Thọc sâu đánh chiếm Bộ Tổng tham mưu ngụy

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, Trung đoàn 28 được Bộ Tư lệnh Quân đoàn 3 và chỉ huy Sư đoàn 10 giao đánh chiếm Bộ Tổng tham mưu-cơ quan Tổng hành dinh quân lực Việt Nam Cộng hòa. Với ý chí quyết tâm chiến đấu cao, không quản hy sinh xương máu, chỉ trong 29 giờ, Trung đoàn đã tiến công suốt chặng đường dài hơn 50 km, đập tan nhiều đồn bốt và các ổ đề kháng của địch, đánh thẳng vào trung tâm đầu não của quân đội Sài Gòn, nhanh chóng làm chủ một trong 5 mục tiêu chủ yếu của chiến dịch.
Theo nhiệm vụ trên giao, Trung đoàn 28 được tăng cường 1 đại đội xe tăng, 1 đại đội xe thiết giáp K63, 1 khẩu cối 106 mm, 1 khẩu cối 120 mm, 1 tiểu đoàn cao xạ hỗn hợp 37 mm, 57 mm và 50 xe ô tô vận tải chở bộ đội có nhiệm vụ vận động tiến công thọc sâu theo đường 15 vào phía Bắc Sân bay Tân Sơn Nhất, hiệp đồng chặt chẽ với Trung đoàn 24 đánh chiếm sân bay, sau đó phát triển đánh chiếm Bộ Tổng tham mưu ngụy. Nhiệm vụ rất nặng nề và khó khăn nhưng cán bộ, chiến sĩ các đơn vị đều hứa quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ. 
Theo đó, Trung đoàn tổ chức đội hình tiến công hành tiến thọc sâu thành 2 khối cơ động đột kích mạnh binh chủng hợp thành. Khối đột kích 1 gồm Tiểu đoàn 3, 14 xe tăng T54 và xe thiết giáp K63, 11 xe ô tô vận tải, 1 khẩu cối 82 mm, 1 khẩu ĐKZ 75 mm, 1 khẩu 12,7 mm, 1 tiểu đội công binh và 1 tiểu đội trinh sát, đảm nhiệm tiến công trên hướng chủ yếu của Trung đoàn. Khối đột kích 2 gồm Tiểu đoàn 1, 13 xe ô tô vận tải, 1 khẩu ĐKZ 75 mm, 2 khẩu cối 82 mm, 1 khẩu 12,7 mm. Tiểu đoàn 2 làm dự bị.
Hai đồng chí Trần Lựu và Nguyễn Duy Tân (Trung đoàn 28) cắm cờ chiến thắng trên tầng thượng Trung tâm chỉ huy Bộ Tổng tham mưu quân đội Sài Gòn (Ảnh tư liệu Quân đoàn 3).
Hai đồng chí Trần Lựu và Nguyễn Duy Tân (Trung đoàn 28) cắm cờ chiến thắng trên tầng thượng Trung tâm chỉ huy Bộ Tổng tham mưu quân đội Sài Gòn (Ảnh tư liệu Quân đoàn 3).
Đúng 6 giờ 30 phút ngày 29-4, từ vị trí tập kết ở khu vực Bến Tranh (Dầu Tiếng, Bình Dương), Trung đoàn được lệnh xuất quân. Đoàn quân với gần 80 xe cơ giới các loại rùng rùng chuyển động theo đường công binh cắm lộ tiêu tiến về phía Phú Hòa Đông để vào đường 15. Lúc 8 giờ 20 phút, bộ phận đi đầu đến cách Tây Nam Phú Hòa Đông 2 km thì địch phát hiện, cho pháo 105 mm ở Tân Quy bắn vào đội hình. Cán bộ chỉ huy các cấp kịp thời động viên bộ đội, ổn định đội hình, tiếp tục hành quân. Trên đường hành tiến, Trung đoàn lần lượt tiêu diệt các điểm chốt chặn của địch ở Phú Hòa Đông, Tân Thạnh Tây, đến trưa thì làm chủ Tân Quy. Đội hình Trung đoàn tiếp tục theo đường 15 tiến qua Tân Thạnh Đông về Hóc Môn. Lúc 12 giờ 50 phút, khi qua cầu Sáng, do đi liền nhau nên chiếc xe tăng thứ 3 vượt được 3/4 cầu thì cầu bị sập, xe bị tụt xuống kênh, đường tắc, đội hình phải dừng lại. Trung đoàn trưởng Nguyễn Đức Cẩm và Trung đoàn phó Đỗ Công Mùi lên kiểm tra, thấy không thể khắc phục được liền ra lệnh cho đội hình phân tán sang hai bên đường rồi báo cáo đề nghị Sư đoàn cho đơn vị quay lại ngã tư Tân Quy, rẽ trái theo