Những góc khuất vùng dự án

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Lần đầu tiên trong đời cầm trong tay đến vài trăm triệu, tỉ đồng đền bù từ các dự án thủy điện, nhiều cư dân sống tận các bản làng xa xôi, thay vì sử dụng số tiền này ổn định cuộc sống, phát triển sản xuất, thì họ lại ngỡ mình thành những tỉ phú, vung tay xài tiền vô tội vạ.

Vài tháng sau, năm sau, lắm người vì vậy đã lâm vào cảnh nợ nần, đói ăn, thiếu mặc, nghiện ngập… Ở vùng dự án Thủy điện Đắk Đrinh còn có hơn 241 người dân trở thành “người có nghĩa vụ liên quan” trong vụ án sai phạm 26 tỉ đồng đền bù. Đó là những góc khuất tại một số thôn làng ở miền Trung, khi giáp mặt với tiền tỉ “trên trời, rơi xuống”.

 

Một góc khu tái định cư Nước Biếc.
Một góc khu tái định cư Nước Biếc.

Gieo rắc… nợ nần

Dự án Hồ chứa nước Nước Trong được đầu tư xây dựng từ năm 2008. Vùng lòng hồ nằm ở 2 xã Di Lăng và Sơn Bao (huyện Sơn Hà) và 4 xã Trà Phong, Trà Xinh, Trà Trung, Trà Thọ (huyện Tây Trà), tỉnh Quảng Ngãi. Tổng số hộ dân phải di dời 450 hộ, số tiền đền bù 342 tỉ đồng. “Ngửi” được mùi tiền từ dự án, nhiều đối tượng cho vay nặng lãi “vươn vòi” đến tận thôn bản xa xôi và nghèo khó - ngon ngọt: “muốn mượn bao nhiêu cũng được, khi nào nhận tiền đền bù thì trả”. Nhiều gia đình, con cái cứ mạnh bạo xòe tay mượn để mua sắm hoặc “ném” vào những cuộc chơi thâu đêm suốt sáng…Đến ngày nhận tiền đền bù, họ ngơ ngác khi bị “xã hội đen” đến nhà “cướp” tiền ngay trên tay vì món nợ trước đó.

Hình ảnh những người đàn ông say rượu suốt ngày, sau khi nhận tiền đền bù trở nên không xa lạ gì đối với người dân ở thôn Nước Biếc, bởi theo ông Đinh Văn Nhít - trưởng thôn - trong thời gian chờ nhận tiền đền bù từ dự án Hồ chứa nước Nước Trong, có khoảng 20/37 hộ dân đã vay mượn tiền của tư thương, với lãi suất rất cao, chủ yếu để mua sắm, ăn chơi, nhậu nhẹt… Đến khi gia đình nhận tiền đền bù đến hàng trăm triệu đồng, nhưng vẫn không đủ trả nợ. Để minh chứng cho câu chuyện của mình, ông Nhít bảo: “Mày đi đến cuối thôn, thấy cái nhà nào như bỏ hoang là nhà của nó”.

Nó - mà ông Nhít nhắc tới là anh Hồ Văn Khánh - 1 trong 20 “con nợ” của các đối tượng cho vay nặng lãi. Ngồi ôm đứa con bị “suy dinh dưỡng” trong căn nhà trống hoác, anh Khánh cứ lắc đầu: “không nhớ! không nhớ! Chỉ mang máng lần vay ít nhất 7 triệu, nhiều nhất 50 triệu đồng, nhưng đến bây giờ họ đòi phải trả 400 triệu đồng, có chiếc xe máy tàn cũng bị xiết nợ luôn rồi”. “May mắn” hơn một chút, ông Hồ Văn Trăm (trú thôn Tre) nhận được 770 triệu tiền đền bù từ dự án thì có người lạ mặt đến đòi nợ 200 triệu đồng. Hỏi ra mới biết, đó là món nợ của thằng út vay trước đó. Dù buồn trong “cái bụng” nhưng ông khoe: “Còn 200 triệu gửi ngân hàng cho vợ chồng dưỡng già”.

 

Ông Đinh Văn Nang cùng người con hơn 3 tuổi bên mâm cơm chỉ có măng rừng.
Ông Đinh Văn Nang cùng người con hơn 3 tuổi bên mâm cơm chỉ có măng rừng.

Chủ tịch UBND xã Trà Thọ - Hồ Tấn Vũ - xác nhận, nhiều người vì trình độ dân trí còn thấp nên dễ bị các đối tượng xấu lợi dụng. Có hộ vay còn ngơ ngác chẳng biết mình đã vay bao nhiêu, cũng chẳng có giấy tờ hợp pháp nào để chứng minh khi vay tiền. “Giờ chủ nợ đòi tiền, những người này mới nhận ra thì đã quá muộn rồi. Ngày người dân nhận tiền đền bù, nhiều đối tượng lạ mặt cứ lởn vởn trước cổng UBND xã để chờ con nợ ra là “chụp” ngay. Gây nên cảnh trớ trêu. Biết vậy, nhưng chính quyền không thể can thiệp được vì không có giấy tờ gì chứng minh”.

