đi”-ông Ksor Ner đau buồn kể lại.

Một vụ tai nạn giao thông liên quan đến người dân tộc thiểu số xảy ra trên quốc lộ 25 đoạn qua huyện Phú Thiện. Ảnh: Văn Ngọc
Một vụ tai nạn giao thông liên quan đến người dân tộc thiểu số xảy ra trên quốc lộ 25, đoạn qua huyện Phú Thiện. Ảnh: Văn Ngọc


Mới đây nhất, vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trên quốc lộ 25 đoạn qua thị xã Ayun Pa vào lúc 23 giờ 30 phút ngày 21-10 khiến 3 người chết, 1 người bị thương lại một lần nữa gióng lên hồi chuông về tình trạng thanh-thiếu niên dân tộc thiểu số sử dụng rượu bia nhưng vẫn điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Thời điểm này, Nguyễn Ngọc Hiếu (SN 2004, trú tại thị trấn Phú Thiện) điều khiển xe mô tô BKS 81D1-210.09 chở theo Đinh Đin (SN 2003, trú tại xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện) lưu thông hướng từ thị xã Ayun Pa đi huyện Phú Thiện. Đến đoạn gần Siêu thị Ba Sang (phường Hòa Bình) thì xe mô tô của Hiếu va chạm với xe mô tô BKS 81M1-056.68 đi ngược chiều, trên xe có 2 người gồm: anh Rcom Soáp (SN 1998) và Rcom Luih (SN 2004, cùng trú phường Đoàn Kết, thị xã Ayun Pa). Hậu quả, anh Soáp, Luih và Hiếu tử vong; Đin bị thương vẫn đang phải điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Nước mắt người ở lại

Những vụ TNGT xảy ra đều để lại hậu quả nặng nề: cha mẹ mất con, vợ mất chồng, con cái rơi vào cảnh mồ côi. Và phía sau mỗi người ra đi là biết bao nước mắt đớn đau của những người ở lại.

Quệt 2 hàng nước mắt chảy dài, chị Ksor H’Hiên (vợ anh Rcom Soáp) kể: Tối hôm đó, chị đi bắt cua nhưng ruột gan cứ bồn chồn không yên. Gần 12 giờ đêm, Công an chụp hình biển số xe rồi gọi hỏi có phải xe của chồng chị không. Chị xác nhận nhưng cũng chỉ nghĩ chắc chồng mình bị Công an phạt. Nửa tiếng sau, thấy sốt ruột, chị gọi điện lại nhờ Công an cho gặp chồng thì mới biết anh ấy đã tử vong do TNGT. Nghe như sét đánh bên tai, chị bàng hoàng chạy qua nhà gọi cha mẹ chồng. Nửa đêm đi nhận xác chồng mà chị không tin vào mắt mình khi thi thể không còn nguyên vẹn.

 3 mẹ con chị Ksor HHiên (vợ nạn nhân Rcom Soáp) dọn qua ở nhà ba mẹ chồng để tiện hương khói cho chồng và nhờ ông bà đỡ đần nuôi dạy con cái. Ảnh: Vũ Chi
3 mẹ con chị Ksor H'Hiên (vợ nạn nhân Rcom Soáp) dọn qua ở nhà ba mẹ chồng để hương khói cho chồng và nhờ ông bà đỡ đần nuôi dạy con cái. Ảnh: Vũ Chi


