Nhớ để ý triệu chứng Covid-19 kỳ lạ này ở con bạn

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

2 năm sau đại dịch, các chuyên gia đã phát hiện nhiều triệu chứng và biến chứng của Covid-19. Có lẽ một trong những điều kỳ lạ nhất là hiện tượng 'ngón chân Covid', theo tạp chí Parents (Mỹ).

Một số người - chủ yếu là trẻ em và thanh thiếu niên - bị sưng, đỏ các ngón chân và cũng có thể bị ngứa, đau hoặc nổi mụn nước. Hiện tượng “ngón chân Covid” đôi khi phát triển mà không có dấu hiệu rõ ràng của nhiễm Covid-19, điều này khiến hiện tượng này càng trở nên bí ẩn hơn.

Sau đây, 2 bác sĩ nhi khoa sẽ giúp bạn hiểu thêm về triệu chứng này ở trẻ.


 

Nhớ để ý triệu chứng Covid-19 kỳ lạ này ở con bạn. Ảnh: Shutterstock
Nhớ để ý triệu chứng Covid-19 kỳ lạ này ở con bạn. Ảnh: Shutterstock



"Ngón chân Covid" trông như thế nào?

Các "ngón chân Covid" thường có màu hơi đỏ hoặc tía và cũng có thể sưng tấy, tiến sĩ Pierrette Mimi Poinsett, bác sĩ nhi khoa người Mỹ, chuyên gia tư vấn cho trang web hỗ trợ các bà mẹ Mom Loves Best, cho biết. "Một số trẻ có thể nổi những nốt sưng đau hoặc sần sùi, và cũng có thể bị ngứa trên ngón chân". Dưới da có thể hình thành mụn nước hoặc mủ. Một số trẻ cũng bị trên ngón tay. Hiện tượng này thường kéo dài từ 10 - 14 ngày, nhưng một số người có thể kéo dài vài tháng sau khi nhiễm bệnh.

 

Những ai có thể bị “ngón chân Covid”?

Theo Hiệp hội Da liễu Mỹ, bất kỳ ai nhiễm Covid-19 cũng có thể gặp hiện tượng này, nhưng phổ biến nhất ở trẻ em và thanh thiếu niên. Nó hầu như không ảnh hưởng nhiều đối với người có sức khỏe tốt.

Điều thú vị là hầu hết các trường hợp này xảy ra sau khi nhiễm Covid-19 nhẹ hoặc không có triệu chứng - và ngay cả khi xét nghiệm vẫn âm tính, Molly O'Shea, bác sĩ nhi khoa tại Trung tâm Chăm sóc sức khỏe Nhi khoa Birmingham (Mỹ) cho biết. Tờ New York Times báo cáo rằng hiện tượng này cũng xuất hiện "vài tuần sau khi qua khỏi giai đoạn cấp tính của nhiễm Covid-19”.

Hiện tượng này có thể "xảy ra ở trẻ tiếp xúc gần với các thành viên trong gia đình nhiễm Covid-19, nhưng không có triệu chứng nào khác, và xét nghiệm Covid-19 cũng không dương tính, nhưng cũng không phát triển miễn dịch”, tiến sĩ O'Shea giải thích.


 

Phát ban là một dấu hiệu nhận biết của hội chứng viêm đa hệ thống ở trẻ em sau khi nhiễm Covid-19, các triệu chứng khác bao gồm sốt, đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy và mắt đỏ. Ảnh: Shutterstock
Phát ban là một dấu hiệu nhận biết của hội chứng viêm đa hệ thống ở trẻ em sau khi nhiễm Covid-19, các triệu chứng khác bao gồm sốt, đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy và mắt đỏ. Ảnh: Shutterstock



Nguyên nhân nào gây ra “ngón chân Covid”?

Một manh mối có thể đến từ nghiên cứu vào tháng 10.2021, được công bố trên tạp chí về da liễu của Anh British Journal of Dermatology, với giả thuyết rằng nguyên nhân có thể do phản ứng viêm của cơ thể với việc sản xuất các phân tử của hệ thống miễn dịch Interferon và IgA".

Tiến sĩ O'Shea đồng ý rằng phản ứng viêm là lý do hợp lý nhất. Cô mô tả, điều này có nghĩa là hệ thống miễn dịch đang phản ứng và các mô của ngón chân và ngón tay là nơi có lượng máu lưu thông dễ thay đổi nên là những mục tiêu dễ bị tấn công.

Tiến sĩ O'Shea cho biết hiện tượng “ngón chân Covid” không đáng lo ngại. Thông thường sẽ tự khỏi trong 1 tuần hoặc lâu hơn mà không cần điều trị.

Tiến sĩ Poinsett khuyên nên thoa kem hydrocortisone nếu bị ngứa. Nếu không thuyên giảm, nên đi khám da liễu, theo Parents.

Phải làm gì nếu con bạn gặp “ngón chân Covid”?

Không cần phải hoảng sợ nếu con bạn gặp hiện tượng này. Tiến sĩ Poinsett nói, nó thường không gây ra biến chứng. Tuy nhiên, phát ban có thể báo hiệu các biến chứng Covid-19 khác có thể gây lo ngại, tiến sĩ Poinsett lưu ý.

Ví dụ: Phát ban là một dấu hiệu nhận biết của hội chứng viêm đa hệ thống ở trẻ em sau khi nhiễm Covid-19, các triệu chứng khác bao gồm sốt, đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy và mắt đỏ. Cần phải cho trẻ đi khám càng sớm càng tốt nếu xuất hiện các triệu chứng này.

Dù thế nào, tiến sĩ O'Shea khuyên nếu con bạn bị “ngón chân Covid”, nên cho bé làm xét nghiệm Covid-19 và đi khám để tìm xem có do nguyên nhân nào khác hay không, theo Parents.

Theo Thiên Lan (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Cảnh báo nguy cơ ngộ độc thịt cóc

Cảnh báo nguy cơ ngộ độc thịt cóc

(GLO)- Mặc dù cơ quan chức năng đã khuyến cáo về tình trạng ngộ độc do ăn thịt cóc nhưng nhiều người vẫn chủ quan, chế biến không đúng cách dẫn đến ngộ độc, thậm chí có nhiều trường hợp tử vong do không được cấp cứu kịp thời.

Bé trai 7 tuổi tử vong do sốt xuất huyết Dengue

Bé trai 7 tuổi tử vong do sốt xuất huyết Dengue

Bé trai được đưa tới Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Phước và được chẩn đoán sốt xuất huyết Dengue nặng (có triệu chứng sốc, suy gan, xuất huyết tiêu hóa), sau đó chuyển đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới (TPHCM) song không qua khỏi.