Những chiếc thuyền độc mộc trên sông Pô Kô

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Dòng Pô Kô (đoạn chảy qua H.Ia Grai, Gia Lai) với những con thuyền độc mộc vượt nước dữ từng lưu dấu trong tâm thức của người dân bản địa sống gần sông nước.
 
Thuyền độc mộc lần đầu tiên tham gia tranh tài. ẢNH: TRẦN HIẾU
Nếu người anh hùng A Sanh đi vào thơ nhạc qua bài hát Người lái đò trên sông Pô Kô (lời thơ Mai Trang, nhạc Cẩm Phong) vang vọng réo rắt trên làn sóng điện của Đài tiếng nói Việt Nam năm nào thì bao con thuyền độc mộc nơi ấy vẫn lặng lẽ, khép lại một huyền thoại đẹp, hào hùng. Đó cũng là khí chất quả cảm mà cũng đầy minh triết của những con người bản địa núi rừng Trường Sơn.
Ký ức
Nhìn chồng thận trọng tháo chiếc rìu treo trên vách bếp ám khói xuống lau chùi, bà Pêng ngỡ ngày mai ông Pêng (ở làng Nú, xã Ia Khai, H.Ia Grai) lại lên núi đẽo thuyền cho ai đó. Làm thuyền không phải là một nghề, nó cũng như đẽo tượng mồ, làm nhà mả. Chẳng ai trả công bao giờ. Thế nhưng việc làm của ông không phải không liên quan gì tới bà: khi cây gỗ làm thuyền chưa được hạ xuống, bà ở nhà phải kiêng các việc bổ củi, cuốc đất; không được tắm rửa, gội đầu - và nhất là không được làm rượu cúng Yàng (trời)... Chồng được Yàng cho cái tay khéo, làm được việc không ai làm được, không kiêng sẽ làm Yàng giận. Vợ với chồng, Yàng đã cột chung một cái dây, người này ngã thì người kia cũng ngã. Thành lệ rồi!
“Ới Yàng, ới Thần núi, Thần sông hãy về đây phù hộ cho cây gỗ đổ xuống yên lành; cho con thuyền dù sóng to gió lớn vẫn bơi như con cá trên sông; cho chủ nó mạnh chân sáng óc, đi thả lưới lưới mắc nhiều cá, đi rẫy rẫy được nhiều lúa ơ Yàng!”, vừa cầm lưỡi rìu sáng xanh ánh thép, ông Pêng vừa lẩm nhẩm lời khấn Yàng đã nhập tâm. Cứ mỗi con thuyền ông phải cúng hai lần cùng lời khấn ấy: lần thứ nhất là khi chọn được cây gỗ ưng ý và hạ nó xuống, lần thứ hai khi con thuyền đã hoàn thành và “hạ thủy” an toàn. Lễ vật cho mỗi lần cúng đơn giản cũng phải con gà, ghè rượu
 
Già Pêng với con thuyền xưa ngập tràn ký ức
Làm thuyền là một công việc nặng nhọc và đôi khi nguy hiểm. Chỉ với một chiếc rìu, dưới bàn tay khéo léo và cần mẫn của người thợ, chiếc thuyền độc mộc trên sông Pô Kô hình thành như một nét văn hóa không thể lẫn... Giữa sắc trời xanh ngắt của đại ngàn, trong tiếng réo sôi của miên man ghềnh thác, con thuyền vẫn lướt đi nhẹ nhàng như một cánh hoa thả trên sông rộng.

TS Nguyễn Thị Kim Vân, người đang có những nghiên cứu về những giá trị lịch sử, văn hóa bản địa, thuyền độc mộc, cho biết: “Ngày xưa, đây là phương tiện mưu sinh hằng ngày, giao thương chủ yếu của người dân bản địa ở khu vực phía tây Gia Lai. Từ đây, họ đã giao thương với người Lào, người Campuchia. Và chỉ có những con thuyền độc mộc chắc chắn thế này mới vượt qua được dòng Pô Kô hiểm trở. Thuyền có thể chở được 200 kg đấy! Cuộc đua thuyền này không chỉ làm thức dậy tài sản văn hóa đáng quý mà còn thu hút được rất đông du khách...”.


