Những ngôi nhà nhân ái

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Gia cảnh khốn khó khiến đám trẻ chập chờn giấc ngủ lúc gió lạnh lùa qua vách thưa, cơm chẳng mấy bữa no và chênh chao chuyện học. Những ngôi nhà nhân ái mang tên “Khăn quàng đỏ”, “Hoa phượng đỏ” do các Huyện Đoàn, Tỉnh Đoàn, Hội đồng Đội tỉnh Gia Lai triển khai đã mở ra cuộc sống mới cho thế hệ măng non và gia đình các em.
Phận nghèo gieo neo con chữ
Hay tin có khách đến thăm, chị Ksor H’Ơ Yúi (làng Tơ Nung, xã Hbông, huyện Chư Sê) tạm ngưng việc làm thuê cho gia đình hàng xóm rồi rảo bước về nhà tiếp đón. Dãi dầm mưa nắng khiến khuôn mặt của người phụ nữ tuổi 36 đen sạm. Sau tiếng thở dài thườn thượt, chị H’Ơ Yúi trầm giọng nhớ lại: Năm 2009, sau kết hôn với anh Rmah Gol, vợ chồng chị vay mượn ít tiền của người thân rồi dựng căn nhà sàn bé tin hin trên khoảnh đất được bố mẹ cho. Ruộng rẫy không có, vợ chồng chị cặm cụi đi làm thuê để trả nợ và trang trải cuộc sống hàng ngày. Nợ chưa trả xong thì 4 đứa con lần lượt chào đời khiến cuộc sống thêm khốn khó. Khổ nhất là đứa con gái thứ ba tên Ksor H’Sao thường xuyên đau ốm, phải chạy vạy thuốc thang chữa trị. Chưa hết, tai ương ập đến khi anh Gol bị tai nạn lao động. Mỗi lúc trời trở gió, anh lên cơn động kinh, ôm đầu chạy khắp làng. Dù gia đình đã đưa đi chữa trị nhiều nơi nhưng bệnh tình không thuyên giảm. “Vì thế, gia đình tôi mãi thuộc diện hộ nghèo. Một mình tôi đi làm thuê khắp nơi nhưng không đủ nuôi chồng con. Con cái gầy gò, ốm yếu vì thiếu cái ăn. Nhà cách trường có mấy bước chân nhưng thương mẹ vất vả, 3 đứa đầu cứ đòi nghỉ học để đi mót nông sản. Lúc đó, chúng nó nhỏ tuổi quá, mình không cho nghỉ học. Chỉ thương các con sống trong ngôi nhà ọp ẹp, mỗi lần trời mưa là cả nhà lo sập, dột tứ phía. Nhiều đêm mưa lạnh, thấy con co quắp vì gió thổi tốc từ ngoài vào, mình ứa nước mắt. May mắn là giữa năm 2021, Huyện Đoàn Chư Sê triển khai chương trình xây nhà “Khăn quàng đỏ” đã chọn bé H’Sao nhà mình”-chị H’Ơ Yúi nghẹn ngào.
Chị Ksor H’Ơ Yúi (làng Tơ Nung, xã Hbông, huyện Chư Sê) trò chuyện cùng phóng viên về việc gia đình được hỗ trợ xây nhà “Khăn quàng đỏ”. Ảnh: N.T
Chị Ksor H’Ơ Yúi (làng Tơ Nung, xã Hbông, huyện Chư Sê) trò chuyện cùng phóng viên về việc gia đình được hỗ trợ xây nhà “Khăn quàng đỏ”. Ảnh: N.T
Giới thiệu về ngôi nhà còn tươi màu sơn mới, rộng gần 70 m2, nét vui hiện ra trong đôi mắt của chị H’Ơ Yúi: “Người thân, hàng xóm cũng vui mừng nên cho chúng tôi mượn thêm tiền để làm căn nhà này. Người không có tiền cho mượn thì ủng hộ ngày công. Có người còn cho mấy xe đất làm nền nhà. Nhà xây xong, chúng tôi mừng khôn xiết. Mấy đứa con vui quá cứ chạy vô ra suốt. Tôi biết ơn Huyện Đoàn nhiều lắm. Ngoài việc không còn lo nhà đổ do mưa bão thì mấy đứa con chăm chỉ học hành hơn. Cháu H’Sao dù ốm đau nhưng cố gắng học cho bằng bạn bè. Còn chị gái nó năm học vừa rồi đạt danh hiệu học sinh xuất sắc. Bệnh tình của chồng mình cũng thuyên giảm và đi làm nhiều hơn. Nhờ thế mà chúng tôi đã trả gần xong tiền mọi người cho mượn. Ủy ban nhân dân xã cũng hỗ trợ 1 con bò để làm sinh kế thoát nghèo”.
