Nỗi buồn làng Klá

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Chỉ sau một đêm, hàng chục thanh niên trai tráng của làng đã rơi vào vòng lao lý, để lại những mảnh đời hẩm hiu, côi cút dưới những mái nhà sàn ngả màu mưa nắng.
Đó là làng Klá (xã Pờ Tó, huyện Ia Pa), nơi có 17 thanh niên phải vào tù vì liên quan đến một vụ án mạng xảy ra vào ngày 22-10-2018 khiến 1 người ở làng Đrơn (xã Pờ Tó) tử vong.   
Bữa tiệc bi kịch
Từ chỗ là ngày vui của đôi lứa trong làng, bỗng chốc hôm ấy biến thành một ngày đầy ám ảnh. Đó là ngày anh Đinh Tót (SN 1998) tổ chức buổi lễ bỏ củi-tức lễ ăn hỏi. Lũ làng kéo nhau đến chúc tụng chàng trai siêng năng, vạm vỡ của làng sắp lấy được cô vợ như ý. Trong ngày vui ấy có cả những thanh niên ở các làng lân cận. Bữa rượu kéo dài từ chiều đến tối, ai nấy đều chếnh choáng hơi men.   
Chị Đinh HRach-vợ Đinh Uac-cùng con gái 19 tháng tuổi buồn bã bên hiên nhà sàn. Ảnh: L.V.N
Chị Đinh H'Rach-vợ Đinh Uac-cùng con gái 19 tháng tuổi buồn bã bên hiên nhà sàn. Ảnh: L.V.N
Rượu vào, lời ra, những cái đầu bắt đầu nóng lên. Đinh Uac (SN 1998) bỗng nhớ lại câu chuyện bị Đinh A Lĩu (SN 2001, trú tại làng Đrơn, xã Pờ Tó) cùng một số thanh niên làng Đrơn đánh trong một lần Uac đến làng này chơi. Bởi vậy, khi nhìn thấy Lĩu cùng đám thanh niên làng Đrơn trong lễ bỏ củi, Uac đã cùng đám thanh niên làng Klá cầm cây định đánh. Nhóm Lĩu thấy vậy cũng cầm cây, đá ném lại rồi cố tình rồ ga, nẹt pô để thách thức, khiêu khích. Câu chuyện có lẽ chỉ dừng lại ở đấy và sẽ không có bi kịch nào xảy ra nếu không có sự tiếp tay của “ma men”. 
Nghĩ rằng nhóm trai làng Đrơn sẽ tìm người quay trở lại đánh mình, những thanh niên làng Klá bắt đầu hô hào khắp làng rằng có người chuẩn bị đến làng quậy phá, đánh nhau. Thế rồi, chẳng mấy chốc, 27 thanh niên làng Klá đã tay dao, tay gậy, tay đá tập trung sẵn sàng để “bảo vệ” làng. Lũ trai làng chia nhau mỗi nhóm một khu vực, chực chờ nhóm thanh niên làng Đrơn quay lại, không khí như đánh trận. “Mình không biết nhóm làng Đrơn, mình chỉ nghe rằng có người sắp đến đánh người làng mình, thanh niên làng ai cũng ra cả nên mình cũng cầm gậy và đá theo để cùng anh em trong làng chống lại người ta thôi”-Đinh Thi (SN 1997) hồn nhiên nói. Có những thanh niên vốn chỉ quen cầm cái cuốc, cái liềm ra ruộng rẫy cũng nghe theo lời hô hào bâng quơ ấy để rồi cầm hung khí ra nghênh chiến. 
Khoảng 23 giờ 30 phút ngày 22-10-2018, khi nhóm của Lĩu lái xe quay trở lại ngang qua làng Klá đã bị hàng chục thanh niên cầm đá, cầm cây ném. Riêng Đinh Thuôr (SN 1994), Đinh Phi (SN 1993) được xác định đã dùng dao ném thẳng vào trước ngực của Lĩu khiến nạn nhân tử vong. Với tội danh “Giết người”, 2 đối tượng này đã lãnh mức án 16 năm tù, nhóm trai làng còn lại lãnh án 12-36 tháng tù về tội “Gây rối trật tự công cộng”. 
Nỗi lòng người mẹ  
Làng Klá bây giờ bao trùm sự ảm đạm. Dưới mái nhà có những đứa con tù tội, những người mẹ đã khóc khô nước mắt. Bà Đinh Que-người có đến 3 đứa con phải vào tù trong vụ án này đến giờ vẫn chưa hết bàng hoàng. Đêm hôm ấy, khi nghe tin đứa con trai cả Đinh Thuôr và các em Đinh Uac, Đinh Đế (SN 2000) trong nhóm đánh chết người đang bị Công an truy bắt, bà lục đục đánh thức chồng dậy rồi cùng lũ làng kéo lên trụ sở UBND xã Pờ Tó hỏi thăm tình hình. Cả đêm không ngủ, 2 vợ chồng bà lo âu chờ tin với hy vọng nhỏ nhoi rằng những đứa con mình không phải là người gây nên tội. Nhưng rồi, lần lượt 3 đứa bị bắt khi đang lẩn trốn ở chòi rẫy trong rừng. Tim bà thắt lại khi thấy chúng bị còng tay đưa đi, gương mặt hốc hác, phờ phạc, ánh mắt van lơn ân hận nhìn mẹ.  