Để có một con thuyền mảnh mai gan góc bất chấp thác ghềnh sóng dữ, người thợ phải có con mắt tinh tường và đôi tay khéo léo bẩm sinh... Gỗ dùng làm thuyền được chọn là sao xanh, có đường kính từ một người ôm trở lên; dài từ 5 - 6 m, không chà ngạnh. Hạ được cây xuống rồi, người ta tiến hành đẽo thuyền ngay tại rừng, vừa đẽo vừa đốt lửa hong. Một con thuyền cỡ trung bình như thế, người thợ phải cần thời gian tối thiểu nửa tháng ở rừng.
Khó nhất trong mọi công việc của người thợ là phải làm sao cho con thuyền khi xuống nước nổi đều, không được phép sửa chữa khi đã hạ thủy. Để được như vậy người thợ làm thuyền ở đây có một cách khá là huyền bí: họ lật úp thuyền xuống, đặt một quả trứng gà theo chiều đứng vào chính giữa lưng thuyền. Nếu quả trứng không đổ thì chiếc thuyền khi xuống nước sẽ không nghiêng lệch...
Bà Pêng cứ ngỡ là chồng được ai nhờ đi làm thuyền thật, hóa ra không phải... Săm soi một hồi, ông Pêng lại treo chiếc rìu lên chỗ cũ. Ông nhớ nghề? Bởi đã thật lâu rồi không thấy ai đến nhờ ông Pêng đẽo thuyền nữa. Lớp thanh niên chưa thấy ai thế mà lớp già thì cứ rụng dần. Cả vùng bây giờ chỉ còn lại ông và người anh trai Rơmah Duyt nữa mà thôi... Gỗ to đẽo thuyền cũng hết rồi. Và còn những ràng buộc pháp lý chuyện bảo vệ rừng nữa. Họ cất rìu, khép lại một huyền thoại!
 
Cuộc tranh tài thu hút hàng ngàn người đến cổ vũ, thưởng lãm
Con thuyền xưa lặng lẽ
Biết làm thuyền từ lúc còn thanh niên, ông Pêng không thể nhớ mình đã làm bao nhiêu con thuyền. Xưa kia các làng dọc sông Pô Kô này ai cũng có thuyền. Con thuyền độc mộc gắn với mỗi bước chân lên rẫy, với mỗi niềm vui, nỗi buồn trên sông. Sáng lên hình ảnh con thuyền là những năm kháng chiến với người lái đò anh hùng A Sanh. Và biết bao người dọc sông Pô Kô này đã hóa thân thành những A Sanh lặng lẽ.
Chính ông Pêng cũng đã góp sức vào công việc này hơn một năm ròng... Bóng đêm vừa sẫm mặt sông, những con thuyền độc mộc từ mọi nẻo đã băng băng cưỡi sóng đón bộ đội. Đêm trắng và những con đò bí ẩn đã tạo cảm xúc cho những Người lái đò trên sông Pô Kô của Mai Trang và Cẩm Phong; Chuyến đò đêm giáp ranh của Hữu Thỉnh. Cùng với thành tích 10 năm tham gia du kích, ông Pêng đã được nhà nước thưởng Huân chương Kháng chiến hạng nhì...
Không còn phải đi làm rẫy lang thang như thời du canh du cư. Rồi thì rừng ngày càng lùi xa, gỗ lớn làm thuyền cũng hiếm dần... Đặc biệt là sự xuất hiện của những chiếc xe máy đã khiến niềm vui sông nước nguội dần. Người ta đua nhau bán thuyền. Mỗi con thuyền còn sử dụng được trên chục năm chỉ có giá 1 - 3 triệu đồng tùy lớn nhỏ. Làng Nú của ông cách đây dăm năm nhiều thuyền là thế nay chỉ còn vỏn vẹn 4 nhà...
Sống lại một huyền thoại
Dịp lễ 30.4 vừa qua, H.Ia Grai tổ chức giải đua thuyền độc mộc trên sông Pô Kô lần thứ I. Ba xã biên giới là Ia O, Ia Khai và Ia Krái đã đưa những con thuyền độc mộc còn lại ra trình diễn, tranh tài. Ông Lưu Văn Biên, Phó giám đốc Trung tâm văn hóa - thông tin và thể thao H.Ia Grai, cho biết: “Hiện toàn huyện có khoảng 50 chiếc thuyền độc mộc, tập trung chủ yếu ở các xã biên giới là Ia Khai và Ia Krái. Chiếc cũ đã đẽo cách đây 50 - 60 năm, mới cũng qua tuổi 20”.
Những con thuyền xưa cũ lặng lẽ, rêu mốc, nhuốm màu thời gian trên những bến thuyền của làng xa đã được đưa đến tham gia cuộc đua. Hàng ngàn du khách địa phương cũng như các tỉnh đã đến bãi bồi làng Dăng để thưởng lãm. Tham gia cuộc đua, anh Rơmah Bem ở xã Ia Khai nói: “Người làng mình rất vui vì lần đầu tiên có cuộc đua thuyền này. Mình tham gia cũng vui thôi, thắng thua không quan trọng. Mình mong hằng năm sẽ có cuộc đua như thế để con cháu biết ông bà ngày trước gian khổ, giỏi giang như thế nào”. Còn ông Lê Ngọc Quý, Phó chủ tịch UBND H.Ia Grai, Trưởng ban tổ chức giải, hào hứng: “Đây là việc làm cụ thể nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống của thuyền độc mộc, gắn liền người anh hùng A Sanh - người lái đò trên dòng Pô Kô năm xưa. Ngoài ra, còn là việc làm thiết thực để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, thu hút du lịch trên địa bàn”.
Trần Hiếu (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm

