Những kỷ vật vô giá về lực lượng An ninh miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Tại Bảo tàng CAND hiện lưu giữ hàng ngàn hình ảnh, tài liệu, hiện vật của lực lượng An ninh miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Đó là nguồn sử liệu gốc quan trọng hàm chứa các thông tin gốc về lịch sử xã hội, con người cụ thể trong lực lượng An ninh miền Nam suốt 20 năm đấu tranh trường kỳ.
Những hiện vật ấy phản ánh sự hi sinh, những đóng góp và những thành tích, chiến công lẫy lừng của lực lượng An ninh miền Nam góp phần cùng toàn dân tộc làm thất bại mọi âm mưu thâm độc của đế quốc Mỹ và đã làm nên chiến thắng mùa xuân năm 1975 thống nhất đất nước.
Nhật ký của liệt sĩ Nguyễn Hải Trường (Nguyễn Minh Sơn), cán bộ Ban An ninh Khu VI, viết từ tháng 1/1965 đến tháng 3/1967
 
Liệt sĩ Nguyễn Hải Trường (Nguyễn Minh Sơn), sinh năm 1930 tại Thanh Hóa. Năm 1964, đồng chí lên đường chi viện chiến trường miền Nam, chiến đấu tại Ban An ninh Khu VI. Hoạt động, chiến đấu ở địa bàn tranh chấp vô cùng ác liệt, đồng chí cùng đồng đội kiên trì xây dựng cơ sở, nắm tình hình, chiến đấu đẩy lùi nhiều trận càn của địch.
Ngày 30/7/1967, Nguyễn Hải Trường cùng đồng đội đi công tác, đến địa bàn Phước Long - Bình Thuận bị địch phục kích. Do chênh lệch lực lượng, đồng chí Nguyễn Hải Trường tìm mọi cách thu hút hỏa lực, kìm chân địch để đồng đội rút lui an toàn. Đồng chí chiến đấu đến viên đạn cuối cùng và anh dũng hi sinh.     
Nhật ký của Nguyễn Hải Trường được ghi từ đầu năm 1965 đến ngày 20/3/1967, trước khi đồng chí hi sinh 10 ngày. Cuốn nhật ký được Nguyễn Hải Trường ghi chép lại trên đường hành quân chi viện cho chiến trường miền Nam và những ngày đồng chí trực tiếp chiến đấu, tham gia công tác vận động quần chúng ở vùng Nam Tây Nguyên. Xen kẽ trong nhật ký, có những phần, những trang viết mang tính hồi ký, nhớ lại quãng thời gian đồng chí tham gia tiễu phỉ, tham gia huấn luyện chuẩn bị đi B.
Thúng hai đáy, đồng chí Mai Thị Luận, Phó Ban An ninh quận III, thành phố Đà Nẵng sử dụng cất giấu tài liệu từ năm 1968 đến năm 1975
 
Năm 1965, Mỹ ngụy tập trung xây dựng quận III, thành phố Đà Nẵng thành căn cứ quân sự mạnh ở miền Trung. Trước tình hình đó, Quận ủy quận III chỉ đạo lực lượng An ninh luồn sâu vào lòng địch, xây dựng cơ sở, nắm tình hình phục vụ công tác chiến đấu trước mắt cũng như lâu dài.
Trong điều kiện Mỹ ngụy tăng cường lùng sục, kiểm soát gắt gao. Để mỗi lần chuyển tài liệu từ cơ sở ra căn cứ hay chuyển chỉ thị từ căn cứ đến cơ sở đảm bảo an toàn, đồng chí Mai Thị Luận phải đấu trí với quân địch.
Khi thực hiện nhiệm vụ, đồng chí cất giấu tài liệu giữa hai lớp nan tre dưới đáy thúng, trong thúng để trái cây hay những nông sản để bọn địch ít chú ý. Với cách thức đơn giản này, cùng với sự mưu trí, dũng cảm, không sợ hi sinh, bom đạn đồng chí Mai Thị Luận đã chuyển hàng trăm tài liệu tuyệt đối bí mật và an toàn.
Thẻ căn cước “Rồng xanh” của đồng chí Nguyễn Văn Lệnh (mang tên Nguyễn Văn Thi), Phó trưởng Tiểu ban Trinh sát vũ trang nội đô, Ban An ninh T4
 
