(GLO)- Với mong muốn giúp các gia đình quân nhân ổn định cuộc sống, yên tâm công tác, đầu năm 2015, Bộ Tư lệnh Quân đoàn 3 đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc hoàn thiện các hạng mục công trình và đưa vào sử dụng 300 căn nhà ở công vụ. Đến nay, khu nhà ở công vụ đã trở thành tổ ấm của nhiều gia đình cán bộ, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp đang công tác tại các đơn vị thuộc Quân đoàn.
Ảnh: Phương Dung |
Chúng tôi ghé thăm khu nhà ở công vụ dành cho quân nhân của Bệnh viện 211 vào một buổi sáng đầu Xuân, trời se se lạnh. Mới 7 giờ 30 phút song đa phần các căn nhà đều cửa đóng then cài, chỉ có vài căn hộ mở cửa nhưng người ở nhà chủ yếu là người già, con trẻ hoặc phụ nữ mới sinh. Bế đứa con chưa đầy 3 tháng tuổi trên tay, chị Hoàng Thị Hạnh-vợ của Trung úy Phạm Xuân Hoàn, đang làm ở Khoa Chẩn đoán Hình ảnh của Bệnh viện 211 vui vẻ mời chúng tôi vào nhà. Vừa rót nước mời khách, chị Hạnh vừa giãi bày: “Tụi em mới dọn về khu này sống chưa đầy tháng nên nhà cửa vẫn còn sơ sài lắm! Hàng xóm cũng chỉ mới biết có vài nhà xung quanh chứ chưa có dịp gặp gỡ hết mọi người”. Hai vợ chồng chị Hạnh cưới nhau tính đến nay đã tròn 8 năm và đã có hai cháu nhỏ. Lương của hai vợ chồng cũng chỉ đủ chi tiêu trong cuộc sống và chăm lo cho hai con nhỏ chứ chẳng dư dả để dành dụm mua đất, làm nhà. Do đó, 8 năm qua, hai vợ chồng anh chị cứ dọn hết khu nhà trọ này đến khu nhà trọ khác và mỗi tháng tiền nhà trọ cũng trở thành gánh nặng của hai vợ chồng trẻ. Vì vậy, ngay khi khu nhà ở công vụ vừa hoàn thành đưa vào sử dụng, hai vợ chồng chị đã làm đơn xin đơn vị được thuê một căn để dọn vào sinh sống. “Mặc dù vẫn phải trả tiền thuê nhà hàng tháng, song tiền thuê không nhiều, nhà ở lại rộng rãi, sạch sẽ và hơn nữa xung quanh toàn là những gia đình quân nhân nên rất yên tâm”-chị Hạnh chia sẻ.
Rời khu nhà ở công vụ dành cho quân nhân ở Bệnh viện 211, chúng tôi đến khu nhà ở công vụ dành cho quân nhân của Sư đoàn 320. Với 33 căn nhà công vụ vẫn còn thơm mùi vôi vữa nằm đối diện với 88 căn nhà công vụ khác, đã được đưa vào sử dụng từ năm 2010, tạo thành một xóm nhỏ mà người dân ở đây vẫn quen gọi là xóm quân nhân. Vốn đã trở thành xóm nên không khí ở đây cũng nhộn nhịp, ấm cúng hơn hẳn bởi tiếng nô đùa của trẻ nhỏ, tiếng trò chuyện của các cụ già… Thượng tá Lê Văn Khỏe-Phó Chủ nhiệm Chính trị Sư đoàn, cho biết: Hiện nay, nhân khẩu trong khu nhà ở công vụ của Sư đoàn là trên 400 nhân khẩu, trong đó có 88 căn nhà được đưa vào sử dụng năm 2010 và 33 căn nhà mới xây dựng (đã có 17 hộ vào ở). Hầu hết những gia đình mới dọn vào khu nhà ở công vụ đều là những gia đình trẻ. Họ chủ yếu là quân nhân chuyên nghiệp (sĩ quan chiếm tỷ lệ ít), trong số đó có đến 60-70% gia đình là vợ chưa có việc làm ổn định, con cái còn nhỏ.
Bên cạnh các căn nhà được xây dựng theo một mẫu thống nhất, tạo nên sự hài hòa đẹp mắt, khu nhà ở công vụ còn được đầu tư thêm các công trình phụ như: san nền, sân đường, vỉa hè, hệ thống cấp thoát nước, điện… khá đồng bộ. Dõi mắt ra khu đất trống phía trước đã được san ủi bằng phẳng, Thượng tá Khỏe phấn khởi: Chẳng bao lâu nữa, nơi đây sẽ hình thành một tiểu công viên, khu vui chơi giải trí cho các cháu nhỏ và các hộ gia đình. Mong muốn của đơn vị là các gia đình quân nhân có thể an cư để họ yên tâm công tác và được đón Tết trong những ngôi nhà đầm ấm.
Cùng với 53 căn hộ dành cho quân nhân của Bệnh viện 211 và Sư đoàn 320, trong năm vừa qua, Bộ Quốc phòng còn xây dựng 247 căn nhà khác cho các đơn vị khác thuộc Quân đoàn 3. Mục tiêu của dự án nhằm tạo điều kiện cho gia đình cán bộ, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên quốc phòng của Quân đoàn có cuộc sống ổn định lâu dài, đồng thời cùng với đồng bào và chính quyền địa phương nơi Quân đoàn đứng chân xây dựng Tây Nguyên ngày càng giàu đẹp, góp phần ổn định tình hình kinh tế-xã hội.
Anh Huy