Bát nháo 'chợ chim' săn mồi

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Nuôi chim săn mồi, huấn luyện chúng trở thành những “chúa tể” bầu trời là sở thích của nhiều người. Thú chơi này nở rộ từ sau Tết Nguyên đán cho tới tháng 5, được các tay buôn lùng sục khắp nơi tìm nguồn. 

“Chợ chim” online ăn theo mùa vụ, muôn hình vạn trạng mánh khóe, chiêu trò “hóa kiếp” cho các loài “chúa tể” săn mồi...

Mùa săn “chúa tể”

Đi dọc các con đường ở TP Hồ Chí Minh như Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt (Bình Chánh), Nguyễn Hữu Thọ, Huỳnh Tấn Phát (Nhà Bè) không khó để bắt gặp những "chúa tể” bầu trời, chân buộc xích, đậu sau baga xe máy lượn vòng khắp các nẻo đường để khoe mẽ và thể hiện đẳng cấp. Trọng Hoàng (ngụ Q.7, TP Hồ Chí Minh), người huấn luyện chim săn mồi cho biết, mùa hè là thời điểm các chúa tể bầu trời bước vào giai đoạn sinh sản, nguồn cung dồi dào nên được cánh buôn ráo riết săn tìm. Các đầu nậu mua bán chim tăng cường quảng cáo, đẩy thị trường lên cao điểm. Ở nhiều nơi và các trang mạng xã hội, việc rao bán, trao đổi, sang tay những con chim quý hiếm diễn ra rất nhộn nhịp.

Chim săn mồi thường được mang đi giao lưu khắp các vùng miền.

Chim săn mồi thường được mang đi giao lưu khắp các vùng miền.

Chỉ cần bỏ ra từ vài trăm ngàn đến 2-3 triệu đồng, dân chơi dễ dàng sở hữu một con đại bàng, ưng, cú, kền kền... từ 1-3 tuần tuổi. Trong đó, các giống chim họ đại bàng là loại được săn đón nhiều nhất, có giá trị cả về kinh tế lẫn thể hiện được đẳng cấp vì chim có hình dáng oai vệ, sải cánh to và "ngầu".

Minh Tâm (23 tuổi, ngụ Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh) có thâm niên chơi “chúa tể” săn mồi được hơn 3 năm và bây giờ thành một nhà buôn chim có tiếng ở khu vực TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai. Với giống đại bàng, Tâm cho biết chỉ cần cho vào lò ấp 35 ngày là có mẻ chim non mới. Nuôi thêm 10-15 ngày nữa là có thể xuất chuồng và mang bán. Một chú chim non Tâm bán với giá 1-3 triệu đồng tùy kích cỡ. Như vậy, chỉ trong vòng 2 tháng, Tâm có thể bán ra thị trường từ 70-100 chú chim non. Sau khi trừ chi phí nuôi ấp, Tâm thu về cả trăm triệu đồng.

Loại chim săn mồi qua nuôi ấp hoàn toàn lành tính, chúng không hề nanh vuốt như giống loài sống hoang dã trong thiên nhiên. Cho dù sau này có được huấn luyện thì bản năng hoang dã của chúng vẫn rất hạn chế, nên thường được giới chơi chim bình dân ưa chuộng. Minh Tâm chia sẻ, bản thân anh là đầu mối cung cấp chim nuôi ấp bằng trứng cho một bộ phận lớn dân chơi trung lưu, với giá rất bình dân.

Chú đại bàng biển này được “dân chơi” rao giá 25 triệu đồng vì có nguồn gốc Bắc Mỹ.

Chú đại bàng biển này được “dân chơi” rao giá 25 triệu đồng vì có nguồn gốc Bắc Mỹ.

