Chạy cả trăm kilômet mỗi đêm giúp người không may gặp sự cố trên đường

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Tối nào người đàn ông tốt bụng này cũng chạy gần trăm kilômet những tuyến đường huyết mạch của thành phố để giúp người không may gặp sự cố trên đường.
Thấy ruột xe đã mòn, anh Tùng thay luôn ruột mới tặng cho người xe ôm công nghệ vất vả mưu sinh đêm khuya - Ảnh: MY LĂNG
Thấy ruột xe đã mòn, anh Tùng thay luôn ruột mới tặng cho người xe ôm công nghệ vất vả mưu sinh đêm khuya - Ảnh: MY LĂNG
23h55, ở quốc lộ 13 gần cầu vượt ngã tư Bình Phước (Q.Thủ Đức, TP.HCM), một người đàn ông mặc áo xe ôm công nghệ thất thểu dắt xe máy đi bộ. Người đàn ông chạy xe Dream chở thùng đồ nghề có ghi chữ “Vá xe, đổ xăng miễn phí” ghé lại hỏi thăm.
Người chạy xe ôm công nghệ buồn bã cho hay xe bị cán đinh, dắt bộ hơn 1km mà không tìm được tiệm sửa xe nào mở cửa. "Anh tấp lên lề đi, để tui coi sao", người đàn ông chở thùng đồ nghề nói.
Sau một hồi loay hoay, một chiếc đinh được tìm thấy trong ruột xe. "Cái này ỷ y không kiểm tra là lủng nữa.
Tui tháo ra thấy ruột mòn dữ lắm rồi, vá một hồi chạy lủng cũng dắt bộ tiếp. Thôi khuya rồi, tui thay luôn cái ruột mới cho anh đi an tâm nha. Tui không lấy tiền đâu" - vừa nói anh vừa lấy cái ruột xe ra thay.
Làm việc không lương mỗi đêm
Người chạy xe ôm công nghệ tên Nguyễn Ngọc Thanh rối rít cảm ơn. Anh Thanh - 42 tuổi, nhà ở chợ Tam Bình, Thủ Đức - cảm kích: "Từ đây về nhà tui còn gần cây số nữa. Nếu không gặp được ảnh thì tui phải dắt bộ tới nhà. Có người vá xe đã mừng rồi, không nghĩ ảnh lại còn thay cho cái ruột xe miễn phí. Ở ngoài tiệm làm như này phải hết cả trăm ngàn đồng".
Chưa kịp cất đồ nghề thì một thanh niên khác lững thững dắt xe tới nhờ giúp đỡ. "Giờ mình phải chạy về Dầu Tiếng, Tây Ninh mà nửa đêm nửa hôm xe bị sút sên còn cực hơn bể bánh. Tìm chỗ sửa mà đóng cửa hết rồi. Vô tình gặp anh này mừng quá trời" - Trần Duy Khanh, 20 tuổi, nhân viên giao hàng, nói.
Tăng sên giúp anh Khanh xong, đồng hồ đã gần 1h sáng.
Anh Khanh ngỏ ý gửi tiền, người đàn ông chạy chiếc xe Dream cũ chở thùng đồ nghề xua tay bảo làm miễn phí thôi. Giúp hai người lạ xong, anh lại rong ruổi chạy tiếp trong đêm khuya. "Khoảng 2h sáng tui mới về. Cứ chạy vòng vòng vậy đó. Gặp ai thì giúp" - anh nói.
Rồi anh mỉm cười: "Nãy gặp được, giúp được người ta tui mừng lắm. Chủ ý của mình đi là giúp người ta mau sớm về với gia đình mà.
Đêm hôm khuya khoắt mà phải đẩy bộ ngoài đường cực lắm. Bữa nào đi mà không gặp ai, tui buồn chứ không vui vì biết ngày nào cũng có người hư xe, chứ không phải không có".
Hỏi sao chạy từ 20h tối đến giờ mà không dừng lại nghỉ, anh giải thích: "Ngồi nghỉ lỡ ai bị gì mình đâu có gặp được. Nên tui cứ chạy hoài. Lúc mình ngồi làm cũng giống như nghỉ mệt rồi".
