Những "quả ngọt" yêu thương

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Mồ côi cha mẹ hoặc sinh ra trong nghèo khó khiến cho nhiều người phải lớn lên trong hụt hẫng, thiếu vắng sự quan tâm cũng như hơi ấm gia đình. Nhưng bên đời vẫn có không ít người may mắn khi nhận được sự quan tâm, đùm bọc từ những người cha, người mẹ thứ 2.



“Em thấy mình may mắn!”

Kpă Khó-chàng sinh viên năm 3 Khoa Công tác xã hội Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) đã mở đầu câu chuyện như thế. Bởi với Khó, Trung tâm Bảo trợ Xã hội Tổng hợp (BTXHTH) tỉnh chính là ngôi nhà thứ 2 và các cô bác ở đây chính là những người cha, người mẹ giúp em được như ngày hôm nay. Khó là con thứ 6 trong gia đình nghèo có tới 7 người con ở xã Đất Bằng, huyện Krông Pa. Năm Khó mới học lớp 2 thì mẹ mất. 3 năm sau, bố cũng qua đời. Lúc này, các anh chị đã lập gia đình, có cuộc sống riêng và đều nghèo nên Khó và đứa em út nay ở với người này, mai ở với người kia. Cái tên như vận vào người. Con đường đến trường của Khó vì vậy cũng thật gian nan. May mắn có người quen giới thiệu, Khó được anh chị gửi lên Trung tâm BTXHTH tỉnh nhờ nuôi dưỡng. “Mấy tháng đầu, em nhớ nhà, nhớ thằng út nên chỉ muốn quay về làng. Cũng may, các bác, các cô luôn bên cạnh động viên, giúp đỡ và nhiều anh chị lớn hơn cũng an ủi nên em nguôi ngoai dần và làm quen với cuộc sống mới, chuyện học hành cũng không bị gián đoạn”-Khó bộc bạch.

 Kpă Khó chụp ảnh cùng các em nhỏ trong chiến dịch mùa hè xanh (Ảnh do nhân vật cung cấp).
Kpă Khó chụp ảnh cùng các em nhỏ trong chiến dịch mùa hè xanh (Ảnh do nhân vật cung cấp).



Với năng khiếu ca hát, Khó nhanh chóng trở thành cây văn nghệ của Trung tâm. Đã có lúc bạn trẻ này dự định sẽ theo đuổi con đường nghệ thuật. Tuy nhiên sau đó, Khó quyết chọn học ngành Công tác xã hội để có thể giúp đỡ nhiều người hơn. Ngoài học tập ở trường, Khó cũng rất tích cực tham gia các hoạt động ngoại khóa do nhà trường và Thành Đoàn TP. Hồ Chí Minh tổ chức. Mới đây, Khó cũng kết nối với Đội công tác tình nguyện xã hội Thành Đoàn TP. Hồ Chí Minh tổ chức chương trình truyền thông giới tính và một số hoạt động vui chơi cho các em nhỏ ngay tại Trung tâm BTXHTH tỉnh. Kpă Khó bày tỏ: “Từ lâu, Trung tâm BTXHTH tỉnh chính là nhà của em. Vào các ngày lễ, ngày Tết, em cũng không biết đi đâu ngoài việc trở về ngôi nhà chung ấy. Vì vậy, em muốn học hỏi, tích lũy thật nhiều kiến thức từ những người xung quanh để sau khi tốt nghiệp có thể đem những kiến thức ấy về giúp đỡ các em nhỏ tại đây”.

Nói về sự may mắn, em Nguyễn Ksor Phương Linh-sinh viên năm 2 Khoa Vật lý-Vật lý Kỹ thuật Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) bộc bạch: “Nếu không có Mái ấm Thiên Ân, không có sự yêu thương, giúp đỡ của sơ, em cũng không biết cuộc sống hiện tại của mình sẽ như thế nào”. Linh may mắn hơn so với Kpă Khó vì em vẫn còn có đầy đủ cha mẹ, hiện đang sống ở làng Chuét 2, phường Thắng Lợi, TP. Pleiku. Gia đình Linh nghèo, 6 miệng ăn chỉ trông vào nguồn thu nhập không ổn định từ công việc đan len của mẹ và sửa chữa máy móc của cha. Để đảm bảo 4 người con đều được ăn học đến nơi, đến chốn, năm Linh học lớp 6, gia đình đã gửi em vào Mái ấm Thiên Ân (xã Chư Á, TP. Pleiku) nhờ sơ Nguyễn Thị Kim Chi nuôi dưỡng. Linh trải lòng: “Nhà em cách Mái ấm không xa, thỉnh thoảng cha mẹ, anh và 2 em nhỏ ghé thăm nên em cũng không thấy hụt hẫng. So với ở nhà, cuộc sống ở Mái ấm thoải mái hơn rất nhiều, mọi việc đều có nền nếp, từ việc ăn uống, ngủ nghỉ, học tập đều có giờ giấc rõ ràng. Hơn nữa, em còn được sơ chỉ dạy nhiều điều trong cuộc sống, dạy tụi em biết nấu ăn, biết chơi đàn organ...”.

