Những tên thổ phỉ năm2015 có ý tưởng điên rồ lập'vương quốc Mông'giờ ra sao?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Hơn 3 năm trước, khắp bản trên, bản dưới đều xôn xao khi cơ quan điều tra phát hiện ở xã Háng Đồng có 8 đối tượng cùng với 3 đối tượng khác ở xã Phiêng Ban, Hua Nhàn của huyện Bắc Yên tỉnh Sơn La xuất cảnh trái phép sang Lào tham gia hoạt động thành lập “nhà nước Mông”…
Nước mắt của mẹ già
Trong những buổi sớm mai khí trời còn ngùn ngụt như mây núi hay trong những buổi chiều chạng vạng ráng đỏ như máu, bà Thào Thị Vua năm nay gần 90 tuổi ở bản Háng Đồng C xã Háng Đồng lại dờ dẫm chống gậy đi một vòng xung quanh căn nhà cũ của người con trai nay đã là nhà văn hóa của bản rồi trở về bên bếp lửa, sụt sùi khóc. Nhận được tin nó bị lực lượng vũ trang Lào tiêu diệt mà ngực bà như bị ai bóp nghẹt, chết đi sống lại mấy ngày liền.
Đối với nhiều người Mùa A Kỷ chỉ là một tên thổ phỉ không hơn không kém vì đã bỏ tổ quốc đi theo tiếng gọi của kẻ xấu, cầm súng chống lại chính quyền, mơ xây dựng nhà nước Mông tự trị ở Lào nhưng đối với bà, nó vẫn là một núm ruột dấu yêu. Bà nhớ nó cả ngày lẫn đêm nên thỉnh thoảng lại chống gậy đi một vòng quanh ngôi nhà xưa, cố tìm lại bóng dáng của con giờ đã nhạt nhòa tựa như sương khói.
 
Người mẹ già của Kỷ đang nhớ con
Mùa A Kỷ là một chàng trai Mông có tài. Ngoài sửa chữa được hầu hết các loại máy móc nó còn biết rèn dao Mèo có lưỡi sắc như nước, biết chế khèn Mèo và thổi khèn mê đắm lòng người trong những ngày hội xuân. Có tài lại có chữ nên Kỷ được tín nhiệm cử giữ chức Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã, điều hành hay làm thư ký hội nghị thạo đến nỗi cán bộ huyện lên dự cũng phải xuýt xoa.
Ngoài công tác xã hội, Kỷ làm nương, làm rẫy chẳng chịu thua kém gì bất cứ chàng trai Mông nào ở bản. Trong 8 người con của mình bà Vua thương nó nhất nhà nên chọn ở cùng chứ không chịu ở cùng mấy người anh trai. Mọi thứ đang bình yên như thế chẳng hiểu sao một ngày Kỷ bỏ việc ở xã rồi mua một mảnh đất gần thị trấn Bắc Yên dựng nhà, mở lò rèn dao Mèo, chế khèn Mèo để bán. Cứ mỗi tháng một lần Kỷ lại từ thị trấn vượt 40 km đường đèo dốc trời mưa trơn trượt đến nỗi phải quấn xích vào bánh để chở về cho bà nào gạo, nào mì tôm, nào dầu ăn, nào nước mắm. Thế rồi một tháng của năm 2015 nó không trở về với bà nữa.
 
Mùa A Kỷ lúc còn khoe khẩu súng AK trong rừng chuối bên Lào (Ảnh tư liệu)
Anh trai của Kỷ là Mùa A Sua-công an viên bản cũng chẳng biết em mình đi đâu huống hồ là một người già suốt ngày ngồi bên bếp lửa như bà. Về sau, dò la mãi mới nghe phong thanh rằng đợt đầu trong bản Háng Đồng C không chỉ có Kỷ mà còn cả hai chú cháu Mùa A Sềnh và Mùa A Chư bị một người Mông tên là Vàng A Lầu ở huyện Phù Yên rủ đi làm phỉ ở bên Lào.
“Chuẩn bị thành lập nhà nước Mông ở Bắc Lào rồi, hiện đã có quân đội riêng, công an riêng, trước sau cũng cướp được chính quyền nên ai đi càng sớm thì càng được làm chức to. Kẻ nào có sức khỏe thì đi làm “bộ đội”, kẻ nào già cả thì đi nấu cơm, còn phụ nữ, trẻ em thì đi giặt giũ hay cấy gặt. Bên đó sướng lắm, đi nhanh thôi!”.
Tin vào những lời lẽ đường mật ấy nên ông Mùa A Sáy, 70 tuổi đang làm Chi hội trưởng chi Hội Người cao tuổi ở bản Làng Sáng cũng bỏ đi còn ở bản Háng Đồng C đợt sau còn có thêm 2 người bỏ đi nữa. Ngoài Mùa A Kỷ, chú cháu Mùa A Sềnh, Mùa A Chư còn có Mùa A Tông, Mùa A Dơ trong đó Tông, Sáy và Chư đang bị người thân trong nhà coi là mất tích vì chẳng có tăm tích gì cả.
Tưởng thành lập nhà nước người Mông thế nào, làm bộ trưởng, thứ trưởng, đại tướng, đại tá sung sướng ra sao nhưng không ngờ theo lời kể của những người thất vọng bỏ về thì khổ chẳng khác gì con chuột, con dúi trên rừng. Toàn phải ăn bờ ngủ bụi ngoài lều ngoài lán, trốn chui, trốn nhủi trên núi trên nương rẫy mà ngày đêm vẫn nơm nớp lo các lực lượng vũ trang của Lào vây bắt. Thế mà người nọ còn dối người kia để kéo nhau vào tròng ảo mộng. Mùa A Kỷ còn đăng tải trên mạng bức ảnh mình đang ngồi ôm khẩu súng AK đứng giữa vườn chuối giương giương vẻ tự đắc. Chẳng bù lúc phải nằm giữa vũng máu khi bị hạ gục. Để giờ đây người vợ trẻ của Kỷ phải ôm hai đứa con nhỏ bỏ về nhà ngoại. Để giờ đây người mẹ già của Kỷ ngày đêm khóc khô nước mắt vì nhớ con. Để giờ đây ngôi nhà của Kỷ do trước lúc bỏ đi còn nợ ngân hàng 30 triệu nên đã bị biến thành nhà văn hóa của bản.
 