Người đàn ông tốt bụng ấy tên Lê Thanh Tùng, 43 tuổi. Nhà anh ở Q.9 (TP.HCM), nhưng hiện sống nhờ bên vợ ở Q.12.
Gần hai năm nay, tối nào cũng vậy, cứ sau 20h anh Tùng lại xách xe máy chạy quanh những tuyến đường huyết mạch trong thành phố, gặp ai hết xăng, lủng lốp... thì giúp, không lấy tiền.
Anh Tùng làm tài xế xe tải gần 20 năm nay. Trước anh chạy tuyến Đồng Nai, giờ công ty chuyển qua chạy tuyến Cà Mau.
"Chạy một ngày, nghỉ một ngày. Sáng 4h30-5h tui dậy phụ vợ mở cửa bán cà phê, rồi chở hàng xuống Cà Mau. 19h-19h30 về tới nhà. Tắm rửa, ăn cơm, phụ vợ dọn quán, cho con cái vô ngủ rồi xách xe chạy. Đi tới 2h sáng là về" - anh Tùng nói.
Tối nào người đàn ông tốt bụng này cũng chạy gần trăm kilômet những tuyến đường huyết mạch của thành phố để giúp người không may gặp sự cố trên đường - Ảnh: MY LĂNG
Tối nào người đàn ông tốt bụng này cũng chạy gần trăm kilômet những tuyến đường huyết mạch của thành phố để giúp người không may gặp sự cố trên đường - Ảnh: MY LĂNG
Miễn phí cũng phải làm bằng cái tâm
"Tui muốn làm chuyện này lâu lắm rồi. Lúc trước có những lần tui đi làm về khuya bị bể bánh xe. Khuya làm gì có tiệm sửa xe nào mở cửa. Tui phải đẩy bộ về đến nhà, mệt dữ lắm.
Tôi cứ nghĩ có một ngày mình sẽ làm chuyện này để giúp đỡ những người bị như mình" - anh Tùng bộc bạch.
Gần hai năm trước, một người bạn bán rẻ cho chiếc xe máy với giá 1,5 triệu đồng. Mua được xe, anh Tùng lên công ty xin cái thùng về sắm sửa đồ nghề làm. Lúc đầu anh chỉ mua một loại ruột xe, nhưng có những chiếc xe dùng ruột lớn hơn nên thay vào nó không phù hợp.
"Mình gắn vô người ta chạy cũng được nhưng không tốt. Sau tui mua thêm một loại ruột mắc hơn. Giờ trong thùng lúc nào cũng có hai loại: ruột lớn, ruột nhỏ.
Thay đúng kích cỡ cho người ta chạy mới yên tâm. Miễn phí thì mình cũng phải làm bằng cái tâm, chứ không phải muốn làm sao thì làm" - anh Tùng nói.
Lịch trình của anh rất quen thuộc: ngã tư Ga, ngã tư Bình Phước, đường Phạm Văn Đồng, ngã tư Bình Triệu, quốc lộ 1, cầu vượt Linh Xuân, Suối Tiên, xa lộ Hà Nội, cầu Sài Gòn, một vòng khu Q.2 rồi quay đầu làm tiếp 1-2 "tour" như vậy mới về nhà.
Anh Tùng cho biết có đêm anh giúp được 9 người, trong đó có tới 5 trường hợp phải thay ruột xe, 2 người vá săm, 2 người đổ xăng. Bữa đó gần 3h sáng anh mới về tới nhà.
Chị Như Ngọc - 36 tuổi, vợ anh Tùng - tâm sự: "Mỗi đêm ảnh đi tui ở nhà lo không ngủ được. Chừng nào ảnh về mới yên tâm. Ảnh hay động viên tui: việc mình làm nhỏ xíu, giúp được bao nhiêu thì giúp, tuy vất vả nhưng để lại cái phước cho con".
Chị Ngọc bảo chồng mình muốn giúp nhất là sinh viên, thợ hồ, công nhân đi làm về đêm. "Gặp những người đó, ảnh tháo cái ruột xe ra thấy lủng hai lỗ là thay cho người ta luôn" - chị Ngọc nói.

