Những đôi tay mềm trên gấm hoa thổ cẩm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Sản phẩm dèng được dệt nên bằng bàn tay khéo léo và sự sáng tạo của người phụ nữ Tà Ôi. Họ đã thổi hồn vào những nét hoa văn tinh tế trên tấm dèng bằng những hình ảnh cuộc sống đời thường. Ở đó, nghệ nhân Mai Thị Hợp đã đưa dèng từ thổ cẩm địa phương nâng lên tầm Di sản phi vật thể quốc gia.

Dèng dệt tình yêu

Mái tóc bạc cặm cụi cúi xuống khung dệt, đôi bàn tay thoăn thoắt lướt nhanh chiếc thoi đã óng lên màu thời gian, vốn là người trầm tính, ít nói nhưng khi được hỏi về dệt thổ cẩm, đôi mắt của nghệ nhân Mai Thị Hợp (65 tuổi, xã Lâm Đớt, một xã vùng sâu đặc biệt khó khăn của huyện A Lưới, Thừa Thiên-Huế) vui hẳn lên. Nói về dệt dèng, bà có thể ngồi hàng giờ để kể về niềm đam mê của mình. Năm lên 10 tuổi, bà đã bị cuốn hút bởi những sợi chỉ giăng ngang dọc, tiếng lách cách của khung cửi mỗi khi mẹ dệt vải. Nhìn mãi thành quen, dần dần bà biết cách xếp khung cửi, bày chỉ, rồi học dệt các sản phẩm đơn giản. Sau nhiều năm mày mò luyện tập, đến năm 15 tuổi, lần đầu bà đã tự dệt được một tấm dèng hoàn chỉnh.

Nghệ nhân Mai Thị Hợp là một trong 100 nhà nông tiêu biểu được bình chọn nhận danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc 2022".

Nghệ nhân Mai Thị Hợp là một trong 100 nhà nông tiêu biểu được bình chọn nhận danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc 2022".

Khi sản phẩm đầu tay của mình là một tấm thổ cẩm ra đời, nhìn thấy nụ cười, ánh mắt đầy tự hào của mẹ và bà ngoại, Mai Thị Hợp tự nhủ phải tiếp tục học dệt để nghề truyền thống không bị mai một, thất truyền. Chỉ với khung dệt đơn sơ và đôi bàn chân làm điểm tựa, thông qua đôi bàn tay linh hoạt, ở tuổi ngoài 60, bà Hợp vẫn cho thấy sự khéo léo đến tuyệt vời.

Nghề dệt dèng cũng từ đó vận vào người bà Hợp. Rồi bà lấy chồng, khung dệt cũng theo bà về nhà chồng. Hằng ngày, sau những giờ lao động nhọc nhằn ở ruộng rẫy, bà lại làm bạn với chiếc khung dệt. Sản phẩm làm ra, bà cùng bà con thôn bản, cái để dùng may mặc trong nhà, cái mang bán cho bà con Cơ Tu hay Pa Cô quanh vùng.

Ở A Lưới có 3 dân tộc ít người thì mỗi đồng bào lại có một “gu” thẩm mỹ riêng về thổ cẩm. Mấy mươi năm cầm thoi dệt và đi khắp vùng bán đổi, bà Hợp rành rẽ rằng người Pa Cô thích màu đỏ, người Cơ Tu ưa hoa văn nhỏ, còn bà con Tà Ôi lại thích sự cầu kỳ và phức tạp. Cái khó của thợ dệt do vậy không phải là dệt nhanh hay dệt khéo mà là phải có ý tưởng để lên được khung những hoa văn đẹp, màu sắc nổi bật và hợp với thị hiếu của mỗi vùng khác nhau.

Sản phẩm dèng được dệt nên bằng bàn tay khéo léo và sự sáng tạo của người phụ nữ Tà Ôi.

Sản phẩm dèng được dệt nên bằng bàn tay khéo léo và sự sáng tạo của người phụ nữ Tà Ôi.

Bà Hợp cũng như hàng ngàn người phụ nữ Tà Ôi khác trong những căn nhà nhỏ nằm nép mình trong màu xanh bạt ngàn của núi rừng Trường Sơn đằng đẵng hằng đêm với khung dệt. Những lễ hội độc đáo, nơi các chàng trai, cô gái với váy áo, khăn dệt rực rỡ như một rừng hoa tỏa hương, khoe sắc cùng hẹn hò... với những sản phẩm dệt thổ cẩm. Dèng cũng đã kết nối, tạo nên tình yêu cho rất nhiều trai gái nơi này. Bà Hợp bộc bạch, với bàn tay khéo léo của người thợ dệt, khung cửi đơn sơ có thể dệt trên 10 loại dèng khác nhau với các tên gọi Aratang, Atoang, Pahiêng, Vivat... Mỗi loại có một đặc điểm khác nhau, nếu như Aratang hấp dẫn bởi hình ảnh đầy hình tượng của nhưng viên cườm nhỏ xíu được xâu vào vải khi đang dệt thì Vivat giản dị với hình dáng của những ngọn núi trùng điệp ẩn hiện trong từng sợi chỉ.

