Những thầy giáo cầm bút vào chiến trường - Kỳ 2: Nhật ký vượt Trường Sơn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Sau 3 tháng huấn luyện, đoàn cán bộ, nhà giáo chia thành các chi vượt Trường Sơn vào Nam, gia nhập chiến trường.
Những cuốn nhật ký đã úa màu thời gian của thầy Nguyễn Trúc - Ảnh: TRUNG TÂN
Những cuốn nhật ký đã úa màu thời gian của thầy Nguyễn Trúc - Ảnh: TRUNG TÂN
Nhiều ngày tạm hoãn do miền Bắc bị ném bom dữ dội, đoàn 9 giáo viên đi Đắk Lắk khởi hành vào ngày 7-12-1965.
Hành quân
Sau hơn 5 tháng hành quân, có 3 người (trong đoàn 9 người) đặt chân tới căn cứ H9 (huyện Krông Bông ngày nay). Các giáo viên bị sốt rét rừng hoặc bị thương phải tạm nằm lại các trạm quân y dọc đường. Và có người vĩnh viễn nằm lại trên dải Trường Sơn, chưa bao giờ đặt chân đến Đắk Lắk.
Dưới đây là những trang nhật ký một thuở "xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước" đầy hào khí nhưng cũng rất lãng mạn tuổi trẻ của thầy giáo Nguyễn Trúc, nguyên phó Ty Giáo dục Đắk Lắk:
...Ngày 7-12-1965 (ngày khởi hành - PV): Mấy lần có lệnh lên đường và mấy lần có lệnh hoãn. Ngày hôm nay thấy tình hình có vẻ khẩn trương, anh em tin là lên đường thật. Cũng như mấy hôm trước, trưa nay anh em không tài nào ngủ được mặc dù ai cũng nằm ngay ngắn trên giường và tự nhủ cố ngủ một tí để lấy sức lên đường...
Ngày 21-12-1965 (bắt đầu chạm Trường Sơn - PV): Khi lặn lội tới chỗ đóng quân mới, có anh mệt lả nằm vật ra lá ẩm. Mình căng võng nằm xong thì đứng trưa. Cảnh tượng bỗng nhiên nhộn nhịp.
Thì ra đồng chí giao liên tuyến đường dây miền Bắc đã hoàn thành nhiệm vụ, giờ họ quay ra Hà Nội. Nhiều người, còn ít tiền miền Bắc, tập trung gửi về ủng hộ tạp chí Học Tập của Trung ương Đảng...
Lúc 1h lại chuyển chỗ trú quân lần nữa vì có phản lực quần đảo trên đầu. Qua mấy quả đồi, một con suối. Mình mang hộ anh L. ruột nghé gạo, nặng thở không ra hơi. Chà chà, giữa đại ngàn lại gặp đến ba cô gái xinh đẹp, ai cũng cảm thấy tươi mát, dễ chịu. Chắc mấy cô gái thanh niên xung phong rồi...
Ngày 22-12-1965: Nhai cơm vắt, uống nước nguội lúc 4h sáng. Lạnh ngắt từ miệng vô bụng. Ngày đi bộ đầu tiên. Balô nặng quá. Đường đất đỏ nhì nhoẹt vì mưa, vì sương mù, vì hơi nước từ núi nhả ra. Mới lên xuống một đỗi đã thấm mệt. Nhưng lại rất thú vị khi đi dọc suối.
Sự kết hợp thật tuyệt giữa màu xanh của lá cây, màu trong sáng của nước đã tạo nên một bức tranh đẹp mắt vô cùng. Thấm thía quá cái câu "đất nước mình đâu cũng đẹp như tranh"...
Ngày 23-12-1965: Mình dành hầu hết thời gian buổi sáng để ghi chép, đầy xúc cảm. Không lẽ ngần này tuổi còn mọc răng mới nữa sao? Bỗng nhức và nóng phía trong răng cấm bên phải. Uống ba viên thuốc cảm APC. Mình thầm nghĩ nếu có quỵ xuống thì chờ đến nơi cái đã.