Cũng tại huyện Chư Sê, gia đình em Đinh Chương (SN 2015, học sinh Trường Tiểu học Bùi Thị Xuân, xã Kông Htok) nhiều năm thuộc diện hộ nghèo. Trong 1 sào đất của ông bà, bố mẹ em dựng căn nhà sàn để ở. Vì đất sản xuất quá ít, bố mẹ Chương phải làm thuê khắp nơi để có tiền nuôi con. Tuy nhiên, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, cuộc sống của gia đình em khó chồng khó. Cuối năm 2020, gia đình em Chương được Hội đồng Đội tỉnh phối hợp với Huyện Đoàn Chư Sê hỗ trợ xây tặng nhà “Khăn quàng đỏ”. Ngồi trong ngôi nhà khang trang, chị Đinh Tuất (mẹ Chương) không giấu nổi niềm vui: “Khi thấy người ta chở vật liệu tới đổ, tôi mừng quá, khóc như mưa. Từ trước đến nay mong được ở nhà xây kiên cố chỉ có trong mơ thôi. Ngôi nhà này là động lực lớn để vợ chồng tôi chăm chỉ làm lụng, thoát nghèo. Cháu Chương cũng chăm chỉ đến trường, mạnh dạn đi chơi với bạn chứ không lủi thủi như trước. Vợ chồng tôi sẽ cố gắng làm ăn để nuôi con cái học hành thành người có ích cho xã hội”.
Ngôi nhà cũ xêu vẹo của Đinh Chương nay thành nhà bếp của gia đình em. Ảnh: Hoành Sơn
Ngôi nhà cũ xiêu vẹo của gia đình em Đinh Chương nay thành nhà bếp của gia đình em. Ảnh: Hoành Sơn
Ở xã Đak Sơ Mei (huyện Đak Đoa), ngôi nhà “Khăn quàng đỏ” được khánh thành từ tháng 3-2021 cũng đã tiếp thêm sức mạnh để em Kup nỗ lực vươn lên trong cuộc sống, học hành dù mồ côi cả cha lẫn mẹ và sống với bà ngoại tại làng Tul Đoa. 
Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Đỗ Duy Nam phấn khởi khi đánh giá hiệu quả về những ngôi nhà nhân ái do các Huyện Đoàn, Tỉnh Đoàn và Hội đồng Đội tỉnh triển khai trong giai đoạn 2017-2022, đặc biệt là 28 ngôi nhà “Khăn quàng đỏ”. Theo Phó Bí thư Tỉnh Đoàn: “Những ngôi nhà nhân ái xây dựng cho học sinh, nhất là nhà “Khăn quàng đỏ” do Tỉnh Đoàn triển khai trong thời gian qua đã góp phần không nhỏ trong việc tạo điều kiện để các em có hoàn cảnh khó khăn tiếp tục đến trường và động viên bậc phụ huynh vươn lên thoát nghèo bền vững. Qua theo dõi, sau khi có nhà ở kiên cố, các gia đình đã có nhiều thay đổi tích cực trong cuộc sống. Bản thân học sinh cũng học tập tốt hơn và rất nhiều gia đình đã thoát nghèo. Đây là một trong những tín hiệu vui mà các công trình nhà nhân ái mang lại”.