Linh chia sẻ thêm rằng, em luôn biết ơn sơ Kim Chi. Hiện tại, tiền ăn học, chi tiêu hàng tháng của Linh đều do sơ phụ trách. “Khi biết tin đậu đại học, em rất lo lắng, không biết con đường dài phía trước sơ có tiếp tục đồng hành? Thật may, khi nghe xong băn khoăn của em, sơ đã nói “Sơ muốn con học thành tài, có thiếu thốn hay gặp vấn đề gì đó, còn có sơ luôn ở đây. Việc của con là học giỏi, con được hạnh phúc, thành công, nhớ đến sơ là được”-cô sinh viên năm 2 rưng rưng xúc động. Theo sơ Nguyễn Thị Kim Chi, ở Mái ấm Thiên Ân hiện có 2 em đang theo học đại học, đó là em Nguyễn Ksor Phương Linh và Nguyễn Thị Minh Thi (Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh). Ngoài ra còn có 6 em đang học nghề tại Trường Cao đẳng Nghề Gia Lai. Với các em đang học đại học, đều đặn mỗi tháng sơ đều gửi 3,5 triệu đồng/em để yên tâm học tập.

Trở về “ngôi nhà chung”

Bà Nông Thị Châm-Phó Giám đốc Trung tâm BTXHTH tỉnh-cho biết: Chỉ tính khoảng 10 năm trở lại đây, Trung tâm có gần 10 em đã tốt nghiệp cao đẳng, đại học, riêng học nghề thì khá đông. Một số em sau khi tốt nghiệp đã xin về lại Trung tâm làm việc với mong muốn gắn bó lâu dài, số khác xin về các huyện gần nhà hoặc tìm kiếm những công việc khác phù hợp với chuyên môn.

 Công việc hiện tại của chị Rơ Châm Thuyên là chăm sóc các cụ già. Ảnh: P.D
Công việc hiện tại của chị Rơ Châm Thuyên là chăm sóc các cụ già. Ảnh: P.D



Chiều muộn, sau khi giúp một số cụ già tắm rửa, thay quần áo, chị Rơ Châm Thuyên (25 tuổi) quay trở vào bếp, phụ giúp việc phân phát cơm cho từng người. Chị Thuyên đã gắn bó với Trung tâm BTXHTH tỉnh 15 năm. Chị kể: “Cha mẹ chết sớm, chị gái lại nghèo nên mình và em trai 6 tuổi đều được gửi vào Trung tâm nhờ nuôi dưỡng. Em trai lên Trung tâm ở được vài ngày mà ngày nào cũng khóc, các cô dỗ dành thế nào cũng không chịu, về sau chị gái phải lên đón về lại làng Kênh, xã Ia Phí, huyện Chư Pah”. Còn Thuyên, vì không muốn chị gái thêm gánh nặng kinh tế, cũng không muốn con đường đến trường bị dang dở nên quyết tâm ở lại Trung tâm và coi đây là “ngôi nhà thứ 2” của mình. Chị bộc bạch: “Năm học lớp 11, mình học đuối nên có ý định nghỉ học nhưng các cô đã luôn bên cạnh động viên, giúp mình hệ thống lại kiến thức, định hướng nghề nghiệp cho phù hợp”.

Sau khi tốt nghiệp Trường Trung cấp Y Gia Lai, Thuyên quay trở về Trung tâm BTXHTH tỉnh để làm công việc cấp dưỡng và chăm sóc các cụ già đang sống tại Trung tâm. Chị chia sẻ, mặc dù lớn lên ở Trung tâm và trước đó cũng không ít lần ghé khu dành cho người già chơi, ấy thế mà thời gian đầu về làm việc tại đây, chị căng thẳng, thậm chí hoảng sợ đến không ăn, không ngủ được. Là bởi, ở khu người già có đủ các thành phần: người khuyết tật, người mắc bệnh tâm thần... Có người cứ mắng chửi cả ngày, thậm chí còn rượt đánh; có cụ vừa ăn xong không nhớ lại đòi ăn nữa. Có người bị động kinh đang bình thường tự dưng lăn đùng ra; có người tắm rửa xong không chịu mặc áo quần... “Bây giờ thì quen rồi, mình biết tính khí từng người để có cách giải quyết. Hơn nữa, ngoài những lúc thất thường, các cụ cũng rất tình cảm”-chị Thuyên nói.