Thầy Nguyễn Trúc vẫn xúc động khi đọc lại nhật ký một thời hào hùng - Ảnh: TRUNG TÂN
Thầy Nguyễn Trúc vẫn xúc động khi đọc lại nhật ký một thời hào hùng - Ảnh: TRUNG TÂN
Cái tết đầu tiên ở chiến trường
Ngày 27-12-1965 (ngày đầu trên đất Lào - PV): Máy bay luôn túc trực trên bầu trời, như những thỏi thạch cao. Lúc nào cũng nghe tiếng nổ, không hiểu tiếng bom hay tiếng đại bác từ xa. Đã mấy ngày nay bọn mình "xuất dương" sang Lào mà không biết...
Ngày 31-12-1965: Không biết tình hình cụ thể ra sao, lại có lệnh không được rọi đèn pin dù lúc này là 3h sáng, đi giữa rừng già. Anh đoàn trưởng còn dặn đến chỗ nào gian nan nhất, giao liên cho rọi đèn mới được bấm. Nhiều lúc phải dùng gậy dò dưới đất để lần lối đi.
Bước không được, phải gọi nhau để khỏi lạc đường. Ai cũng vấp ngã một vài lần, có anh chân toạc máu...
Sức khỏe mọi người giảm sút rõ rệt. Mấy anh lớn tuổi, mỗi bữa không nuốt nổi một chén cơm. Có người dùng ngón tay trỏ bấm vô cổ chân phía trên mắt cá, chỗ thịt da bị bấm lún sâu đến nửa đốt ngón tay, lâu lắm mới phồng lên bình thường trở lại. Triệu chứng phù thũng rồi.
Mấy anh làm một cái lều dưới đất, như lều cho vịt giữa đồng. Trên võng lạnh quá, không tài nào ngủ được. Sau đó nhiều người lần lượt... hạ thổ...
Ngày 1-1-1966: Trong rừng còn tối. Nằm trong "lều vịt" nghe rõ tiếng radio phía anh Hiển (thầy Hoàng Đức Hiển, giáo viên toán cấp II, công tác tại Đắk Lắk từ năm 1965 đến năm 1975, rồi đi học và công tác tại TP.HCM, đã nghỉ hưu - Nguyễn Trúc) nằm võng bên cạnh.
Chương trình ca nhạc đầu năm của Đài Hà Nội là bản nhạc "múa ô" của ông Nguyễn Văn Thương sao mà hay đến thế. Nghe lần nào mình cũng có cái cảm giác hân hoan, tươi tắn...
Được lệnh nghỉ cả ngày. Bãi khách của trạm (giao liên - PV) rộng bát ngát dưới tán rừng già, được con suối đá xuyên qua, cắt thành hai khu vực.
Nắng lên, anh em mở radio lớn tiếng, thấy giao liên không nhắc nên cứ giữ nguyên để nghe buổi ca nhạc đầu năm cho sướng. Ai cũng thấy thoải mái đến mãn nguyện, không dám mong gì hơn. Giao liên dặn riêng chuyện lửa khói thì phải chấp hành nội quy một cách nghiêm ngặt...
Ngày 20-1-1966 (29 tết): (Ngày cuối cùng trên đất Lào - PV). Lên đường sớm. Anh Cao Thành (trưởng đoàn vào Đắk Lắk năm 1965 - PV) nhìn đồng hồ mới 4 giờ sáng. Rừng Lào mùa này lạnh không chịu thấu...
Đến 5 giờ 30 chiều, đến lượt tổ mình qua sông. Bè bằng nứa chứ không phải phà, một chuyến 6 người kể cả người kéo. Cậu Hà Ngọc Đào vừa phụ kéo bè vừa hát khe khẽ "này ông lái kia ơi, thuyền trôi về bến nơi nao...". Đó là một câu trong bản Hoàng Hà đại hợp xướng của Trung Quốc thì phải?
Bè cập bến lúc 5 giờ 35 phút. Lên bờ mình hỏi ngay: Đây là sông gì đồng chí? Sông Sêcamáng. Bên kia là đất Lào? Vâng, bên kia là đất Lào. Bên này Việt Nam. Các đồng chí đang đứng trên đất Kon Tum, phía Bắc. Mình nghĩ thầm thế là đặt chân về Tổ quốc sau gần 1 tháng xa cách...
