Nhớ một sự kiện bi hùng 47 năm về trước

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã trôi qua 44 năm nhưng đâu đó vẫn còn những sự kiện bi hùng, những tấm gương hy sinh anh dũng bị khuất lấp, ít người biết đến. Một trong những sự kiện, những con người như thế là Đại đội Thanh niên xung phong (TNXP) 555 P18 được ông Trần Sĩ Bình (trú tại 125 Cách Mạng Tháng Tám, TP. Pleiku) kể lại.
Năm 1972, sau sự kiện “Mùa hè đỏ lửa” ở Mặt trận Trị-Thiên, miền Bắc lại sôi sục đợt tổng động viên mới. Tôi bấy giờ vừa tròn 18 tuổi, cứ đinh ninh mình sẽ được cầm súng ra trận, nào ngờ lại được chỉ định vào TNXP. Ấm ức trong lòng vì tự cho là đi TNXP không “oai” bằng vào bộ đội nhưng “quân lệnh như sơn”, biết có xin cũng chẳng được, tôi đành phải chấp hành. 
7 anh em cùng xã Đức Xá (nay là xã Bùi Xá, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh) gồm 4 nữ, 3 nam được biên chế vào Đại đội 555 P18 thuộc Tổng đội TNXP 55 P18 Hà Tĩnh. Đại đội có nhiệm vụ bảo vệ khoảng 10 km thuộc tuyến đường 70. Tuyến đường này từ năm 1972 là mạch máu giao thông chính để tiếp viện cho chiến trường miền Nam nên suốt đêm ngày bị máy bay Mỹ canh chừng. 10 km do Đại đội 555 P18 đảm trách là tuyến độc đạo nên sự ác liệt lại càng gấp bội phần…
Cựu thanh niên xung phong Trần Sĩ Bình (bìa trái). Ảnh: N.T
Cựu thanh niên xung phong Trần Sĩ Bình (bìa trái). Ảnh: N.T
47 năm rồi, tôi vẫn mồn một trong tâm trí đoạn đường bi tráng ấy. Một bên là sườn núi, một bên là vực Trống hun hút, nhìn từ trên cao, cung đường trông tựa một con rắn duỗi ra với hàng trăm vết lở loét trên mình. Hàng ngàn tấn bom đủ cỡ, đủ loại của không quân Mỹ đã làm biến dạng con đường. Đặc biệt là từ giữa năm 1972, suốt đêm ngày, bầu trời không lúc nào ngưng tiếng máy bay; mặt đất hầu như không lúc nào ngưng bom nổ. Hiểu rõ mỗi giây phút trên mặt đường là mỗi giây phút đồng hành cùng cái chết nhưng chúng tôi không thể có điểm lùi. Thêm cái khó của đoạn đường này là rất nhiều ngầm. Cứ mỗi lần máy bay ném bom trúng đường là phải dùng đá để lấp, rất vất vả và tốn công sức. Dù vậy, bất luận hoàn cảnh nào cũng không để tắc đường, bởi chỉ cần một điểm bị ách tắc là hàng trăm xe, pháo dồn ứ làm mồi cho máy bay địch. Thể hiện quyết tâm đó, khẩu hiệu của 555 P18 là “Đầu đội pháo sáng, chân đạp bom bi, đi mở đường cứu nước”.
Chiến tranh không chỉ đồng nghĩa với mất mát hy sinh, song hành với nó còn là sự thiếu thốn, gian khổ. Là đơn vị TNXP thuộc tỉnh, mọi sự thiếu thốn, gian khổ, chúng tôi còn hơn các đơn vị khác một bậc. Để tránh bom đạn, lán của chúng tôi phải làm theo kiểu nửa hầm nửa nhà, tức đào âm xuống đất từ 1,5 m đến 2 m rồi lợp mái bằng lá rừng. Ngày mưa thì ẩm ướt, mùa gió Lào thì nóng như thiêu. Đặc biệt vào đêm, cái nóng cứ như đặc quánh lại… Cơm ăn thì gần như quanh năm chỉ một điệp khúc cá khô với “canh rau toàn quốc”. Mà cơm đâu phải bữa nào cũng ra cơm. Bởi máy bay địch oanh tạc thường xuyên, cơm nấu bữa sống, bữa ướt. Dù vậy, chẳng ai kêu ca nửa lời. Một niềm lạc quan trong veo vẫn bao trùm những tâm hồn tươi trẻ. Ở đây, tôi muốn nói đến sự trong sáng đến lạ kỳ trong quan hệ nam-nữ. Bây giờ, mỗi lần xem phim, tôi cứ thấy phàm là thanh niên xung phong hay bộ đội, hễ ra trận là ai cũng có một mối tình. Rồi thì trong hoàn cảnh nào đó không kìm nén được, thế là trao thân… Tôi không nói là hoàn toàn không có nhưng chẳng biết là ở đâu kia chứ ở chỗ chúng tôi, tôi khẳng định là hoàn toàn không thể có chuyện “lãng mạn” như thế. Anh em đại đội tôi hầu hết mới học xong lớp 7 (hệ 10 năm) nên chưa một ai có gia đình. Lứa tuổi 17-18 ai mà không khao khát yêu đương. Thế nhưng trong đội ngũ chỉ một tình bạn, tình đồng chí vô cùng trong sáng. Gần 300 con người trong đại đội tôi-trong đó chỉ có khoảng 20 nam-không một mối quan hệ yêu đương chứ đừng nói tới một sự chung đụng lén lút. Những lúc trực chiến trên mặt đường, trong căn hầm chật hẹp, nam-nữ ngủ chung vẫn rất vô tư. Cái thời hào hùng ấy, biết bao điều ở hoàn cảnh bây giờ thật khó cắt nghĩa được…