Đôi mắt thâm quầng sau nhiều đêm không ngủ, chị H’Hiên tâm sự: Trước giờ, anh chăm chỉ làm ăn, không đi chơi khuya bao giờ. Buổi tối, anh chị thường thay phiên nhau đi bắt cua, bắt ốc bán kiếm thêm thu nhập. Tối hôm đó, sau khi đi vác lúa thuê về, anh nói lên nhà cha mẹ vợ nhờ mai cắt lúa giùm rồi đi luôn. Từ hôm anh mất, vì quá đau buồn, chị đã dắt 2 đứa con qua nhà cha mẹ chồng ở, vừa tiện hương khói cho anh. Căn nhà chưa đầy 15 m2 của hai vợ chồng đành bỏ không. Hai đứa con anh Soáp còn quá nhỏ, ngây thơ trước nỗi đau mà các cháu còn chưa thể thấu hiểu. Khi tôi hỏi: “Bố cháu đâu?”, con gái lớn của anh chị vừa tròn 5 tuổi hồn nhiên đáp: “Chết rồi!”. Cậu con trai 2 tuổi thì lí nhí bảo: “Bố đi bắt ốc”. Còn chị H’Hiên ngậm ngùi nói với tôi: “Nhìn di ảnh chồng mà em đau lắm chị ơi! Anh ấy là trụ cột gia đình. Giờ anh mất đi, 3 mẹ con em không biết sống sao nữa. Em đi rửa bát thuê cho các quán ăn mỗi sáng cũng chỉ được 50 ngàn đồng. Chiều về bắt thêm con cua, con ốc bán may ra thì được 20-30 ngàn đồng, làm sao nuôi nổi các con? Từ ngày anh ấy mất, không đêm nào em ngủ ngon giấc. Vừa thương anh nằm lạnh lẽo dưới mồ, vừa thương con, thương cho chính thân phận mình”.

Cách căn nhà chị H’Hiên chưa đầy 100 m là nhà Rcom Luih. Anh Soáp và Luih là 2 cậu cháu. Khi chúng tôi đến thăm, phòng khách nhà Luih không có đồ đạc gì ngoài chiếc bàn thờ cho người đã khuất. Trải manh chiếu mỏng đón khách, bà Rcom H’Pẽ thắp nén nhang cho căn nhà bớt ảm đạm. Kéo vạt áo lau tấm di ảnh của con, bà nói trong nước mắt: Nhà chỉ có 3 mẹ con, cậu em trai út đã lập gia đình và ở bên nhà vợ. Bản thân bà bị tai biến nhiều năm nay, cộng thêm bệnh tiểu đường nên chẳng làm được gì. Luih dù đã lập gia đình tại Phú Thiện nhưng thương mẹ tuổi già một mình nên đi làm rồi về ở cùng mẹ luôn, thỉnh thoảng mới lên thăm vợ con. “Gia đình mình thuộc diện cận nghèo, ba mất từ khi nó mới 3 tuổi. Nó là đứa biết nghĩ, thương mẹ vất vả nên gắng làm thuê, làm mướn kiếm tiền nuôi vợ con và mẹ già. Bây giờ, Luih nó bỏ tôi thật rồi. Sao ông trời không bắt tôi đi? Tôi già rồi! Nhưng thằng Luih nó còn trẻ, còn tương lai và gia đình nó nữa”-bà H’Pẽ nói rồi bật khóc. Nhìn cảnh “người đầu bạc khóc kẻ đầu xanh”, không ai kìm được nước mắt.

Để nỗi đau không kéo dài

2 tháng đầu năm 2021, đặc biệt là dịp nghỉ Tết Tân Sửu, TNGT liên quan đến người dân tộc thiểu số tăng mạnh. Trước thực tế đó, ngày 8-3-2021, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch chuyên đề thực hiện cao điểm tuyên truyền, phổ biến pháp luật và tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ trong thanh-thiếu niên dân tộc thiểu số. Nhờ  huy động cả hệ thống chính trị cùng chung tay, cộng đồng trách nhiệm, đến cuối tháng 9, TNGT liên quan người dân tộc thiểu số đã giảm 1,87% số vụ, giảm 3,85% số người chết và giảm 24,71% số người bị thương so với cùng kỳ năm 2020. “Trong bối cảnh TNGT cả tỉnh tăng 2 chỉ số (số vụ, số người chết) so với cùng kỳ năm 2020, tình hình TNGT liên quan người dân tộc thiểu số giảm cho thấy tín hiệu tích cực”-ông Phan Hữu Hiếu-Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh-đánh giá.