Anh Tùng thường không để lại số điện thoại, anh nói có duyên gặp được ai thì giúp người đó.

Nhưng có người vẫn lần ra được số điện thoại của anh. Có lần anh Tùng chạy gần về nhà (Q.12) thì nhận được cuộc điện thoại cầu cứu: chú ơi con bị bể bánh xe ngay dốc Coca Cola (xa lộ Hà Nội).

"Khuya quá giờ không đi cũng tội. Thằng nhỏ gặp mình mừng quá chừng. Nó nghĩ tui không ra.

Nó ở bên Q.10, xuống Thủ Đức tặng hoa mà bạn gái hổng nhận, về tới đây thì bể bánh xe. Vá xong tui không lấy tiền, nó lục trong giỏ ra bịch bim bim bảo chú cầm giùm con tối ăn cho đỡ đói" - anh Tùng mỉm cười kể.

Gần 40 tuổi anh Tùng mới lập gia đình. Cưới nhau đã 5 năm, anh chưa có nhà riêng. "Có người bảo sao không tích cóp mà đi làm ba cái chuyện bao đồng - anh Tùng chia sẻ - Tui nghĩ tích cóp tháng mấy trăm ngàn, một triệu mình cũng đâu có giàu, cũng đâu có làm được gì lớn lao. Trong khi khoản tiền ít ỏi đó mình giúp được người khác thì ý nghĩa hơn".

MY LĂNG - VĂN BÌNH (TTO)

Có thể bạn quan tâm

Lời ru chim yến…

Lời ru chim yến…

Tôi vẫn tin một quy luật mặc định với những ai có cuộc sống gắn với tồn sinh của tự nhiên, rằng không quý không yêu, không trân trọng tử tế với thiên nhiên, thì cái giá trả không rẻ.
'Bông hồng thép' Diệu Linh

'Bông hồng thép' Diệu Linh

Chị Nguyễn Thị Diệu Linh, SN 1983, hiện đang làm Quản lý Chương trình NPA tại tỉnh Quảng Trị đã có những đóng góp không nhỏ trong việc giảm thiểu tai nạn thương tích do bom mìn.

Bát nháo 'chợ chim' săn mồi

Bát nháo 'chợ chim' săn mồi

Nuôi chim săn mồi, huấn luyện chúng trở thành những “chúa tể” bầu trời là sở thích của nhiều người. Thú chơi này nở rộ từ sau Tết Nguyên đán cho tới tháng 5, được các tay buôn lùng sục khắp nơi tìm nguồn. 
70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 17: Phát triển để tri ân

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 17: Phát triển để tri ân

Sau 70 năm giải phóng, mảnh đất Điện Biên Phủ anh hùng có rất nhiều thay đổi đáng tự hào trên. Để làm rõ hơn kết quả đạt được của Điện Biên trong 70 năm qua và định hướng sắp tới, phóng viên Tiền Phong có cuộc trao đổi với ông Lê Thành Đô - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên.
Tiếng kèn địch vận trên đồi C1

Tiếng kèn địch vận trên đồi C1

Ký ức xưa ùa về, vị tướng già 92 tuổi đã ôm máy trợ tim hơn 20 năm, ánh mắt như cười khi thổi những giai điệu rộn ràng của cây kèn Harmonica cho tôi nghe, những bản tình ca tha thiết của 31 ngày đêm chiến đấu trên đồi C1...
70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ-Bài 16: Kỳ tích điện hóa toàn bộ Điện Biên Đông

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ-Bài 16: Kỳ tích điện hóa toàn bộ Điện Biên Đông

Có lẽ, ít ở đâu trên nước ta, quyết tâm đưa điện về bản lại cao như ở huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên. Địa bàn nghèo nên không thể cấp cho dân “cá”, muốn cấp “cần câu” cũng khó nên chính quyền chọn cách đưa cho dân “mồi câu”. “Mồi câu” ở đây chính là điện lưới quốc gia.
Tôi đi chiến dịch Điện Biên

Tôi đi chiến dịch Điện Biên

(GLO)- "Tôi có cảm tưởng như cả đất nước, tất cả các dân tộc đang hành quân đi giành lấy độc lập tự do. Làm sao mà có thể đè bẹp ý chí của cả một dân tộc yêu nước. Tôi vô cùng tự hào là người chiến sĩ Ê Đê thuộc Tây Nguyên miền Nam duy nhất cũng có mặt trong đoàn quân ấy".