Còn “dân chơi” thuộc đẳng cấp cao hơn thì họ lại chú tâm tìm những loài chim săn mồi có nguồn gốc từ rừng xanh, có bản năng tự nhiên cao. Minh Tâm bật mí, lợi dụng vào nhóm dân chơi này, một số đầu nậu đã “hóa trang” cho các loài chim săn mồi nuôi ấp thành “chúa tể” rừng xanh thực thụ. Họ mua chim non về, mang vào rừng huấn luyện vài tháng, cho chim ăn những thức ăn tăng trưởng để kéo dài móng vuốt, làm cứng mỏ, rậm lông... sau đó lại ép chim vào những chiếc lồng sắt, mỗi ngày bắt chúng bay nhảy, vỗ cánh và quằn quại trong chiếc lồng nhỏ hẹp nhằm tạo nên sự hung hăng, dữ tợn cho chim. Sau khoảng 6 tháng trở đi, chim tiếp tục được mang ra ngoài huấn luyện và rao bán. “Mánh khóe này chỉ có dân trong nghề mới biết, còn người chơi, dù thuần thục đến mấy cũng chịu thua. Vậy nên nhiều đại gia đã bị lừa một số tiền lớn để mua chúa tể săn mồi “đểu”, mang về huấn luyện một thời gian thì chim lộ nguyên hình là hàng ấp nở”, Minh Tâm tiết lộ.

Biết rõ việc buôn bán các loài chim săn mồi bị cấm nên việc trao đổi, thỏa thuận đều trong nhóm kín hoặc giao dịch trên mạng là chính, không hề có địa điểm cố định bên ngoài. Trên trang kín “huấn luyện chúa tể săn mồi” với hơn một ngàn thành viên mỗi ngày có vài chúa tể quý hiếm được rao bán. Chủ nhân tên Quỳnh Phạm đăng hình chú đại bàng Harpy sống trong rừng nhiệt đới của Mexico. Những lời quảng cáo của anh này khiến dân chơi mê đắm: “Vị chúa tể này sở hữu con mắt có một triệu tế bào nhạy sáng trên mỗi milimet võng mạc, nhiều hơn gấp 5 lần con người. Trong khi con người chỉ nhìn thấy 3 màu cơ bản thì đại bàng có thể nhìn thấy 5 màu. Sự thích nghi này cho phép đại bàng có tầm nhìn cực kì sắc nét và giúp chúng có thể phát hiện ra những con mồi tiềm năng từ một khoảng cách rất xa. Không chỉ vậy, “chúa tể” này còn có khả năng nhìn thẳng vào mặt trời, dù nắng hôm nay lên tới trên 40 độ...”. Bài quảng cáo nhận được rất nhiều lượt xem và hỏi về giá, tất nhiên chủ nhân cũng kín đáo trả lời “ai quan tâm thì inbox”.

Một loài khác đang được dân chơi săn lùng là đại bàng đầu trắng - loài chim săn mồi hàng đầu của Bắc Mỹ - có bộ não phát triển tốt, chúng là loài chim thông minh. Loài vật này có thể suy nghĩ một cách chiến lược và giải quyết vấn đề. Chúng có thể nhìn thấy các vật thể ở xa gấp 4 lần so với bất kỳ thứ gì con người có thể phát hiện. Chúng cũng có thể xoay đầu lên tới 270 độ, mang lại khả năng nhìn hai mắt và một mắt vượt trội hơn gấp nhiều lần khi so sánh với người.

Nếu là đại bàng Bắc Mỹ chính hiệu từ Mỹ mang về thì không còn gì bàn cãi trong dòng quảng cáo của các tay buôn. Nhưng, chẳng ai biết đó là thật hay cũng lại từ trứng ấp nở như nở con gà, con vịt. Tuy nhiên, nó vẫn rất hút các tay chơi tìm hiểu và trả giá. Chúng tôi “inbox” hỏi giá chủ nhân tên Tiến Cường một chú đại bàng đầu trắng vừa được quảng cáo trên nhóm. Trước khi hét giá, anh này gửi cho bảng thông tin chi tiết về “chúa tể”: Đại bàng đầu trắng 24 tháng, kích thước 80 cm, sải cánh 190 cm, nặng 4,8 kg... nguồn gốc Bắc Mỹ. “Loài này bị cấm buôn bán, mang từ nước ngoài về phải có giấy phép về nguồn gốc. Nếu mua bán thế này có an toàn không? Chúng tôi hỏi. Tiến Cường trả lời ngay: “Làm gì có giấy phép, chúng tôi nuôi ấp trứng mang về từ Bắc Mỹ, đảm bảo giống nguyên thủy, đời F1”. Với “chúa tể” này, Tiến Cường hét giá 6,5 triệu đồng.

