Những kỷ vật của Đại tướng Văn Tiến Dũng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)-

Tại Nhà truyền thống Sư đoàn 320 và Bảo tàng Quân đoàn 3 chiếc xe đạp và khẩu súng của Đại tướng Văn Tiến Dũng-nguyên Tư lệnh, kiêm Chính ủy Đại Đoàn Đồng bằng (Sư đoàn 320 ngày nay) sau này là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã được coi là một kỷ vật thiêng liêng, vô giá.

Nhân viên nhà truyền thống Sư đoàn 320 giới thiệu về chiếc xe đạp. Ảnh: Vĩnh Hoàng

Nhân viên nhà truyền thống Sư đoàn 320 giới thiệu về chiếc xe đạp. Ảnh: Vĩnh Hoàng

Thượng tá Nguyễn Cảnh Minh-Giám đốc Bảo tàng Quân đoàn 3 cho biết: Cuộc đời của Đại tướng Văn Tiến Dũng gắn liền hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ với những chiến công vang dội. Chính vì thế, nhiều kỷ vật của ông trong thời gian tham gia chỉ đạo chiến dịch giải phóng Tây Nguyên là chiếc xe đạp, khẩu súng ngắn, được các đơn vị của Quân đoàn sưu tầm và lưu giữ vô cùng ý nghĩa. Thông qua hai kỷ vật này, mọi người hiểu thêm về vị tướng tài ba, lỗi lạc, đây cũng là niềm tự hào của quân-dân Tây Nguyên khi nhớ về ông.

Nhà truyền thống Sư đoàn 320 trưng bày trên 200 hiện vật, tư liệu. Khi bước vào đây, ở vị trí trang trọng nhất được dành để trưng bày chiếc xe đạp của Đại tướng Văn Tiến Dũng. Thiếu úy quân nhân chuyên nghiệp Đoàn Thị Vân Anh-nhân viên nhà truyền thống chia sẻ: Đây là chiếc xe đạp Xetaling mà Đại tướng thường sử dụng. Nhưng ý nghĩa hơn là vào ngày 16-1-1951, Đại tướng sử dụng chiếc xe này di chuyển hơn 30 km về vị trị bí mật để nhận quyết định của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương về việc thành lập Đại đoàn Đồng Bằng (Sư đoàn 320 ngày nay). Khi thành lập Đại đoàn Đồng Bằng, ông được giao làm Tư lệnh, kiêm Chính ủy. Sau ngày thành lập, Đại đoàn Đồng Bằng đã ra quân trận đầu, diệt 9 đồn địch, với phương châm: “Vừa chiến đấu, vừa xây dựng lực lượng, có chừng nào đưa vào tác chiến chừng ấy, vũ khí có gì đánh nấy, lấy của địch đánh địch”-đó cũng là quan điểm dụng binh mà vị Đại tướng này sử dụng trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.

Dấu chân của vị Đại tướng đã in đậm trên chiến trường Tây Nguyên với những chiến công vang dội. Và, chiếc xe đạp mà ông sử dụng trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và những lần từ Tây Nguyên trở về Hà Nội gặp Quân ủy Trung ương và Bộ Chính trị, ông vẫn thường sử dụng. Sau này khi đi qua hai cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc, nhớ đến quân dân Tây Nguyên, Đại tướng Văn Tiến Dũng đã tặng lại chiếc xe đạp cho cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 320 và được trưng bày cho đến nay.

Các chiến sĩ Sư đoàn 320 tham quan chiếc xe đạp của Đại tướng. Ảnh: Vĩnh Hoàng

Các chiến sĩ Sư đoàn 320 tham quan chiếc xe đạp của Đại tướng. Ảnh: Vĩnh Hoàng

Dù năm tháng qua đi, thời gian có thể xóa nhòa nhiều thứ, nhưng chiếc xe đạp của vị Đại tướng vẫn được các cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 320 giữ gìn và coi như báu vật. Hầu như chiếc xe vẫn giữ được toàn bộ các phụ kiện như ban đầu. Vào mỗi ngày cuối tuần, cán bộ, chiến sĩ của Sư đoàn 320 thường đến nhà truyền thống vừa tham quan những kỷ vật để hiểu về truyền thống của đơn vị, của các thế hệ cha anh đi trước vừa lau chùi, bảo quản những kỷ vật thiêng liêng ấy. Chiến sĩ Cấn Quốc Hùng (Đại đội 1, Tiểu đoàn 17, Sư đoàn 320) chia sẻ: "Tôi rất tự hào vì được phục vụ trong môi trường quân đội, đặc biệt, ở Sư đoàn có bề dày truyền thống. Chúng tôi vẫn thường đến nhà truyền thống của đơn vị, ấn tượng nhất với tôi là chiếc xe đạp của Đại tướng Văn Tiến Dũng đã sử dụng được trưng bày ở đây. Tìm hiểu về kỷ vật này, chúng tôi không chỉ khâm phục truyền thống của cha ông đi trước mà còn tự hào hơn khi mình được tiếp bước theo sau. Mỗi cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị luôn quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao".

