Những nẻo đường báo chí văn chương

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Nhiều lần thú thực với sinh viên báo chí là tôi đầu quân về Lao Động Chủ Nhật khi chưa biết cấu trúc của một bản tin. Cả lớp cười không tin. Có em còn biết hồi đó, cuối 1989 đầu 1990, tôi là nhà văn trẻ đã xuất bản ba tiểu thuyết. Tôi bảo vậy mới thấy viết văn khác làm báo.

Có điều đường dẫn tôi đến báo chí là văn chương. Tôi đọc ký của Nguyễn Tuân và Hoàng Phủ Ngọc Tường thật chậm để tìm đường riêng cho mình trong thể loại yêu thích này. Uyên bác cổ kim đông tây của họ thật đáng kính nể, nhưng thế hệ tôi ngoài sách truyền thống còn có kho tàng tri thức online để nhanh chóng bù đắp khoảng trống kiến văn nếu biết chọn lọc. Xê dịch giang hồ tôi cũng có hạng, một tháng ăn cơm nhà chưa đầy tuần.

 

Đá Cô Lin, Trường Sa (4-1993).
Đá Cô Lin, Trường Sa (4-1993).

Tuy nhiên ngôn ngữ ký sự chưng cất tài hoa độc đáo của họ thì tôi ngả mũ chào thua. Cuối cùng tôi biết bằng cách nào để ký của mình nhất định khác ký của hai vị tiền bối: Vẫn là ký văn học, vẫn dành nhiều suy nghiệm chữ nghĩa mang dấu ấn cá nhân, nhưng thời sự là nguồn cảm hứng chính. Thời sự càng “nóng”, càng khơi dậy hỉ nộ ái ố của người đọc thì ký càng giá trị.

Bút ký như thế của tôi lọt mắt xanh những người cầm trịch báo LĐCN.

Nhà báo Trần Trọng Thức từ Sài Gòn bay ra Đà Nẵng gọi tôi đi cà-phê. Đó là lần đầu tôi tiếp xúc một trong “tứ trụ triều đình” LĐCN. Không thể chờ nghe tôi xuất bản miệng hết cuốn tiểu thuyết viết dở, nhân lúc tôi dừng lại đốt thuốc lá, anh vào việc: Vĩnh Quyền thường đọc báo chớ? Dạ thỉnh thoảng. Vì sao? Chán… Anh mỉm cười: LĐCN của bọn mình ra được nửa năm rồi, đọc chưa? Tôi lắc đầu.

Anh rút tờ báo mới trong cặp đặt trước mặt tôi và không giấu vẻ tự hào. Hình thức in offset bốn màu đầu tiên trong làng báo Việt khiến tôi xuýt xoa. Trong khi tôi xem qua tờ báo, anh bảo: Phóng sự là một trong những chuyên mục nổi bật của LĐCN, Quyền tham gia nhé. Tôi dạ một tiếng nghe chắc nịch. Sau đó nhà báo trở lại tòa soạn, tôi quay về với… tiểu thuyết.

Ba tháng phát lương cộng tác viên mà chẳng nhận được tin bài nào, tòa soạn cử một vị khác trong “tứ trụ” ra “thăm” tôi: Ba Thợ Tiện (bút danh báo chí của nhà thơ Hoàng Thoại Châu, người tham gia phong trào sinh viên yêu nước ở Sài Gòn trước 1975). Gặp nhau lần đầu mà chuyện nổ như bắp rang, chuyện văn nghệ. Thình lình anh Ba hỏi trổng: Việc ở LĐCT tính sao?

Tôi bảo anh hỏi giống vợ em hỏi quá, và cô ấy đã “tính” rồi, tụi em xin gửi lại toàn bộ lương LĐCT, mấy lần em cố viết cái phóng sự thật hay đền đáp tấm lòng chiêu mộ của các anh nhưng không linh. Anh Ba thản nhiên chuyển đề tài, hỏi tôi mới đi đâu về mà rám nắng, có nhặt được chuyện thú vị nào không. Tôi hào hứng kể những gì đã thấy, đã nghe, đã cảm về vòng đời cây quế và phận người trồng quế trong những cánh rừng Trà My, Quảng Nam. Anh chăm chú nghe, thỉnh thoảng hỏi như muốn biết thật nhiều chi tiết và chính xác nơi chốn, con người…