Chúng tôi mang thông tin trên hỏi anh Lê Hoài Chương, chuyên gia nghiên cứu các loài động vật hoang dã, anh Chương cho biết, với giá vài triệu như thế chỉ có thể là trứng ấp nở trong lồng, có phải là trứng của đại bàng đầu trắng thật hay không thì chưa biết được, vì đại bàng đầu trắng là loài chim quý ở Bắc Mỹ, lấy được trứng của nó về Việt Nam ấp nở đâu phải dễ.

Huấn luyện chúng rất kỳ công và phải thực sự đam mê.

Huấn luyện chúng rất kỳ công và phải thực sự đam mê.

Những cú lừa ngoạn mục

Chính vì sự nhập nhoạng này mà nhiều tay chơi là đại gia đã ăn cú lừa ngoạn mục, vừa mất tiền lại vừa mất mặt. Trong đó, phải kể đến dân chơi Lê Hồng Minh (thường gọi Minh “đen”, ngụ Q.7, TP Hồ Chí Minh). Minh “đen” có sở thích chơi chúa tể bầu trời cách đây hơn 5 năm, anh ta sở hữu nhiều loài chim quý, có giá trị và thường mang đi giao lưu, thi thố trong các cuộc thi chim ưng. Minh thường lên các hội nhóm để săn tìm chim quý, cũng không ít lần săn được hàng chính hiệu, có giá trị cao. Tuy sắc sảo và chuyên nghiệp là thế, nhưng Minh “đen” vẫn gặp phải những cú lừa cười ra nước mắt. Minh kể, mới tháng trước, anh nhìn thấy một chú đại bàng đầu trắng rất đẹp trên trang cá nhân của tay chơi tên Tuyền Lâm (ngụ Q.3, TP Hồ Chí Minh). Tuyền Lâm quảng cáo rất nhiều về chúa tể săn mồi. Nào là hàng độc nhất vô nhị được mang về từ vùng Alaska của Mỹ, thuộc loài quý hiếm.

Để chứng minh cho lời mình nói, anh này trưng ra giấy phép thông hành qua cửa khẩu, giấy cho phép xuất cảnh và chứng nhận tiêm chủng phòng dịch bệnh cho chim. Đã mê loài này rồi, lại thêm các giấy tờ về nguồn gốc “xịn” nữa, Minh “đen” quyết phải sở hữu được vị “chúa tể” này. Anh đã liên hệ với chủ nhân, nói chuyện, trao đổi thương lượng về giá cả. Cuối cùng, Minh chốt được giá 85 triệu đồng cho chúa tể săn mồi đại bàng đầu trắng có tuổi đời hơn 5 năm, có đôi cánh rộng gần 2 m và chiếc mỏ dài gần 10 cm cứng như thiên thạch. Mang chim quý về nhà, Minh “đen” bắt tay vào huấn luyện ngay.

Vốn có kinh nghiệm huấn luyện “chúa tể”, Minh “đen” rất biết cách chăm sóc sức khỏe, ăn uống và khả năng thiện chiến của loài đại bàng đầu trắng. Nhưng, thật bẽ bàng, chưa đầy một tháng sau, chú đại bàng rụng rời hết lông và móng vuốt, toàn thân nổi những cục đỏ. Minh chưa kịp mang đi bệnh viện thú y để kiểm tra thì nó lăn ra chết. Khám nghiệm tử thi kết luận, chim chết do nhiễm trùng nội tạng. Minh không hiểu tại sao, chế độ ăn uống phù hợp như vậy, những chú đại bàng khác đều khỏe mạnh, phát triển tốt, riêng chúa tể từ Alaska mang về thì lâm nạn.

