Những người mẹ điên: Nỗi đau không thành lời

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Hai người đàn bà câm điếc, tâm thần bị cưỡng hiếp phải mang thai đến... bốn lần. Vậy có bao nhiêu lần họ bị hiếp mà không mang thai? Những nỗi đau thể xác và ám ảnh đè lên tâm hồn họ suốt những năm qua thế nào?...

Chị em bà Cao Thị Bớ, Cao Thị Hương với bữa tối tạm bợ
Chị em bà Cao Thị Bớ, Cao Thị Hương với bữa tối tạm bợ
Họ là Cao Thị Hương, 41 tuổi, và Cao Thị Bớ, 47 tuổi, ngụ xóm 4, H.Yên Thành, Nghệ An. Tôi cùng Cao Thị Lan (24 tuổi, con gái bà Hương) về quê thăm họ. Ở Vinh bắt xe buýt về Yên Thành, từ nơi chúng tôi xuống xe, phải đi thêm 7 - 8 km nữa mới về tới xóm 4. Đến nhà hai người đàn bà câm điếc thì trời đã sẩm tối.
Ám ảnh bị hiếp dâm
Không biết do ngẫu nhiên hay có lý do nào khác mà nhà của những người đàn bà điên tôi ghé thăm thường nằm trên những đoạn đường vắng hoặc ở nơi chơ vơ ít người qua lại... Có lẽ vì thế mà nó dễ trở thành chốn giải khuây cho những gã đàn ông đồi bại.
Ngôi nhà nhỏ có cái cổng rào bằng tre, nằm dưới chân núi. Nhà không mở điện. Lan bảo tôi đứng đợi cho tới khi có người nhìn ra bởi cả mẹ và dì cô đều điếc, không thể nghe tiếng gọi. Gần 10 phút sau thì bà Cao Thị Hương thấy có bóng người trước cổng nên “lén lút” nhìn. Khi biết là Lan, bà mới nhảy chân sáo ra mở cửa. Chờ bà Hương tháo xong bốn lớp khóa cửa bằng dây nhợ chằng chịt và Lan phải ra hiệu cho mẹ nói tôi là bạn học, lúc này tôi mới được vào nhà.
Lan giải thích: “Mẹ em bị ám ảnh vì trước đây từng bị đàn ông đột nhập vào nhà nhiều lần. Em cũng là kết quả của một trong những lần mẹ bị như thế”. Đầu năm nay, chính quyền hỗ trợ một phần để xây cho chị em bà Hương một ngôi nhà tình nghĩa. Từ ngày có nhà, trời vừa sập tối là hai chị em bà đóng chặt cửa ở trong nhà. Chỉ khi nào thấy rõ mặt người quen bà mới mở cửa cho vào.
Trước đây, mẹ và dì ở túp lều cũ không có bể nước, nơi tắm rửa cũng được che chắn qua loa. Nhà xí nằm sâu phía trong chuồng trâu. Nhìn ngôi nhà tuềnh toàng cách xa đường rồi nhìn lại hai người phụ nữ câm điếc thân hình nhỏ thó, tôi hiểu phần nào việc họ cứ hết lần này tới lần khác bị hiếp dâm mà không thể phản kháng hay cầu cứu ai.

Bữa cơm sum họp của mẹ con bà Hương trong căn bếp nhỏ
Bữa cơm sum họp của mẹ con bà Hương trong căn bếp nhỏ
Trong lúc mẹ và dì lủi thủi dọn cơm, Lan trầm giọng: “Năm 1993 dì Bớ mang bầu”. Tôi hỏi chồng dì là ai, Lan lắc đầu: “Dì em bị một người đàn ông đột nhập vào lều cưỡng hiếp”. Kết quả, bà Bớ sinh ra một người con trai nhưng không lâu sau đứa con mất.
Mọi người dần quên việc bà Bớ từng bị cưỡng hiếp tới mang bầu. Cho tới năm 1996, xóm làng lại lao xao việc bà Hương có bầu. Đứa bé trong bụng chính là Lan nhưng ai là bố của cô mãi là một ẩn số. Sau khi sinh Lan, bà Hương thêm mấy lần bị hiếp dâm nhưng có hai lần mang bầu, trong đó một lần bị sẩy thai. Lần cuối là năm 2000 bà sinh được một con trai, đặt tên Cường. Dù người trong làng đều đoán ra cha đứa bé nhưng do không có bằng cớ nên không thể buộc tội.
Tính ra, cả hai người đàn bà có tới bốn lần mang thai do bị cưỡng hiếp. Cả bà Hương và bà Bớ đều không biết mặt người cưỡng hiếp mình. Hệ quả là những đứa trẻ sinh ra đều không biết cha là ai. Sinh con trong hoàn cảnh bệnh tật, gia cảnh lại khó khăn, ba mẹ con bà Hương sống những ngày tháng đầy tủi nhục.
Thời gian đó, ngoài vật vã với những chất vấn từ người thân về việc bị ai cưỡng hiếp, bà Hương còn phải gắng sức lao động. Ngày nào bà cũng dắt trâu ra đồng từ sáng sớm, trồng rau, làm mướn để có cơm cho con ăn.

