Những bước chân lặng lẽ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Họ đến với rừng không chỉ bằng tinh thần trách nhiệm mà còn bằng tình yêu và sự hy sinh.

Tôi viết những dòng này trong ngày 21/5, nhân kỷ niệm 51 năm ngày truyền thống của lực lượng Kiểm lâm (21/5/1973-21/5/2024) để mến tặng bạn bè đang công tác trong lực lượng, cùng đồng nghiệp của họ, những người đang khoác trên người bộ đồng phục xanh pha ánh vàng.

Trước khi viết, tôi vô tình tìm được trong kho tư liệu tấm hình chụp một người bạn thân công tác trong lực lượng Kiểm lâm đã khá lâu. Trong tấm hình, anh đứng lặng trước một khu rừng mới được dập lửa, mặt sạm đen vì tro bụi; áo rách, tay rướm máu vì bị gai cào.

Hơn 20 năm gia nhập vào "mái nhà" Kiểm lâm, dấu chân của anh đã in dấu khắp các cánh rừng vùng Mô Rai, Rờ Kơi (Sa Thầy), Bờ Y, Sa Loong (Ngọc Hồi); đã trực tiếp tham gia hàng chục lần chữa cháy rừng và cũng nhiều phen phải đối mặt với lâm tặc.

Từng nhiều lần cùng anh tuần tra rừng, tôi “thấm” hết những nhọc nhằn của nghề này. Từ đó nhận thấy rằng, kiểm lâm là một nghề đặc biệt, ngoài kiến thức cơ bản còn phải có sức khỏe, lòng dũng cảm để chấp nhận và vượt qua áp lực công việc nặng nề và không ít rủi ro, nguy hiểm khi tuần tra, chữa cháy rừng.

Ấy là chưa kể phải chịu nhiều thiệt thòi bởi luôn sống và làm việc nơi núi rừng, xa gia đình, điều kiện sinh hoạt khó khăn, thiếu thốn.

Trong khi đó, nếu nói về lương, về chế độ đãi ngộ, họ cũng sẽ có những giây phút “tủi thân”. Thật khó có thể hình dung một kiểm lâm viên trung cấp, cống hiến hơn 20 năm, chịu trách nhiệm giữ hàng hàng ngàn hécta rừng đang hưởng mức lương hơn 6 triệu đồng mỗi tháng.

Cũng vì vậy, đã có những người rời đi. Theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, từ năm 2018 đến tháng 3/2024 đã có 6 kiểm lâm viên nghỉ việc. Con số này ở lực lượng bảo vệ rừng thuộc các công ty lâm nghiệp, ban quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ là 397.

Giữa muôn ngàn lý do, có một lý do chính nhưng “khó nói” là thu nhập, chế độ đãi ngộ rất thấp.

Nhưng đại đa số trong “gia đình kiểm lâm” vẫn chọn ở lại. Vì rừng đã trở thành một phần máu thịt của họ. Vì có ai trong số họ mà chẳng từng cống hiến tất cả những năm tháng tuổi trẻ cho sự bình yên của những cánh rừng?

Với họ, rừng không chỉ là đối tượng bảo vệ mà còn là tri kỷ, gắn bó với họ suốt những năm tháng dài đằng đẵng. Họ đến với rừng không chỉ bằng tinh thần trách nhiệm mà còn bằng tình yêu và sự hy sinh.

Những bước chân lặng lẽ giữ gìn màu xanh của núi rừng. Ảnh: HL

Những bước chân lặng lẽ giữ gìn màu xanh của núi rừng. Ảnh: HL

Vì rừng, 51 năm qua, kể từ ngày lực lượng Kiểm lâm Việt Nam được thành lập, bao thế hệ đã đổ mồ hôi, nước mắt, thậm chí là máu và tính mạng của mình để giữ màu xanh của núi rừng.

Tất nhiên, trong cuộc chiến giữ rừng đầy cam go đã qua và hiện nay, có đó những thông tin, những “dư luận” không hay về sự nao núng hoặc thoái hóa, biến chất, để rồi sa ngã, "bắt tay" đối tượng xấu làm xằng làm bậy từ chính những người thực thi pháp luật về quản lý bảo vệ rừng.