đường số 8 qua căn cứ Đồng Dù (Sư đoàn 320 vừa làm chủ) xuống quận lỵ Củ Chi, theo đường 1 về Hóc Môn rồi vào đường 15 phát triển theo nhiệm vụ. Được Sư đoàn đồng ý, Trung đoàn liền vòng lại… Đến 18 giờ thì về đến Hóc Môn, khu vực này đã được Trung đoàn 64 (Sư đoàn 320) giải phóng lúc 12 giờ cùng ngày. 18 giờ 30 phút, đội hình cơ động của Trung đoàn đến ngã tư Quang Trung thì được lệnh tạm dừng triển khai sẵn sàng chiến đấu; Trung đoàn trưởng về Sở Chỉ huy Sư đoàn nhận nhiệm vụ. 
23 giờ ngày 29-4, Bộ Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ bổ sung cho Quân đoàn 3 dùng lực lượng đánh chiếm Bộ Tổng tham mưu quân đội Sài Gòn và đây là nhiệm vụ chính thức, không phải nhiệm vụ phát triển hiệp đồng như trước. Vinh dự được cấp trên tin tưởng giao nhiệm vụ nặng nề nhưng rất vẻ vang, tranh thủ thời gian quý giá trong đêm, Sư đoàn 10 dâng đội hình Trung đoàn 24 áp sát mục tiêu, tăng cường hỏa lực sẵn sàng đánh chiếm Sân bay Tân Sơn Nhất, giao nhiệm vụ cho Trung đoàn 28 sau khi phối hợp đánh chiếm sân bay chuyển sang tiến công Bộ Tổng tham mưu địch. Trong đêm, Trung đoàn cử nhiều tổ trinh sát đi dò đường cho ngày hôm sau nhưng đều gặp địch phải quay lại.
Đúng 4 giờ 30 phút ngày 30-4, Thiếu tướng Vũ Lăng-Tư lệnh Quân đoàn ra lệnh tấn công. Hòa trong tiếng nổ vang trời của pháo binh trên các hướng, các cụm pháo của Quân đoàn và Sư đoàn 10 được lệnh bắn vào Sân bay Tân Sơn Nhất và Bộ Tổng tham mưu ngụy. Sài Gòn rung chuyển trong tiếng nổ của các loại pháo tiến công của quân ta. Giữa lúc quân địch đang hoang mang dao động, lúc 5 giờ 30 phút, Trung đoàn 24 và xe tăng đột phá đánh chiếm ngã tư Bảy Hiền để tiến vào đánh chiếm cổng số 5 Sân bay Tân Sơn Nhất.
Trên hướng Trung đoàn 28, bộ phận đi đầu đi nhầm vào trại Quang Trung, đến 8 giờ 20 phút phải quay trở lại vị trí xuất phát, sau đó cơ động về hướng Tây Bắc Sân bay Tân Sơn Nhất. 8 giờ 50 phút, đội hình Trung đoàn tiến vào ngã ba để sang đường 15 thì có lệnh mới của Sư đoàn. Lúc này, Trung đoàn 24 đã chiếm một phần Sân bay Tân Sơn Nhất và đang trên đà tiến công thuận lợi nên Trung đoàn 28 được lệnh nhanh chóng theo đường 1 tiến vào đánh chiếm Bộ Tổng tham mưu ngụy. 
9 giờ, đội hình Trung đoàn đến ngã tư Bảy Hiền. Khi tiến đến khu vực Lăng Cha Cả thì gặp lực lượng của Trung đoàn 24 đang đánh vào sân bay. Thấy đường Võ Tánh bị xe cháy ngổn ngang làm tắc nghẽn, Trung đoàn quyết định cho đội hình tiến theo đường Trương Minh Ký qua nhà thờ Tân Châu Sa, rẽ sang đường Thoại Ngọc Hầu rồi trở lại đường Võ Tánh đánh vào Bộ Tổng tham mưu ngụy. 9 giờ 30 phút, lực lượng đi đầu của Trung đoàn tiến qua Lăng Cha Cả 200 m thì bị địch nấp trong các dãy nhà cao tầng hai bên đường bắn chặn dữ dội. Sư đoàn phó Vũ Khắc Phụng và Trung đoàn phó Đỗ Công Mùi liền ra lệnh cho xe tăng và bộ binh vừa tiến vừa đánh địch, mở đường tiến vào mục tiêu.
