Những thợ chài lưới Lào trên dòng Mekong

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

“Hãy cẩn thận. Coi chừng cá táp mất chân đấy. Dòng Mekong ở Lào này có nhiều loài cá còn lớn hơn cả người bạn” - Chan Thaseng nói nửa thật nửa đùa.

Thaseng nhớ hồi còn chiến tranh, ông là cậu bé làng chài Pakse 9 tuổi từng chứng kiến xác lính chết trôi bị cá lôi mất trong chớp mắt.

Người lớn hay dặn dò con cái không được tắm sông ở những đoạn nước sâu, nhiều hang bọng và vũng xoáy vì sợ cá lớn ăn thịt.

Lào từng tự tin rằng họ sẽ không bao giờ ăn hết cá nhờ hệ thống sông ngòi rộng khắp đất nước, trong đó có sông Mekong trải dài từ đầu đến cuối lãnh thổ.

 

Những thợ lưới cá truyền thống trên sông Mekong, Lào.
Những thợ lưới cá truyền thống trên sông Mekong, Lào.

Sông Lào nhiều cá

Những người đàn ông da đen sạm, tóc quăn rối vì cháy nắng ngồi trên đầu ghe, rít thuốc, chờ mẻ cá mới. Mắt họ lơ đãng nhìn qua bờ bên kia sông Mekong, biên giới Thái Lan với hình ảnh phố thị tương phản hẳn sự hoang sơ trên bờ Lào.

Gặp khách lạ từ Việt Nam, họ hào hứng hẳn: “Ở bên đấy sông Mekong còn nhiều cá không? Những con cá hô nặng trăm ký bán được bao nhiêu tiền?” - một ngư dân đứng tuổi hỏi chuyện bằng tiếng Việt rành rọt.

Một người chài lưới nói tiếng Việt tên Somchay vừa kéo lưới vừa kể mình từng ở Quảng Trị và Huế gần 7 năm, nhưng đã hồi hương vì làm nghề cá ở Lào dễ sống hơn...

Suốt buổi sáng, tôi rong ruổi với những người chài lưới Lào trên sông Mekong phía nam Vientiane. Nương theo mùa nước lên xuống, quanh năm họ ngược xuôi từ hạ nguồn lên thượng lưu sông Mekong để làm nghề cá.

Khi tôi lên ghe cũng là lúc họ đã về gần đến làng của mình. Nắng chếch đỉnh đầu, nhóm chài lão luyện đời nghề, thoăn thoắt rải nhanh lưới xuống sông.

Mỗi tay lưới chỉ ngắn khoảng 20-30 mét với mắt lưới khá to để cá nhỏ có thể chui thoát, và tất cả đều đã cũ kỹ, bạc màu sậm đục của dòng sông.

Những mẻ cá cuối cùng trước khi về với vợ con, họ chỉ thu được ít loại da trơn giống cá tra, cá lăng và cá trê ở Việt Nam.

Somchay nán lại, kéo thêm được một con cá vảy to ánh vàng như cá hô thi thoảng bắt được ở đồng bằng sông Cửu Long, nhưng con cá kém may mắn chui vào lưới ông chỉ nặng hơn 1 kg, cỡ cổ chân người lớn.

Nghe tôi kể ở hạ nguồn sông Mekong chảy qua Việt Nam, thi thoảng người ta bắt được loại cá này nặng cả 100 kg và bán rất có giá, Somchay cười:

“Trước đây, ngư dân Lào vẫn bắt được suốt. Nhiều con lớn hơn cả con heo, còn cỡ 5-7kg vẫn bị chê nhỏ, giá bán cũng bình thường vì nhiều quá. Nhưng bây giờ thì cá lớn cũng hiếm rồi”...

Somchay bảo những mẻ lưới như sáng này là ít cá, nhưng gương mặt vốn hiền lành của người đàn ông Lào chẳng hề lộ nét buồn vui.

Theo lời người chài lưới này thì khoảng hơn chục năm trở lại đây, đoạn Mekong chảy qua thủ đô Vientiane không còn nhiều cá. Lý do vì tàu bè, động cơ hoạt động ở đoạn sông này nhiều quá nên cá bỏ đi.

Đặc biệt, hai bờ Thái Lan và thủ đô Lào đều là thành phố xả nước ô nhiễm xuống sông. Những người truyền đời sống nhờ dòng Mekong kể rằng “đoạn sông vàng” của nghề cá chủ yếu tập trung từ miền nam đến trung Lào.

Riêng phía bắc với địa hình núi rừng hiểm trở, nhiều đoạn lòng sông đầy đá, nước chảy xiết, tuy không giàu thủy sản bằng hạ nguồn nhưng lại có nhiều loài cá rất quý.

Những tháng mùa khô, nước cạn, Somchay và nhóm bạn lưới cá dưới miền nam, mà chủ yếu là ở Pakse, Savannakhet, Khammouan giáp biên giới Campuchia, Thái Lan. Mùa mưa, nước sông dâng cao, họ lên tận phía bắc Lào để săn các loài quý như cá lăng, cá chình, cá ngựa nam...

Lào là quốc gia hiếm hoi ở Đông Nam Á không có biển, nhưng món chính trong bữa ăn truyền thống của dân tộc này lại luôn là cá. Đó là những loài cá nước ngọt nhiều đến mức chính ngư dân cha truyền con nối như Somchay cũng không thể nhớ nổi hết tên.

