Nhịp đời thân quen

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Phần cơm nóng hổi được mang đến bàn, sau dịch Covid-19, quán bán lại cũng gần cả năm nhưng hôm nay là lần đầu tiên cô quay lại. Dĩa cơm, ly trà đá vẫn vậy, nỗi lo trong cô vơi bớt và mừng thêm một chút khi quán cơm quen thuộc gắn với cô hơn chục năm bươn chải ở đất thị thành này vẫn còn.
 
Quán cơm 2.000 đồng (đường Ngô Quyền, phường 5, quận 10) sẻ chia với người lao động khó khăn
Quán cơm 2.000 đồng (đường Ngô Quyền, phường 5, quận 10) sẻ chia với người lao động khó khăn
1. Trận dịch bùng phát lần thứ 4 trong cộng đồng, TPHCM những ngày mà nhiều năm sau hẳn người ta không thể quên. Mọi hoạt động tạm ngừng để ưu tiên chống dịch, phận người xa xứ như cô cũng trở về quê trong những chuyến xe nghĩa tình đưa người dân từ TPHCM có mong muốn trở lại quê nhà. Cô là Nguyễn Thị Tam (59 tuổi, quê Cà Mau, ngụ quận 8, TPHCM).
Cô Tam kể: “Lúc đó trên này dịch, về quê tui cũng dịch, nhưng nói nào ngay ở quê còn có cây nhà lá vườn, nhín nhút chút cũng xong một ngày. Thành phố giãn cách, đâu còn mua bán gì được nên thôi đành về quê, chi tiêu cũng đỡ tốn kém. Loay hoay chuyện gia đình, con cái học hành giờ mới trở lại thành phố, ghé quán cơm thấy còn nguyên mà mừng, nhiều chỗ sau dịch họ cũng nghỉ luôn”.
Công việc mua bán ve chai, đồng ra đồng vô đủ đắp đổi qua ngày đã là mừng, quán cơm 2.000 đồng (đường Ngô Quyền, phường 5, quận 10) phần nào sẻ chia gánh nặng mưu sinh với cô Tam.
“Tiền còn để dành cho tụi nhỏ đóng học phí, nên tiết kiệm chút nào hay chút đó, có quán cơm này cũng đỡ cho mình được một cữ trưa”, cô Tam kể.
Ngót nghét gần chục năm lên thành phố, rồi đi làm cũng chừng ấy thời gian, anh Lê Tuấn Tú (ngụ quận 12, quản lý quán cơm 2.000 đồng), kể: “Hồi xưa, tới quán ăn cơm vì là sinh viên nghèo, bữa nào lịch học trống, qua phụ mấy cô chú nấu bếp và dọn dẹp. Sau này tốt nghiệp, tôi cũng đi làm một thời gian nhưng rồi nghỉ hẳn, dành toàn thời gian quản lý ở quán thôi. Trong quán có treo một câu nói mà tôi rất thích: “Thành công mong bạn nhớ, anh em còn  khó khăn”.
Tôi cũng chưa cần chi tiêu quá nhiều trong cuộc sống, làm toàn thời gian ở đây cũng có một phần lương nhỏ từ quỹ chung của nhóm trích ra. Cuộc sống mình đã vừa vặn rồi, dành chút thời gian vì những người quanh mình”. Quán cơm mở bán lại từ tháng 10-2021, để khách ngồi ăn tại chỗ từ tháng 5-2022, nhưng một vài khách quen đã không còn trong đợt dịch vừa qua.
“Cô bác tới ăn cũng có người mất trong đại dịch. Cơm 2.000 đồng thì khách phần lớn là lao động nghèo, sinh viên, vậy mà biết tin quán bán lại, ai có gì gửi nấy, chai dầu ăn, chai nước tương cũng gói ghém gửi làm quà. Cái tình hào sảng khiến mình quý nơi này cũng là vậy, là người cho hay người nhận đều luôn nghĩ cho nhau”, anh Tú chia sẻ.
2. Ở thành phố này, con đường nào, hẻm nhỏ nào cũng dễ dàng bắt gặp đâu đó những tấm bảng: “Bơm xe miễn phí cho người khuyết tật, sinh viên”; “Cơm 2.000 đồng”; “Trà đá miễn phí”; “Hớt tóc miễn phí”… Hay có riêng một con hẻm nhỏ (hẻm 96 đường Phan Đình Phùng, quận Phú Nhuận), phần lớn là lao động nhập cư. Chẳng giàu có gì, nhưng ai nấy chung tay lại làm trà đá, vá xe, tủ thuốc đều miễn phí và đi đến tận cùng cái nghĩa, cái tình là có sẵn một đội hỗ trợ mai táng miễn phí cho những hoàn cảnh khó khăn.