Bà Cao Thị Hương dù tâm thần và câm điếc bẩm sinh nhưng vẫn chăm chỉ lao động ẢNH: LAM NGỌC
Bà Cao Thị Hương dù tâm thần và câm điếc bẩm sinh nhưng vẫn chăm chỉ lao động ẢNH: LAM NGỌC
Ly biệt
Gia cảnh nghèo, bẩm sinh lại bệnh tật, chị em bà Bớ chưa từng nghĩ mình sẽ lấy chồng sinh con bởi họ sợ sẽ trở thành gánh nặng. Vậy mà họ vẫn không tránh được định mệnh. Sau khi bị hiếp dâm, bà Bớ một lần sinh nở, còn bà Hương cũng sinh được hai con. Hai người đàn bà điên thì cách nào để nuôi dạy con? Gánh nặng lại oằn lên vai của những người thân còn lại trong gia đình.
Vì ở gần nên ông Cao Văn Châu (em trai cùng cha khác mẹ với bà Hương) ngoài việc lo miếng ăn, tấm áo cho bốn đứa con mình, lại phải gồng gánh thêm chị em Lan. Là nông dân chân lấm tay bùn, sau một thời gian chật vật, ông Châu đành gửi hai cháu vào làng trẻ SOS. Lúc được đón đi, Lan mới 7 tuổi, còn Cường 3 tuổi. Ở đây, hai chị em được ở chung nhà, được lo ăn ở, học hành; thỉnh thoảng có thể về thăm mẹ nên ông Châu cũng phần nào yên tâm. Suốt những năm hai đứa cháu ở làng trẻ, chỉ có ông Châu là người tới lui thăm nom, hỏi han.
Dù việc bị cưỡng hiếp rồi sinh con là ngoài ý muốn, nhưng bà Hương lại đặc biệt rất thương yêu con. Hôm người ở làng SOS đến đón chị em Lan đi, bà Hương cứ khư khư giữ con ở cửa, cho tới khi biết con mình được đưa đi học bà mới cho họ đón. Xe chở hai đứa con lăn bánh, người mẹ điên vẫn chạy theo sau. Khi chiếc xe khuất hẳn, bà cũng cứ nhắm theo hướng đó mà đi bộ. Cho tới khi ra tới quốc lộ thấy quá nhiều xe, không còn phân biệt được hướng nào bà mới dừng lại, gặp ai cũng níu ra hiệu hỏi có thấy hai đứa con bà không.
Từ đó, trong tâm trí người mẹ điên chỉ ghi nhớ hình ảnh của Lan và Cường lúc nhỏ. Giờ đây, khi có ai tới nhà bà cũng dùng động tác kể chuyện Lan và Cường khi còn bé.
Tối đó, hôm cùng Lan về thăm nhà, đã quá 23 giờ khuya khi tôi và Lan đã yên vị trên giường, bà Hương vẫn đứng ở mép cửa ghé mắt nhìn vào. Trong ánh đèn ngủ vàng vọt, nếp nhăn trên đuôi mắt bà cứ nhúm lại, bà ngắm con mình ngủ rồi lại tự cười một mình. Lâu lâu, bà chạy lại ra hiệu: có cần cụp cái quạt xuống không? Chút chút bà lại vén cái chăn len âm ẩm mùi mốc bởi chăn đó bà dành riêng cho con gái, mà lâu lắm Lan mới có dịp về thăm mẹ.
(còn tiếp)
Xách dao kiếm con
Người trong xóm sợ nhất là những ngày Lan về thăm nhà vì những ngày đó bà Hương rất hay nổi điên. Thấy Lan qua nhà ai chơi lâu lâu không về là bà Hương xách dao, vác chĩa đi tìm.
Bà Nguyễn Thị Hải (43 tuổi, hàng xóm) kể: “Tôi có đứa con tầm tuổi Lan, mỗi khi có dịp về nhà, bạn bè quấn quýt với nhau. Tuy nhiên, cứ nghe tiếng Lan ở nhà tôi là cô Hương vác dao qua tận nhà. Cô đuổi bất cứ ai từ già trẻ, lớn bé để chém bởi cô bị ám ảnh việc có người bắt mất con mình. Trong suy nghĩ, cô tưởng gia đình tôi bắt Lan ở đây nên nổi điên. Những lần như thế, cả nhà chỉ biết chạy”.
Theo Lam Ngọc (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.