Nhớ H'Ben

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Vậy là Nghệ nhân Ưu tú H’Ben-người con của sông Ba về với đất mẹ đã hơn 4 năm. Bao lâu rồi người dân thị trấn Kông Chro vắng đi hình ảnh của người phụ nữ với mái tóc bạc trắng, dáng cao, gầy gò nhưng rắn rỏi từ ngôi nhà nhỏ bên vườn cây sát mép sông Ba rảo bước ra chợ huyện hay dạo thăm hàng xóm. Cũng thương nhớ H’Ben là giới làm văn học, nghệ thuật ở Gia Lai, ở Tây Nguyên và cả những người từng công tác, gặp gỡ, giao lưu hay được thụ giáo nữ nghệ sĩ này. 
Tình ca quê nhà
Tôi gặp nghệ sĩ H’Ben vào một buổi chiều giữa mùa xuân 2017, vừa đúng 8 tháng sau thì bà về với tổ tiên. Thật cảm động, người phụ nữ từng sống ở nhiều đô thị, từng trải bước du ca vang âm hưởng đến nhiều châu lục lại trở về gắn đời bên ngôi nhà hết sức đơn sơ kề mép sông vắng lặng. Điều gây cảm xúc với tôi ấy là sự chân tình, thân thiện, nét vui tươi, hồn hậu của người nghệ sĩ chỉ còn 4 năm nữa là đến tuổi cửu tuần! “Hạnh phúc nhất của H’Ben là được về sống lại bên con sông Ba, bên núi Kông Chro”-bà nói tiếp sau khi “khoe” bao năm nay mình đã tự trồng được bắp để ăn như khi cùng cha mẹ trỉa trồng thời thơ trẻ.
Nhớ H’Ben là nhớ về dòng hồi ức, vùng kỷ niệm xanh thẳm yêu thương của bà với quê hương, với người cùng bà dắt tay đi trong đời, cả hai như là mạch nguồn của bản tình ca đời bà.
Không viết hồi ký, những hồi ức của H’Ben về quê nhà thời thơ trẻ cứ như một cuộn phim được lưu giữ. Với cách kể, với chất giọng Bahnar còn giữ được, H’Ben đã truyền đến tôi sự xao xuyến, bồi hồi như chính tôi cũng từng trải qua những hoài niệm đó. Không biết có phải dự cảm về “chuyến đi xa” của mình đã kề cận, H’Ben muốn ôn nhắc thật nhiều những ngày xưa thân ái nơi buôn làng với người thân, với lũ làng để khi gặp lại họ ở cõi ấy mình sẽ khỏi ngỡ ngàng?
Sông Ba-đoạn chảy qua huyện Kông Chro. Ảnh: Đình Chiến
Sông Ba-đoạn chảy qua huyện Kông Chro. Ảnh: Đình Chiến
“Nhà H’Ben làm nhiều lúa, bắp lắm”-nghệ sĩ H’Ben mở đầu dòng ký ức. Ngày mùa, mẹ gùi lúa, H’Ben gùi cà đắng. Bố dắt 2 con ngựa đi sau, nói vợ con, lũ làng gùi đi bộ, mình cưỡi ngựa là không công bằng. Mùa nắng, giữa trưa hay chiều đi làm về, H’Ben cùng cả nhà, cùng bạn làng cởi áo ùa xuống sông tắm. Có lúc nắng nóng quá, cả nhà H’Ben ra ngủ đêm ở bờ sông, bố bắt cá, mẹ hát ru em nhỏ. Cá, ốc sông Ba nhiều lắm. Cá đá thì lùa giỏ vào dưới đá để bắt. Cá lớn thì lưới, lưới mua ở An Khê. Cá nhiều ăn không hết đem phơi khô rồi nướng, đem giã với muối làm bột cá, rất thơm, chứa cả một ché lớn để ăn được lâu.
H’Ben nói giọng ca mình có được là từ mẹ, từ con chim hót, từ tiếng nước vỗ đá, tiếng gió dội núi cao. “H’Ben nghe mẹ hát bài Avơng-Gọi bạn về làng như được bố cho uống chén mật ong”-bà nhắc lại, hát cho tôi nghe rồi dịch nghĩa đoạn đầu: Mặt trời xuống núi rồi bạn ơi, ta cũng về làng thôi... Bài Avơng và giọng ca hay của mẹ khiến H’Ben mê dân ca rồi tập hát theo lúc 7-8 tuổi. “Nay H’Ben lâu lâu lại hát Avơng, để nhớ mẹ, nhớ thời nhỏ dại. Thương mẹ không còn!”-H’Ben nói, mắt rưng rưng nhìn ra mặt sông gờn gợn sóng.