Cuối cùng anh mỉm cười bảo cứ viết như vừa nói là có phóng sự hay. Vài ngày sau tôi gửi vào LĐCN phóng sự đầu tiên, “Một đời cây một đời người”. Thư ký tòa soạn Chánh Trinh gọi ra động viên khá lắm, tiếp tục nhé. Anh không quên lưu ý phóng sự trên LĐCN khoảng hai nghìn chữ là đẹp, bài này phải đăng hai kỳ. Là tôi đã viết hơn năm nghìn chữ như đối với tạp chí văn nghệ.

Cám ơn nghề văn đã giúp tôi hình thành cách viết phóng sự cho riêng mình: Thay vì tập trung khai thác sự kiện và vấn đề thời sự đặt ra thì tôi khám phá cảm xúc và phản ứng của nhân vật trong cuộc và của chính tôi. Tôi biết ơn LĐCN đã tiên phong dành đất sống cho “cái tôi tác giả” trong thể phóng sự báo chí. Tôi cũng cám ơn Phó Tổng Biên tập Trần Đức Chính, cây bút phóng sự sắc sảo, giúp tôi tự tin khi anh viết một bài phân tích phóng sự “Đêm Bích Đầm” của tôi và cho rằng báo cần nhiều hơn nữa những phóng sự cận nhân tình như thế.

 

 

Nhưng từ một năm hai, ba bút ký tùy hứng thời làm văn nghệ đến một tháng một, hai phóng sự định mức thời làm báo là hai lao động nhác trông gần gũi mà khác kinh khủng. Nhọc nhằn của tôi không phải là đi và viết mà là đi đâu viết chuyện gì có thể bắt nhịp điểm rơi thời sự, kỹ năng không thể thiếu của nhà báo, trong khi đa phần nhà văn không giỏi việc này, trong đó có tôi. Và vì vậy tôi biết ơn Nguyễn Trung Dân, người giúp tôi bù đắp dần khoảng trống khuyết ấy qua thực tiễn.

Bằng ô-tô riêng của Dân, chúng tôi lên rừng xuống biển, có mặt khắp mọi miền đất nước, tìm đến những nơi Dân đánh hơi có chuyện nóng, thu thập nhiều tầng vỉa tư liệu, gặp nhiều hạng người, rồi cùng viết. Gần một năm đồng hành tác nghiệp, trên mười phóng sự đồng tác giả. Bạn đọc còn nhắc phóng sự “Bức xúc Đà Nẵng” (1992) khi nói về 20 năm phát triển ấn tượng của Đà Nẵng. Một thông tin chấn động được chúng tôi nêu ở phần chapeau: Cùng là thành phố cảng như Hải Phòng, nhưng Đà Nẵng trong chiếc áo chật huyện thị chỉ được cấp kinh phí bằng kinh phí một công ty vệ sinh của Hải Phòng.

Số liệu đau đớn này về sau được Chủ tịch thành phố Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh đưa ra trong một buổi làm việc với Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Nhưng thời điểm phóng sự xuất bản, Dân và tôi phải “điều trần” trước một cuộc họp được tổ chức bởi các quan chức địa phương và nhà báo không ủng hộ tách Đà Nẵng khỏi Quảng Nam, trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Là người phát hiện và có trong tay văn bản liên quan số liệu nói trên, Dân đã biến cuộc họp có mục đích phê phán phóng sự của chúng tôi thành cuộc trao đổi các vấn đề sống còn của Đà Nẵng. Kỷ niệm nhớ đời.

Thật ra trước đó chúng tôi đã có nhiều kỷ niệm thời “cả nước đói nghèo trong rơm rạ”. Lúc sum vầy gia đình tôi vẫn nhắc nhớ chuyện “chú Dân” xuất hiện như Bụt: Vợ tôi đang lo bữa tối không có gì ra món ra miếng thì Dân đi thực tế vùng biển về tạt qua chia cho con cá vài cân; “hoàng thân” tôi ngày cận tết đang tính đi nhẩm lại vẫn chưa đủ tiền mua cái ti-vi màu cho tụi nhóc khỏi tối tối chạy qua hàng xóm coi ké thì Dân đến xòe ngay mấy triệu tiếp ứng “lúc nào có thì trả”.