 

Đánh cá không để làm giàu

Bên bờ Mekong chảy qua thành phố Pakse, tôi được ông Vongthalao, thợ câu chuyên nghiệp đã sang tuổi 71, tâm sự:

“Cá ở nước chúng tôi nhiều như lá rừng Trường Sơn bên các bạn. Ngoài lý do quá ít dân, người Lào cũng không đánh bắt theo kiểu tận diệt, dính con gì, lớn nhỏ cỡ nào cũng không tha”.

Vongthalao bảo ngư dân Lào không có thói quen buôn bán lớn. Họ thường ra sông kiếm cá chỉ để đủ ăn, đủ trao đổi vật dụng thiết yếu khác chứ không để làm giàu. Những cách đánh bắt hủy diệt bằng thuốc nổ, kích điện, lưới mắt nhỏ không hề có trong nghề cá ở Lào.

Vongthalao kể thêm gia đình mình đã nhiều đời làm nghề cá trên sông Mekong. Bạn bè ông cũng thế. Tính tình hiền lành và sùng Phật khiến người Lào không quá tay sát sinh nếu chẳng thật sự cần thiết vì cuộc sống.

Thực tế hành trình dọc Mekong, tôi chưa lần nào nhìn thấy ngư dân Lào đánh bắt quy mô lớn. Họ chỉ dùng xuồng máy nhỏ xíu, thậm chí nhiều người vẫn lênh đênh chèo tay, cũng như hiếm có tay lưới nào dài quá vài chục mét.

Thiên nhiên cảnh báo

Cuối ngày ở gần bến phà Pak Lai nối tỉnh Vientiane và Saynhabuly, tôi được bà Kiet Sana, chủ quán bên bờ Mekong, mời món lạp “Pả Bức” làm bằng loại cá giống như cá lăng. Những khứa cá to bằng cổ tay ướp gia vị đậm đà, nhưng Kiet Sana vẫn xin lỗi khách vì không sẵn loại cá lớn ngon hơn.

Người bạn đồng hành với tôi dịch lại lời bà: “Hồi trước, cá to bằng gốc cây chuối, nặng cả chục ký vẫn còn bị chê, nhưng gần đây ít rồi. Họa hoằn lắm quán này mới mua được vài con, mà chủ yếu khách Trung Quốc ghé ăn”.

Tâm sự của chủ quán Kiet Sana cũng tương tự chuyện kể của những người thợ chài lưới mà tôi gặp.

Với dân số 7 triệu người lại sở hữu hàng ngàn kilômet sông lớn nhỏ, dân Lào vẫn chưa bao giờ sợ hết cá trong bữa ăn, nhưng khoảng hơn mươi năm trở lại đây đã xuất hiện tình trạng mất dần các loài quý hiếm.

Đặc biệt là những loài cá lớn ngày xưa thường vùng vẫy kín đặc các dòng sông nay đã vắng bóng dần.

Ngư dân ở bến phà Pak Lai kể cách đây không lâu, họ còn hay kéo được những con cá 50-70kg, thậm chí hơn 100kg. Nhưng gần đây, nhiều khi cả mùa lưới suốt sáu tháng mưa cuối năm họ vẫn không săn được con to nào nữa.

Theo những người làm nghề cá ở Lào như Chan Thaseng, quốc gia họ ít người nên chẳng bao giờ ăn hết được cá sông. Tuy nhiên, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng thưa thớt này đến từ hệ thống đập thủy điện đã và đang được xây dựng chi chít khắp lưu vực Mekong.

Không cần phải am hiểu khoa học, nhiều ngư dân Lào cũng có thể khẳng định các công trình bêtông chặn ngang dòng chảy đã ảnh hưởng nặng nề đến môi trường sống của cá, nhất là mùa chúng di cư để tìm bãi sinh sản.

Ngoài ra, còn có một lý do đặc biệt khác là thời gian gần đây nhu cầu tiêu dùng cá lớn quý hiếm tăng đột biến ở Lào.

“Nhưng không phải do dân chúng tôi ăn nhiều hơn, mà chính từ người nước ngoài đang đến Lào ngày một đông thêm, đặc biệt là người Trung Quốc vốn thích ăn ngon và ăn rất nhiều”.

Theo tuoitre

Có thể bạn quan tâm

Hun hút giữa mây ngàn

Hun hút giữa mây ngàn

Bám trường lớp ở những nóc heo hút, nhiều thầy cô giáo gần như gởi cả thanh xuân theo cuộc hành trình. Đầu tuần, những người trẻ lầm lụi ôm ba lô ngược núi. Họ như mất hút cho tới cuối tuần, mới có thể ra nơi có sóng điện thoại.

Lão nông cả đời bảo tồn cá quý trên dòng Mê Kông

Lão nông cả đời bảo tồn cá quý trên dòng Mê Kông

Sông Mê Kông đang ngày càng cạn kiệt về các loài cá quý hiếm. Ông Bảy Bon - lão nông ở Cần Thơ trên dòng sông Hậu dành gần cả đời sưu tầm và bảo tồn các loài cá quý với hy vọng chúng sẽ không biến mất. Kết hợp du lịch, ông đã tạo nên một điểm đến hấp dẫn mỗi khi khách đến cồn Sơn của TP Cần Thơ.

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Sau gần 30 năm đưa vào sử dụng, điểm trường Phú Quý thuộc Trường Tiểu học số 2 Bình Châu (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) hiện xuống cấp nghiêm trọng, tường bong tróc, nứt toác… chờ sập. Hàng trăm học sinh và giáo viên thấp thỏm, lo âu vừa học vừa run.

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.