Nơi ải Bắc thiêng liêng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị là điểm đầu của Quốc lộ 1A thuộc địa phận thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc, cách thành phố Lạng Sơn 17 km về phía Bắc, cách thủ đô Hà Nội chừng 171 km về phía Đông bắc. Nơi đây, được coi là phên dậu của Tổ quốc, là cửa khẩu quan trọng bậc nhất về đường bộ, nơi diễn ra nhiều sự kiện trọng đại bang giao giữa hai nước Việt- Trung.

Ải Nam Quan

Sử sách chép lại rằng, buổi đầu cửa khẩu chưa có địa danh và chỉ gọi bằng cái tên chung là “Ải Quan”. Thế kỷ thứ XIII, nơi đây là chốn qua lại thường xuyên của các Sứ thần, quân dân binh hai nước. Đầu thế kỷ XV, Ải Quan có tên là Pha Lũy (nhật ký đi sứ của Hoàng Phúc trong bộ kỷ lục hội biên và ghi chép của Lý Văn Phương cuối đời Minh đều xác định cửa Pha Lũy là Nam Quan. Theo đó, từ Bằng Tường, Trung Quốc vào biên ải nước ta phải qua Pha Lũy. Pha Lũy thuộc phía Bắc châu Văn Uyên, nay thuộc huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn)…

Theo cuốn Lịch sử Đồn Biên phòng cửa khẩu Hữu Nghị (1959-1989) do Bộ đội Biên phòng Lạng Sơn xuất bản, năm 1949, nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ra đời. Năm 1950, chiến dịch biên giới của ta thắng lợi, ải Nam Quan trở thành cửa ngõ thông thương giữa cách mạng Việt Nam với nhân dân Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa anh em trên thế giới. Từ đó về sau, cửa ải này đã được nhà nước Trung Quốc đổi ‘Trấn Nam Quan” thành ‘Mục Nam Quan”. Nhiều lãnh tụ, cán bộ cấp cao của Đảng, nhà nước ta đã từng đến thăm cửa ải này và xuất phát từ truyền thống chung sống hòa bình với các nước láng giềng, mong muốn đoàn kết hữu nghị với nhân dân Trung Quốc nên đã đặt tên cửa khẩu là Hữu Nghị (Trung Quốc gọi là Hữu Nghị Quan).

Đại tá Lê Đình Thi, nguyên Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh Lạng Sơn- người gắn bó cả cuộc đời binh nghiệp trấn ải nơi xứ Lạng xúc động cho biết: “Cửa khẩu Hữu Nghị là một vùng đất giàu truyền thống lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Đây là nơi thể hiện tinh thần tôn trọng độc lập, chủ quyền của nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng cùng có lợi, giải quyết các tồn tại bằng hòa bình thương lượng theo truyền thống hữu nghị của dân tộc Việt Nam”.

Bình yên biên giới

Vốn là người ham đi, tôi có nhiều dịp theo chân Đại tá Lê Đình Thi chu du khắp vùng biên ải. Ngày trước, vào đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước, đến được các nơi đóng quân của lực lượng Biên phòng rất khó khăn, dân cư thưa thớt, đường sá khúc khuỷu, mịt mùng cây rừng che khuất. Cửa khẩu Hữu Nghị thì khá hơn, có con đường nhựa nhỏ xuyên qua biên giới, nhưng không gian thì vắng như tờ. Ngày đó, thân quen lắm, các anh Biên phòng mới dám đưa tôi đến Km số 0. Hai bên cây lá xanh rì, nhiều hơn cả là cây dổi, lau sậy và cây si. Thấy chiếc xe U-oát của ta đến sát biên giới, bên phía bạn cũng xuất hiện một vài người lính trẻ chạy đến khu vực ba-ri-e đưa mắt nhìn. Sau vài câu trao đổi bằng tiếng Pạc-Và (Thổ ngữ địa phương) hai bên nhoẻn cười rồi lui về nơi đồn trú.

Ải Nam Quan xưa (ảnh tư liệu)

Ải Nam Quan xưa (ảnh tư liệu)

Nhớ mãi, khoảng giữa tháng 10 năm 1990, tôi vinh dự được Đại tá Thi cho đi cùng lên Km số 0, nơi diễn ra Lễ đón Đại tướng Võ Nguyên Giáp dẫn đoàn thể thao nước ta tham dự Đại hội Thể thao châu Á (ASIAD 1990, tổ chức tại Bắc Kinh, Trung Quốc) trở về bằng đường bộ qua cửa khẩu Hữu Nghị. Hôm đó, trời trong veo, tiếng chim hót véo von mà không lấn át được trống ngực đập liên hồi của tôi và những người tham dự. Thoáng thấy Đại tướng Võ Nguyên Giáp tóc bạc trắng cùng bộ quân phục nhà binh oai hùng mà hiền từ, khoan thai bước qua vạch chỉ phân chia 2 nước Trung- Việt; cả rừng người hoan hô nhiệt liệt. Tôi chợt thấy, Đại tướng đến bên cây si xanh mọc cạnh cột Km số 0, mắt nhìn lên bầu trời rồi thốt lên những câu tâm huyết, nghẹn ngào: “Trên bầu trời trong xanh, những đám mây đen đang dần tan biến. Hữu Nghị Quan muôn đời là Hữu Nghị Quan”. Quả là như vậy, khoảng một năm sau, năm 1991, hai nước Việt Nam- Trung Quốc chính thức bình thường hóa quan hệ, mở ra một kỷ nguyên hòa bình, hữu nghị, hợp tác.