Trinh sát vũ trang nội đô Sài Gòn - Gia Định không chỉ có nhiệm vụ điều tra nghiên cứu, thu thập tình hình phục vụ tác chiến, mà chủ yếu là tiêu diệt những tên việt gian, ác ôn ngụy quân ngụy quyền trong nội thành nhằm làm thất bại ý đồ chiến lược của chúng.
Đồng chí Nguyễn Văn Lệnh - Phó trưởng Tiểu ban Trinh sát vũ trang nội đô và đồng đội hoạt động trong vùng địch kiểm soát nên gặp bao hiểm nguy nhưng các đồng chí đã vượt qua mọi khó khăn, những đòn “cân não” với kẻ thù, lằn ranh giữa sự sống và cái chết vô cùng mong manh. Mọi thử thách ấy các đồng chí đã chiến thắng và đã lập được nhiều chiến công xuất sắc.
Để thuận lợi cho việc hoạt động trong nội thành một cách hợp pháp, năm 1970, đồng chí Nguyễn Văn Lệnh đã được một cơ sở ở tỉnh Kiến Hòa làm một thẻ căn cước với tên là Nguyễn Văn Thi cùng năm sinh, tên cha, mẹ… đều là giả. Trong thẻ căn cước, tên “Nguyễn Văn Thi” (là tên của em trai đồng chí Nguyễn Văn Lệnh). Tên cha “Nguyễn Văn Thanh” và tên mẹ “Nguyễn Thị Liên” (là con trai và con gái của đồng chí Nguyễn Văn Lệnh). Lý do lấy tên những người thân trong gia đình để khi không may bị địch bắt, hoặc xét hỏi có thể trả lời nhanh và thống nhất hạn chế sự nghi ngờ của địch.
Nhờ thẻ căn cước này đồng chí Nguyễn Văn Lệnh đã hoạt động trong nội thành mà không bị kẻ địch phát hiện góp phần làm nên nhiều chiến công.
Xe đạp, Đội trinh sát An ninh vũ trang huyện Gio Linh thu sau trận đánh tiêu diệt tên Trung úy cảnh sát đặc biệt ngụy, năm 1969
 
Sau Tổng tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, Mỹ ngụy đổ quân ra Bắc đường 9 (tỉnh Quảng Trị), hòng tái chiếm vùng giải phóng. Huyện Gio Linh nằm trong khu vực bị đánh phá ác liệt. Tháng 12 năm 1968, Mỹ ngụy đưa đoàn bình định do tên Trung úy cảnh sát đặc biệt Huỳnh Tuyển làm trưởng đoàn. Với nhiệm vụ bình định thôn Hà Thượng, biến thôn này thành lá chắn bảo vệ vị trí đóng quân của chúng.
Trước tình hình đó, Đội trinh sát an ninh vũ trang huyện Gio Linh do đồng chí Tạ Quang Thành làm đội trưởng được giao nhiệm vụ xây dựng kế hoạch tiêu diệt Huỳnh Tuyển. Trưa ngày 2/3/1968, cơ sở thông báo, tên Huỳnh Tuyển cùng vợ đi xe đạp vào ăn trưa tại một quán cơm. Đồng chí Tạ Quang Thành bố trí 2 trinh sát phối hợp với chủ quán cơm chọc thủng lốp xe.
Ăn xong, vợ chồng Tuyển thấy xe hết hơi, dắt xe rời quán để tìm chỗ vá săm, thời cơ đã đến hai chiến sĩ an ninh áp sát tiêu diệt tại chỗ tên Huỳnh Tuyển thu 1 súng ngắn, chiếc xe đạp và rút lui an toàn.
Súng “Carbin” của đồng chí Lê Văn Lên, Đội trưởng Đội An ninh vũ trang bảo vệ Thành ủy Sài Gòn - Gia Định
 