Thành phố nhộn nhịp trở lại sau những ngày gồng mình chống dịch, con hẻm nhỏ rộn bước chân người ngược xuôi cho kịp cuộc mưu sinh. Bình trà đá cùng tấm bảng vá xe miễn phí cho người khuyết tật, sinh viên vẫn được chú Đỗ Văn Út (59 tuổi) duy trì. 
“Trong hẻm, bà con cũng người còn người mất, nghĩ buồn lắm chứ nhưng vẫn giữ được tủ thuốc, bình trà đá cho bà con khó khăn là mừng trong bụng rồi. Còn tui cũng vậy, chưa “tèo” thì vẫn còn ngồi đây pha trà, vá xe cho bà con mình”, chú Út tếu táo. Nhưng người cho đi chưa bao giờ toan tính thiệt hơn, hay để ý tiểu tiết, vụn vặt… bởi niềm vui của họ là nụ cười của người nhận, chứ không phải lời cảm ơn khách sáo, hay cái cúi đầu mang ơn. Người ta nói thành phố hào sảng cũng là vậy, chỉ cần trong tầm tay mình có thể làm được thì người ta sẵn sàng cho đi, chẳng chút câu nệ.
3. Nhịp đời thân quen vẫn dọc ngang trên phố và mùa trung thu đoàn viên năm nay hẳn nhiều người thiếu vắng người thân do mất mát trong đợt dịch vừa qua. Sẻ chia ở thành phố bây giờ, người ta còn nghĩ đến những hoàn cảnh không may sau đại dịch.
Bạn bè ai có gì góp nấy, nhẩm tính cũng gần 150 phần quà và dụng cụ học tập cho mấy em nhỏ độ tuổi tiểu học, Minh Duy (28 tuổi, ngụ quận 11) chia sẻ: “Lúc thành phố trở lại sau dịch, tôi và nhóm bạn có thăm, tặng quà cho mấy em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn ở các quận huyện vùng ven, ngoại thành. Bây giờ sắp tới trung thu, nên cả nhóm đem lồng đèn, cái bánh cho mấy em vui. Có em gia đình khó khăn, ba là trụ cột kinh tế mà đợt dịch vừa rồi không qua khỏi, thành ra chuyện mua cái lồng đèn hay cái bánh đón trung thu tưởng gần mà xa”.
Cuộc sống vẫn tiếp tục với những guồng quay công việc, học tập… Dẫu là sau một trận đại dịch nặng nề, từng là tâm dịch trong những ngày gian nan thì nhịp đời thân quen vẫn còn đó. Tình người hào sảng không phải là khẩu hiệu để tô hồng cho nhau, mà nó trở thành bản sắc, nếp sống của người dân nơi đây. “Người ta ăn còn, mình ăn hết”, cứ thế mà sự sẻ chia dung dị mỗi ngày vẫn cứ nối tiếp nhau...
Trong đợt dịch lần thứ 4, nhận được sự hỗ trợ từ các chiến sĩ Trường Sĩ quan Lục quân 2, Đoàn Thanh niên xã Đa Phước (huyện Bình Chánh) cũng trở lại thăm các chiến sĩ nhân mùa đoàn viên. Anh Nguyễn Công Toại, Phó chủ tịch Hội LHTN Việt Nam xã Đa Phước, bày tỏ: “Gắn bó với nhau 48 ngày chống dịch, vì vậy mà mọi người quý nhau như anh em trong một gia đình. Trung thu là tết đoàn viên, nhưng đối với chiến sĩ Trường Sĩ quan Lục quân 2, các bạn còn phải thực hiện nhiệm vụ, làm công tác dân vận và theo chương trình học ở trường. Trong lúc khó khăn chống dịch, xã mình được các bạn hỗ trợ thì bây giờ mình mang đến chút niềm vui trung thu đoàn viên với các bạn là việc cần phải làm”.
Theo KIM LOAN (SGGPO)
 

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.