Những người giàu nhất Việt Nam 10 năm trước giờ ra sao?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

So với cách đây 10 năm, tài sản của Top 10 người giàu nhất trên thị trường chứng khoán có rất nhiều biến động với nhiều gương mặt mới, tài sản của họ cũng tăng gấp hàng chục lần.

Điều đáng nói là ở thời điểm hiện tại, những đại gia giàu nhất thời kỳ đầu đã không còn nằm trong Top 10 người giàu nhất trên thị trường chứng khoán (TTCK).

 

Ngày ấy

Tập đoàn FPT (FPT) là một trong những doanh nghiệp đầu tiên tiên niêm yết trên TTCK (ngày 13-12-2006). Chỉ trong vòng nửa tháng, giá cổ phiếu FPT đã tăng 46 lần so với mệnh giá, giúp vốn hóa của doanh nghiệp tăng lên gần 28.000 tỷ đồng.

Tài sản của nhóm lãnh đạo FPT cũng nhờ vậy mà tăng nhanh chóng. Ông Trương Gia Bình trở thành người giàu nhất trên TTCK lúc bấy giờ. Theo thống kê, ông Bình nắm giữ 5,12 triệu cổ phiếu FPT. Tính theo giá khớp lệnh cổ phiếu FPT ngày 29-12-2006 là 460.000 đồng mỗi cổ phiếu thì tài sản của ông Bình đạt gần 2.400 tỷ đồng.

 

Người giàu nhất sàn chứng khoán năm 2007 Đặng Thành Tâm hiện xếp ở vị trí thứ 18 trong bảng xếp hạng.
Người giàu nhất sàn chứng khoán năm 2007 Đặng Thành Tâm hiện xếp ở vị trí thứ 18 trong bảng xếp hạng.

Hai Phó tổng Giám đốc của FPT là ông Lê Quang Tiến và ông Bùi Quang Ngọc giữ vị trí thứ hai và thứ ba. Cụ thể, ông Tiến sở hữu 3,71 triệu cổ phiếu FPT, tương đương 1.700 tỷ đồng; ông Ngọc nắm 2,6 triệu cổ phiếu FPT, tương đương 1.200 tỷ đồng.

Đứng thứ tư trong danh sách 10 người giàu nhất TTCK là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thuỷ sản Minh Phú (MPC) Lê Văn Quang. Thời điểm đó, ông Quang nắm giữ hơn 14,5 triệu cổ phiếu MPC, tương đương giá trị là 1.145 tỷ đồng.

Cấp phó của ông Quang là bà Chu Thị Bình cùng nắm giữ số cổ phiếu tương đương, đồng vị trí thứ tư trong danh sách những người giàu nhất TTCK năm 2006.

Giữ vị trí thứ sáu và thứ tám trong Top 10 người giàu nhất TTCK trong năm 2006 cũng là người của FPT. Đó là ông Hoàng Minh Châu, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Phó tổng giám đốc và ông Đỗ Cao Bảo, Thành viên Hội đồng quản trị. Tài sản của 2 ông đạt lần lượt là 937 tỷ đồng và 891,6 tỷ đồng.

Xếp vị trí thứ bảy là ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI). Tài sản của ông Hưng thời điểm đó là 909 tỷ đồng.

Người phụ nữ quyền lực nhất TTCK thời điểm đó là bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Cơ điện lạnh (REE) đứng ở vị trí thứ chín, với tài sản đạt 887,4 tỷ đồng.

Vị trí cuối cùng trong Top 10 người giàu nhất TTCK năm 2006 là ông Trần Kim Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Kinh Đô, nay đổi tên thành Tập đoàn Kido (KDC). Tài sản của ông Thành lúc đó là 836,2 tỷ đồng.

 

Bây giờ

Danh sách xếp hạng đã nhanh chóng thay đổi chỉ 1 năm sau đó. Người giàu nhất TTCK năm 2007 là ông Đặng Thành Tâm. Ông Tâm là Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Đầu tư Sài Gòn, chủ sở hữu của hai công ty hoạt động trong lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp: Công ty cổ phần Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (ITA) cùng Công ty cổ phần Phát triển đô thị Kinh Bắc (KBC), với tổng tài sản lên đến 6.300 tỷ đồng.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, cả ông Bình và ông Tâm đều không còn nằm trong Top 10 người giàu nhất trên TTCK. Cụ thể, ông Bình hiện đang xếp vị trí thứ 17 với tổng tài sản đạt 1.438 tỷ đồng.

Ông Tâm cũng nhanh chóng rớt khỏi vị trí đầu bảng chỉ một năm sau. Thay vào vị trí người giàu nhất TTCK năm 2008 là ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAG) với 6.159 tỷ đồng. Hiện tại ông Tâm ở vị thứ 18 trên bảng xếp hạng người giàu nhất TTCK, với 1.375 tỷ đồng.

Bầu Đức sau một năm giữ vị trí quán quân đã nhường ngôi đầu bảng cho tỷ phú đô la đầu tiên của Việt Nam, ông Phạm Nhật Vượng. Và hiện ông chủ Hoàng Anh Gia Lai cũng rớt khỏi Top 10, do cổ phiếu HAG giảm không phanh. Ông Đức hiện đứng vị trí 12 với 1.833 tỷ đồng.

Chị gái của ông Đặng Thành Tâm là bà Đặng Thị Hoàng Yến từng ở vị trí thứ 5 trên bảng xếp hạng 10 người giàu nhất trên TTCK năm 2008 với 1.345 tỷ đồng, nay tụt xuống vị trí thứ 83, với tài sản chỉ còn 260 tỷ đồng.

Hai lãnh đạo của MPC là ông Lê Văn Quang và bà Chu Thị Bình hiện nay đều vắng mặt trong Top 200 người giàu nhất trên TTCK.

Ba vị trí còn lại trong Top 10 người giàu nhất trên TTCK 10 năm trước là ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch SSI tụt xuống vị trí thứ 14 trên với 1.622 tỷ đồng, nữ tướng Nguyễn Thị Mai Thanh xếp thứ 46 với 485 tỷ đồng, ông Trần Lệ Nguyên xếp vị trí thứ 20 với 1.167 tỷ đồng.

Người duy nhất trụ vững ở vị trí số 1 trong Top 10 người giàu nhất TTCK Việt Nam từ năm 2009 đến nay là tỷ phú đô la Phạm Nhật Vượng. Ông chủ Tập đoàn VinGroup hiện có tài sản đạt ngưỡng 2,2 tỷ USD (khoảng 49.200 tỷ đồng). Ông Vượng cũng là người Việt Nam lọt vào danh sách tỷ phú thế giới, đứng thứ 903 trong danh sách những người giàu nhất thế giới (cập nhật của Forbes tháng 7-2016).

Theo zing

Có thể bạn quan tâm

Xuất khẩu “về đích” sớm

Xuất khẩu “về đích” sớm

(GLO)- Năm 2024, Gia Lai đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 750 triệu USD. Với nhiều yếu tố thuận lợi như giá các mặt hàng nông sản chủ lực tăng cao, thị trường được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã “về đích” sớm trước 2 tháng.