Nơi ấy, ngày chưa yên ả

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Ngôi biệt thự màu “xanh”, có tầng hầm rộng, ghi dấu nhiều cuộc họp bàn nhuốm màu hoang tanh, buôn bán, vận chuyển cái chết trắng ở đây. Ngôi biệt thự bây giờ bỏ không, vắng vẻ. Và sẽ còn vắng vẻ nhiều năm nữa...

I - Những triền sông… ma túy

Trời mùa đông, Hưng Nguyên ẩm ướt và nặng trịch.

Tỉnh lộ 12/9 rộng thênh thang. Tiến song song là con đường nhựa cũ, gồ ghề, đoạn còn, đoạn mất. Dấu tích nối thành phố Vinh với huyện lỵ Hưng Nguyên. Chứng nhân những chuyến trung chuyển ma túy, rồi theo các chuyến xe, lên tàu hỏa, phân tán đi các nơi trong cả nước. Đoạn đường cũ hoang phế, khô cằn, cộm những mảng nhựa ép phan trắng bệch.

Đi được 8 cây số, tôi bắt gặp ngôi biệt thự uy nghi, lộng lẫy màu xanh của tội phạm ma túy Trương Đình Thông, hiện ra bên trái đường, cận lộ 12/9. Ngôi biệt thự màu “xanh”, có tầng hầm rộng, ghi dấu nhiều cuộc họp bàn nhuốm màu hoang tanh, buôn bán, vận chuyển cái chết trắng ở đây. Ngôi biệt thự bây giờ bỏ không, vắng vẻ. Và sẽ còn vắng vẻ nhiều năm nữa!

Lối mòn vào đỉnh Phù Nghiêng - Nghệ An, thường xuyên là nơi ẩn nấp của tội phạm ma túy.

Lối mòn vào đỉnh Phù Nghiêng - Nghệ An, thường xuyên là nơi ẩn nấp của tội phạm ma túy.

Đi vài trăm mét đường nhựa, ngoặt chéo theo triền đê bờ sông Lam tới xã Hưng Long, huyện Hưng Nguyên. Cột cây số chỉ: TP. Vinh 13 km. Mắt tôi nhòa, bởi bến sông Cái hiện ra trước mặt. Người xe tấp nập. Vận chuyển gỗ, tre, nứa từ thượng nguồn các huyện miền Tây Nghệ An về cập bãi. Đứng trên đê cao nhìn xuống tựa như một công trường, sông nước. Trên bờ ẩn hiện những khuôn mặt lạnh băng, lấm lét, đợi chờ. Đi thêm một đoạn bờ đê nữa, chúng tôi đến trụ sở Ủy ban nhân dân xã Hưng Long. Ngôi nhà tựa một cái chòi, như điếm canh đê. Đồng chí Võ Hồng Sơn, Phó chủ tịch, kiêm trưởng Công an xã trầm lặng, tiếp tôi.

“Hưng Long là vùng nông thôn rìa sông, đất hẹp người đông. Bà con, ngoài chuyện làm nông, có thêm công việc vận chuyển bè mảng sau khi nông nhàn. Mà bè mảng thì giao lưu với các huyện miền núi cao. Trên đó có những vùng đồng bào, nhiều đời nay trồng cây thuốc phiện. Việc vận chuyển, buôn bán ma túy nảy sinh một cách tự nhiên. Đối tượng tham gia vận chuyển thuốc phiện, sau này là heroin, bằng cách gói bọc kín thuốc, giấu dưới các bè tre, nứa rồi cập về đây” - Ngừng một lát, mời tôi uống bát nước chè xanh đặc sánh, Võ Hồng Sơn kể tiếp. Hành vi buôn bán ma túy ở Hưng Long hình thành đầu tiên một vài người, sau do sinh lợi nhuận cao, chỉ thời gian ngắn, số lượng tham gia đã tăng nhanh. Các đối tượng buôn bán vài chuyến, về thay đổi nhu cầu sinh hoạt. Thanh niên thì đua nhau sắm xe máy, ăn nhậu, chơi bời bừa bãi, lố lăng. Nhiều gia đình đập nhà ra xây lại. Những năm trước, có đến trăm điểm buôn ma túy.

Cầu treo bắc qua sông Nậm Mộ vào bản Xốp Mạt.

Cầu treo bắc qua sông Nậm Mộ vào bản Xốp Mạt.

