Dù mưa hay nắng, ngày thường hay lễ tết… tầm 22-23h hàng ngày là lúc bắt đầu vào ca làm việc ở chợ đầu mối Bình Điền. Nơi đây, hàng trăm phụ nữ lặng lẽ gồng mình kéo từng xe cá nặng để mưu sinh.
|
Chị Trịnh Thị Hiếu 40 tuổi, có hơn chục năm kéo cá thuê ở chợ Bình Điền |
Mẹ truyền, con nối
Chợ đầu mối Bình Điền (Q.8) - không chỉ được mệnh danh là chợ thủy, hải sản lớn nhất, nhì Đông - Nam Á, nơi đây thu hút lượng lớn lao động tứ phương đổ về mưu sinh. Ở đó, không ít phụ nữ làm nghề kéo cá thuê kiểu “mẹ truyền, con nối”, là trụ cột của cả gia đình.
22h một ngày giữa tháng 10, tôi có mặt ở chợ Bình Điền. Đó là cả một thế giới khác biệt. Khu đất rộng 65 ha trên đường Nguyễn Văn Linh sáng choang, rực rỡ bởi hàng nghìn ngọn đèn điện. Từ xa, mùi tanh của tôm, cá xộc thẳng vào mũi, ám trên quần áo cùng với cái lạnh hòa quyện nhau tạo nên một không khí đặc trưng đến khó quen.
Nét độc đáo của khu vựa này là hầu như mọi người đều... chạy. Mỗi khi xe tải vừa dừng ở bến chợ, hàng chục người ùa tới khuân vác, vận chuyển từng thùng cá nặng cả chục ký lên, xuống xe. Trong cái biển người và biển hàng mênh mông ấy, xen giữa những đôi vai trần lực lưỡng của cánh đàn ông, nam thanh niên đang ghé vào, còn có đôi vai gầy guộc, nhỏ bé của các bà, các chị vắt sức đổi miếng cơm, manh áo.
Tại khu vực thủy hải sản nhà lồng D với hàng trăm, hàng ngàn thùng chậu, bể chứa khổng lồ, cá tôm mực… tràn ngập, nằm la liệt trên cả lối đi. Bỗng một chiếc xe cút kít chất đầy từng thùng cá suýt đang trờ tới, giọng người phụ nữ khàn đặc còng lưng đẩy xe: “Dô, dô anh chị ơi”. Người phụ nữ nhỏ bé đang gồng mình ghìm chiếc xe theo ý là Trịnh Thị Hiếu (quê Thanh Hóa, công nhân Hợp tác xã bốc xếp thủy hải sản Tân Tiến), năm nay gần 40 tuổi.
Gương mặt già hơn độ tuổi 40 của mình, chị Hiếu tóm tắt lý lịch ngắn gọn đời mình: Chồng bỏ, một mình gồng gánh nuôi 2 đứa con. Ở quê làm ruộng không đủ sống, tôi gửi đứa nhỏ cho bà ngoại, dắt đứa con gái lớn vào thành phố tìm kế sinh nhai. Đang loay hoay chưa biết làm gì thì có người quen giới thiệu nghề cửu vạn. “Những ngày đầu chưa quen việc, toàn thân đau ê ẩm. Kết thúc một đêm, người không còn chút sức lực, bàn tay rướm máu, chân sưng vù. Mình tự nhủ: Chả việc gì phải than thở, cái gì rồi cũng quen thôi. được cái, thu nhập rất khá, ngày nào cũng có vài trăm ngàn đồng, có hôm “vô mánh” được gần bạc triệu. Có tiền nuôi con ăn học, mừng lắm!” - nữ cửu vạn trải lòng, nhẹ tênh.
Đang còng lưng đẩy xe cá, chị bỗng nhoẻn cười khi thấy cô gái trẻ đồng nghiệp chạy phăng phăng, điều khiển chiếc xe cút kít một cách điệu nghệ. “Con gái tui đó. Vừa tròn 18 tuổi, chưa người yêu, làm việc giỏi nhất khu này” - người phụ nữ tự hào khoe. Nói rồi chị rớm nước mắt bảo, con gái học xong lớp 12 nhưng không chịu học tiếp mà đòi theo mẹ kéo cá thuê. Cho con gái theo nghề đẩy cá, mình xót xa lắm chứ. Cái kiếp mình nó khổ chưa hết hay sao mà đến con mình cũng theo cái nghiệp này. Nhưng ý con đã quyết, hơn nữa nghề thu nhập ổn định cho nên hai mẹ con cùng “chống lưng” nhau.
