Những liệt sĩ thời bình - Kỳ 2: 'Gia tài' đã mất của một người mẹ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Hai cái bóng còm cõi in trên tường xi măng lạnh lẽo. Tâm hy sinh đã gần sáu năm nhưng đối với những người thân thiết của anh, người chiến sĩ công an dũng cảm này vẫn như còn đây...

 Liệt sĩ Lê Thanh Tâm hy sinh khi tuổi đời mới 25
Liệt sĩ Lê Thanh Tâm hy sinh khi tuổi đời mới 25


Sẫm tối, đường rẽ vào nhà liệt sĩ Lê Thanh Tâm (sinh năm 1986, xã Phú Túc, huyện Định Quán, Đồng Nai) chìm trong mưa. Trong nhà, ông Lê Văn Hải và bà Đoàn Thị Sữa (53 tuổi, cha mẹ của liệt sĩ Tâm) lúi cúi gói cho xong mấy đòn bánh tét để kịp nấu giao cho khách.

Hai cái bóng còm cõi in trên tường ximăng lạnh lẽo. Tâm hi sinh đã gần sáu năm nhưng đối với những người thân thiết của anh, người chiến sĩ công an dũng cảm này vẫn như còn đây...

 

“Anh Tâm chết. Mẹ khóc miết. Cha thơ thẩn như người mất hồn. Mọi người dường như chẳng còn chút sức sống nào..."-Lê Thị Thu Thảo

Cuộc truy đuổi

Ngày hi sinh (19-7-2011), anh Tâm đang là sinh viên Trường trung cấp Cảnh sát nhân dân (CSND) II, vừa hoàn thành kỳ thực tập ở Công an huyện Cẩm Mỹ, Đồng Nai.

Người đồng đội cùng truy bắt cướp với anh Tâm hôm đó là anh Nguyễn Hoàng Long (hiện công tác tại Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an tỉnh Đồng Nai, ngày trước là Công an huyện Cẩm Mỹ) nhớ lại: “Buổi chiều, tôi vừa đi học chính trị về thì nhận được lệnh cùng hai đồng chí khác và Tâm truy đuổi hai tội phạm có súng đang tháo chạy theo hướng từ huyện Long Thành qua huyện Cẩm Mỹ. Chúng tôi lập tức quay xe lên đường. Không ai nghĩ đó là lần cuối cùng gặp Tâm...”.

Đi được một đoạn, tổ công tác thấy hai thanh niên phóng xe vụt qua và nhận định đây là hai đối tượng cần truy bắt, các anh đuổi theo.

Đến xã Long Giao, huyện Cẩm Mỹ, khi các anh áp sát yêu cầu dừng xe, một đối tượng là Trần Quốc Tuấn cầm súng chạy vào khu vực rẫy điều, đối tượng còn lại là Bùi Văn Trung trốn xuống cống nước gần đó.

Anh Long và anh Tâm được phân công đuổi theo tên Tuấn, những người còn lại tìm cách khống chế Trung.

“Trong khi đuổi theo, nghe có tiếng tri hô, biết là tên cướp đang đe dọa người dân để cướp xe tẩu thoát nên tôi bàn với Tâm chia ra hai hướng để khống chế Tuấn.

Khi thấy Tuấn đang giằng co với một người dân trước một căn nhà, Tâm từ phía sau lao ra khống chế thì tên này quay lại chĩa súng bóp cò. Đạn nổ. Tâm kêu lên: “Anh Long ơi, em bị bắn”, rồi gục xuống.

“Về nhà” trong tiếc thương

Khi nhắc tới con trai, không nén nổi yêu thương lẫn đau khổ, bà Sữa cứ nghẹn ngào mãi. Bà không bao giờ quên buổi chiều 19-7-2011, bà cũng đang ngồi nấu bánh thì nhận được tin báo con mình đã hi sinh.

“Bữa đó là thứ ba. Hôm chủ nhật Tâm gọi nói mẹ ơi thứ năm con sẽ về nhà. Ở nhà tôi cứ ngóng, nào ngờ...” - bà nói.

Đến khi đơn vị đưa Tâm về, bà không tin đó là sự thật. Đám tang của người chiến sĩ ngập trong niềm tiếc thương của gia đình, đơn vị và người dân trong vùng, khi đó Tâm mới bước qua tuổi 25, độ tuổi đẹp nhất của cuộc đời.

Liệt sĩ Tâm còn ba người em gái. Cảnh nhà của Tâm thuộc diện khó khăn trong xã. Ông Hải, cha của Tâm, từ lâu đã có vấn đề về tâm thần, mỗi khi nắng nóng mưa lạnh lại trở bệnh, không làm được việc gì nặng.

Hầu như mọi việc trong nhà đổ lên đôi vai gầy của bà Sữa. Ngày nào bà cũng dậy từ tờ mờ sáng, chạy xe đi giao bánh tét, bánh ú cho mấy mối quen.

Về tới nhà là bà lại ngập trong chuyện cơm nước, chăm sóc ông Hải, rồi ngồi gói bánh, sau đó nấu tới 10 giờ đêm.