Người dân lại quan niệm, “Đây là một hình thức làm kinh tế” mới đau lòng. Cả xã có 6.000 dân. Việc thu nhập từ làm nông ở vùng quê hình móng ngựa, đất chật người đông này cả năm chẳng thấm tháp so với lãi một chuyến “theo bè”, mang vài cân thuốc phiện xuống xuôi. Hưng Nguyên nhạy cảm về địa lý, cộng hưởng tác động ngay nội tại và ngoại cảnh. Là địa bàn thuận lợi tập kết “hàng”, nên ban đầu việc sử dụng, buôn bán vận chuyển ma túy rất lẻ tẻ, chỉ vài năm đã bùng phát thành vấn nạn.

Đồng chí Hoàng Văn Việt, cán bộ phòng Cảnh sát điều tra tội phạm ma túy Công an tỉnh Nghệ An kể lại: “Nhiều năm trước, đến Hưng Long, ta luôn có cảm giác nặng nề. Những ánh mắt lấp ló sau khung cửa. Dân tình nhìn người lạ đầy nghi hoặc. Đối tượng buôn bán ma túy bất cứ lúc nào cũng có những hình thức tự vệ, nên rất khó tiếp xúc. Rất khó lấy được thông tin để tiến hành các biện pháp nghiệp vụ, triệt phá các ổ nhóm ma túy hoạt động tại Hưng Long”. Công an tỉnh Nghệ An, chủ lực là Phòng cảnh sát điều tra tội phạm ma túy, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, đặt quyết tâm triệt phá bằng được những đối tượng buôn bán lớn và cả những đường dây buôn bán nhỏ. Trong thời gian ngắn phải lập lại trật tự ở đây.

Qua công tác nắm tình hình, xác định tại địa bàn Hưng Lĩnh, Hưng Long đã hình thành những đường dây mua bán ma túy lớn. Các đối tượng trong tổ chức hầu hết là dòng họ, anh em. Kết hợp nguồn tin thụ lý, sàng lọc đối tượng, thấy nổi lên trường hợp Nguyễn Thạc Hưng, 69 tuổi trú tại Hưng Lĩnh, đã hoạt động trao đổi, buôn bán ma túy tinh vi, tồn tại suốt nhiều năm, với 2 tiền án. Bề ngoài Hưng là một ông già ốm yếu, chất phác, nhưng thủ đoạn thì hết sức quỷ quyệt và cao thủ.

Chuyên án 501F được Công an tỉnh Nghệ An cho phép. Phòng cảnh sát điều tra tội phạm ma túy đã huy động tối đa cán bộ chiến sỹ, tập trung trí lực để triệt phá chuyên án này… sau nhiều ngày triển khai biện pháp nghiệp vụ và mật phục. Đúng giờ G, các chiến sỹ ập vào nhà, bắt quả tang Nguyễn Thạc Hưng cùng 4 đối tượng khác đang mua bán 20 kg thuốc phiện, thu giữ 40 triệu đồng và một số giấy tờ, sổ sách ghi chép liên quan đến việc mua bán ma túy của đồng bọn Hưng. Quá trình điều tra, mở rộng chuyên án, bắt xử lý 14 đối tượng trong đường dây, chúng khai nhận đã buôn bán trót lọt 2 bánh heroin, 270 kg thuốc phiện.

Bóc gỡ đường dây này, với sự tích quản lý hành chính của chính quyền địa phương, tình hình ma túy ở Hưng Lĩnh, Hưng Long đã lắng dịu. Nếu duy trì tốt các biện pháp vận động tố giác, đề cao nhận thức ở cộng đồng, có thể khẳng định chắc chắn tình hình ma túy ở Hưng Nguyên sẽ không còn là vấn nạn. Gặp bất kỳ người dân nào ở Hưng Long bây giờ đều thấy ánh nhìn rạng rỡ. Người dân hiểu rõ ràng, cơn bão ma túy đã đem nhiều đau thương đến từng gia đình. Ai ai cũng muốn từ giã nó. Từ ông già, em bé đều sẵn sàng tố giác các hành vi ma túy diễn ra. Không còn tồn tại quan niệm việc buôn ma túy là một nghề làm kinh tế như trước nữa.

Biệt thự của Trương Đình Thông ở Hưng Nguyên, Nghệ An.

Biệt thự của Trương Đình Thông ở Hưng Nguyên, Nghệ An.

