Những người không về Tết

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trên khắp các ngả đường thành phố, không khí chuẩn bị Tết nguyên đán Quý Mão 2023 đang bước vào giai đoạn nước rút. Người người hối hả làm nốt công việc cuối cùng để trở về nhà, nhưng cũng có người lặng lẽ nép mình giữa phố xá, ngóng tết quê qua chiều dài nỗi nhớ…
Tết xa xứ…
Bạn bè khệ nệ xách túi ra bến xe, người quen cũng lần lượt rời thành phố lên những chuyến xe hồi hương. Trở về phòng trọ sau một ngày lao động mệt nhoài, Lê Thị Hoài Thương (24 tuổi, quê Hà Tĩnh) bỗng thảng thốt khi nhận ra mình đang đơn độc lạc lõng giữa phố thị. Hai người bạn cùng phòng với Thương hôm nay về quê đón Tết. Ba đứa vốn chung trường đại học, tốt nghiệp cùng nhau nhưng mỗi đứa chọn một ngã rẽ cho cuộc đời của mình.
Thương học chuyên ngành kế toán, mới ra trường, chưa tìm được việc đúng chuyên ngành nên Thương xin làm nhân viên bán hàng trong trung tâm thương mại. Công việc của Thương bận rộn nhất vào dịp Tết, ngày đầu vào làm, Thương phải đồng ý điều khoản không về quê dịp Tết thì mới được nhận. Thương không còn sự lựa chọn nào khác, bởi ở quê nhà bố mẹ của cô cũng nghèo, các em còn quá nhỏ. Họ đang trông chờ vào đồng lương ít ỏi của Thương gửi về.

Công nhân xa quê nhận quà Tết.
Công nhân xa quê nhận quà Tết.
Thông báo Tết này con không về, mẹ Thương đã khóc rất nhiều, bảo cô cứ về đi, đói no gì không sao cả, miễn gia đình đoàn tụ. Nói là vậy, nhưng Thương hiểu rõ nỗi lo toan hằn rõ trên hốc mắt của mẹ. Thương là chị cả trong gia đình 4 chị em, để lo cho Thương học hành tử tế, có tấm bằng đại học ra trường, bố mẹ đã phải hao mòn biết bao sức lực, phải vay mượn tiền ngân hàng chính sách xã hội và phải bán đi những lứa gà non. Giờ, trên vai Thương đang phải gánh khoản nợ 50 triệu đồng, qua Tết là phải đáo hạn ngân hàng. Những nỗi lo ấy đè nén mong mỏi Tết sum vầy của Lê Thị Hoài Thương.
Ở lại thành phố, Thương sẽ làm việc xuyên Tết, không nghỉ một ngày nào, kể cả mồng 1 Tết. Bù lại, cô sẽ nhận được tiền thưởng Tết và ngày công gấp 3 lần bình thường. Nghĩ đến điều đó, lòng Thương lại dấy lên một niềm vui nho nhỏ. Trước mắt, cô sẽ phải ứng một khoản gửi về quê cho bố mẹ, mừng tuổi các em và ông bà nội ngoại. “Em ở lại chỉ có một mình, làm việc cả ngày Tết nên cũng không cần phải sắm sửa thứ gì cho bản thân. Người ta bảo đón Tết ở thành phố buồn lắm, cảm giác cô đơn trong náo nhiệt, đơn độc giữa biển người. Em nghĩ mình đã trưởng thành, đã ra đời thì phải chấp nhận, đó cũng là cách để mình đối diện với nghịch cảnh”, Thương bộc bạch.
Lại một năm nữa không về quê, lòng cũng thôi thổn thức, tâm trạng đã vững vàng và chai sạn hơn. Đó là suy nghĩ của chị Nguyễn Thị Nguyệt, 42 tuổi, quê Bình Định. Chị Nguyệt mưu sinh bằng nghề bán hàng rong tại cổng trường học khu vực đường Huỳnh Tấn Phát, Nhà Bè, TP Hồ Chí Minh. Đây là năm thứ 2, chị Nguyệt không về quê đón Tết. Năm ngoái, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, hoàn cảnh khó khăn, xe cộ đi lại vất vả nên chị không về.
Năm nay khá hơn một chút nhưng vì muốn ở lại kiếm thêm tiền mua chiếc xe máy cho cậu con út vào cấp 3. Anh em ở quê nghe chị nói vậy thì lắc đầu buồn bã, họ nói với chị: “Vậy thì cho đến chết cũng không có lý do nào hợp lý để về quê đâu. Làm việc cả đời, có mỗi cái Tết không về thì còn ý nghĩa gì nữa”. Hai đứa con của chị ở quê thương mẹ lam lũ khổ cực vì mình, không dám khuyên mẹ trở về, chỉ nhắc mẹ giữ sức khỏe.
Từ ngày cha mất, mọi gánh nặng lo toan dồn cả vào bờ vai gầy yếu của mẹ. Mẹ đi miền Nam làm ăn, hai đứa ở nhà tự chăm nhau, chúng bảo nhau cố gắng học hết cấp 3 trường làng rồi sẽ vào TP Hồ Chí Minh sống cùng mẹ, khi ấy ba mẹ con sẽ không còn phải xa cách nhau nữa.
Hội đồng hương Bình Định tại TP Hồ Chí Minh biết được hoàn cảnh của chị Nguyệt đã ngỏ ý tài trợ vé xe để chị về quê nhưng chị từ chối. Chị thật thà nói: “Tôi có tiền để mua vé xe, nhưng về rồi thì lấy tiền đâu nuôi con ăn học. Ở lại những ngày Tết bán hàng rất được, vừa không tốn tiền lo Tết, tiền thăm nom và hàng trăm thứ chi tiêu khác”.