Những “lá thư” khắc khoải đôi bờ

Những “lá thư” khắc khoải đôi bờ

(GLO)- Trong những bưu thiếp đơn sơ và bị kiểm duyệt gắt gao từ phía chính quyền bờ Nam chứa đựng biết bao điều mà niềm nhớ nhung khắc khoải của người xa xứ đã lầm lỡ nghe theo lời dụ dỗ và ép buộc của kẻ thù mà rời xa quê hương.

Ký ức 30/4

Ký ức 30/4

Đã 49 năm trôi qua, kể từ Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2024), nhưng với những người lính “Bộ đội Cụ Hồ” ký ức ngày 30/4/1975 không thể nào quên.
Gia Lai căng mình ngăn lửa, giữ rừng

Gia Lai căng mình ngăn lửa, giữ rừng

(GLO)- Giữa tiết trời nóng nực hơn 40℃, trên những ngọn núi, triền đồi, lực lượng bảo vệ rừng Gia Lai vẫn kiên nhẫn sải bước tuần tra. Khó khăn của thực tại là động lực để họ vượt lên nhằm ngăn ngừa "bà hỏa", giữ màu xanh của rừng cho mai sau.

Khát vọng phồn vinh

Khát vọng phồn vinh

Đất nước ta đã bước qua cánh cửa đói nghèo nhưng sự thịnh vượng của dân tộc vẫn còn ở phía trước, rất cần sự chung tay góp sức của mọi con dân nước Việt, nhất là thế hệ trẻ.
Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm

Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm

“Rừng khuya im lặng như tờ, không một tiếng chim kêu, không một tiếng lá rụng hay một ngọn gió nào đó khẽ rung cành cây…”, tôi đọc đoạn nhật ký của bác sĩ Đặng Thùy Trâm trước giờ vào khu vực núi Chúa, nơi đang thi công hầm xuyên núi thuộc dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn.
Sống ở TP.HCM: 'Cắt tóc trời' kiêu hãnh tháng năm, yêu nghề đến lạ

Sống ở TP.HCM: 'Cắt tóc trời' kiêu hãnh tháng năm, yêu nghề đến lạ

Ở TP.HCM, có những người dành hơn nửa đời để làm đẹp khuôn mặt, mái đầu cho thiên hạ. Không biển hiệu, không tiện nghi hiện đại và chỉ với chiếc ghế bành sờn da, chiếc gương cũ và bộ đồ nghề, nhiều năm qua những người thợ cắt tóc vỉa hè đã góp phần làm nên một nét văn hóa rất đặc trưng của TP.HCM.
Người trở về

Người trở về

Sự trở về là minh chứng sinh động cụ thể nhất cho việc vượt qua định kiến và mặc cảm về những gì họ đã từng nghĩ, từng hành động.