Những con đường kể chuyện lòng dân - Bài 2: Tình nguyện vá đường, xây cầu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Đường giao thông nông thôn có tốt tới đâu thì rồi cũng sẽ xuống cấp, hư bể sau nhiều năm sử dụng. Cũng như khi phát động làm đường, người dân lại tình nguyện góp của, góp sức sửa chữa, giữ gìn những con đường nối liền xóm ấp, làng xã.
Người dân làm cầu giao thông nông thôn tại huyện Giồng Riềng (tỉnh Kiên Giang). Ảnh: QUỐC BÌNH

Người dân làm cầu giao thông nông thôn tại huyện Giồng Riềng (tỉnh Kiên Giang). Ảnh: QUỐC BÌNH

Từ “biệt đội” cựu chiến binh vá đường

Không chỉ hiến đất để làm đường, mà khi những con đường sử dụng lâu ngày bị xuống cấp, hư hỏng, nhiều người sẵn sàng bỏ công sức, tiền bạc ra dặm vá. Hơn 7 năm qua, hình ảnh những cựu chiến binh chung tay khiêng từng bao xi măng, cát đá, cần mẫn vá đường đã không còn xa lạ với nhiều người dân ở ấp Tấn Ngọc Đông, xã Ngọc Chánh, huyện Đầm Dơi (tỉnh Cà Mau).

Ông Liêu Văn Phát (79 tuổi, Chi hội Cựu chiến binh ấp Tấn Ngọc Đông) cho biết, chi hội có 58 hội viên, đa phần là những người lớn tuổi nhưng vẫn “thích làm chuyện bao đồng”. Nơi ông Liêu Văn Phát sinh sống vốn là vùng sâu vùng xa của tỉnh Cà Mau, điều kiện đi lại khó khăn, trước đây người dân địa phương chủ yếu đi lại bằng đường thủy. Vì vậy, khi Nhà nước tiến hành làm đường, người dân rất phấn khởi. Nhưng rồi thời gian qua đi, xe cộ qua lại lâu ngày, đường bắt đầu hư hỏng, xuống cấp.

Không để những con đường đã làm thay đổi diện mạo quê hương xuống cấp nghiêm trọng, năm 2015, những thành viên cựu chiến binh ấp Tấn Ngọc Đông nảy ra ý tưởng thành lập “biệt đội vá đường”. Để có kinh phí hoạt động, mỗi hội viên tự nguyện trích 20.000-30.000 đồng/tháng để mua vật tư vá đường. Vì vậy, mỗi khi thấy tuyến đường giao thông trong vùng xuất hiện “ổ gà” thì “biệt đội” lại có mặt để cùng… dặm vá.

Theo cựu chiến binh Phan Văn Nên (Chi hội Cựu chiến binh ấp Tấn Ngọc Đông), những ngày đầu “biệt đội” đi vá đường, bà con trong vùng lấy làm lạ. Không ít người đi qua khuyên mấy cụ lớn tuổi thì nghỉ ngơi cho khỏe. Nhưng dần dà, bà con lối xóm cũng quen dần và động viên, có những lúc thanh niên trai tráng trong vùng cũng phụ giúp vá đường nhanh hơn. “Những việc làm dù nhỏ nhưng chúng tôi mong muốn góp phần cùng ngành chức năng đảm bảo những con đường ở quê hương được an toàn, cho bà con lối xóm đi lại, các cháu học sinh đến trường dễ dàng hơn”, ông Phan Văn Nên chia sẻ.

…đến những đội xây cầu từ thiện

Bị tai nạn lao động mất nửa bàn tay trái, ông Ba Thum (Phạm Văn Thum, 75 tuổi, ngụ TP Long Xuyên, tỉnh An Giang) bỏ nghề nuôi cá, chuyển qua đi xây cầu từ thiện khắp vùng nông thôn An Giang… Ông bắt đầu từ việc xây lại cây cầu rộng 1,5m cho các cháu học sinh tới trường. Cây cầu có chi phí 60 triệu đồng, ông Ba Thum và một người ở gần nhà góp được 20 triệu đồng, còn lại mua vật liệu thiếu, trả chậm. Không có kinh nghiệm, ông Ba Thum phải lặn lội qua tới tỉnh Đồng Tháp giáp ranh để học hỏi…