|
Phận nữ kéo cá thuê sợ nhất những ngày bị ốm |
Nữ cửu vạn kéo cá thuê nơi đây, mỗi người một hoàn cảnh nhưng họ đều có chung mục đích: kiếm tiền lo cho cha mẹ, con cái. 45 tuổi đời, 15 năm tuổi nghề, chị Trịnh Thị Nhung được xếp hạng “tỷ tỷ” khiến nhiều người ngưỡng mộ ở chợ thủy sản này. Chồng mất sớm, một tay chị nuôi 2 con vào đại học bằng nghề kéo cá. Bao nhiêu đắng cay, ngọt bùi đã từng nếm trải. Thế mà, khi nhắc đến bản thân, chị Nhung rớm nước mắt: “Là phụ nữ, ai cũng muốn có công việc thơm tho, sạch sẽ chứ đâu ai muốn người lúc nào cũng lấm lem, hôi tanh mùi cá. Tất cả cũng vì cuộc sống mà thôi. Để có tiền, việc gì tôi cũng nhận miễn là đàng hoàng, sạch sẽ, từ phụ hồ, giúp việc nhà, bán hàng thuê ban ngày, rồi đêm đêm đến chợ kéo cá… Điều tôi mãn nguyện nhất là các con lần lượt vào đại học, ra trường có việc làm ổn định”. Dẫu vậy, người phụ nữ này vẫn chưa có ý định bỏ nghề, bởi với chị, cái nghề đã ăn vào máu rồi, khó bỏ lắm. Chỉ khi nào làm không nổi nữa mới thôi.
Bóng những “thân cò” dưới ánh đèn vàng càng trở nên vội vã. Xong việc chỗ này, ngay lập tức họ chạy đến chỗ khác, như con thoi len lỏi chạy khắp các ngõ ngách trong khu chợ mênh mông.
Nỗi lo bệnh tật
Công việc nặng nhọc không phải là nỗi lo của các nữ cửu vạn, cái mà họ lo nhất là bị tai nạn lao động, bị ốm. Lê Thị Hà (30 tuổi, quê Nghệ An) bộc bạch: “Chúng tôi làm ở đây đa số đều là lao động tự do, làm việc thời vụ, làm ngày nào nhận tiền ngày đó chứ không được ký hợp đồng, có bảo hiểm lao động gì hết. Do vậy, bị tai nạn khi làm việc, đau bệnh là phải tự chịu hết. Tôi sợ ốm lắm, nghỉ ngày nào là đói ngày đó!”.
Nhiều nữ kéo cá chợ Bình Điền kể, có hôm đang làm việc bị trượt té, họ cũng không dám đi bác sĩ mà chỉ ra tiệm thuốc tây mua thuốc về uống. Hôm sau, các chị lại vận đai ủng, trùm áo mưa cẩn thận và tiếp tục lao vào công việc. “Đàn ông làm cửu vạn đã khổ, phụ nữ còn khổ hơn nhiều do phải thức đêm, sức khỏe yếu hơn trong khi công việc nặng nhọc không kém. Nhưng mấy cô cũng chịu khó lắm. Giao hàng cho họ tôi rất an tâm” - anh Nguyễn Thanh Lâm, chủ một vựa cá vui vẻ nói.
Ông Phan Đặng Trung Dũng, Phó Ban quản lý nhà lồng thủy sản tươi cho biết: “Lực lượng cửu vạn, bốc xếp tại nhà lồng D này có khoảng 700 lao động, trong đó nữ chiếm hơn 80%. Mặc dù công việc nặng nhọc nhưng các chị đều yêu nghề và muốn gắn bó lâu dài. Chúng tôi rất trân quý và khâm phục những người phụ nữ ở đây, dù hoàn cảnh khó khăn, gánh trên vai cả gia đình nhưng họ luôn lạc quan và có niềm tin yêu vào cuộc sống”.
Đêm nào cũng vậy, những nữ cửu vạn này lại bắt đầu công việc quen thuộc của mình. Trong không gian rộng lớn, dòng người cuồn cuộn, hàng trăm dáng nhỏ liêu xiêu, chạy xuôi chạy ngược, tất tả. Ngày nối ngày, đêm nối đêm như thế…
“Tân binh” Nguyễn Thị Giang (20 tuổi, quê Hà Nam) có làn da trắng nõn nhưng vẫn không ngại cái mùi tanh tanh, nồng nồng của tôm, cá. Ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác, cô gái trẻ dần quen với công việc nhọc nhằn này. Giang đã có người yêu, là một thanh niên cửu vạn trong chợ này. Cô bảo, tụi em tính tết này ráng làm kiếm tiền, sang năm cưới nhau đó chị... |
Uyên Phương (TP)