Vững vàng trên tuyến đầu

Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị là một điểm quan trọng trong tuyến hành lang kinh tế Nam Ninh- Lạng Sơn- Hà Nội- Hải Phòng theo thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao hai nước Việt Nam-Trung Quốc về chủ trương xây dựng “hai hành lang, một vành đai kinh tế”, vị trí quan trọng của tuyến hành lang kinh tế Nam Ninh-Singapore, đóng vai trò quan trọng trong mối quan hệ giữa Trung Quốc, Việt Nam với các nước ASEAN và ngược lại. Hàng năm, qua lại cặp cửa khẩu Hữu Nghị- Hữu Nghị Quan có trên 30 ngàn lượt phương tiện hàng hóa và có từ 40 đến 50 ngàn lượt phương tiện chuyển tải hành khách tại khu vực cửa khẩu.

Một trong những lực lượng tiên phong tuyến đầu bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, đối ngoại Biên phòng là cán bộ, chiến sỹ Biên phòng cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị. Trải qua, 64 năm xây dựng và trưởng thành; lực lượng Biên phòng Hữu Nghị đã lập nhiều chiến công, góp phần xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị. Đơn vị đã 2 lần được Nhà nước tuyên dương danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”.

“Thời gian qua, Biên phòng Lạng Sơn đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động cán bộ và các tầng lớp nhân dân làm tốt công tác đối ngoại nhân dân, gìn giữ và phát huy truyền thống đoàn kết với nhân dân Trung Quốc, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, phát triển ” - Đại tá Trịnh Hữu Tăng, Chính ủy Biên phòng Lạng Sơn.

Trung tá Vũ Anh Linh, Chính trị viên Đồn Biên phòng cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị cho biết, đơn vị có nhiệm vụ quản lý, bảo vệ đường biên giới quốc gia dài 3,916km, với một cửa khẩu quốc tế đường bộ và một cửa khẩu quốc tế đường sắt. Đây là địa bàn chiến lược, trọng điểm về quốc phòng, an ninh, cửa ngõ quan trọng của đất nước, với các hoạt động sôi động về thương mại; xuất, nhập khẩu; xuất, nhập cảnh…Nhất là công tác đối ngoại, lực lượng Biên phòng đã thực hiện hiệu quả các hoạt động giao lưu chính trị, với các chủ đề: “Lá cờ Đảng soi sáng biên cương”; “Trung-Việt hữu nghị tâm liền tâm”; tham quan doanh trại, giao lưu thể thao, học bài hát “Tình hữu nghị Việt-Trung”; học ngôn ngữ của hai bên...Trong gần ba năm đối phó với dịch COVID-19, nhiều cửa khẩu trên tuyến biên giới của tỉnh phải tạm thời đóng cửa, do diễn biến phức tạp của dịch. Nhưng tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, hằng ngày vẫn mở cửa thông thương, các hoạt động vận chuyển hàng hóa qua biên giới, tiếp nhận bàn giao công dân, làm thủ tục cho chuyên gia, lao động có tay nghề cao của Trung Quốc nhập cảnh Việt Nam làm ăn…

Đại tướng Võ Nguyên Giáp (giữa) thăm lực lượng Biên phòng Lạng Sơn (tháng 9 năm 1990)

Đại tướng Võ Nguyên Giáp (giữa) thăm lực lượng Biên phòng Lạng Sơn (tháng 9 năm 1990)

Biên phòng hai nước Việt- Trung tuyên truyền chung về phòng chống tội phạm qua biên giới. Ảnh: Duy Chiến

Biên phòng hai nước Việt- Trung tuyên truyền chung về phòng chống tội phạm qua biên giới. Ảnh: Duy Chiến

“Để thực hiện tốt công tác đối ngoại biên phòng, Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị đã phối hợp với Trạm Kiểm tra Biên phòng xuất, nhập cảnh Hữu Nghị Quan (Trung Quốc) tổ chức ký kết “Chung tay kết nghĩa Đồn-Trạm hữu nghị, cùng nhau xây dựng biên giới bình yên”. Tích cực tham mưu cho địa phương, các ngành chức năng thực hiện có hiệu quả công tác đối ngoại với chính quyền địa phương và lực lượng chức năng nước đối diện, góp phần tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị giữa hai bên biên giới. Đơn vị đã trao đổi trực tiếp 160 lần, điện thoại qua đường dây nóng 240 lần, trao đổi 70 thư về công tác phối hợp quản lý bảo vệ biên giới, cửa khẩu, tình hình dịch bệnh, công tác xác minh, trao trả, tiếp nhận công dân, quan hệ hữu nghị chúc mừng năm mới, lễ lớn của hai nước”, Trung tá Vũ Anh Linh chia sẻ.

(Kỳ tới: “Cây đa hữu nghị nơi biên cương”)

Có thể bạn quan tâm

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.