Riêng với chị Nhíp, trưởng thành từ Mái ấm Thiên Ân nên sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai hệ Mầm non năm 2017, chị đã xin sơ Kim Chi quay trở về mái ấm để tiếp tục dạy học, chăm sóc các em nhỏ. Chia sẻ về cơ duyên gắn bó với Mái ấm, chị Nhíp trải lòng: “Nhà mình ở thôn Ia Mut (xã Hà Bầu, huyện Đak Đoa), đông anh em, cha mẹ lại nghèo nên học hết lớp 6 thì gia đình gửi lên đây ở với sơ Kim Chi. Nhờ có sơ, mình đã hoàn thành được ước mơ trở thành cô giáo mầm non. Do đó, mình muốn được giúp sơ, giúp các em nhỏ có hoàn cảnh kém may mắn như mình”. Chia sẻ về công việc hiện tại, chị Nhíp cho biết, cứ 5 giờ sáng là chị thức dậy cùng mọi người chuẩn bị đồ ăn sáng và áo quần cho 19 em học sinh tiểu học đang sống tại Mái ấm. Sau khi các em đến trường, chị cùng với 4 cô giáo khác sẽ phụ trách lớp mầm non gồm 45 cháu, trong đó có 10 cháu là cô nhi, trẻ khuyết tật sống tại Mái ấm, số còn lại là con em các gia đình lân cận. Tối đến, chị lại tiếp tục phụ trách việc ôn bài cho các em học sinh tiểu học... “Các em cũng như mình lúc trước, còn nhỏ đã sớm xa gia đình nên mình muốn phụ sơ một tay để giúp các em vơi bớt nỗi nhớ nhà và yên tâm học tập. Với mình, có được cuộc sống như hiện tại là may mắn, là hạnh phúc, vì mình đang được làm công việc yêu thích, được gắn bó với nơi đã nuôi dưỡng mình. Hàng tháng, mình còn có lương để gửi về giúp đỡ gia đình nữa”-chị Nhíp phấn khởi.

...Hiện vẫn còn rất nhiều em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn đang được nuôi dưỡng ở Trung tâm BTXHTH tỉnh và Mái ấm Thiên Ân. Tin rằng, từ sự yêu thương, đùm bọc của những tấm lòng nhân ái, sẽ có thêm ngày càng nhiều những “trái ngọt” trong tương lai.

PHƯƠNG DUNG

Có thể bạn quan tâm

Mật danh B29

Mật danh B29

Cuối tháng 10/2020, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã long trọng tổ chức buổi gặp mặt các đồng chí cán bộ thuộc Quỹ đặc biệt (Tiền thân là Quỹ ngoại tệ đặc biệt) chi viện chiến trường miền Nam, gọi tắt là Quỹ hoặc Ban B29.
Gặp nhân chứng sống đẩy lùi 'bóng ma' Fulro

Gặp nhân chứng sống đẩy lùi 'bóng ma' Fulro

Những ngày đầu đất nước thống nhất, Tây Nguyên vẫn chưa được yên ổn bởi sự quấy phá của tổ chức phản động Fulro. Bộ Công an đã tăng cường một tiểu đoàn tinh nhuệ gồm 310 quân vào Tây Nguyên. Một nhân chứng sống trực tiếp chiến đấu đã chia sẻ cùng Tiền Phong cuộc chiến đẩy lùi “bóng ma” Fulro.
Những “lá thư” khắc khoải đôi bờ

Những “lá thư” khắc khoải đôi bờ

(GLO)- Trong những bưu thiếp đơn sơ và bị kiểm duyệt gắt gao từ phía chính quyền bờ Nam chứa đựng biết bao điều mà niềm nhớ nhung khắc khoải của người xa xứ đã lầm lỡ nghe theo lời dụ dỗ và ép buộc của kẻ thù mà rời xa quê hương.

Ký ức 30/4

Ký ức 30/4

Đã 49 năm trôi qua, kể từ Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2024), nhưng với những người lính “Bộ đội Cụ Hồ” ký ức ngày 30/4/1975 không thể nào quên.
Gia Lai căng mình ngăn lửa, giữ rừng

Gia Lai căng mình ngăn lửa, giữ rừng

(GLO)- Giữa tiết trời nóng nực hơn 40℃, trên những ngọn núi, triền đồi, lực lượng bảo vệ rừng Gia Lai vẫn kiên nhẫn sải bước tuần tra. Khó khăn của thực tại là động lực để họ vượt lên nhằm ngăn ngừa "bà hỏa", giữ màu xanh của rừng cho mai sau.

Người trở về

Người trở về

Sự trở về là minh chứng sinh động cụ thể nhất cho việc vượt qua định kiến và mặc cảm về những gì họ đã từng nghĩ, từng hành động.