Nhưng còn với H’Ben những âm vọng khác khi bà chọn rời phố thị Pleiku về lại nơi chôn nhau cắt rốn. Đó là tiếng con chim pốt cúc kêu pốt cúc… pốt cúc; là con chim pơ rờ tuk kêu pơ rờ tuk… pơ rờ tuk đầy nhạc điệu mà H’Ben thích nhất. “Chúng kêu làm lòng mình cứ rộn rực, thấy có cái tha thiết, cái vút cao, cái trầm lắng trong đó, có phần giống tiếng ca của mẹ”-với ánh mắt mơ màng, H’Ben kể. Đằm trong hoài niệm về tiếng pốt cúc ở tuổi 14-15 của H’Ben là chuyện bè bạn ở buôn làng. Cả lũ rủ nhau đến tận núi Kông Yang để hái rau rừng, để được… đi với nhau. Con trai có đứa mang đàn goong theo đánh, H’Ben cũng hát bài Avơng, cứ theo tiếng chim pốt cúc kêu mà đi. Tiếng đàn goong như đệm cho tiếng chim tiếng hát, cứ như là bản hòa tấu giữa rừng!
“H’Ben thích tiếng suối chảy lắm. Người ta hay gọi là suối reo, H’Ben thì nói là suối hát. Tiếng róc rách, róc rách khi nhanh khi chậm, khi mạnh khi yếu, hay lắm!”-H’Ben nói. Và con suối ở núi Kông Chro từng gợi cho H’Ben tự điều âm câu hát của mình ngày trước cũng chứa nhiều kỷ niệm. Những ngày theo bạn bè đi lấy củi, H’Ben cùng họ đã đằm mình trong làn nước, nghe tiếng nước chỗ vang rộn, chỗ thì thầm. Thêm kỷ niệm sâu đậm, H’Ben phải ngủ lại đêm nơi ngọn núi này, bên đầu nguồn con suối vì lỡ đường. Đó là khi H’Ben cùng với cán bộ dẫn đường người miền xuôi vượt núi xuống Phú Yên hát tiễn đoàn đi tập kết. “Giữa đêm trên núi chỉ có một mình H’Ben với anh ấy. Thiệt bụng, đêm đó H’Ben sợ ảnh hơn sợ cọp đó!”-H’Ben nhớ lại và cười…
Và tình ca chồng vợ
Đẹp như thiên tình sử là mối lương duyên của H’Ben với nghệ sĩ violon Lê Đức Thịnh.
“H’Ben yêu chồng không thể nói hết được”-nghệ sĩ H’Ben lại trải hết lòng khi ôn nhắc với tôi hồi ức còn ngời ngợi sắc xanh về người bạn đời trọn vẹn với mình đến tóc bạc răng long mà yêu thương nhau thì cứ mãi lung linh như một cặp tình nhân! Bên bàn thờ của người chồng nghệ sĩ mới mất chỉ hơn 2 tháng, bà đã không cầm được nước mắt. H’Ben kể, khi hay tin nghệ sĩ Lê Đức Thịnh ra đi, nhà văn Nguyên Ngọc đã chia buồn với gia đình bà một câu rất xúc động: “Xin vĩnh biệt mối tình đẹp nhất Tây Nguyên!”.
“H’Ben buồn lắm, nhưng phải gắng gượng thôi. Giờ nhà chỉ một mình mình, suy xuống thì khó lắm”-bà nói. Và H’Ben lại miên man về con đường, về bến đỗ của tình yêu đầy hoa mộng nhưng cũng có chút trở lực của mình và chồng. “Đẹp quá, cái ngày H’Ben gặp lại anh Thịnh sau gần 1 năm xa cách”-bà nhắc lại dấu ấn nhớ đời của tình yêu-tình chồng vợ. Ấy là ngày mùng 1 Tết năm 1968, ngày H’Ben về lại Hà Nội sau gần 1 năm cùng Đoàn Ca múa nhạc Tây Nguyên lưu diễn ở 12 nước trên thế giới. Sự chín muồi của thương nhớ, đợi trông đã cho 2 người đi đến quyết định nắm tay nhau trọn đời ngay sau ngày hội ngộ ấy.