Tại xã Mong Thọ A, huyện Châu Thành (tỉnh Kiên Giang), Hội Chữ thập đỏ xã đã đứng ra thành lập đội thi công tình nguyện chuyên đi xây cầu. Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Mong Thọ A Huỳnh Văn Hôn cho biết, xây dựng cầu giao thông nông thôn là nhu cầu bức thiết, hội đã xây dựng mô hình “Dân vận khéo” xã hội hóa cầu giao thông nông thôn, từ đó tuyên truyền, vận động nhà hảo tâm trong và ngoài xã cùng nhau xây dựng cầu. Cây cầu mới hoàn thành đầu năm nay là cầu Ba Bề ở ấp Hòa Ninh có kinh phí 200 triệu đồng.

Những cây cầu giao thông nông thôn được xây dựng tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, góp phần thực hiện thành công mục tiêu xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã. Hiện nay, xã Mong Thọ A có khoảng 70km đường giao thông nông thôn và 65 cây cầu với tổng chiều dài hơn 1.300m.

Hàng năm, Hội Chữ thập đỏ xã Mong Thọ A phối hợp chính quyền cơ sở khảo sát các cây cầu cần nâng cấp để đảm bảo việc đi lại của người dân cũng như lưu thông hàng hóa được dễ dàng hơn. Sau đó, ông Huỳnh Văn Hôn sẽ thiết kế, dự toán kinh phí và tiến hành “đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà” vận động người dân đóng góp tiền của, công sức để cùng xây dựng cầu giao thông nông thôn.

Ông Lê Việt Bắc, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Kiên Giang, đánh giá, phong trào toàn dân chung tay xây dựng giao thông nông thôn, xây dựng nông thôn mới, phong trào xóa cầu khỉ, cầu tạm… hơn 10 năm qua đã mang lại ý nghĩa chính trị - xã hội vô cùng to lớn. Phong trào là một minh chứng cho ý Đảng - lòng dân. Lòng dân đồng tình, ủng hộ thì việc khó mấy cũng xong. Không thể tính hết người dân đã hiến bao nhiêu đất, đóng góp bao nhiêu tiền của, công sức để làm đường, xây cầu, sửa chữa hư hỏng trên các tuyến đường liên ấp, liên xã… “Tại các lần sơ kết, tổng kết phong trào (toàn dân làm đường giao thông, xây cầu nông thôn), chúng tôi đều đánh giá đó là những phong trào của lòng dân, chỉ có lòng dân đồng thuận mới được như vậy”, ông Lê Việt Bắc nói.

Không thể kể hết những tấm gương tiêu biểu, những mô hình “Dân vận khéo” trong xây dựng giao thông nông thôn vùng ĐBSCL. Chỉ biết, hiện nay toàn bộ đường tới trung tâm xã, đường liên ấp trong cả vùng đều đã nhựa hóa, bê tông hóa. Từ chỗ có đường, làm cầu kiên cố, tới việc sửa chữa, duy tu cầu đường đều được người dân các địa phương vùng ĐBSCL cùng với nhà nước chung tay thực hiện tốt. Mở đường, nới cầu cho rộng hơn, để hàng hóa lưu thông nhanh hơn, nhiều hơn nữa, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế nông thôn thời kỳ mới.

Giờ kiếm cây cầu khỉ chụp ảnh cũng rất khó!

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Huỳnh Lãnh (Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Kiên Giang) nói vui: “Ngày trước, anh em hay tìm mấy cây cầu khỉ ở nông thôn rồi nhờ các cô gái mặc áo dài đẹp bước lên tạo dáng. Những bức ảnh “áo dài chênh vênh trên cầu khỉ” một thời từng mô tả sinh động về đời sống văn hóa vùng nông thôn Nam bộ. Qua thời gian phát triển, các vùng nông thôn, kể cả vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo bây giờ đều có đường nhựa, đường bê tông kiên cố. Các cây cầu khỉ đã lui vào dĩ vãng, nhường chỗ cho các cây cầu dầm thép, cầu bê tông khang trang, rộng rãi hơn. Giờ kiếm cây cầu khỉ để làm cảnh chụp ảnh cũng rất khó!”.

Có thể bạn quan tâm

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.