Đại diện Ban An toàn Giao thông tỉnh cùng địa phương đến động viên, chia buồn cùng gia đình nạn nhân tử vong trong vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng xảy ra đếm 14-2 tại xã Ia H'rú (Chư Pưh). Ảnh: Lê Hòa
Đại diện Ban An toàn Giao thông tỉnh cùng địa phương đến động viên, chia buồn cùng gia đình nạn nhân tử vong trong vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng xảy ra đếm 14-2 tại xã Ia Hrú (huyện Chư Pưh). Ảnh: Lê Hòa

Tại hội nghị trực tuyến toàn tỉnh triển khai nhiệm vụ, giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông quý IV-2021, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành chỉ đạo: “Phải duy trì việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chú trọng vận động cá biệt; huy động lực lượng Công an và tổ tự quản an toàn giao thông cấp xã thiết lập trật tự an toàn giao thông tại địa bàn cơ sở, xử lý nghiêm vi phạm trong thanh-thiếu niên, phòng-chống đua xe trái phép nhằm kéo giảm TNGT liên quan đến mô tô, xe gắn máy, đặc biệt là trong thanh-thiếu niên vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số”.

Tuy vậy, tại nhiều địa phương, TNGT liên quan người dân tộc thiểu số vẫn diễn biến hết sức phức tạp. Điển hình như tại Đak Đoa, 9 tháng năm 2021 đã xảy ra 32 vụ TNGT, làm chết 16 người, bị thương 38 người thì có đến 18 vụ liên quan đến người dân tộc thiểu số, làm chết 8 người, bị thương 16 người. Tương tự, tại thị xã Ayun Pa, 10 tháng năm 2021 đã xảy ra 7 vụ TNGT, làm chết 7 người, bị thương 4 người. Đa số nạn nhân trong các vụ TNGT là thanh-thiếu niên người dân tộc thiểu số. Ông Lê Đình Tiến-Trưởng phòng Quản lý đô thị thị xã Ayun Pa-thông tin: “Nguyên nhân tai nạn chủ yếu do lỗi chủ quan của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông và có liên quan đến rượu, bia dẫn đến không làm chủ được hành vi”. Còn tại huyện biên giới Đức Cơ, 10 tháng năm 2021, trên địa bàn đã xảy ra 10 vụ TNGT, làm chết 10 người, bị thương 2 người (giảm 2 người chết, giảm 7 người bị thương so với cùng kỳ năm 2020). Đáng chú ý, 100% số vụ TNGT ở huyện này đều liên quan đến người dân tộc thiểu số.

Lực lượng Cảnh sát Giao thông Công an huyện Đức Cơ tuần tra, kiểm soát trên các tuyến đường thuộc địa bàn quản lý. Ảnh: Lê Văn Ngọc
Lực lượng Cảnh sát Giao thông Công an huyện Đức Cơ tuần tra, kiểm soát trên các tuyến đường thuộc địa bàn quản lý. Ảnh: Lê Văn Ngọc



Trong bối cảnh dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn đến mọi hoạt động đời sống, các cấp chính quyền và lực lượng chức năng đã linh hoạt trong việc tận dụng các điều kiện khác nhằm tuyên truyền, xử lý các hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Theo Trưởng phòng Quản lý đô thị thị xã Ayun Pa: “Để kéo giảm TNGT, Ban An toàn giao thông thị xã đã triển khai kế hoạch chuyên đề, cao điểm xử lý nghiêm các hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn như: vi phạm quy định về nồng độ cồn, sử dụng ma túy, chạy quá tốc độ cho phép, không đội mũ bảo hiểm, lái xe lạng lách, đánh võng, nẹt pô… Đặc biệt, lực lượng chức năng tăng cường xử lý các trường hợp xe độ chế, không đảm bảo an toàn kỹ thuật phương tiện, người không có giấy phép lái xe nhưng vẫn điều khiển phương tiện”.
 

NHÓM PHÓNG VIÊN

Có thể bạn quan tâm

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.