Tại dinh lũy cuối cùng của địch, bộ binh, xe tăng của chúng dựa vào công sự, nhà cao tầng ngoan cố chống cự, bịt cổng chính và cho một mũi từ phía Nam tới phản kích làm một số cán bộ, chiến sĩ ta thương vong. 10 giờ, Tiểu đoàn 3 và xe tăng, thiết giáp do Phó Tham mưu trưởng Trung đoàn Lê Ngọc Tùng chỉ huy đánh thẳng vào cổng chính Bộ Tổng tham mưu ngụy. Xe tăng 815 do Đại đội phó Đỗ Hồng Kỳ chỉ huy bắn cháy chiếc xe tăng đi đầu của địch và diệt thêm 1 chiếc xe M113. Tiếp đó, 3 xe tăng và xe bọc thép địch bị bắn cháy, nhiều tên địch bị tiêu diệt. Đại đội địch giữ cổng chính Bộ Tổng tham mưu ngụy đầu hàng, số còn lại tháo chạy. Thừa thắng, Trung đoàn tổ chức 2 mũi, mũi 1 gồm 2 xe tăng, 2 xe K63 và 1 trung đội bộ binh đánh vào Đông Nam Bộ Tổng tham mưu ngụy; mũi 2 gồm 3 xe tăng, 5 xe K63 và Đại đội 10 theo cổng chính đánh vào bên trong. Xe tăng 982 do Chính trị viên Nguyễn Hữu Thìn và xe tăng 815 của Đỗ Hồng Kỳ dẫn đầu đội hình tiến thẳng vào trung tâm Tổng hành dinh quân địch. Trước sức mạnh tiến công của ta, quân địch chống cự yếu ớt rồi bỏ chạy. Các chiến sĩ liền tiến vào đánh chiếm ngôi nhà 3 tầng, nơi đặt trung tâm chỉ huy của quân đội Sài Gòn và kiểm soát các ngôi nhà xung quanh. Trong gian phòng trung tâm chỉ huy, tấm bản đồ tác chiến to rộng treo trên tường với những mũi tên đỏ chằng chịt bao quanh hướng về Sài Gòn; trên chiếc bàn rộng, các loại sổ sách, tài liệu, cờ hiệu bày la liệt; những chiếc máy vô tuyến điện tăng âm vẫn phát ra lời kêu cứu của đồng bọn… Trung đội phó Trần Lựu và Tiểu đội trưởng Nguyễn Duy Tân của Đại đội 10 nhanh chóng cầm cờ theo cầu thang leo lên tầng thượng. 2 người hạ cờ địch rồi cắm lá cờ Giải phóng vào cột cờ chính giữa tầng thượng ngôi nhà Sở chỉ huy “Bộ Tổng tham mưu quân lực Việt Nam Cộng hòa”, báo hiệu làm chủ mục tiêu. Lúc đó là đúng 11 giờ 30 phút ngày 30-4-1975.
Lúc này, một mũi tiến công của Trung đoàn 48 (Sư đoàn 320B, Quân đoàn 1) từ cổng sau phát triển vào. Khi tiến đến tòa nhà chính của Bộ Tổng tham mưu ngụy thì Trung đoàn 28 đã chiếm xong và đang chốt giữ tại đây. Tổ cắm cờ của Trung đoàn 48 cũng lên cắm một lá cờ Giải phóng bên góc trái tầng thượng tòa nhà.
Dưới sự chỉ huy của Chính ủy Trung đoàn Nguyễn Ngọc Xuân và Chính trị viên Tiểu đoàn 3 Nguyễn Văn Quý, các chiến sĩ Trung đoàn 28 tiến vào các phòng làm việc thu gậy chỉ huy, giấy thông hành, lon “Trung tướng” và con dấu “Tổng thống” của Nguyễn Văn Thiệu, thanh kiếm chỉ huy của Đại tướng Cao Văn Viên cùng nhiều tài liệu quan trọng của bộ máy chỉ huy quân sự đầu não địch. Những hiện vật này hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Quân đoàn 3.
Cùng thời gian này, Trung đoàn 24 cũng làm chủ hoàn toàn Sân bay Tân Sơn Nhất. Một mũi tiến công của Quân đoàn 2 đã tiến vào Dinh Độc Lập bắt Tổng thống ngụy Dương Văn Minh và toàn bộ nội các ngụy quyền Sài Gòn, buộc Tổng thống ngụy Dương Văn Minh phải lên đài phát thanh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam.
Sau chiến dịch, Trung đoàn 28 được thưởng Huân chương Quân công hạng nhì. Trung đoàn đã góp phần xứng đáng vào thành tích “đặc biệt xuất sắc” của Sư đoàn 10 và Quân đoàn 3 trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, góp phần kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước lâu dài và anh dũng của nhân dân ta.
HÙNG TẤN