Nhưng rong chơi và chỉ viết mỗi mục phóng sự là không đủ đối với yêu cầu của tờ báo. Tổng Biên tập Phạm Huy Hoàn muốn hướng tôi trở thành một nhà báo chuyên nghiệp đa năng. Anh và Trưởng ban quốc tế Vũ Mạnh Cường tạo điều kiện cho tôi dự khóa đào tạo báo chí quốc tế Thomson Foundation (Anh quốc). Vượt qua vòng phỏng vấn tuyển sinh, nhưng đến kỳ nộp hồ sơ nhập học tôi dôi hai tháng tuổi so với quy định. Nếu anh Hoàn không tích cực “xuất tướng” làm việc với đối tác và các bộ ngành liên quan thì tôi không thể nhận “đặc cách” để lên đường tu nghiệp.

Ngày tôi trở về, cuối tiệc tẩy trần, trưởng ban Nguyễn An Định gật gù: Học nghề thế được đấy, nhưng mày cứ bật qua bật lại giữa văn và báo thì không ăn thua đâu nhé. Tôi hiểu anh đem trải nghiệm đời mình căn dặn đàn em. Gặp nhau, bên chén rượu và trong khói thuốc lá, sau thế sự và ân tình, thế nào anh cũng khảo tôi về tội thiếu chuyên nghiệp. Tôi không phản bác, không giận. Tôi quý thời gian ngắn ngủi bên anh. Tràn ngập tài hoa, tràn ngập sĩ khí, tràn ngập giang hồ, và tràn ngập mến yêu trân trọng.

 

Đỉnh Sơn Trà (7-2017).
Đỉnh Sơn Trà (7-2017).

Năm 1992 tôi vào cơ quan thường trú miền Nam thăm anh đang dưỡng bệnh. Nằm sấp trên giường, và trong khi cô y tá thay băng, anh hỏi tôi thích đọc nhà văn Nga nào nhất. Tôi đáp Đốt. Anh gật. Im lặng một lúc, anh hỏi tôi thích cuốn nào nhất của Đốt. Tôi đáp thích nhất lại là thơ. Anh ngóc đầu nhìn tôi chăm chú. Cô y tá cũng dừng tay chờ đợi.

Tôi đọc: Sự thật đứng trên Pushkin/ Sự thật đứng trên nhân dân Nga/ Và sự thật đứng trên cả nước Nga. Rồi bình: 150 năm trước Dostoievski đã nói bằng sự thật và chỉ bằng sự thật nước Nga mới được phụng sự lý tưởng nhất, nhân dân Nga mới được phục vụ tận tụy nhất. Anh cười khành khạch kèm tiếng chửi tục bất chấp sự có mặt của cô y tá trẻ và hạ một chữ: Được!

Đợi cô y tá về, anh nháy mắt: Đóng cửa lại. Rồi chỉ xuống gầm giường: Đấy… Tôi mò được một chai. Anh chép miệng: Chúng nó cấm tiệt mày ạ, nhưng ta phải làm một chén cám ơn Đốt chứ... Sau ngụm rượu, anh phán: Mày phải là nhà báo chuyên nghiệp, nhé. Lâng lâng hào sảng trong ý thơ Dostoievski tôi dạ một tiếng chắc nịch.

Giờ thì chuyện nghề dường như không còn mơ hồ nữa, rằng tôi đã phụ lòng ông anh thật rồi.

Nhưng dẫu không là nhà báo chuyên nghiệp tôi càng ơn báo trên đường tìm lại văn chương. Nếu không có hơn 20 năm làm báo LĐ hẳn không có cơ hội xê dịch khắp đất nước mình, lang thang đó đây các miền châu lục. Nếu không có hơn 20 năm làm báo Lao Động làm sao tiếp cận chừng ấy nhân vật, những thân phận trầm luân bi tráng đôi khi vượt tầm hư cấu nhà văn, để biết vui niềm vui người Việt, biết đau nỗi đau người Việt, để viết nên thiên tiểu thuyết tiếng Anh “Debris of Debris” (*), khao khát cất lên một tiếng nói Việt ra thế giới.