Trong tổng số 158 hộ ở 3 thôn (Tre, Nước Biếc, Tây) nằm trong diện được đền bù, hỗ trợ thì có khoảng 70% các chủ hộ hoặc con cái của chủ hộ có vay tiền với lãi suất cao. “Chính quyền rất đau xót, khi những đồng tiền hỗ trợ, đền bù của dự án cho người dân lại rơi vào tay kẻ xấu. Về thực trạng này, chính quyền các cấp cũng tuyên truyền đến người dân nằm trong diện được đền bù, nhưng bất lực” - ông Vũ nói.

Từ thôn bản đến… công đường

Đến nằm mơ, 241 người dân ở 3 xã Sơn Long, Sơn Dung, Sơn Liên, huyện Sơn Tây (tỉnh Quảng Ngãi) cũng không thể nghĩ đến ngày họ phải lặn lội tận vùng núi cao quê mình cả trăm cây số về thành phố Quảng Ngãi để hầu tòa trong “Vụ án thủy điện Đăk Đrinh” với tư cách “người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan”. Sau nhiều ngày đi lại, chực chờ, đứng lên ngồi xuống, dạ dạ, thưa thưa, vụ án vẫn còn kéo dài thêm vài phiên nữa.. Trên những khuôn mặt hiền lành, khắc khổ ấy bắt đầu lộ rõ sự mệt mỏi, ngơ ngác…đến thương cảm.

 

Lòng hồ thủy điện Đăkdrinh.
Lòng hồ thủy điện Đăkdrinh.

Dự án thủy điện Đăk Đrinh do Cty cổ phần Thủy điện Đăk Đrinh (trực thuộc Tổng Cty Điện lực Dầu khí Việt Nam) đầu tư xây dựng, phát điện vào năm 2014. Tổng vốn đầu tư dự án hơn 6 ngàn tỉ đồng. Trong đó, kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định canh, tái định cư (TĐC) khoảng 1.500 tỉ đồng.

Sau khi thông tin về dự án thủy điện Đăk Đrinh bị “rò rỉ”, nhiều người dân ở nơi khác vào vùng lòng hồ dụ dỗ, lừa lọc người dân mua bán đất với giá rẻ. Ngày nhận tiền đền bù, cảnh chia chác, giành giật, kiện cáo…giữa người mua đất và bán đất, gây náo loạn cả vùng rừng núi yên bình. Đặc biệt năm 2008, trong quá trình lập, triển khai lập phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho người dân tại dự án thủy điện Đăk Đrinh, cán bộ, lãnh đạo huyện Sơn Tây biết, trong khu vực lòng hồ thủy điện Đăk Đrinh có nhiều trường hợp mua bán đất không đúng quy định như, mua bán đất không có giấy tờ hợp pháp.

Nếu đưa tên người nhận chuyển nhượng đất vào phương án bồi thường sẽ không được hỗ trợ tiền chuyển đổi nghề nghiệp. Vì thế, nhiều tên chủ đất cũ được đưa vào hỗ trợ, nhưng thực chất không thực chi... Kết quả dẫn đến hậu quả làm thiệt hại tài sản của nhà nước gần 26 tỉ đồng.

Liên quan đến vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” tại dự án thủy điện Đăkdrinh. Hội đồng xét xử (HĐXX) đã triệu tập 241 người dân trong tư cách “người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan”, cùng 40 nhân chứng ở 3 xã nói trên.

Trong phiên tòa, bản thân HĐXX cũng cảm thấy xót xa. Người đồng bào chỉ có tư liệu sản xuất duy nhất đó là đất, nhưng đã bị các tư thương mua nên họ không còn đất nữa. Với chỉ đạo quy chủ mà thực chất để tư thương hưởng lợi, người mua nhận luôn tiền đền bù đất, hoa màu, chuyển đổi nghề nghiệp…thì người dân lấy gì để sống?

Cũng do vụ án này mà món nợ gần 70 tỉ đồng, hỗ trợ bổ sung và hoàn thành các công trình TĐC cho người dân vùng dự án thủy điện Đăk Đrinh vẫn còn treo đó, dù thủy điện đã đi vào hoạt động hơn 3 năm nay.

Cuối tháng 7.2017, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã có văn bản yêu cầu Cty Cổ phần thủy điện Đăk Đrinh có trách nhiệm báo cáo, đề nghị Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, Tổng Cty Điện lực dầu khí Việt Nam xem xét, giải quyết dứt điểm, bố trí vốn để chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ bổ sung cho các hộ dân bị thu hồi đất phục vụ dự án thủy điện Đăk Đrinh. Bước ra khỏi cổng tòa án, anh Đinh Văn La (xã Sơn Dung - người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan) tỏ ra mệt mỏi: “Mong sao vụ án kết thúc sớm để yên ổn làm ăn, chứ chực chờ, dạ thưa suốt thì vợ con chết đói thôi”.