Và thực tế thì vẫn còn một số người thiếu tinh thần trách nhiệm, chủ quan, chưa bám sát công việc và địa bàn nên không hoàn thành nhiệm vụ được giao; việc tuần tra, kiểm tra, phát hiện, báo cáo các vụ vi phạm trên địa bàn không kịp thời.

Vẫn còn một số kiểm lâm viên chưa phát huy hết trách nhiệm, chưa thường xuyên bám địa bàn, chưa chủ động tham mưu tốt công tác kiểm tra, giám sát thực hiện nhiệm vụ bảo vệ rừng tại gốc.

Đã có và vẫn sẽ còn những người mỏi chân chùn bước, có người vì mưu sinh mà rẽ ngang, có người không làm tròn trách nhiệm, thậm chí bị mua chuộc, khống chế, bị lợi ích kinh tế nhất thời che mắt mà lầm đường lạc lối, nên bị xử lý kỷ luật, thậm chí bị truy tố trước pháp luật.

Vượt qua những ánh mắt nghi ngờ, vượt qua những lời đồn đoán, đội ngũ cán bộ, kiểm lâm viên chân chính vẫn vững niềm tin, vẫn kiên cường bám rừng và giữ rừng.

Với nỗ lực và quyết tâm lớn, nhiều năm qua họ đã phát huy vai trò chủ lực trong việc giữ gìn sự bình yên cho mỗi cánh rừng ấy.

Lực lượng kiểm lâm và cán bộ xã xuống từng hộ gia đình vận động không tham gia khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép. Ảnh: HL

Lực lượng kiểm lâm và cán bộ xã xuống từng hộ gia đình vận động không tham gia khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép. Ảnh: HL

Riêng năm 2023, tình hình vi phạm Luật Lâm nghiệp so với cùng kỳ năm 2022 giảm mạnh trên cả 3 tiêu chí (số vụ, khối lượng, diện tích). Theo đó, tổng số vụ vi phạm giảm 44 vụ (tương ứng 53%), khối lượng vi phạm giảm 359,053m3 gỗ (tương ứng 85,6%), diện tích thiệt hại giảm 26,654ha (tương ứng 83%).

Công tác theo dõi, nắm bắt thông tin, phát hiện và triệt phá các tụ điểm khai thác, vận chuyển, cất giấu lâm sản, phá rừng được thực hiện thường xuyên. Đến nay, trên địa bàn tỉnh không có “điểm nóng” vi phạm Luật Lâm nghiệp.

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, bài học “dựa vào dân để giữ rừng” luôn được đặt lên hàng đầu. Những cuộc tuần tra, những chốt kiểm soát liên ngành dù sao cũng chỉ mang tính răn đe, cán bộ kiểm lâm không thể “ôm từng cây, giữ từng khoảnh rừng” được.

Cho nên muốn giải quyết các điểm nóng triệt để thì cần phải có tai mắt của quần chúng. Phần đông bà con vẫn yêu rừng, ghét người phá rừng, nhưng muốn bà con thành "tai mắt" cho mình thì phải được bà con tin.

Ấy là chưa kể bây giờ lâm tặc tinh vi và manh động lắm, khi bị phát hiện sẵn sàng chống đối để tẩu thoát. Nếu không có sự giúp sức của quần chúng nhân dân thì rừng không thể nào yên. Mà muốn dân giúp sức, thì phải kiên trì và chân thành.

Làm cái anh "gác rừng" mà không có tai mắt của quần chúng thì khác gì "bịt mắt bắt dê", rừng núi mênh mông, mỗi nhân viên kiểm lâm phải "gánh" cả ngàn ha rừng, sức người quản sao cho nổi- anh Nguyễn Văn Nam, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm luôn dặn dò anh em như vậy.

Trong ngày 21/5 này, bạn tôi vẫn đang cùng các đồng nghiệp tuần tra trên từng tiểu khu thuộc Vườn Quốc gia Chư Mom Ray. Dù ban ngày nắng cháy hay ban đêm mịt mù, những bước chân của họ vẫn lặng lẽ mà vững vàng in trên các cánh rừng.

Nhưng họ không đơn độc. Phía trước họ, bên cạnh họ và sau lưng họ luôn có chỗ dựa vững chắc từ chính quyền và nhân dân.

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.