Nghệ nhân Ưu tú H’Ben lúc sinh thời. Ảnh: Huỳnh Văn Mỹ
Nghệ nhân Ưu tú H’Ben lúc sinh thời. Ảnh: Huỳnh Văn Mỹ
“Đến lúc đó, H’Ben với anh Thịnh mới thấy là 2 người yêu nhau đến chừng nào!”-bà nhắc lại lời từ trái tim của cả 2 người ngày ấy. H’Ben đến với nghệ sĩ Lê Đức Thịnh khi bà mới kết hôn rồi lại từ hôn với Anh hùng Núp tại Hà Nội. Là bởi Anh hùng Núp vốn còn có người vợ là em ruột của người vợ đã mất tại quê nhà Kon Tum mà ông buộc phải lấy theo tục lệ “nối dây” của người Bahnar. Khi hiểu ra sự tình, H’Ben đã từ hôn và Anh hùng Núp đã thuận tình. Gia đình nghệ sĩ Lê Đức Thịnh không mấy đồng tình vì sợ đôi bạn sẽ khó có hạnh phúc vì lẽ này lẽ nọ.
“H’Ben ngại anh Thịnh là người Thủ đô, có ăn học, có tài, lại đẹp trai, còn mình là người dân tộc thiểu số, văn hóa kém, lại đã từng có chồng”-bà nhắc lại những lo ngại như là sức cản đi đến hôn nhân của 2 người từ hai phía, rưng rưng nhìn di ảnh người chồng nghệ sĩ của mình.
Nhưng sức mạnh tình yêu của người chồng đất Hà thành Lê Đức Thịnh với người vợ Tây Nguyên H’Ben có lẽ là ở lời xác quyết với vợ của ông: “Em đi đâu anh theo đó!” khi H’Ben hỏi chồng “Anh có muốn rời Pleiku về Kông Chro heo hút không?”. “Em đi đâu anh theo đó”-thật hạnh phúc với H’Ben, người chồng nghệ sĩ cũng đã không chút ngại ngần ngay từ lần đầu, năm 1978, rời quê Hà Nội để cùng bà đến Pleiku công tác và nhận nơi đây làm quê mới!
Và nghệ sĩ Lê Đức Thịnh đã rất ấm lòng bên người vợ ca sĩ H’Ben khi xế bóng. Cả thị trấn Kông Chro ai cũng ái ngại, cảm động khi thấy bà H’Ben chăm chồng bị tai biến não phải ngồi xe lăn suốt 11 năm với trọn vẹn yêu thương. “Anh Thịnh thương yêu mình như vậy thì mình có thương ảnh mấy cũng sợ là không đủ. Thương lắm cái câu anh nói “Em đi đâu anh theo đó!”-bà nhắc lại.
“H’Ben nhớ chồng lắm, buồn lắm! Muốn đi theo anh. Nhưng gắng sống là để lo cho con cho cháu của anh”-tiễn tôi ra cuối ngõ lúc sẫm chiều, người ca sĩ xuất sắc của đại ngàn cao nguyên từng giữ trọng trách của Trường Văn hóa Nghệ thuật Tây Nguyên nói.
Và chỉ hơn 10 tháng sau ngày nghệ sĩ Lê Đức Thịnh ra đi, bà H’Ben đã nối bước theo chồng. Lần này thì “Anh ở đâu em ở đó”, mãi mãi bên nhau. Nói theo cách nhà văn Nguyên Ngọc, những ai từng yêu quý họ xin được “vĩnh biệt Hai Con Người của mối tình đẹp nhất Tây Nguyên!”.
Và xin gửi đến cả 2 người nỗi nhớ!
HUỲNH VĂN MỸ

Có thể bạn quan tâm

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Nếu Kinh Bắc nổi danh với tranh dân gian Đông Hồ và Thăng Long - Hà Nội vang tiếng với tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng (Hoài Đức - Hà Nội) thì miền Trung gió Lào cát trắng lừng danh với tranh dân gian làng Sình.

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.