Vợ anh Lợi không về quê, làm việc tại chợ đầu mối trong mùa Tết.
Vợ anh Lợi không về quê, làm việc tại chợ đầu mối trong mùa Tết.
Ở thành phố những ngày Tết, chị Nguyệt gánh hàng đi bán thâu đêm. Chị hòa vào giữa dòng người nô nức chơi xuân, ai cũng vui vẻ mua cho chị một món hàng, nhiều người hào phóng rút hầu bao bao lì xì cho chị. Thân phận con người giữa phố phường ngày Tết nhỏ bé và tiều tụy, nhưng với chị Nguyệt, điều đó đã không còn là rào cản ngăn bước chân của chị rảo khắp ngõ nhỏ, phố nhỏ đêm giao thừa và những ngày giáp Tết.
Nỗi lòng người ở lại
Chỉ có những người ở lại thì mới hiểu được nỗi lòng của nhau, không ai muốn phải nhắc đến tiền trong những ngày vui cả, đó là chia sẻ của anh Lê Minh Lợi, 32 tuổi, quê Quảng Nam. Anh Minh Lợi là lao động tự do tại quận 8, TP Hồ Chí Minh. Vợ anh Lợi là công nhân may mặc tại quận Bình Tân, hai tháng trước phải nghỉ việc do công ty không có đơn hàng. Sau khi nghỉ việc, vợ anh xin làm việc tại chợ đầu mối Bình Điền, quận 8, thu nhập theo ngày công. Vợ chồng có hai mặt con, đứa lớn 6 tuổi, đứa bé gần 3 tuổi, tiền học và gửi trẻ mỗi tháng hết 3,5 triệu, cộng tiền nhà trọ 2,5 triệu nữa là 6 triệu đồng.
Ngày còn làm công nhân, lương hằng tháng của vợ đủ để lo các khoản này, ngoài ra còn dư vài đồng tiền tăng ca mua đồ ăn. Lương của anh Lợi là khoản để dành, dự trù cho tương lai. Họ dự định năm nay cả nhà sẽ về quê sau khi có khoản tiền thưởng Tết của vợ, nhưng... mọi thứ đã lỡ làng.

