Những mảnh đời ba gác: Bóng hồng ba gác

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Phụ nữ mưu sinh bằng xe ba gác rất hiếm. Hầu hết họ đều ngại nói về 'thân phận nữ nhi' khi phải làm nghề của đàn ông.

Thu Đoan chở hàng thuê cho khách. ẢNH: QUANG VIÊN
Thu Đoan chở hàng thuê cho khách. ẢNH: QUANG VIÊN
Hoàn cảnh tạo nên số phận
Với Nguyễn Thị Thu Đoan, sinh 1988, nếu ông xã chạy ba gác không bất ngờ bị tai nạn, có lẽ cô vẫn an phận làm công nhân. Gần 5 năm trước, chồng của Thu Đoan đang có nhiều mối chở hàng thì bị tai nạn, phải nằm nhà. Tiếc những cuốc hàng có thể kiếm được tiền trăm, Thu Đoan liều lấy xe chồng để chạy. “Những chuyến hàng đầu tiên, em nhận chạy ở cự ly ngắn, chạy tốc độ như... xe đạp. Gặp công an thì tái mặt, lên dốc hay kẹt xe vừa run vừa khóc. Mẹ em cản. Bà nói đói thì chịu chứ con gái mà chạy xe ba gác khổ thân quá. Nhưng chạy nhiều rồi quen”, Thu Đoan thổ lộ. Khi chồng khỏe mạnh trở lại, trong lúc nghề chạy xe đang ăn nên làm ra, người phụ nữ quê Bình Định này vẫn quyết định vay tiền để mua xe riêng, học lấy bằng lái để “cạnh tranh” với chồng. “Hai vợ chồng còn nghèo, đang ở nhà thuê nên em sắm riêng xe ba gác với mơ ước kiếm nhiều tiền để mua được miếng đất ở vùng ven thành phố cất cái nhà nho nhỏ và dành tiền cho con ăn học”, Đoan trải lòng. Đầu tư đúng thời điểm và chăm chỉ “bào xa lộ”, vợ chồng Thu Đoan có thêm thu nhập. Họ vay thêm tiền sắm xe thuê người chạy.
Nhưng thời vàng son của nghề chạy ba gác sớm lụi tàn. Vợ chồng Đoan vẫn không thể thoát khỏi căn nhà thuê trần lợp tôn, nóng như lò lửa và đống nợ vay để mua xe vẫn còn treo lơ lửng. “Bây giờ, chạy ba gác kiếm tiền triệu mỗi ngày như trước chỉ là mơ ước”, Thu Đoan bùi ngùi nói. Những người chạy ba gác không thể “kén cá chọn canh” và “làm giá” với khách hàng. Thu Đoan cũng vậy. Muốn có tiền để sống, trang trải nợ nần, cô cũng phải “bào xa lộ” như những đồng nghiệp nam. Lúc mới sinh con được 5 tháng, bà mẹ bỉm sữa đã đi chở hàng thuê. Nữ tài xế ba gác này không quản ngại những cuốc xe xa, thậm chí chạy khuya. “Em chạy tới khu công nghiệp ở Long An, Bình Dương để giao hàng mối. Có khi đi từ 12 giờ trưa đến 6 giờ chiều mới về lại tới nhà nhưng chỉ được tầm 500.000 đồng. Em cũng chạy những cuốc xe lúc 1 hoặc 2 giờ sáng, vừa chạy vừa lo”, Đoan chia sẻ. Không chỉ “thân gái dặm trường” mà công việc nặng nhọc khiến người phụ nữ tuổi 33 này trở nên rắn rỏi. Thở dài, Đoan nói thêm: “Bốc nhiều kiện hàng 40 - 50 kg, lên hàng xuống hàng cả tấn, có khi về tới nhà mệt quá bỏ cơm luôn. Khuân vác hàng nặng khiến trẹo chân, trật tay, đau lưng... nhưng vì miếng cơm manh áo cũng bất cần thân thể”.