Ảnh: V.N
Bà Đinh Que hàng ngày vẫn vò võ nhớ cậu con trai đang ở trong tù. Ảnh: V.N
Hơn 50 tuổi, “gia sản” của bà chỉ là 5 cậu con trai. Từ nhỏ, lũ trẻ nhà bà ham chăn trâu, cắt cỏ chứ không cắp sách đến trường. Là hộ nghèo trong làng nên ông bà cũng muốn có thêm người lao động, cũng bởi khuyên con đi học nhưng không đứa nào chịu đi cả. Thế nên, cả 5 đứa đều không đến trường, có chăng cũng dang dở chuyện học hành từ rất sớm. Cưới vợ cho 3 cậu con trai, trong đó có Thuôr, Uac, ông bà tưởng chừng đã có thể mãn nguyện, có cháu bồng, cháu bế. Nhưng giờ đây, ngôi nhà sàn đặc quánh không khí buồn bã khi Thuôr đang ở trong tù; Uac và Đế chuẩn bị thi hành án.  
Từ ngày Thuôr bị bắt, bà Que mới chỉ gặp được con đúng 2 lần khi đến thăm nuôi ở trại tạm giam. Ngày xảy ra án mạng, vợ Thuôr đang mang thai đứa con đầu được vài tháng. Bởi thế, Thuôr cũng chỉ biết mặt con qua những lần thăm nuôi hiếm hoi mà chưa một lần được ẵm bế giọt máu của mình. Bà Que nghẹn ngào: “Tôi với vợ nó bế con lên, nhưng nó ngồi cách một bức tường nên không bế con được lần nào. Cả nhà cứ thế nhìn nhau khóc. Nó ở trong tù mười mấy năm, rồi không biết vợ con nó sẽ phải sống ra sao…”. Sau một hồi im lặng, bà Que buồn bã chia sẻ, vì có đến 3 đứa con liên quan trong vụ án, gia cảnh khó khăn nên ông bà phải bán đi 1 con trâu và 1 con bò để đền cho gia đình Lĩu. Tất cả thu nhập của 2 vợ chồng già bây giờ chỉ trông vào 1 ha mì đang trong mùa khô hạn, vậy nên dù đã lớn tuổi ông bà vẫn phải đi làm thuê kiếm sống.    
Bà Đinh Uên cũng ngày ngày lầm lũi mang theo nỗi buồn vời vợi khi có 2 cậu con trai là Đinh Phi và Đinh Thi liên quan đến vụ án mạng. Phi hiện đã phải chấp hành án, còn Thi cũng đang chờ ngày triệu tập đến trại giam. Chồng mất đã lâu, bà ở vậy nuôi 7 đứa con khôn lớn. Bao khổ cực, lam lũ bà đều cam chịu được, nhưng chứng kiến cảnh 2 con trai phải đi tù, bà gần như gục ngã. Năm nay đã qua hơn 60 mùa rẫy, bà không biết mình có đợi được đến ngày con ra tù không, hay sẽ qua thế giới bên kia mà không một lần được ôm con vào lòng như thuở ấu thơ. Nhìn bà, tôi chợt nghĩ, nay mai, khi Thi tiếp tục đi tù, không biết nỗi trống vắng sẽ còn hành hạ bà thế nào.    
Giọt nước mắt muộn màng   
Trong những ngày chờ tiếp tục thi hành án, Uac vẫn tất tả đi làm thuê để trả nợ. Vợ chồng Uac có một bé gái 19 tháng tuổi, nhưng vì đau ốm thường xuyên và ăn uống đói kém nên cháu chỉ nặng hơn 7 kg. Mỗi lần con ốm đau, Uac lại phải chạy vạy vay mượn để có tiền điều trị, chăm sóc. Tiền đã mượn rồi nên bây giờ mỗi khi có việc người ta lại gọi Uac đi làm, mỗi buổi chỉ tính tiền công khoảng 20.000-50.000 đồng tùy công việc rồi trừ vào tiền nợ. Uac cứ thế nai lưng đi làm để trả nợ rồi lại vay vay, trả trả. Ngày chưa vướng vào vòng lao lý, vợ chồng Uac đi làm cũng chỉ đủ ăn. Rồi Uac đi tù 8 tháng, cuộc sống càng trở nên khó khăn khi một mình chị Đinh HRach-vợ Uac phải lo cho đứa con gái bé bỏng. Gửi con cho ông bà nội, chị H'Rach lặn lội đi làm thuê, làm mướn khắp vùng, từ làm cỏ mì, bốc rơm, gặt lúa đến cả những công việc nặng nhọc như bốc vác. 