Nhờ hai người dân dẫn đường, tôi tìm đến tận nhà Hoàng Nghĩa Khang ở xóm 8 xã Hưng Long. Khang là đối tượng buôn bán ma túy vừa mãn hạn tù, lại tham gia hoạt động, hiện hắn bị bắt và đang nằm trong trại. Cuộc sống của ba đứa con dại giờ đè nặng lên vai người vợ ốm yếu. Ngôi nhà ba gian cắt nửa. Đống rơm mục, vại tương khô, vài cây chuối lá te tua. Chiếc cửa gỗ mục không còn là cửa. Trong nhà trống huơ. Giường chiếu không có, đồ đạc chẳng gì. Quay ra, tôi gặp con gái của Hoàng Nghĩa Khang - cháu Hoàng Thị Giang. Mười ba tuổi rồi mà nhìn cháu như mới lên mười. Khô khẳng, gầy guộc, mặt cúi gằm, ngấn nước. Hình ảnh cháu cắp cái rổ, vài ba nắm cỏ. Lụt cụt chạy ra phía sau nhà bên chiếc vại sứt sẹo kề đống rơm ẩm mốc xói vào lòng tôi suốt chặng đường về.

Em trai của Giang là Sơn, mũi dãi lòng ròng, cứ hểnh mặt cười... tôi muốn chụp một bức hình các cháu mà không thể giơ nổi ống kính lên. Cũng thân phận tội phạm ma túy mà sao gia cảnh, nhà cửa Hoàng Nghĩa Khang lại thê thảm so với hai ngôi biệt thự của Trương Đình Thông và Phạm Văn Đồng ở Hưng Long - Hưng Nguyên, hiện chủ nhân của nó đang trốn truy nã, sống phè phỡn với vợ nhỏ tại các nước Đông Âu.

II - Son sắt nghĩa tình

Chiều xuống vội. Trở về Vinh từ Hưng Long. Lòng tôi chộn rộn. Cảm giác vui buồn đan xen.

Sáng nay, trước khi đến Hưng Long, tôi có thoáng gặp Nguyễn Đức Hai...

Tới thăm nhà Nguyễn Đức Hai, trinh sát kỳ cựu của Phòng cảnh sát điều tra tội phạm ma túy, Công an tỉnh Nghệ An. Vợ anh đang bất động trên giường. Chị mắc chứng ung thư não, giờ đã chuyển sang giai đoạn di căn. Khi nghe tôi ngỏ ý muốn thăm chị, gương mặt người trinh sát buồn tức tưởi. Anh đưa tôi về nhà, suốt đoạn đường không nói một câu nào. Mua chút quà biếu mà tôi biết chị đâu có ăn được. Giọng Hai trầm, buồn lẳng: “Cực quá anh. Khó khăn lắm. Tiền bạc có đồng nào em đều dành, tập trung chữa chạy cho vợ mấy năm nay. Bệnh ngày một nặng thêm”. Không dám hỏi nhiều về chị. Khi tôi hơi “đá” công việc đánh án, thì ánh mắt Hai có đốm sáng.

Hai, đã có mười lăm năm công tác ở miền núi, tại Tương Dương. Mười năm làm hình sự. Mấy năm nay, anh được điều về phòng Cảnh sát điều tra tội phạm ma túy. Cùng với đơn vị, Hai đã tham gia phá nhiều chuyên án lớn, anh kể: “Có lần đang cùng anh em đi bắt vụ thằng Nam, thằng Hòa thì con gái báo tin, mẹ ở nhà khó thở, chướng bụng... Bối rối quá, thế rồi nhiệm vụ vẫn phải hoàn thành. Sau đó mới về với cô ấy. Mà ngày hôm đó, anh Hòa trưởng phòng, tổ chức đám cưới cho con gái đầu lòng, vì nhiệm vụ, anh ấy cũng đâu có mặt ở nhà được!”.

Hằng ngày, sau giờ làm việc, Hai thường về nhà ngay. Gần ba năm, mọi công việc thay rửa, nâng giấc người vợ mắc chứng ung thư não, liệt hoàn toàn đều tay anh là chính. Nghe anh kể mà thương. Hai rưng rưng: “Em không có đơn vị, anh em, thì gay to. Cả tiền bạc nữa, có lần đích thân anh Hòa mang quà ra Hà Nội. Tiền đóng góp của anh em, người vài chục, người một trăm cho em đang khốn khó. Không còn đồng nào mua thuốc cho nhà em. Cực”.

Vậy đấy, người chiến sỹ can trường, không nao núng trước kẻ thù manh động, trước cám dỗ vật chất. Bên sức khỏe ngày một suy kiệt của người vợ yêu thương, vẫn bền gan... thế mà khi nói về đồng đội, mắt anh rưng lệ.