Ngày 21-1-1966 (mùng 1 tết): Có phải đêm nay là đêm khổ nhất hay không? Trời đen kịt. Có anh bảo hay là mình lọt thòm vô hố đen vũ trụ. Gió đuổi ào ào trên mặt cánh rừng... Tính đến trước giờ giao thừa, mình trượt ngã 4 lần.
Trời mưa tầm tã, vừa đón giao thừa trong mưa, vừa leo dốc. Mình đi gần người mang radio nhất nên nghe khá rõ lời Bác chúc tết. Một anh chen vào: "Cụ dạy như vậy chắc tình hình còn gay go". Không có gì thích thú, sung sướng hơn vào đầu năm mới được nghe bản hợp xướng "ca ngợi Tổ quốc" của Hồ Bắc...
Tới chân dốc lúc 1 giờ sáng. Chỉ đi được một đoạn thì giao liên bảo dừng lại. Mình lựa thế tựa luôn chiếc balô còn mang sau lưng vào thân cây, áo mưa lót dưới đất để ngồi. Cứ như vậy ngồi trong gió, trong mưa suốt mấy giờ liền.
Sáng hẳn lúc 8 giờ sáng, tạnh mưa. Nhưng rồi thấy ai cũng vui vẻ bàn tán về đêm xuân kỳ lạ vừa rồi. Có anh còn nói rất vui: "Giá bắt được Giôn-Xơn (tổng thống Hoa Kỳ - PV), cho hắn cùng đón giao thừa với chúng ta nhỉ"...
Đi đến một chỗ trú quân mới. Một vạt rừng cây nhỏ. Anh em trong tổ rủ nhau ăn tết. Đầu tiên ăn sữa bột với đường. Hai món này lúc nào cũng được dùng dè sẻn. Hình như ai cũng tự quy định chỉ dùng nó khi nào cảm thấy đuối sức.
Như thường lệ, mình ăn khô một muỗng sữa, một muỗng đường. Sau đó mình lập luận hôm nay mồng một tết, phải đường hoàng nên pha thêm một muỗng đường vào ly nước nguội. Mấy anh em khác cũng quậy nước đường uống...
Cậu Nguyễn Phúc Tuần (thầy giáo dạy toán, vào Đắk Lắk năm 1965, năm 1971 ra Bắc, công tác tại Đại sứ quán Việt Nam ở Liên Xô 4 năm rồi về nước, đã nghỉ hưu - Nguyễn Trúc) chúc mừng năm mới mình bằng một thìa ô mai ngào đường. Chỉ có thể nói: rất tuyệt. Không thấy ai phàn nàn về cơm vắt thiu nữa.
Thế là ăn tết xong. Lại phải lên đường. Phía trước còn lắm gian nan...
“Tối qua có cô giáo trẻ tổ bạn mình ngồi khóc rưng rức. Cô trượt chân ngã khi qua suối, bong gân bàn chân trái. Cô ngồi võng dùng khăn ngấm nước muối nóng bóp bóp bàn chân, khóc bởi chỉ sợ vì chuyện này mà phải quay lại hậu phương miền Bắc.
Hình ảnh ấy khiến mình xúc động và tự cho rằng dẫu phía trước có gian nan đến mấy, dứt khoát mình cũng vượt qua.
Chiến trường sẽ đến, như thế nào mình chưa biết. Nhưng chắc chắn nhiều gian khổ, nhiều đạn bom và cái chết. Ai cũng ham sống. Xung quanh mình toàn là những con người mà trái tim họ lúc nào cũng thổn thức bởi hai tiếng quê hương phía trước”
(Nhật ký thầy NGUYỄN TRÚC)
"Trường phải chuyển vào hang đá Cư Jú. Đêm đến thầy trò đốt lửa học bài, nhưng cũng không thể xua đi cái lạnh của hang đá vì quần áo, tấm đắp bị thiếu thốn đủ bề".
Kỳ tới: Trường học trong hang núi
TRUNG TÂN (TTO)

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.