Nhức nhối nạn mại dâm trá hình - Kỳ 3: Mại dâm biến tướng, nhiều quy định đã lạc hậu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Cơ quan chức năng TP.HCM nhận định, thực trạng mại dâm hiện nay phức tạp, biến tướng nhiều hình thức, trong khi đó, nhiều quy định hiện hành về phòng chống mại dâm đã không còn phù hợp thực tế.

Ngày 3.11, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM cho biết, mới đây, đơn vị có tờ trình gửi UBND TP.HCM báo cáo tổng kết, đánh giá kết quả thi hành pháp luật phòng chống mại dâm trên địa bàn TP.HCM.

Theo đánh giá của đơn vị, thời gian qua, thực trạng mại dâm diễn biến phức tạp, với nhiều hình thức như mại dâm tập trung ở các tụ điểm công cộng; trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ; trong khu biệt thự, nhà ở, căn hộ cao cấp; mại dâm theo tour du lịch...

Đặc biệt, gia tăng hoạt động mại dâm theo hình thức "gái gọi" không thông qua môi giới hay sự điều hành của chủ đường dây. Với hình thức này, người bán dâm tự liên kết với nhau, móc nối với các hướng dẫn viên du lịch hoặc móc nối các đường dây mại dâm liên tỉnh để hoạt động...

Cạnh đó, một số cơ sở kinh doanh dịch vụ lợi dụng hình thức kinh doanh quán bar, vũ trường, beer club, karaoke... để hoạt động trá hình như cho nữ vũ công múa khỏa thân, khiêu dâm, môi giới mại dâm. Đáng lưu ý, có nhiều người nước ngoài đến Việt Nam góp vốn để thành lập các nhà hàng, khách sạn, quán karaoke, vũ trường... chuyên phục vụ cho người nước ngoài, nhưng thực chất là hoạt động mại dâm trá hình.

Công an TP.HCM triệt xóa đường dây mại dâm chuyên phục vụ người nước ngoài hồi tháng 7.2023. Ảnh: THANH TUYỀN

Công an TP.HCM triệt xóa đường dây mại dâm chuyên phục vụ người nước ngoài hồi tháng 7.2023. Ảnh: THANH TUYỀN

TP.HCM cũng ghi nhận hình thức hoạt động mại dâm biến tướng như "sugar baby - sugar daddy", đăng ảnh tiếp thị trên internet, nhóm kín mạng xã hội... để hoạt động mại dâm.

Sở LĐ-TB-XH TP.HCM nhận định, các nghi can, đường dây này hoạt động mang tính chuyên nghiệp với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, trong đó có sự tham gia của một số người mẫu, diễn viên, sinh viên... Điều này gây nhiều khó khăn cho cơ quan chức năng trong quản lý, kiểm soát, phòng chống mại dâm.

Đáng chú ý, hoạt động mại dâm tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ có chiều hướng chuyển đổi từ hoạt động lén lút sang trá hình và công khai. Hoạt động mại dâm có xu hướng chuyển sang nhiều hình thức biến tướng như "sugar baby - sugar daddy", các nghi can sử dụng nhóm kín, diễn đàn kín để hoạt động mại dâm... chuyên nghiệp, tinh vi.

Theo số liệu thống kê của Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, tính đến tháng 6.2023, tại TP.HCM có 4.553 cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm (trong đó có 2.812 cơ sở lưu trú; 1.009 nhà hàng karaoke và cơ sở massage; 117 vũ trường, bar, beer club; công ty giải trí biến thành bar; 615 cơ sở kinh doanh dịch vụ khác), với hơn 10.000 nhân viên, tiếp viên làm việc tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ.

Trong khi đó, tại các khu vực công cộng, TP.HCM còn 17 điểm, tụ điểm, tuyến đường thuộc 18 phường, xã nghi vấn có người bán dâm đứng đường, chèo kéo khách mua dâm.

Sở LĐ-TB-XH TP.HCM cho rằng công tác phòng chống mại dâm tại địa phương thời gian qua đạt được nhiều hiệu quả, song còn nhiều khó khăn khi triển khai Pháp lệnh phòng, chống mại dâm năm 2003 (gọi tắt là pháp lệnh).

Điển hình như khái niệm về mại dâm (mua dâm, bán dâm) của pháp lệnh này không còn phù hợp thực tiễn như mua bán dâm giữa những người đồng tính, người chuyển giới, kích dục, khiêu dâm… Điều này khiến cơ quan chức năng gặp khó khi xử lý các cơ sở kinh doanh dịch vụ lợi dụng để tổ chức hoạt động mại dâm.

Cùng đó, một số khái niệm, giải thích thuật ngữ trong pháp lệnh chưa đồng nhất với các văn bản pháp luật khác, đặc biệt đối với các hành vi vi phạm hành chính liên quan đến phòng, chống mại dâm. Hay các vấn đề xử lý hành chính, hình sự đối với các hành vi liên quan đến mại dâm không còn phù hợp với các văn bản mới như Hiến pháp, luật Xử lý vi phạm hành chính, bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017...

