Những người Đức Cơ mê âm nhạc dân tộc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Xuất phát từ suy nghĩ phải làm gì để giữ gìn bản sắc văn hóa âm nhạc truyền thống, một số cá nhân trên địa bàn huyện Đức Cơ đã âm thầm tìm cách lưu giữ và phát triển những giá trị tốt đẹp này thông qua nỗ lực nghiên cứu, chế tác và truyền dạy cho thế hệ trẻ.
Tiếp nối nhịp chiêng
Mỗi khi trong làng có lễ hội hay các hoạt động văn hóa do huyện, tỉnh tổ chức, ông Rơ Mah Khơl (54 tuổi, làng Khóp, xã Ia Krêl) lại được giao nhiệm vụ phụ trách đội cồng chiêng của xã. Bởi không ai ngoài ông có đủ kỹ năng hướng dẫn, chỉ dạy cho các thành viên trong đội luyện tập thuần thục các bài chiêng, điệu xoang của người Jrai. Nhờ có ông mà Ia Krêl trở thành xã duy nhất của huyện Đức Cơ có đội cồng chiêng xuất sắc ở cả 3 lứa tuổi. Số lượng thành viên thường xuyên tham gia luyện tập dưới sự chỉ dẫn của ông lên đến 40 người, trong đó có 16 thiếu niên chỉ ở độ tuổi từ 12 đến 15.
Xuất phát từ mong muốn giữ gìn bản sắc văn hóa của ông cha truyền lại, ông Khơl đã tự đứng ra mở các lớp truyền dạy cồng chiêng cho thanh-thiếu niên trong làng. Để tổ chức được lớp học, ông phải đến từng gia đình trong làng vận động các bậc phụ huynh cho con em học đánh chiêng. Năm 2010, ông đã dùng số tiền dành dụm của mình mua một bộ cồng chiêng trị giá 30 triệu đồng để các đội chiêng tập luyện. Ông Khơl chia sẻ: Muốn đám trẻ trong làng hăng say học đánh chiêng thì trước hết phải dạy cho các cháu ý nghĩa của văn hóa cồng chiêng đối với dân tộc Jrai. Các cháu nghe nhiều sẽ cảm nhận được sự hấp dẫn của mỗi nhịp chiêng phát ra. “Niềm vui lớn nhất của tôi là chứng kiến đám trẻ trong làng từ chỗ không biết cầm chiêng, gõ chiêng nay đã đánh thành thạo nhiều bài chiêng trong lễ mừng lúa mới, lễ bỏ mả, mừng nhà rông mới. Quan trọng là các cháu ý thức hơn về trách nhiệm của mình trong việc phát huy, gìn giữ bản sắc văn hóa để duy trì âm vang cồng chiêng của dân tộc trong tương lai”-ông Khơl nói.
 Ông Rơ Mah Khơl (bìa phải) hướng dẫn các em nhỏ làng Khóp đánh cồng chiêng. Ảnh: N.S
Ông Rơ Mah Khơl (bìa phải) hướng dẫn các em nhỏ làng Khóp đánh cồng chiêng. Ảnh: N.S
Việc truyền dạy này không chỉ dừng lại ở xã khi vào tháng 11-2018, Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện Đức Cơ đã mời ông Khơl dạy đánh cồng chiêng và múa xoang cho 60 em học sinh của Trường THCS Dân tộc Nội trú huyện Đức Cơ. Em Rơ Mah Hùng (học sinh lớp 6) vui vẻ cho biết: “Lúc đầu mới học em thấy rất khó. Nhưng bây giờ thì em rất thích đánh cồng chiêng”.
Theo ông Nguyễn Vũ Hiền-Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện Đức Cơ, hiện đội cồng chiêng của huyện có nhiều nghệ nhân đã lớn tuổi nên mong muốn có đội ngũ kế cận thay thế. Vì vậy đơn vị đã mời ông Rơ Mah Khơl đến truyền dạy cồng chiêng cho các bạn trẻ với mong muốn sau này các em sẽ trở thành đội đại diện cho địa phương tham gia các hoạt động văn hóa do huyện, tỉnh tổ chức. Dự kiến sau 5 tháng truyền dạy, các em sẽ đánh thuần thục 3 bài chiêng: Mừng lúa mới, Lễ bỏ mả, Mừng nhà rông mới.
“Gieo” tình yêu với âm nhạc truyền thống
Cũng yêu văn hóa truyền thống như ông Khơl nhưng anh Rơ Châm Khánh-viên chức Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện Đức Cơ-lại có cách làm khác, đó là gìn giữ, bảo tồn và phát huy các loại nhạc cụ truyền thống của dân tộc mình. Anh Khánh cho biết: Năm 2012, sau khi tốt nghiệp Khoa Nhạc cụ, hệ Trung cấp (Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội), anh về công tác tại Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện Đức Cơ. Bằng niềm đam mê với nhạc cụ dân tộc, tranh thủ lúc rảnh rỗi, anh lặn lội vào rừng chọn vật liệu ưng ý (tre, nứa, lồ ô) về chế tác các loại nhạc cụ như: đàn đá, đàn trưng, đàn đinh pơng, đàn klông put, sáo trúc... và đưa chúng trở thành sản phẩm du lịch của huyện nhà. Ngoài ra, anh còn tham gia nhiều tiết mục biểu diễn với những nhạc cụ do chính mình chế tác và đạt giải cao tại các hội thi, liên hoan cấp huyện và tỉnh.
Năm 2014, anh đã khiến nhiều người kinh ngạc khi nghiên cứu, chế tác nhạc cụ bằng cách tận dụng các vật liệu trong sinh hoạt hàng ngày thay cho tre nứa. “Đàn bình gas” là thử nghiệm thành công đầu tiên của anh. Từ các vỏ bình gas lớn nhỏ, anh đã khéo léo chế tác thành nhạc cụ có thể cho ra các âm thanh trầm bổng khác nhau, không hề thua kém so với những nhạc cụ khác. Hiện tại, anh đang nghiên cứu, tìm tòi để chế tác chiếc đàn từ chai thủy tinh và ấp ủ ý tưởng tạo ra đàn lửa, đàn nước.
Có thể nói, những nỗ lực của các hạt nhân văn hóa như ông Rơ Mah Khơl, anh Rơ Châm Khánh đã gieo vào tâm hồn những người trẻ tình yêu với cồng chiêng và âm nhạc dân tộc, mở ra cơ hội “hồi sinh” cho các loại nhạc cụ truyền thống của người Jrai trên mảnh đất vùng biên.
 Ngọc Sang