Tái bút: Kết thúc bài viết nhân sinh nhật Báo Lao Động, tôi cùng nhà văn người Mỹ Zac Herman lên Sơn Trà thăm lũ voọc chà vá chân nâu. Còn trăm mét cao tới đỉnh, khối mây khổng lồ từ đâu trải rộng và cuồn cuộn đổ xuống như thác. Nỗi khiếp thiên nhiên thời nguyên thủy tái sinh. Đèn pha mô-tô phân khối lớn cũng vô hiệu, chúng tôi chạy lần mò trên cung đường bê-tông hẹp dưới tán rừng. Đứng lại, tiếng hô dõng dạc. Một thanh niên mặc sắc phục cảnh vệ xuất hiện từ mây khói bềnh bồng: Địa phận cấm vào, cho xem giấy tờ. Trong khi lấy chứng minh nhân dân, cái thẻ nhà báo rơi xuống.

Vĩnh Quyền/laodong

Có thể bạn quan tâm

Gặp người phụ nữ 78 năm tuổi Đảng

Gặp người phụ nữ 78 năm tuổi Đảng

(GLO)- Chúng tôi không khỏi xúc động khi mới đây được trò chuyện với bà Nguyễn Thị Thành-nguyên Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai, người phụ nữ năm nay 95 năm tuổi đời, 78 năm tuổi Đảng với sự mẫn tiệp hiếm thấy.

Nông sản Việt đang ở đâu?

Nông sản Việt đang ở đâu?

Thời điểm hiện tại, Việt Nam đang vào vụ thu hoạch các mặt hàng nông sản như: vải, nhãn, sầu riêng, thanh long,… Câu hỏi đặt ra giải pháp nào để xúc tiến xuất khẩu, nâng cao năng lực cạnh tranh cho nông sản mùa vụ Việt Nam tránh tình trạng ùn ứ, điệp khúc “được mùa mất giá”.

Lặng thầm nghề giám định pháp y

Lặng thầm nghề giám định pháp y

(GLO)- Trong hành trình phá án, đội ngũ bác sĩ và cán bộ giám định pháp y của Phòng Kỹ thuật hình sự (KTHS), Công an tỉnh Gia Lai đóng vai trò rất quan trọng. Tuy vất vả nhưng họ vẫn cần mẫn làm việc, góp phần đấu tranh phòng-chống tội phạm và giữ bình yên cuộc sống.

Cán bộ Đoàn, ĐVTN cùng lực lượng quân đội đóng góp ngày công để đẩy nhanh tiến độ thi công nhà ở cho người dân. Ảnh: P.L

Xóa nhà tạm-Kiến tạo tương lai - Kỳ 2: Góp gạch hồng dựng xây mái ấm

(GLO)-Phong trào chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát đang lan tỏa trên địa bàn tỉnh Gia Lai bằng những việc làm cụ thể, thiết thực. Mỗi tấm lòng, mỗi hành động đều hiện thực hóa mục tiêu “không ai bị bỏ lại phía sau” trên hành trình góp gạch hồng dựng xây mái ấm, giúp người dân an cư, lạc nghiệp.

Vào 'lò' gia công mỹ phẩm

Vào 'lò' gia công mỹ phẩm

Thị trường mỹ phẩm “nóng rực” khi hàng loạt sản phẩm vô chủ vứt bừa bãi, doanh nghiệp ồ ạt xin thu hồi công bố. Phóng viên đã thâm nhập thị trường mỹ phẩm để tận thấy cách thức hô biến đồ rẻ tiền thành cao cấp, chiêu trò của các ông trùm vươn vòi bạch tuộc, bủa vây người người tiêu dùng.

Đổi thay tích cực cho nghề nuôi biển: Tháo gỡ các nút thắt

Đổi thay tích cực cho nghề nuôi biển: Tháo gỡ các nút thắt

Với đường bờ biển dài, điều kiện tự nhiên thuận lợi, nguồn lợi thủy sản phong phú, Việt Nam sở hữu lợi thế lớn về nghề nuôi biển. Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành các chính sách nhằm tháo gỡ những nút thắt, phát huy tiềm năng, hướng tới mục tiêu phát triển nghề nuôi biển hiện đại, bền vững.

null