III - Một đêm ở miền Tây Nghệ An

Trụ sở Công an huyện Kỳ Sơn 24 giờ khuya.

Tiếng kêu tù rựt, tù rựt của con chim ở lùm cây đầu hồi nhà, tựa tiếng ho khan người đi đo điền thổ giữa đêm khiến không gian thêm quạnh vắng.

Đàn bà ở bản không chồng - Xốp Mạt, xã Lượng Minh, huyện Tương Dương, Nghệ An

Đàn bà ở bản không chồng - Xốp Mạt, xã Lượng Minh, huyện Tương Dương, Nghệ An

Đồng chí Trần Văn Minh, phó trưởng Công an huyện đang trao đổi tình hình tội phạm ma túy ở Kỳ Sơn với tổ công tác chúng tôi thì chuông điện thoại reo. “Alô. Bắt được rồi hả. Có hàng không. Đồng ý. Tôi sẽ cho xe dẫn giải về”. Minh quay ra nói: “Anh em vừa bắt được một người buôn lẻ heroin”. Trần Văn Minh gọi ba đồng chí, lấy một chiếc u-oat đi xuống xã Lượng Minh - huyện Tương Dương. Cách Kỳ Sơn 60 km đường rừng dẫn giải đối tượng về. Sau ba tiếng đồng hồ, đối tượng Lữ Thị Vinh hiện nguyên hình trước văn phòng Công an huyện Kỳ Sơn, với tội danh buôn bán vận chuyển heroin. Người đàn bà dân tộc nhưng vóc dáng, vẻ mặt và cách ăn mặc như một phụ nữ người Kinh cáu cạnh, lạnh tanh, không hề tỏ ra sợ sệt. Thị luôn trả lời nhát gừng trước các câu thẩm vấn của cán bộ xét hỏi.

“Bản chất bọn tội phạm ma túy là vậy. Quanh co, quỷ quyệt, sẵn sàng đổi mọi giá để có hàng và giữ nguyên mạng sống”. Phó trưởng Công an huyện Minh nói với tôi sau khi dời phòng thẩm vấn lúc 5 giờ 30 sáng. “Hai năm nay chúng tôi tiến hành biện pháp phát giác trong nhân dân về các hành vi phạm tội, nhất là tội phạm về ma túy. Bằng việc thu thập phiếu điều tra kín. Thông qua hình thức này, nhiều bản, cụm dân cư đã phát hiện, vô hiệu hóa các đối tượng phạm tội, nhất là các con nghiện và tội phạm ma túy” - Trần Văn Minh nói thêm.

Theo chân trinh sát Hoa Thanh Dôi, tôi đến bản Bà, xã Hữu Kiệm, huyện Kỳ Sơn. Địa hình sát đường giao thông số 7A. Trước mặt là dòng Nậm Mộ, qua Nậm Mộ là bước vào rừng. Bản ôm đường, đường ấp bản, chạy dài 500 mét. Sau bản là đỉnh Đình Sơn 1, Đình Sơn 2 có núi Pu Nghiêng cao chất ngất. “Dân ở đây sinh sống bằng nghề gì, em?”. Tôi hỏi trinh sát Hoa Thanh Dôi. Chàng trai người dân tộc cười hiền: “Em cũng không rõ, chắc họ chỉ lấy củi bán”. Chỉ lấy củi bán trên dọc đường quốc lộ thì cuộc sống sao ổn định.

Chắc chắn cũng từ mức sống, hiểu biết và văn hóa cộng đồng ở đây rất thấp, nên bản đã “tự nhiên” trở thành trọng điểm ma túy, trọng điểm nghiện hút của Kỳ Sơn. Nghiện hút diễn ra công khai. Có 40 nóc nhà, thì cũng ngần ấy số con nghiện. Con nghiện muốn thỏa mãn cơn phê thuốc, chỉ có cách buôn bán ma túy mới đáp ứng được nhu cầu. Hoa Thanh Dôi đưa tôi đi sâu vào một đường mòn nhỏ. Quanh co, dẫn tới Đỉnh Sơn 2. Con đường hun hút, thăm thẳm này bọn tội phạm bị truy nã thường đi, ẩn náu hành tung trong núi.

Chiều vội vàng, nhập nhoạng.

Sương núi tràn thấu xương.

Đường mòn trước mắt tôi mất hút trong xanh thẳm, âm u.

* Vinh danh những chiến công thầm lặng của cán bộ chiến sĩ Cảnh sát phòng chống ma túy, Công an tỉnh Nghệ An.

(Còn tiếp)

Có thể bạn quan tâm

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.