Mỗi khi có ai nhắc về Kỷ mẹ lại khóc
Dang dở những ước mơ
Khi tôi đến thì đống gỗ cùng những tấm mái lợp và đống dây dợ xếp dưới gầm nhà sàn bố của Mùa A Tông đã phủ bụi mờ. Bố của Tông là ông Mùa A Chu bảo rằng con trai mình đang chuẩn bị cho việc dựng một căn nhà mới để ra ở riêng, thế mà đùng cái năm 2014 đã bỏ sang Lào lúc nào không ai biết, bỏ lại người vợ trẻ và 3 đứa con thơ: “Giờ bên đó nó muốn ở cũng không ở được, muốn trở về Việt Nam thì lại không dám”.
Chuyện vãn với ông lão một hồi lâu thì vợ của Tông cũng đi đào sắn ở trên nương về, len lén xuống bếp phụ giúp bố chồng làm cơm trưa. Anh trai của Tông là Mùa A Tàng-Bí thư chi bộ của bản bảo: “Thằng Vàng A Lầu rủ rê đi làm ở Lào được tiền nhiều, công cao gấp đôi, gấp ba Việt Nam nhưng chẳng thấy tiền gửi về đâu mà 3 đứa con của nó cũng phải để cho tôi nuôi giúp”.
Mùa A Chờ là 1 trong 8 người con của ông Mùa A Sáy-Chủ tịch Hội Người cao tuổi của bản. Thế rồi chẳng hiểu sao ông lão 70 tuổi ấy lại theo nghe theo lời truyền đạo trái phép, cứ thứ bảy chủ nhật lại đi họp nhóm này nọ. Một buổi sáng, ông bảo với vợ con rằng phải lên nương trông bò nhưng rồi cứ thế đi miết 3 năm ròng không thấy tin tức gì. Về sau có mấy người mới bảo ông đi làm thổ phỉ ở bên Lào rồi, chẳng biết sống chết ra sao. Để giờ đây cái lò rèn ở nhà nguội lạnh không ai thổi lửa, đe búa, người vợ già ở nhà ngày đêm thẩn tha nhớ chồng, đàn con ở nhà không có bố để mà phụng dưỡng, đàn cháu mới sinh ra không còn biết đến mặt ông mình...
Sau sự kiện 8 người Mông ở Háng Đồng bỏ đi lập “vương quốc Mông” bên Lào mới biết lỗ hổng của chính quyền, của cán bộ vì không bám sát thôn bản, vì để chính người thân trong nhà ra đi ngay “trước mũi” mình mà không hề hay biết. Bởi thế mà huyện Bắc Yên đã phải thành lập cả Ban chỉ đạo toàn dân tham gia chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh trật tự tại xã Háng Đồng.
 
Người thân và ngôi nhà của ông Sáy
Củng cố lại hệ thống chính trị cơ sở bằng những biện pháp mạnh như khai trừ khỏi đảng, buộc thôi việc 1 cán bộ vi phạm kỷ luật, thiếu tinh thần trách nhiệm; Luân chuyển công tác đối với 6 chức danh công chức xã; Bổ nhiệm lại trưởng bản Háng Đồng C; Thay thế trưởng công an xã và 3 công an viên…
Đầu năm học 2015 - 2016, trên địa bàn xã có 45 trường hợp học sinh các trường tiểu học, THCS bỏ học do gia đình khó khăn, nhận thức hạn chế, do kẻ xấu xúi giục gây hoang mang dư luận. Chính quyền đã kịp thời tuyên truyền vận động được 16 em đi học trở lại, không để phát sinh thêm trường hợp nào bỏ học thêm. Ngoài ra còn tuyên truyền, vận động người dân giao nộp được 51 khẩu súng tự chế các loại.
Riêng về công tác đấu tranh chống các luận điệu tuyên truyền “nhà nước Mông”, do những tấm gương tày liếp như Kỷ như Tông như Sáy, do vận động tốt nên đến nay chưa phát hiện thêm trường hợp nào xuất cảnh trái phép ra nước ngoài để hoạt động thành lập “nhà nước Mông”. Chính vì thế mà mới đây Háng Đồng đã đề nghị xin được ra khỏi xã trọng điểm phức tạp về an ninh trật tự…
Làng Sáng - tiếng Mông tức là bản Khó Nghĩ có lẽ là đại diện đầy đủ nhất cho những khó khăn của miền biên viễn, nơi kẻ xấu dễ dàng “gieo trồng” những hạt giống độc. Muốn biết chi tiết công cuộc chuyển hóa địa bàn phức tạp về an ninh trật tự như thế nào, mời bạn đọc theo dõi bài cuối!
Dương Đình Tường (Nông Nghiệp Việt Nam)

Có thể bạn quan tâm

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.