Những tấm vải dệt dèng thổ cẩm của người dân tộc Tà Ôi mang vẻ đẹp hoang sơ của núi rừng với khoảng 76 loại hoa văn khác nhau, mô phỏng những con suối, dốc cao, cây cỏ, chim rừng, đồ vật, con người và những ngôi sao trên bầu trời... Hoa văn dệt dèng thường thể hiện 3 loại hình là hình tam giác, hình thoi và đường thẳng với phức hệ hoa văn về thực vật, động vật, đồ vật, con người và thế giới xung quanh có ý nghĩa đối với văn hóa tâm linh, khao khát về sự giao hòa giữa trời đất và con người.

Nhưng, bà Hợp với những sự trăn trở và thay đổi, cảm nhận những bất cập khi thổ cẩm chỉ bó hẹp trong phạm vi nhỏ của thung lũng miền A Lưới. Trong khi người Tà Ôi có nghề dệt thổ cẩm truyền thống đặc sắc, nhưng cuộc sống vẫn túng thiếu, khó khăn. Cái khó nằm ở “đầu ra” và tư duy của người thợ. Khi không sống được với khung dệt, rất nhiều thợ giỏi đã bỏ nghề trong khi lớp trẻ thì không biết. Để làm ra một tấm dèng rất mất công sức và thời gian. Thế nên, từng có lúc nghề đứng trước nguy cơ bị mai một.

Làng dệt dèng nằm trong số 13 làng nghề tiêu biểu của tỉnh Thừa Thiên- Huế được lựa chọn để bảo tồn lâu dài.

Làng dệt dèng nằm trong số 13 làng nghề tiêu biểu của tỉnh Thừa Thiên- Huế được lựa chọn để bảo tồn lâu dài.

Trước thực trạng này, chính quyền địa phương và các nghệ nhân đã nỗ lực tìm cách phục dựng lại. Nhiều đề án, chương trình được triển khai, nhờ đó góp phần hồi sinh mạnh mẽ nghề dệt dèng của người Tà Ôi tại huyện A Lưới. Bà Hợp thì đau đáu, phải tập hợp những người có tay nghề cao, sau đó dạy nghề cho những người chưa biết. Cản trở là luật tục của người Tà Ôi quy định không truyền nghề cho người khác, chỉ những người trong gia đình truyền cho nhau.

Nhưng rồi một cơ duyên khi bà Hợp và người bạn là Hồ Thị Nhàn đang tìm cách khôi phục thì có sự xuất hiện của Tổ chức NAV (Na Uy) vào năm 1995 với những lớp tập huấn về dèng. Sau đó, bà Hợp mạnh dạn thành lập Hợp tác xã Thổ cẩm xanh AzaKooh năm 2012, đây là một trong những cơ sở dệt dèng ra đời sớm nhất tại huyện A Lưới. Bây giờ, các sản phẩm dèng ngoài bán cho thị trường truyền thống là các huyện miền núi của Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Quảng Trị... thì đã và đang được xuất khẩu ra nước ngoài theo đơn đặt hàng.

Báu vật của Tà Ôi

Dèng là một loại thổ cẩm rất đặc sắc của bà con dân tộc Tà Ôi ở miền Trung - Tây Nguyên, được dệt và nhuộm thủ công hoàn toàn từ cây bông và các nguyên liệu vỏ, lá cây tự nhiên. Sản phẩm dèng được dệt nên bằng bàn tay khéo léo và sự sáng tạo của người phụ nữ Tà Ôi. Họ đã thổi hồn vào những nét hoa văn tinh tế trên tấm dèng bằng những hình ảnh cuộc sống đời thường. Các thiếu nữ Tà Ôi xem kỹ năng dệt dèng, may váy áo từ dèng là một trong những tiêu chuẩn quan trọng nhất của “công, dung, ngôn, hạnh”.

Những tấm vải dèng lộng lẫy đa màu sắc còn thể hiện cả vũ trụ quan và mơ ước của đồng bào Tà Ôi với biểu tượng của hàng rào bảo vệ bản làng, những tấm bùa để xua đuổi ma quỷ, dải hạt mã não là thứ trân phẩm mà bà con quý nhất trong các loại đồ trang sức và cả những lá cây đùng đình tượng trưng cho rừng núi muôn màu cây lá, môi trường sống vĩnh hằng của họ. Nét độc đáo của dèng là kỹ thuật dệt đan cài các hạt cườm vào sợi để tạo hoa văn trên vải, khác với hoa văn được tạo bằng chỉ màu. Đây là kỹ thuật dệt truyền thống độc đáo và duy nhất trong hệ thống nghề dệt thổ cẩm tại Việt Nam.