*
*       *
Ngày 26 tháng 7 năm 1972…
Mới sáng sớm, những cơn gió Lào đã dồn dập đổ về, quét quang bầu trời không một gợn mây. Thời tiết tốt vẫn là điều kiện lý tưởng để địch tăng cường đánh phá. Nhưng sáng hôm đó, máy bay do thám lẫn tiêm kích của chúng chỉ bay dọc tuyến đường một cách bất thường chứ không bỏ bom. Gần trưa, một tốp 3 chiếc B52 từ hướng Tây xuất hiện. Cứ ngỡ là chúng sẽ dội bom xuống đâu đó nhưng không. Lạ lùng hơn là từ trưa cho đến chiều hôm đó không còn đợt máy bay nào hoạt động. Núi rừng trở lại yên tĩnh. Cái yên tĩnh dị thường nhưng không ai nghĩ đến một bi kịch lớn lao trên cung đường máu lửa đang sắp xảy ra.
5 giờ chiều, chúng tôi từ mặt đường về. Cơm nước xong, như thường lệ, Đại đội họp kiểm điểm công việc trong ngày, sinh hoạt văn nghệ rồi giải tán. Những khoảnh khắc rảnh rỗi hiếm hoi như thế, anh chị em vẫn thường qua lại lán thăm nhau, tán chuyện trên trời dưới đất. Đến khoảng 7 giờ, tôi đang ngồi trong lán chuyện vãn với mấy anh em thì chợt nghe tiếng máy bay tiêm kích rít lên như mũi khoan xuyên vào kim khí. Chưa ai kịp định thần vì tiếng máy bay bỗng dưng sà thấp như thế thì bốn phía tiếng bom đã dậy như sấm rền. Mặt đất lung lay như chao võng. Có tiếng ai đó thét lên “B52 ném bom anh em ơi” rồi chìm lỉm. Tôi cố định thần ngóc đầu nhìn lên: Một biển lửa chói lòa đang trải dài cả mấy cây số từ Tây sang Đông. Giữa biển lửa như bốc lên từ Hỏa Diệm Sơn ấy, một đống sáng đỏ khé xen lẫn khói đen cuồn cuộn chọc vào vòm trời đặc ngầu khói bụi. Bom đã rơi trúng vào kho thuốc mìn của đại đội! Tưởng còn vớ được mồi ngon, bọn tiêm kích quành lại trút bom bi xuống. Một biển lửa màu lân tinh với hàng dây tiếng nổ rền óc kéo dài chừng nửa giờ… Không thấy điểm nào cháy thêm, đến gần sáng, bọn máy bay tiêm kích mới gọi nhau cút thẳng.
Váng vất như người vừa trở về từ một thế giới khác, tôi lảo đảo đứng lên… Im ắng. Một không khí chết chóc, tan hoang đến rợn người bao trùm khắp núi rừng. Đành rằng nơi trọng điểm này, đạn bom là chuyện thường ngày nhưng đây là lần đầu tiên, Đại đội hứng bom B52 vào giữa đội hình. Nỗi khủng khiếp làm nhiều người mất tinh thần. Trước tình hình đó, Tổng đội đã huy động Đại đội 553 P18 của đồng chí La Thị Tám lên ứng cứu. Đến trưa thì tổn thất đã rõ ràng: Toàn đại đội tổng cộng có 25 người hy sinh gồm 16 nữ của 2 tiểu đội ở lán phía Tây, 8 nam của tổ mộc ở lán phía Đông và một đồng chí đại đội phó. Phần lớn anh chị em đều hy sinh do bị sức ép, bị chết ngạt vì hầm sập. Riêng đồng chí đại đội phó bị thương nặng do trúng bom bi, không cấp cứu kịp. Thi hài của tất cả anh chị em được đưa ra gần vực Trống chôn cất…   
*
       *       *      
…Bao năm đã trôi qua nhưng ông Trần Sĩ Bình nói rằng, nỗi day dứt về sự kiện bi hùng ấy trong ông vẫn chưa bao giờ nguội tắt. Đành rằng, tất cả những người hy sinh đều đã được công nhận liệt sĩ, đều đã được gia đình đưa về các nghĩa trang liệt sĩ quê nhà nhưng với ông thì còn cái lẽ: Họ hy sinh khi tuổi đời chỉ mới mười tám, đôi mươi. Chưa ai kịp có một mối tình, chưa biết đến một nụ hôn… Những cái chết trinh bạch như thế, ở đâu kia vẫn được dựng tượng đài, được tổ chức sự kiện. Đó cũng là điều tất nhiên bởi sự hy sinh càng lớn thì nỗi tiếc thương, niềm bi tráng càng lớn. Thế nhưng, với sự kiện này, hơn 43 năm trôi qua, gần đây mới có nghĩa cử đầu tiên của một doanh nghiệp tư nhân, đó là doanh nghiệp đá Lam Hồng do ông Dư làm Giám đốc. Ông Dư nguyên là Đại đội phó Đại đội 555 P18, cũng từng bị thương trong trận bom định mệnh này. Ông Dư đã bỏ tiền dựng một ngôi nhà thờ nhỏ để đồng đội ai còn nhớ người xưa có chốn lui về thăm viếng. Tất cả chỉ có vỏn vẹn như vậy.
“Không sự hy sinh nào cho Tổ quốc mà chúng ta được phép quên lãng. Hãy công bằng với mọi hy sinh!”. Nỗi niềm của người cựu TNXP Trần Sĩ Bình, tôi hoàn toàn đồng cảm!
 NGỌC TẤN

Có thể bạn quan tâm

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.