Viết tiếp giấc mơ trẻ thơ
Ký ức tuổi thơ sẽ là hành trang mở lối cho cuộc đời. Bao đêm co ro nơi góc nhà nghe gió lùa qua vách rồi yên giấc nồng khi chuyển vào ngôi nhà xây vững chãi nhờ những tấm lòng thảo thơm tài trợ kinh phí sẽ là dấu mốc đáng nhớ cho các em thiếu nhi. Những điều này tạo thêm sức lan tỏa cho các chương trình xây dựng nhà nhân ái cho trẻ em khó khăn, nhất là người dân tộc thiểu số. Tại làng Chuét Ngol (xã Chư Á), gia đình em Rah Lan Thak khấp khởi vui mừng khi sớm được chuyển về ở trong ngôi nhà “Khăn quàng đỏ” mà Thành Đoàn Pleiku triển khai thực hiện đầu tháng 6-2022. Vì hoàn cảnh khó khăn, Thak phải xa cha mẹ từ nhỏ để chuyển xuống huyện Mang Yang theo học ở Trường THCS Đak Yă (xã Đak Yă). Trong khi đó, bố mẹ em vẫn hàng ngày đánh cá, làm mướn kiếm cái ăn cho con cái. “Gia đình em Thak rất háo hức chờ ngày được chuyển về nhà mới ở. Chúng tôi cũng đang chuẩn bị các điều kiện để khi hoàn tất thi công sẽ tổ chức lễ bàn giao cho gia đình họ. Chúng tôi mong rằng, có được căn nhà mới sẽ tiếp sức để gia đình em Thak vươn lên thoát nghèo”-Bí thư Đoàn xã Chư Á Lê Trung kiên chia sẻ.
Tỉnh Đoàn, Đoàn Thanh niên Công an tỉnh khởi công xây dựng nhà “Khăn quàng đỏ” cho em Siu Pháo (thôn Plei Pa Ơi H’Trông, xã Chư Mố, huyện Ia Pa). Ảnh: Phan Lài
Tỉnh Đoàn, Đoàn Thanh niên Công an tỉnh khởi công xây dựng nhà “Khăn quàng đỏ” cho gia đình em Siu Pháo (thôn Plei Pa Ơi H’Trông, xã Chư Mố, huyện Ia Pa). Ảnh: Phan Lài
Còn ở xã Ia Ko (huyện Chư Sê), em Rơ Mah Linh Đan-học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi đang ngóng trông ngày khởi công nhà “Khăn quàng đỏ” cho gia đình. Thành tích vượt khó học giỏi 2 năm liền của em là tiêu chí để Huyện Đoàn Chư Sê ưu tiên xây nhà “Khăn quàng đỏ”. Chị Rơ Mah Có (mẹ Linh Đan) thổ lộ: “Gia đình nghèo nên không có tiền xây nhà. Nhiều năm nay phải sống trong căn nhà thưng bằng tôn. Chúng tôi cũng đã vay mượn thêm ít tiền của người thân để góp vào xây ngôi nhà rộng hơn chút, sau đó sẽ gắng làm trả nợ. Hai đứa con nghe nói được xây nhà mới cũng rộn ràng mấy tháng nay, tự hứa chăm ngoan và giúp bố mẹ làm việc nhà nhiều hơn”.
Thành Đoàn TP. Pleiku làm lễ động thổ xây dựng nhà cho em Rah Lan Thak. Ảnh: Hoành Sơn
Thành Đoàn TP. Pleiku làm lễ động thổ xây dựng nhà cho gia đình em Rah Lan Thak. Ảnh: Hoành Sơn
Chia sẻ về định hướng trong những năm tới, anh Đỗ Duy Nam cho biết: Tỉnh Đoàn đã xây dựng kế hoạch là mỗi năm sẽ kêu gọi Mạnh Thường Quân, đoàn viên, thanh niên trong tỉnh đóng góp kinh phí xây dựng 1 căn nhà “Khăn quàng đỏ” và chỉ đạo Đoàn Thanh niên 17 huyện, thị xã, thành phố xây dựng 1 căn cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Ngoài ra, chúng tôi cũng tiếp tục phối hợp với Báo Tiền Phong thực hiện chương trình “Đàn gà cho em”, tặng cho học sinh dân tộc thiểu số để tạo sinh kế, giúp các em biết trân quý thành quả lao động của mình. Hai chương trình này có ý nghĩa rất lớn trong việc tiếp bước cho học sinh đến trường, thay đổi nếp nghĩ cách làm của người dân. Chúng tôi cũng sẽ tiếp tục làm việc với các tỉnh bạn ở miền Nam đưa công dân vào đó làm công nhân. Hoạt động này sẽ giúp các bậc phụ huynh có thu nhập ổn định, nuôi nấng con cái học hành, góp sức vào sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh nhà.
…Nắng đầu hè nhuộm vàng những mái tôn nhà mới lợp, óng ánh trên nét mặt tươi vui của Đinh Chương, H’Sao đang chơi trò đuổi bắt với đám bạn, những khắc khoải về một thời khốn khó của gia đình các em tan trong đất trời.
HOÀNH SƠN

 

Có thể bạn quan tâm

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.