Trong ngôi nhà trống huơ trống hoác, ông Đinh Văn Nang cùng người con hơn 3 tuổi đang ngồi trước mâm cơm chỉ có đĩa măng rừng xào - thứ “đặc sản” vùng miền núi Sơn Tây. Hỏi thì ông bảo hết tiền nên phải ăn măng rừng. Miệng ông nồng nặc mùi rượu. Đem “bữa cơm với măng rừng” lên hỏi Chủ tịch xã Sơn Liên, ông Trần Đông Phong phân trần: “Nó (ông Nang - PV) nhận tiền đền bù trên trăm triệu, nhưng vì nghiện rượu nên số tiền đã đưa ông anh nó giữ, phòng khi bất trắc. Cả xã không chỉ riêng ông Nang đâu, còn nhiều người khác nữa, suốt ngày say xỉn. Như trường hợp ông Đinh Văn Ải, nhận tiền đền bù được trên trăm triệu, uống rượu suốt ngày, giờ hết tiền phải đi làm thuê”.

Toàn xã hiện vẫn còn 240 hộ nghèo, riêng khu tái định cư (TĐC) Nước Vương có 26 hộ, trong đó có 12 hộ nghèo. Theo giải thích của ông Phong, sau khi về khu TĐC, họ vẫn là hộ nghèo, số tiền đền bù để mua tư liệu sản xuất, không thể dựa vào số tiền đó để nói họ thoát nghèo. Nghèo ở đây là nghèo “đa chiều” chứ không phải riêng nghèo thu nhập. “Sau khi di dời về khu TĐC, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao. Bình quân mỗi hộ có trên 2 ha đất rẫy. Nhưng có 48 hộ thiếu đất sản xuất lúa nước. Trước đây, người dân ở trong núi rừng, trong vùng lòng hồ, nhà tạm bợ, rách nát…nên cuộc sống rất khó khăn” - ông Phong nói.

Trần Hóa/laodong

Có thể bạn quan tâm

Hai lần trinh sát Trường Sa

Hai lần trinh sát Trường Sa

Trong chiến dịch giải phóng Trường Sa năm 1975, những người lính đặc công Đoàn 126 nói, họ tin tưởng hoàn toàn việc chuyên chở cho những con tàu của Đoàn 125, vốn nhiều năm dày dạn trên hành trình đường mòn Hồ Chí Minh trên biển.

Xóm Mồ Côi không còn 'mồ côi'

Xóm Mồ Côi không còn 'mồ côi'

Ở rìa TP.Hội An (Quảng Nam) có một xóm nhỏ với cái tên thật lạ: xóm Mồ Côi. Xóm chỉ mấy nóc nhà nhưng có tới 12 liệt sĩ, bao gồm 2 Anh hùng LLVT nhân dân, hy sinh trong 2 cuộc kháng chiến chống ngoại xâm.

Chuyện những người đam mê đờn ca tài tử

Chuyện những người đam mê đờn ca tài tử

(GLO)- Ở một “sân khấu” nhỏ trong căn nhà tại tổ 2 (phường Sông Bờ, thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai), những bài ca cổ vào thập niên 80-90 của thế kỷ trước vẫn thường xuyên được cất lên bởi những người đam mê loại hình nghệ thuật dân gian đặc trưng vùng Nam Bộ.

Vững niềm tin chiến thắng

Vững niềm tin chiến thắng

(GLO)- Với niềm tin chiến thắng, những thầy thuốc kiên trung đã vượt mọi gian khổ, hy sinh cho đến ngày thống nhất đất nước. Trong tháng Tư lịch sử này, nhớ lại những năm tháng cống hiến sức trẻ vì độc lập, tự do của Tổ quốc, ai cũng xúc động xen lẫn tự hào.

50 năm vẹn nguyên ký ức

50 năm vẹn nguyên ký ức

Ở tuổi 83, cơ thể chằng chịt vết thương của những trận đánh sinh tử, nhưng ký ức về trận đánh cuối cùng tiến về Sài Gòn, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vẫn vẹn nguyên trong trái tim, mãi mãi khắc ghi trong máu thịt Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh....

Chuyện cả gia đình làm cách mạng - Kỳ 1: Gia đình anh hùng

Chuyện cả gia đình làm cách mạng - Kỳ 1: Gia đình anh hùng

Về miền trong đã lâu nhưng thói quen uống trà từ ngày trên đất bắc, ông Hồ Bút vẫn còn giữ. Bên ấm trà nghi ngút khói, qua lời kể của mình, ông đưa tôi về lại làng Tam Hải, huyện Núi Thành (Quảng Nam), nơi ông sinh ra và lớn lên những ngày tháng tươi đẹp đầu đời, những ngày được ở bên ba mẹ.