Bà nói: “Cực khổ mấy tôi cũng chịu được, chỉ cần thấy chồng con mình mạnh khỏe là được. Giờ mình không còn Tâm, tôi cũng sống vì chồng con nhưng sao thấy thiếu vắng quá...”.

Năm 2009, Tâm vào học Trường trung cấp CSND II ở TP. Hồ Chí Minh (nay là Trường cao đẳng CSND II). Trước khi đi học, Tâm hỏi ý mẹ. Anh nửa muốn đi, nửa không vì lo cha mẹ ở nhà không ai đỡ đần.

Bà Sữa nhớ lại: “Lúc đó tôi khuyên con nên đi học, mình là con trai gánh vác được gì cho xã hội thì gánh vác, huống hồ làm công an là giúp ích cho dân cho nước”. Vậy là Tâm đi.

Trong những kỷ vật của con trai, bà Sữa giữ lại tấm nệm cũ. “Đây là tấm nệm Tâm mua để mấy anh em nằm ngủ hồi đó, Tâm còn nói sau này đi làm có tiền sẽ mua tấm nệm khác đẹp hơn.

Tối nào mấy anh em nó cũng rù rì chuyện trò đủ thứ rồi mới chịu ngủ. Mới đó mà năm năm rồi. Giờ tôi vẫn ngủ trên tấm nệm này...” - bà cười buồn.

Không biết mỗi tối khi trải nệm nằm ở gian phòng khách, nhìn lên di ảnh con trai với mái tóc xanh ngời, nước mắt đã bao lần thấm ướt mái tóc pha sương của người mẹ này...

 

Bà Đoàn Thị Sữa cùng chồng ngày ngày gói bánh nấu bán. Tâm hi sinh gần năm năm nhưng bà vẫn không nguôi nhớ thương
Bà Đoàn Thị Sữa cùng chồng ngày ngày gói bánh nấu bán. Tâm hi sinh gần năm năm nhưng bà vẫn không nguôi nhớ thương



Tiếp bước anh trai

Ngày anh mình hy sinh, Lê Thị Thu Thảo (em thứ hai của Tâm) 21 tuổi. Cô nói: “Anh Tâm chết. Mẹ khóc miết. Cha thơ thẩn như người mất hồn. Mọi người dường như chẳng còn chút sức sống nào...”.

Trước đó, Thảo thi vào Trường cao đẳng Tài chính hải quan, chưa đầy một năm thì nghỉ. Sau khi anh trai hi sinh, Thảo nuôi ước mong trở thành người chiến sĩ công an nhân dân. Cô được đặc cách vào học Trường cao đẳng CSND.

Khi hỏi lý do Thảo chọn theo ngành công an, cô chỉ nói ngắn gọn rằng muốn thực hiện ý nguyện dang dở của anh mình. Hiện giờ cô đang làm việc ở đội tổng hợp Công an huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai.

Giờ đây, trong ngôi nhà vắng lặng chỉ còn ông Hải và bà Sữa, cùng người con gái út đang làm công an ở xã Phú Túc. Thảo ở nhà tập thể của cơ quan trên huyện, cuối tuần mới về thăm cha mẹ.

Có lẽ dịp mọi người tụ về đông nhất chính là ngày giỗ của Tâm. “Người trong ngành, bạn bè đồng đội của nó dù nhiều năm trôi qua vẫn ghé về thăm, thắp cho nó nén nhang” - bà Sữa nói rồi cho biết từng ô gạch, cái móc treo đồ, sàn nước, đống củi... đều gợi bà nhớ đến đứa con trai độc nhất của mình.

Tâm là gia tài của bà, là đứa con mà bà chưa bao giờ thôi tự hào dù anh đã ngã xuống nhiều năm qua vì sự an toàn của xã hội.

Theo Tuoitre

Hình ảnh nhắc nhở

Trong mắt đồng đội, liệt sĩ Lê Thanh Tâm là người nhiệt huyết, hiền lành, hòa đồng. Anh Nguyễn Hoàng Long kể trong hai tháng Tâm thực tập ở Công an huyện Cẩm Mỹ, dù thông thường nhiệm vụ của sinh viên thực tập chỉ là hỗ trợ nhưng Tâm luôn sốt sắng, tham gia một số vụ việc ổn định an ninh trật tự, được nhận giấy khen của công an huyện.

“Tâm hi sinh để lại niềm tiếc thương và mất mát không chỉ cho gia đình mà cả đồng đội, những người yêu quý Tâm. Hình ảnh Tâm ngã xuống sẽ mãi nhắc nhở chúng tôi luôn hết lòng vì nghề, vì dân” - anh Long chia sẻ.

Có thể bạn quan tâm

Nghề của niềm đam mê

Nghề của niềm đam mê

Ở xã Nghĩa Hiệp (Tư Nghĩa), nhiều người biết anh Mai Ngọc Trương Vinh (35 tuổi), bởi anh nổi tiếng với nghề đúc chậu hoa, cây cảnh, có hoa văn, họa tiết độc đáo.

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Nếu Kinh Bắc nổi danh với tranh dân gian Đông Hồ và Thăng Long - Hà Nội vang tiếng với tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng (Hoài Đức - Hà Nội) thì miền Trung gió Lào cát trắng lừng danh với tranh dân gian làng Sình.

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.