Khi dèng được hồi sinh, hợp tác xã của bà Hợp không chỉ tạo việc làm, nâng cao tay nghề cho chị em, nghệ nhân Mai Thị Hợp còn sáng tạo nhiều mẫu mã và họa tiết mới rồi hướng dẫn cho chị em cùng làm.

“Trước kia, người Tà Ôi thường trồng bông để kéo sợi làm chất liệu thổ cẩm, nhưng ngày nay thị trường đã có sẵn, vấn đề là phải biết chọn lọc kỹ, rồi qua nhiều công đoạn gia công tỷ mẩn và công phu để có được sợi bông săn chắc”, bà Hợp chia sẻ.

Nghề dệt dèng đã tạo nhiều công ăn việc làm cho bà con, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao giá trị kinh tế, xã hội, văn hóa, du lịch... ở huyện A Lưới.

Nghề dệt dèng đã tạo nhiều công ăn việc làm cho bà con, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao giá trị kinh tế, xã hội, văn hóa, du lịch... ở huyện A Lưới.

Hiện nay, trên địa bàn huyện A Lưới có 4 làng nghề dệt dèng truyền thống ở các xã là A Hưa, A Đớt, A Rưm, A Roàng. Nhờ nỗ lực hơn 30 năm của mình cùng những chị em Tà Ôi, bà Hợp đã đưa dèng của người Tà Ôi bước ra khỏi núi rừng A Lưới, đi về đồng bằng, đi ra thế giới thông qua Festival Làng nghề và nhiều kênh khác. Nghề dệt dèng vinh dự được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận Di sản văn hóa phi vật thể của quốc gia, được Cục Sở hữu trí tuệ của Bộ Khoa học và Công nghệ quyết định công nhận nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm dèng A Lưới. Đặc biệt, năm 2015, thổ cẩm của đồng bào Tà Ôi có cơ hội được trình diễn ở Nhật Bản và nghệ nhân Mai Thị Hợp chính là người đại diện cho phụ nữ Tà Ôi tham gia thao diễn nghề tại Trung tâm hội nghị quốc tế Fukuoka. Tiếp đến là những chuyến đi biểu diễn nghề dệt dèng ở châu Âu, Thái Lan, Trung Đông...

Nghệ nhân Mai Thị Hợp là một trong 100 nhà nông tiêu biểu được bình chọn nhận danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc 2022”. Bà chia sẻ, cũng chính những biểu diễn tài hoa của bà cùng các chị em trên nhiều sân khấu trong và ngoài nước đã làm cho dèng trở nên sống động, quyến rũ và được hoan nghênh tại nhiều nơi. Sản phẩm dèng A Lưới cũng đã được xuất khẩu ra nước ngoài theo các đơn đặt hàng, hay xuất hiện ở những sàn diễn thời trang trong nước và quốc tế, mang lại thu nhập cao cho người dân. Dèng đã tạo nhiều công ăn việc làm cho bà con, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao giá trị kinh tế, xã hội, văn hóa, du lịch... ở A Lưới. Để tỏ lòng biết ơn, hằng năm bà con dân bản tổ chức lễ hội dâng dèng.

Du khách nước ngoài thích thú với sản phẩm thổ cẩm dèng.

Du khách nước ngoài thích thú với sản phẩm thổ cẩm dèng.

Trong “Định hướng phát triển các làng nghề truyền thống tỉnh Thừa Thiên-Huế giai đoạn 2020-2025”, làng dệt dèng nằm trong số 13 làng nghề tiêu biểu của tỉnh Thừa Thiên-Huế được lựa chọn để bảo tồn lâu dài. “Nhiều đề án phục hồi nghề dệt dèng, các chương trình tập huấn hỗ trợ về kỹ thuật và tìm đầu ra cho sản phẩm được xây dựng. Nhiều hoạt động trưng bày, giới thiệu được tổ chức vào các dịp festival, hội chợ triển lãm, ngày hội văn hóa các dân tộc không chỉ ở huyện A Lưới mà còn tại thành phố Huế, ngoại tỉnh và cả ở nước ngoài. Kết quả là, cùng với sự phát triển nghề dệt ở các hộ gia đình, nhiều hợp tác xã cũng được thành lập như tiếp thêm sức mạnh cho sự hồi sinh của dệt dèng”, ông Nguyễn Văn Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện A Lưới cho biết.

Có thể bạn quan tâm

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Xóa bỏ hủ tục 'cầm đồ thuốc độc'

Xóa bỏ hủ tục 'cầm đồ thuốc độc'

Suốt thời gian dài, tệ nạn nghi kỵ “cầm đồ thuốc độc” ở miền núi Quảng Ngãi trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng, gây hoang mang, chia rẽ mối đoàn kết cộng đồng, nhiều người bị nghi ngờ có “đồ độc” phải bỏ làng vào rừng hoặc tự tử, thậm chí bị đánh đập dã man cho đến chết.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.