Đinh Thi đang tận hưởng khoảng thời gian ít ỏi còn lại bên con trai trước khi thi hành án. Ảnh: L.V.NẢnh: V.N
Đinh Thi đang tận hưởng khoảng thời gian ít ỏi còn lại bên con trai trước khi thi hành án. Ảnh: V.N

Anh Hoàng Tuấn Linh-Phó Bí thư phụ trách Huyện Đoàn Ia Pa: “Huyện Đoàn vẫn thường xuyên phối hợp với các cơ quan chức năng, đoàn thể tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó đối tượng hướng đến chính là thanh niên. Đặc biệt, chúng tôi cũng đã tổ chức các phiên tòa giả định về một số vụ án điểm, qua đó nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của thanh niên địa phương. Riêng ở làng Klá, sau khi vụ án xảy ra, Huyện Đoàn cùng chính quyền địa phương đã tổ chức gặp gỡ, thăm hỏi, động viên các gia đình có con em liên quan, thông qua đó lồng ghép tuyên truyền, lấy đó làm bài học cho thanh niên làng Klá nói riêng và thanh niên trên địa bàn huyện nói chung”.


Uac kể, những ngày bị tạm giam là khoảng thời gian dằn vặt nhất đời mình. Giữa 4 bức tường lạnh lẽo của trại giam, Uac nghĩ về vợ con, cha mẹ, anh em mình mà lòng như thắt lại. Uac nhớ gia đình, nhớ mùi hương lúa thơm ngào ngạt ở cánh đồng, nhớ khói lam chiều quẩn quanh bên những mái nhà trong làng Klá mà nước mắt cứ trào ra.
Những ngày này, Thi cũng quyến luyến cậu con trai kháu khỉnh hơn 2 tuổi của mình. Cậu bé có đôi mắt trong veo ấy mỗi lần thấy bố là mè nheo đòi bế. Sáng dậy, mỗi lần không thấy bố đâu, cậu bé lại khóc vang nằng nặc đòi mẹ bế đi tìm. Nhưng đứa trẻ ấy đâu biết rằng, người bố đang chuẩn bị phải xa gia đình để chấp hành mức án 2 năm tù. Bế chặt đứa con trong tay, Thi rơm rớm nghĩ về cái ngày sẽ phải rời xa con. Thi âu sầu: “Đã lỡ lầm rồi, mình không biết có chịu đựng nổi khi xa mọi người không nhưng cũng phải cố gắng thôi để sớm về với vợ con, với mẹ. Sau khi ra tù còn phải trả nợ vì phải vay mượn để đền bù cho người nhà Lĩu nữa”.  
Hoàng hôn đổ bóng xuống bãi cỏ trước sân nhà rông. Trước kia, mỗi buổi chiều tà, lũ trai làng Klá lại tụ tập về đây đánh bóng chuyền, đá bóng rồi ca hát chờ trăng lên. Nhưng bây giờ, bãi cỏ ấy trống huơ, trống hoác trong cơn gió cuối thu. Trên sân, chỉ lác đác vài bóng trẻ con đang chơi trò đuổi bắt…
 LÊ VĂN NGỌC

Có thể bạn quan tâm

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Nếu Kinh Bắc nổi danh với tranh dân gian Đông Hồ và Thăng Long - Hà Nội vang tiếng với tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng (Hoài Đức - Hà Nội) thì miền Trung gió Lào cát trắng lừng danh với tranh dân gian làng Sình.

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.