Có thể bạn quan tâm

Thợ rèn trong xã hội Tây Nguyên

Thợ rèn trong xã hội Tây Nguyên

(GLO)- Việc tìm thấy kim loại sắt đã giúp loài người tiến một bước dài trong lịch sử. Cũng vì thế mà người chế tác sắt-thợ rèn được nhiều tộc người trên thế giới tôn vinh. Riêng với người Tây Nguyên, thợ rèn được coi là người sáng thế, người tạo ra con người.
Chuyện về hậu hiền họ Nguyễn ở Phú Cần

Chuyện về hậu hiền họ Nguyễn ở Phú Cần

(GLO)- Hàng năm, cứ đến ngày 28-5 âm lịch, dân làng Phú Cần xưa (nay thuộc thôn Thắng Lợi, xã Phú Cần, huyện Krông Pa) lại tập trung về ngôi đền thờ tiền hiền của làng để tưởng nhớ và tri ân các bậc tiền hiền, hậu hiền đã có công xây dựng, phát triển làng xã.
Liên hoan hát ru, hát dân ca và trình diễn nhạc cụ các dân tộc: Sức sống của nghệ thuật dân gian

Liên hoan hát ru, hát dân ca và trình diễn nhạc cụ các dân tộc: Sức sống của nghệ thuật dân gian

(GLO)- Khởi đi từ đời sống, nghệ thuật dân gian chạm vào đời sống và có sức sống bền lâu. Điều đó thêm một lần thể hiện tại Liên hoan hát ru, hát dân ca và trình diễn nhạc cụ các dân tộc tỉnh Gia Lai năm 2024 qua phần trình diễn của các nghệ sĩ “chân đất”.
Nghệ nhân ưu tú trao truyền di sản văn hóa

Nghệ nhân ưu tú trao truyền di sản văn hóa

(GLO)- Các nghệ nhân ưu tú trong cộng đồng Bahnar, Jrai đã cùng gặp nhau tại phố núi Pleiku (tỉnh Gia Lai) để truyền dạy văn hóa phi vật thể cho thế hệ kế cận. Thay đổi không gian thực hành quen thuộc nhưng các nghệ nhân và truyền nhân vẫn đầy đam mê, luôn giữ lửa tình yêu với văn hóa dân tộc.
Lễ cúng bến nước Hồ Lắk

Lễ cúng bến nước Hồ Lắk

Lễ cúng bến nước hay còn gọi là lễ cúng bến hồ là một trong những lễ hội truyền thống của các dân tộc Tây Nguyên nói chung và dân tộc M’nông huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk nói riêng.
Hoa tai bạc của người Bahnar

Hoa tai bạc của người Bahnar

(GLO)- Hoa tai bạc hay ngà voi là trang sức đặc trưng của phụ nữ Bahnar ở huyện Kông Chro. Nếu hoa tai ngà voi gần như biến mất cùng với tục căng tai thì hoa tai bạc vẫn tồn tại trong đời sống của người Bahnar như một tiêu chí của cái đẹp, của truyền thống văn hóa.
Lễ cúng sức khỏe của người Ê Đê

Lễ cúng sức khỏe của người Ê Đê

Trước ngày tổ chức lễ cúng sức khỏe, người dân trong buôn cùng nhau góp một ít gạo cho chủ nhà nấu rượu phục vụ lễ cúng. Qua đó, thể hiện sự gắn kết, sẻ chia trong cuộc sống, tình đoàn kết cộng đồng dân tộc.