Tại Bảo tàng Quân đoàn 3, cũng có một kỷ vật của Đại tướng Văn Tiến Dũng đó là khẩu súng ngắn mà ông sử dụng trong quá trình chỉ huy quân-dân Tây Nguyên đánh giặc.

Theo Thượng tá Nguyễn Cảnh Minh: “Khẩu súng này có nguồn gốc từ kháng chiến chống Pháp được Đại tướng mang vào chiến trường Tây Nguyên. Điều này thể hiện quyết tâm của vị tướng Anh hùng, đó là giặc Pháp chúng ta đã đánh thắng thì giặc Mỹ ta cũng quyết tâm đánh đuổi. Khẩu súng này tuy không uy lực như các loại súng hiện đại trong kháng chiến chống Mỹ, nhưng ông vẫn luôn mang theo bên mình vì đó là kỷ vật. Những năm tháng có mặt trên chiến trường Tây Nguyên, khẩu súng ngắn ấy đã đi theo ông từ chiến dịch này đến chiến dịch khác khác và đã lập nên những chiến công vang dội, giải phóng Tây Nguyên, tiến về giải phóng Sài Gòn để Bắc-Nam sum họp một nhà. Nhiều câu chuyện về khẩu súng này được các cán bộ, chiến sĩ mặt trận Tây Nguyên kể lại đó là khi với vai trò là thay mặt Quân ủy Trung ương và Bộ Chính trị trực tiếp chỉ đạo chiến dịch Tây Nguyên, khi bàn bạc về kế hoạch đánh Buôn Mê Thuột, Đại tướng Văn Tiến Dũng chỉ vào khẩu súng của mình và nói: “Nghi binh đánh lừa địch là nhiệm vụ bí mật cũng như trinh sát luồn sâu. Khi đánh Buôn Mê Thuột chúng ta phải xây dựng phương án đánh địch chi viện, cũng như khẩu súng có thể bắn trước, bắn sau. Chính quan điểm ấy của Đại tướng mà sau này khi chiến dịch diễn ra, Sư đoàn 320 đã phục kích đánh tan Trung đoàn 45 của ngụy từ Bắc Thuần Mẫn đưa quân về chi viện cho Buôn Mê Thuột.

Khẩu súng của Đại tướng Văn Tiến Dũng được trưng bày tại Bảo tàng Quân đoàn 3. Ảnh: Vĩnh Hoàng

Khẩu súng của Đại tướng Văn Tiến Dũng được trưng bày tại Bảo tàng Quân đoàn 3. Ảnh: Vĩnh Hoàng

Nhắc đến những kỷ vật của Đại tướng Văn Tiến Dũng, chúng tôi nhớ Trung tướng Khuất Duy Tiến từng nói: Đại tướng Văn Tiến Dũng với tầm nhìn kế hoạch chiến lược nhưng luôn thận trọng, tỉ mỉ, chắc thắng, chính là người đã phê duyệt kế hoạch tiến công Buôn Mê Thuột làm rung chuyển Tây Nguyên. Cuộc đời của Đại tướng gắn với những chiến công vang dội trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc.

Có thể bạn quan tâm

Phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

Phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

(GLO)- Tổng Bí thư Tô Lâm vừa có bài phát biểu chỉ đạo Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia vào sáng 13-1. Báo Gia Lai điện tử trân trọng giới thiệu toàn văn phát biểu của Tổng Bí thư. 

Gần 12 ngàn đại biểu dự hội nghị về đột phá phát triển KHCN, ĐMST và CĐS quốc gia

Gia Lai: Gần 12 ngàn đại biểu dự hội nghị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

(GLO)- Sáng 13-1, tại Hà Nội, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Hội nghị kết nối đến 15.345 điểm cầu trên toàn quốc với 978.532 đại biểu tham dự. Tại Gia Lai có gần 12.000 đại biểu tham dự.