Qua tìm hiểu, Minh được biết, thực ra “chúa tể” này là loài ấp nở từ trứng, được lai tạo với loài chim ưng khác. Chưa kể lai tạo thì không thể xác định được nguồn gốc hoặc chính xác giống chim nên khi chăm sóc theo cách truyền thống nó sẽ không thích nghi được, từ đó suy nhược cơ thể, phát bệnh bên trong.

Không chỉ Minh “đen” bị lừa “chúa tể” dởm, mà nhiều người chơi chim khác cũng ngậm đắng nuốt cay khi trót mua chim ở “chợ chim” online. Đầu tháng 4 vừa qua, anh Duy Đông (ngụ Q.12, TP Hồ Chí Minh) lên mạng mua được chú diều hâu Canada mắt vàng, mỏ đen với giá 1,2 triệu đồng. Về nhà nuôi được đúng một tuần, chưa kịp mang ra ngoài huấn luyện thì chim lăn ra ốm, nằm thoi thóp. Anh Đông gọi thú y đến khám và điều trị mất thêm một khoản bằng tiền mua chim.

Khi chú diều hâu khỏe lại, thấy tình trạng chẳng khác nào con gà con, rất yếu đuối, không có dáng dấp nào của “chúa tể”, anh Đông đành đem thả chim ở bụi cây gần sông, cho nó đi đâu thì đi. “Mình bị lừa mua phải chim ấp ở lò, không phải trứng của diều hâu chính hiệu nên khi mang về nó rất yếu, không hề có bản năng săn mồi, nó giống con vịt hơn là chim”, anh buồn bã chia sẻ.

Những chúa tể săn mồi được ấp nở như gà, vịt.

Những chúa tể săn mồi được ấp nở như gà, vịt.

Huấn luyện chúa tể bầu trời là một niềm vui tiêu khiển, tuy nhiên thú chơi này kéo theo nhiều hệ lụy. Theo luật sư Nguyễn Thanh Biên (Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh) hầu hết các loài chim săn mồi đều nằm trong Phụ lục II của Công ước CITES (Công ước về thương mại quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp) phải có giấy phép nhập khẩu do Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES cấp (trường hợp nhập khẩu) hoặc các giấy tờ khác chứng minh nguồn gốc hợp pháp (trường hợp mua, bán trong nước). Các hành vi rao bán, nuôi nhốt trái phép chim săn mồi là vi phạm pháp luật, có thể bị xử phạt hành chính tối đa là 400 triệu đồng, thậm chí có thể bị xử lý hình sự tối đa 15 năm tù đối với cá nhân tùy vào mức độ, tính chất của các loài động vật bị cấm.

Có thể bạn quan tâm

Hun hút giữa mây ngàn

Hun hút giữa mây ngàn

Bám trường lớp ở những nóc heo hút, nhiều thầy cô giáo gần như gởi cả thanh xuân theo cuộc hành trình. Đầu tuần, những người trẻ lầm lụi ôm ba lô ngược núi. Họ như mất hút cho tới cuối tuần, mới có thể ra nơi có sóng điện thoại.

Lão nông cả đời bảo tồn cá quý trên dòng Mê Kông

Lão nông cả đời bảo tồn cá quý trên dòng Mê Kông

Sông Mê Kông đang ngày càng cạn kiệt về các loài cá quý hiếm. Ông Bảy Bon - lão nông ở Cần Thơ trên dòng sông Hậu dành gần cả đời sưu tầm và bảo tồn các loài cá quý với hy vọng chúng sẽ không biến mất. Kết hợp du lịch, ông đã tạo nên một điểm đến hấp dẫn mỗi khi khách đến cồn Sơn của TP Cần Thơ.

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Sau gần 30 năm đưa vào sử dụng, điểm trường Phú Quý thuộc Trường Tiểu học số 2 Bình Châu (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) hiện xuống cấp nghiêm trọng, tường bong tróc, nứt toác… chờ sập. Hàng trăm học sinh và giáo viên thấp thỏm, lo âu vừa học vừa run.

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.