Có thể bạn quan tâm

Lời ru chim yến…

Lời ru chim yến…

Tôi vẫn tin một quy luật mặc định với những ai có cuộc sống gắn với tồn sinh của tự nhiên, rằng không quý không yêu, không trân trọng tử tế với thiên nhiên, thì cái giá trả không rẻ.
'Bông hồng thép' Diệu Linh

'Bông hồng thép' Diệu Linh

Chị Nguyễn Thị Diệu Linh, SN 1983, hiện đang làm Quản lý Chương trình NPA tại tỉnh Quảng Trị đã có những đóng góp không nhỏ trong việc giảm thiểu tai nạn thương tích do bom mìn.

Bát nháo 'chợ chim' săn mồi

Bát nháo 'chợ chim' săn mồi

Nuôi chim săn mồi, huấn luyện chúng trở thành những “chúa tể” bầu trời là sở thích của nhiều người. Thú chơi này nở rộ từ sau Tết Nguyên đán cho tới tháng 5, được các tay buôn lùng sục khắp nơi tìm nguồn. 
70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 17: Phát triển để tri ân

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 17: Phát triển để tri ân

Sau 70 năm giải phóng, mảnh đất Điện Biên Phủ anh hùng có rất nhiều thay đổi đáng tự hào trên. Để làm rõ hơn kết quả đạt được của Điện Biên trong 70 năm qua và định hướng sắp tới, phóng viên Tiền Phong có cuộc trao đổi với ông Lê Thành Đô - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên.
Tiếng kèn địch vận trên đồi C1

Tiếng kèn địch vận trên đồi C1

Ký ức xưa ùa về, vị tướng già 92 tuổi đã ôm máy trợ tim hơn 20 năm, ánh mắt như cười khi thổi những giai điệu rộn ràng của cây kèn Harmonica cho tôi nghe, những bản tình ca tha thiết của 31 ngày đêm chiến đấu trên đồi C1...
70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ-Bài 16: Kỳ tích điện hóa toàn bộ Điện Biên Đông

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ-Bài 16: Kỳ tích điện hóa toàn bộ Điện Biên Đông

Có lẽ, ít ở đâu trên nước ta, quyết tâm đưa điện về bản lại cao như ở huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên. Địa bàn nghèo nên không thể cấp cho dân “cá”, muốn cấp “cần câu” cũng khó nên chính quyền chọn cách đưa cho dân “mồi câu”. “Mồi câu” ở đây chính là điện lưới quốc gia.
Tôi đi chiến dịch Điện Biên

Tôi đi chiến dịch Điện Biên

(GLO)- "Tôi có cảm tưởng như cả đất nước, tất cả các dân tộc đang hành quân đi giành lấy độc lập tự do. Làm sao mà có thể đè bẹp ý chí của cả một dân tộc yêu nước. Tôi vô cùng tự hào là người chiến sĩ Ê Đê thuộc Tây Nguyên miền Nam duy nhất cũng có mặt trong đoàn quân ấy".