Nữ “thủ lĩnh” chạy xe ba gác Nguyễn Thị Xuân. ẢNH: QUANG VIÊN
Nữ “thủ lĩnh” chạy xe ba gác Nguyễn Thị Xuân. ẢNH: QUANG VIÊN
Thay chồng nuôi con
Giữa cái nắng chang chang, thấy một người phụ nữ lái ba gác chở đầy rau củ quả chạy băng băng trên đường rồi đậu xe xuống hàng, tôi hỏi: “Chị chở hàng cho khách hả?”. Người phụ nữ vội mở chiếc khăn trùm kín mít chỉ còn chừa đôi mắt nói: “Tôi chở hàng từ chợ đầu mối về, đổ ở đây để bán”. Lúc đầu, chị lảng tránh khi thấy tôi “đi hơi xa vấn đề”, hỏi đủ thứ. Tôi tặng chị ít tiền để “lấy lòng” nhưng chị từ chối. Chị bảo mua rau của chị là quý lắm rồi. Khi tôi mua một túi rau củ quả lớn, chị cười tươi: “Chú mở hàng như vậy chắc tôi bán đắt lắm”. Rồi chị phân trần: “Tôi ở Bắc Ninh. Cả gia đình vào Sài Gòn mấy năm trước. Chồng chạy ba gác, tôi bán rau kiếm sống, nuôi con ăn học”. Tôi ái ngại hỏi: “Tại sao chồng chị không chở rau cho chị mà để chị vận hành chiếc ba gác to, chất đầy rau củ như thế thật vất vả?”. Người phụ nữ lặng đi một hồi rồi khóc: “Lúc mới vào Sài Gòn, ổng lo làm ăn. Rồi ổng lâm vào cờ bạc, đánh đề. Mỗi lần nói ổng chạy xe chở hàng cho tôi, ổng lầm bầm nên tức quá tôi lấy xe chạy luôn. Cầm lái ba gác chở hàng chạy hàng chục cây số mỏi nhừ bả vai mà phải ráng. Hồi mới chạy, vừa chạy vừa ứa nước mắt, nhưng bây giờ thì chai rồi”.
Chị cho biết mình sinh năm 1974, nhưng vì công việc vất vả, thức khuya dậy sớm, dãi dầu nắng mưa... nên trông chị già sạm như phụ nữ tuổi gần 60. “Bốn, năm giờ sáng tôi đã dậy cầm xe chạy lên chợ đầu mối lấy hàng rồi quay về đây bán. Bán không hết lại chạy đi chỗ khác xuống hàng bán tiếp. Có khi phải chạy bán dạo”, chị tâm sự. Con đường nơi chị ngồi, buổi sáng sớm là khu vực đông người kiểu chợ trời. Đến tầm 7 giờ thì “chợ” này bắt buộc phải dọn dần. Còn chị lui hẳn vào một góc trong cùng vỉa hè, che tấm bạt tạm bợ tránh nắng mưa để bán tiếp. Tới trưa, con gái út đi học mang cơm ra cho mẹ. Và chiều cô con gái lại lên xe về với mẹ. “Dù nghèo khổ, vất vả nhưng tôi cố gắng cho 3 đứa con đi học tới nơi tới chốn. Đứa lớn tốt nghiệp đại học ngoại ngữ đã lấy chồng. Hai đứa còn lại, đứa nào cũng chăm chỉ học và thương bố mẹ”, chị tự hào nói.

Vì con, người phụ nữ này không ngại vất vả mưu sinh với chiếc xe ba gác. ẢNH: QUANG VIÊN
Vì con, người phụ nữ này không ngại vất vả mưu sinh với chiếc xe ba gác. ẢNH: QUANG VIÊN
Nữ thủ lĩnh ba gác
Trong số ít phụ nữ mưu sinh bằng xe ba gác, Nguyễn Thị Xuân được những người trong Hội Ba gác Sài Gòn coi như nữ thủ lĩnh. Người phụ nữ sinh năm 1985 này ngoài công việc chạy xe ba gác còn điều phối các cuốc xe giúp chiến hữu trong hội. Từng học ngành kế toán, thêm bằng trung cấp ngoại ngữ, nhưng cuối cùng Xuân lại bén duyên với nghề cực nhọc, vất vả dành cho đàn ông. “Trong thời gian em bán đồ ăn sáng cho công nhân có quen ông chú ở gần nhà chạy ba gác. Lúc buôn bán ế ẩm, ông chú này nói đùa nếu em thích chạy ba gác, ổng sẽ bán lại xe và cho ít mối. Em đồng ý luôn”, Xuân kể.
Cuộc đời Xuân còn có những trang buồn. Lấy chồng, có hai con, nhưng thường xuyên bị chồng bạo hành, cuối cùng cô chọn giải pháp chia tay. Nhận nuôi hai con nhỏ, cô cần phải kiếm tiền dù có vất vả như thế nào. Với Xuân, dù chạy trên chiếc ba gác kêu như máy cày nhưng vẫn thấy thoải mái vì đồng tiền làm ra bằng chính mồ hôi nước mắt. “Thật lòng đôi lúc em cũng có sự tủi thân của một phu xe nữ. Thậm chí, có người nhìn dân chạy xe ba gác không mấy thiện cảm. Nhưng đồng tiền mình làm lương thiện để nuôi con nên người thì mình chẳng ngại gì”, Xuân tâm tình.
Từ một người chạy ba gác đơn độc, Xuân gia nhập các hội ba gác. Có kiến thức về kế toán, cô nghĩ cách tập hợp anh em chạy ba gác để cùng hợp tác kinh doanh. “Tổng đài” ba gác Nguyễn Thị Xuân thường nhận nhiều cuộc gọi của khách hàng. Từ đó cô chia cuốc hàng cho anh em chạy và cũng hưởng một phần nhỏ trên mỗi cuốc. Anh em trong các hội ba gác quý mến gọi cô là nữ thủ lĩnh. Và có lẽ Nguyễn Thị Xuân là nữ thủ lĩnh ba gác duy nhất ở Sài Gòn.
(còn tiếp)
Theo Quang Viên (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Nghề của niềm đam mê

Nghề của niềm đam mê

Ở xã Nghĩa Hiệp (Tư Nghĩa), nhiều người biết anh Mai Ngọc Trương Vinh (35 tuổi), bởi anh nổi tiếng với nghề đúc chậu hoa, cây cảnh, có hoa văn, họa tiết độc đáo.

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Nếu Kinh Bắc nổi danh với tranh dân gian Đông Hồ và Thăng Long - Hà Nội vang tiếng với tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng (Hoài Đức - Hà Nội) thì miền Trung gió Lào cát trắng lừng danh với tranh dân gian làng Sình.

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.