Công nhân ở lại đón Tết tham dự và nhận những phần quà trong chương trình “Vui tết cùng thanh niên công nhân”.
Công nhân ở lại đón Tết tham dự và nhận những phần quà trong chương trình “Vui tết cùng thanh niên công nhân”.
Sau 2 tháng vợ nghỉ làm, anh Lợi phải cáng đáng mọi thứ trong gia đình, tiền công đi làm ngày nào đủ lo ngày đó, phát sinh thêm chi phí học tập của con thì phải rút tiết kiệm ra. Cuối cùng thì cũng chẳng còn đồng nào để dành, vợ chồng thở dài nhìn nhau, nỗi buồn nặng trĩu bờ vai. Cậu con trai sắp được nghỉ học, ngày nào cũng hỏi cha mẹ “khi nào nhà mình về quê”. Anh Lợi thường lảng đi, nhường câu trả lời sang vợ.
“Vợ chồng tôi chưa dám thông báo cho ông bà ở quê biết vì sợ cha mẹ buồn sinh bệnh. Họ mong chờ chúng tôi từ 2 năm nay rồi. Năm ngoái không về được vì dịch bệnh, ai cũng thông cảm cho. Còn năm nay đưa ra lý do không có tiền thì ngang trái quá, sự thật là như thế nhưng chúng tôi chẳng thể mở miệng nói ra được câu đó”, anh Lợi tâm sự.
Công việc ngày Tết đều đặn, ngày công cao hơn một chút nên anh Lợi đang cố gắng đi làm đến chiều 30 Tết mới nghỉ. Vợ anh cũng quyết định làm thêm cả ban đêm, hy vọng có chút tiền gửi về quê mừng tuổi cho ông bà hai bên. Mọi người trong xóm trọ đang rục rịch về quê, mỗi ngày đều nghe tiếng chào nhau, thấy rõ nụ cười hạnh phúc của người trở về. Riêng người ở lại thì xót xa, có gì đó đắng chát tận đáy lòng. Cậu con trai thấy bạn tíu tít xách túi sang chào hỏi, lại quay sang “chất vấn” cha mẹ một câu quen thuộc “khi nào thì nhà mình về với ông bà”. Người mẹ nhìn con, nghẹn ngào nói dối: “Mình sắp về rồi”.
Biết được hoàn cảnh của hai vợ chồng, ông chủ trước đây anh Lợi làm việc ngỏ ý tặng vé xe cho cả nhà về quê. Vợ chồng bàn đi tính lại, suy nghĩ trằn trọc cả đêm cuối cùng đành ngậm ngùi từ chối. Không mất tiền xe về, nhưng về rồi thì tiền đâu mà mua sắm đồ Tết, rồi khi trở vào thì cũng... tiền đâu mà sống.

Chị Nguyệt bên gánh hàng rong giữa đêm khuya những ngày cuối năm.
Chị Nguyệt bên gánh hàng rong giữa đêm khuya những ngày cuối năm.
Không về quê đón Tết là sự lựa chọn khó khăn và đầy giằng xé của nhiều con người tha hương kiếm sống. Nắm bắt được tâm tư này, từ nhiều năm nay, TP Hồ Chí Minh đã tổ chức các sân chơi cho sinh viên, công nhân, người lao động ở lại vui xuân đón Tết.
Anh Lê Thanh Vũ, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ thanh niên công nhân TP Hồ Chí Minh cho biết: “Chúng tôi tổ chức chương trình “Vui Tết cùng thanh niên công nhân” tại các khu lưu trú văn hóa cùng khu nhà trọ với nhiều nội dung như: Giao lưu văn hóa văn nghệ, truyền thông dinh dưỡng ngày Tết, trang trí không gian Tết, tặng phần quà Tết cho công nhân xa quê. Song song đó còn kết nối với siêu thị, trung tâm thương mại bán hàng trợ giá dịp Tết cho thanh niên công nhân; thiết kế các gian hàng trò chơi dân gian, văn nghệ giao lưu hằng đêm, thi biểu diễn thời trang, gói bánh chưng, bánh tét tặng công nhân...
Ông Phạm Chí Tâm - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Hồ Chí Minh cho biết, từ đầu tháng 10-2022, Liên đoàn Lao động TP Hồ Chí Minh đã xây dựng kế hoạch chăm lo Tết Nguyên đán 2023 cho đoàn viên, người lao động. Trong đó có chương trình “Tấm vé nghĩa tình - Tết đoàn viên” dự định vận động trao tặng vé xe, vé tàu hỏa, vé máy bay cho 30.000 đoàn viên công đoàn, người lao động và tổ chức “Chuyến tàu mùa xuân” lần 3 cho 500 hộ gia đình đoàn viên công đoàn. “Phương châm chăm lo Tết của tổ chức công đoàn TP Hồ Chí Minh là “Tết đến với mọi đoàn viên, người lao động” và tổng kinh phí cho các chương trình chăm lo Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 của Liên đoàn Lao động TP Hồ Chí Minh khoảng 140 tỉ đồng”, ông Tâm chia sẻ.
Theo Ngọc Thiện (cand.com.vn)

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.