Năm 1960, đồng chí Lê Văn Lên được tuyển lựa vào lực lượng An ninh và công tác, chiến đấu tại Đội an ninh vũ trang bảo vệ Thành ủy Sài Gòn - Gia Định. Đồng chí đã phối hợp cùng đồng đội chiến đấu hàng trăm trận lớn nhỏ, góp phần bảo vệ an toàn các đồng chí lãnh đạo và cơ quan Thành ủy Sài Gòn - Gia Định.
Khẩu “súng Carbin” là chiến lợi phẩm quân giải phóng thu được trong trận Tua Hai, tháng 1/1960, các đồng chí ở Trung ương Cục đã tặng đồng chí Võ Văn Kiệt, sau đó đồng chí Võ Văn Kiệt giao khẩu súng cho đồng chí Lê Văn Lên phụ trách Trung đội cơ động bảo vệ Khu ủy.
Đồng chí Lê Văn Lên đã sử dụng khẩu súng này chiến đấu trên 30 trận, lập nhiều chiến công. Đặc biệt, trong trận chiến đấu chống cuộc hành quân Crimp của địch, chỉ riêng bộ phận 12 người do đồng chí Lê Văn Lên chỉ huy đã diệt gần 100 tên địch, bắn rơi 11 máy bay, bắn cháy 1 xe tăng M113.
Đồng chí Lên với khẩu “súng Carbin” và 15 viên đạn đã diệt 15 tên địch, được công nhận “Dũng sĩ diệt Mỹ” cấp ưu tú.
Huy hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ cấp II của đồng chí Nguyễn Thị Lài, cán bộ Ban An ninh thành phố Huế được Quân khu Trị Thiên tặng năm 1971
 
Sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng, 14 tuổi đồng chí Nguyễn Thị Lài thoát ly tham gia cách mạng. Với tố chất thông minh, nhanh nhẹn đồng chí được gia nhập lực lượng trinh sát vũ trang, Ban An ninh thành phố Huế. Với nhiệm vụ là phá kìm kẹp của địch, từ năm 1970, đồng chí Nguyễn Thị Lài cùng đồng đội tổ chức nhiều trận đánh “xuất quỷ nhập thần” khiến địch hết sức hoang mang. Một trong những trận đánh tiêu biểu là trận đánh vào trạm xăng, chợ Đông Ba, thành phố Huế.
Ngày 29 Tết năm 1971, phát hiện một nhóm quân địch kéo về trạm xăng chợ Đông Ba, đồng chí Nguyễn Thị Lài đã mưu trí cài kíp nổ và mìn hẹn giờ tại trạm xăng. Trong trận đánh này đồng chí đã tiêu diệt được 9 tên địch, làm bị thương 13 tên khác. Với thành tích xuất sắc, đồng chí đã được Quân khu Trị Thiên tặng Huy hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ cấp II”.
Khẩu súng ngắn thu tại phòng làm việc của Nguyễn Văn Thiệu, Tổng thống Việt Nam Cộng hòa, ngày 30/4/1975
 
Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Trung tướng Võ Viết Thanh (tên thường gọi là Bảy Thanh), nguyên Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) kiêm Tổng cục trưởng Tổng cục Phản gián (Bộ Công an)… Phó Bí thư Thành ủy, Phó Chủ tịch rồi Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, sinh năm 1943, tại Bến Tre.
Năm 1959, khi mới 16 tuổi đồng chí Võ Viết Thanh đã là một chiến sĩ biệt động, chiến đấu ở nhiều địa bàn khác nhau. Với những thành tích trong chiến đấu và trong việc sản xuất, chế tạo vũ khí, năm 1970, đồng chí Võ Viết Thanh đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Trong chiến dịch Hồ Chí Minh, đồng chí Võ Viết Thanh trên cương vị là Chính trị viên trưởng Tiểu đoàn 4, Lữ đoàn đặc công biệt động 316, có nhiệm vụ đánh chiếm các mục tiêu quan trọng như Dinh Độc lập, Tổng nha cảnh sát, Bộ Tổng tham mưu, Bộ Tư lệnh hải quân, trường Huấn luyện Quang Trung, chốt giữ các cầu như: Cầu Sài Gòn, cầu Bình Triệu, các ngã ba, ngã tư để chi phối trong các khu vực nội thị, tạo điều kiện mở cửa cho các quân đoàn chủ lực tiến công vào giải phóng Sài Gòn.
Sáng 30/4/1975, đồng chí Võ Viết Thanh, chỉ huy một tiểu đội đánh chiếm mục tiêu Dinh Độc lập. Tại Dinh Độc lập, khi lên phòng làm việc của Nguyễn Văn Thiệu, Tổng thống Việt Nam Cộng hòa đồng chí Võ Viết Thanh đã thu được nhiều tài liệu trong đó có khẩu súng colt.
Dụng cụ ép plastic, kính hiển vi ở Trung ương Cục miền Nam
 