Mặt khác, các quy định về biện pháp phòng ngừa, trách nhiệm tổ chức các hoạt động phòng, ngừa... vẫn mang tính nguyên tắc, chưa cụ thể, chưa quy định các biện pháp, điều kiện, nguồn lực dẫn đến việc triển khai ở các cấp gặp nhiều khó khăn.

Các bị can môi giới mại dâm núp bóng nhà hàng ở trung tâm TP.HCM, bị Công an TP.HCM bắt tạm giam ngày 5.11. Ảnh: THANH TUYỀN

Các bị can môi giới mại dâm núp bóng nhà hàng ở trung tâm TP.HCM, bị Công an TP.HCM bắt tạm giam ngày 5.11. Ảnh: THANH TUYỀN

Trong pháp lệnh cũng chưa có quy định về việc triển khai các chương trình can thiệp giảm tác hại về HIV/AIDS. Chính sách hỗ trợ hòa nhập cộng đồng đối với người bán dâm không còn phù hợp với thực tiễn (do hiện nay đã không còn tập trung người bán dâm tại các trung tâm), chưa có chính sách động sự tham gia của các tổ chức xã hội, tổ chức phi chính phủ vào việc hỗ trợ người bán dâm hòa nhập cộng đồng.

Ngoài ra, có sự thay đổi về công tác quản lý khi hiện nay tập trung chuyển sang hình thức tổ chức tuyên truyền, tư vấn, hỗ trợ, giúp đỡ người bán dâm tại cộng đồng ổn định cuộc sống. Vì vậy, chính sách hỗ trợ hòa nhập cộng đồng đối với người bán dâm của pháp lệnh không còn phù hợp với thực tiễn.

Trước những quy định bất hợp lý, chồng chéo, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM đề xuất UBND TP.HCM kiến nghị Quốc hội, Chính phủ sửa đổi, bổ sung Pháp lệnh phòng, chống mại dâm năm 2003 hoặc xây dựng luật Phòng, chống mại dâm thay thế pháp lệnh này.

Đồng thời, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM kiến nghị các bộ, ngành có liên quan nghiên cứu bổ sung các quy định xử lý đối với hành vi mại dâm nam; mại dâm đồng tính; chứa chấp sử dụng phương thức khiêu dâm, kích dục tại cơ sở kinh doanh dịch vụ.

Cạnh đó, cần ban hành các chính sách đảm bảo chế độ hỗ trợ cho người bán dâm, người có nguy cơ cao hoạt động bán dâm được tiếp cận nguồn trợ giúp của nhà nước, cộng đồng, được dạy nghề, hướng nghiệp, trợ vốn tạo việc làm, tham gia các dịch vụ hỗ trợ phòng, chống HIV/AIDS...

Theo số liệu của Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, kể từ năm 2003 (thời điểm tháng 3.2003 khi có Pháp lệnh phòng chống mại dâm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội) đến tháng 6.2003, các đoàn, đội, tổ kiểm tra liên ngành văn hóa - xã hội từ cấp thành phố đến phường, xã, thị trấn đã tổ chức kiểm tra 184.525 lượt cơ sở, phát hiện và xử phạt hành chính 100.215 cơ sở vi phạm hành chính về lĩnh vực văn hóa, thông tin và phòng, chống tệ nạn xã hội. Trong đó, cơ quan chức năng xử phạt bằng hình thức phạt tiền 66.906 cơ sở, với tổng số tiền phạt hơn 283 tỉ đồng.

Các cơ quan chức năng cũng đã phối hợp công an các quận, huyện, TP.Thủ Đức, tổ chức truy quét hơn 22.000 lượt; điều tra, triệt phá hơn 3.700 vụ vi phạm mại dâm tại cơ sở kinh doanh dịch vụ, phát hiện gần 11.000 người vi phạm. Các cơ quan chức năng đã xử lý vi phạm hành chính hơn 4.100 người và lập hồ sơ xử lý hình sự 1.400 đối tượng về hành vi chứa mại dâm, môi giới mại dâm và mua dâm người chưa thành niên theo quy định pháp luật.

Về công tác phối hợp phòng ngừa vi phạm và tội phạm về mại dâm được các cơ quan tiến hành tố tụng địa phương thực hiện đồng bộ. Trong giai đoạn 2003 - 2023, TAND các cấp đã thụ lý giải quyết 1.166 vụ với 1.975 bị cáo phạm các tội về chứa mại dâm, môi giới mại dâm để xét xử theo thủ tục sơ thẩm. Viện KSND các cấp đã truy tố và khởi tố 1.205 vụ với 1.738 bị can.

Có thể bạn quan tâm

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.