Dụng cụ ép plastic và Kính hiển vi được cán bộ, chiến sĩ Cục Kỹ thuật nghiệp vụ , Bộ Công an nghiên cứu chế tạo từ đầu những năm 1960 và chi viện cho Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam.
Cán bộ an ninh đã sử dụng “dụng cụ ép plastic”, “kính hiển vi” làm giả nhiều loại giấy tờ tùy thân như: Giấy miễn quân dịch, thẻ căn cước “Rồng xanh” phục vụ các lực lượng cách mạng hoạt động trong lòng địch. Hàng ngàn giấy tờ tùy thân của cán bộ được cán bộ kỹ thuật hình sự hoàn chỉnh với sự hỗ trợ của các dụng cụ đơn giản này. Nhiều cán bộ của ta vào nội thành, ra căn cứ hoạt động với giấy tờ do lực lượng kỹ thuật hình sự trang bị đã tránh được sự phát hiện của kẻ địch.
“Phôi” thẻ căn cước “Rồng xanh” được Cộng hòa Dân chủ Đức viện trợ, lực lượng kỹ thuật hình sự của lực lượng An ninh miền Nam đã làm hàng ngàn chiếc phục vụ cán bộ, chiến sĩ hoạt động đảm bảo bí mật, hoàn thành nhiệm vụ được giao một cách xuất sắc.
Bức ký họa “Chiều 30/4 ở Tổng Nha cảnh sát ngụy” của đồng chí Lương Mạnh Tâm
 
Đồng chí Lương Mạnh Tâm sinh năm 1937 tại Thuỷ Nguyên, thành phố Hải Phòng. Từ năm 1955 đến năm 1967 đồng chí là cán bộ Đồn công an số 24, Công an quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.
Cuối năm 1967, đồng chí được Bộ Công an điều động chi viện cho chiến trường B và công tác tại Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam. Những năm tháng chiến đấu tại chiến trường miền Nam với bao gian khổ, đồng chí Lương Mạnh Tâm vẫn miệt mài đam mê vẽ ký họa. Với hơn 400 bức ký họa đang được lưu giữ tại Bảo tàng CAND là những hình ảnh sống động, chân thực về cuộc sống, con người trong thời chiến được thể hiện qua từng nét vẽ tài hoa, gợi lên vẻ đẹp bình dị, hồn hậu trong tâm hồn của người Chiến sĩ, Nghệ sĩ.
“Chiều 30/4 ở Tổng nha Cảnh sát Ngụy” là bức ký họa về một khoảnh khắc lịch sử trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta. Trong ngày lịch sử đó, đồng chí Lương Mạnh Tâm đã vinh dự được cùng đoàn quân tiến về giải phóng Sài Gòn. Tiếp quản địa điểm Tổng nha Cảnh sát ngụy, cảm xúc trào dâng, Lương Mạnh Tâm đã kịp ký họa lại hình ảnh chân thực nhất.
Bức ký họa minh chứng cho một sự kiện lịch sử tiêu biểu của đất nước - Ngày 30/4/1975, dấu mốc cho sự kết thúc cuộc chiến tranh tại miền Nam Việt Nam, thống nhất đất nước, góp phần để thế hệ trẻ ngày nay hiểu hơn về thời kỳ chiến đấu oai hùng của một thế hệ CAND Việt Nam luôn “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ”.
Hùng Sơn (cand.com.vn)

Có thể bạn quan tâm

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Xóa bỏ hủ tục 'cầm đồ thuốc độc'

Xóa bỏ hủ tục 'cầm đồ thuốc độc'

Suốt thời gian dài, tệ nạn nghi kỵ “cầm đồ thuốc độc” ở miền núi Quảng Ngãi trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng, gây hoang mang, chia rẽ mối đoàn kết cộng đồng, nhiều người bị nghi ngờ có “đồ độc” phải bỏ làng vào rừng hoặc tự tử, thậm chí bị đánh đập dã man cho đến chết.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.