Nhật ký tuổi lành

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Xuân này, tôi tròn 29 tuổi. Nếu cho cuộc đời là những năm dài tháng rộng thì có sá gì chút tuổi ấy. Nhưng nếu cuộc đời thực sự chóng vánh như một buổi chiều tà thì gần ba mươi ngọn nến được đốt lên sẽ làm tôi chột dạ. Tất nhiên, tôi không tự thắp nến cho mình. Chả dại gì phải trói buộc con tim bằng tuổi tác. Nhưng rồi trong những đêm thành phố đã ngủ yên, chỉ còn bấm đốt tay mình thao thiết, tôi bắt đầu nghĩ về tuổi của mình.
Tôi không thể nhớ nổi mình bắt đầu mơ ước làm người lớn tự khi nào. Dần dà những năm sau này, mỗi ngày nhìn trên gương mặt mẹ thêm một vết hằn, tôi bỗng thôi ý nghĩ muốn làm người lớn. Tôi bỏ qua tiệc sinh nhật đầy ắp những lung linh dù đã tự vẽ ra trong đầu từ những ngày trước đó. Mẹ tôi giờ vẫn trở dậy với gánh hàng rong từ lúc cây chưa kịp đơm hoa. Mờ sáng trong thành phố này lạnh quanh năm…
Chuyện “tam thập nhi lập” mà nói, tôi có biết. Nhưng thú thật, tôi đang hạnh phúc với sự trắng tay của mình. Gia tài mà tôi có được chỉ vỏn vẹn đôi ba cuốn sách đã tróc bìa, ơ hờ trên kệ gỗ, dăm bản nhạc tình cũ rích mà mỗi lần buồn sẽ lục ra nghe để nước mắt thôi chảy ngược. “Em dịu dàng thế, ru tôi quên những muộn phiền. Đừng cho tôi hy vọng, mơ ước thì buồn, năm tháng vẫn lênh đênh”… Kiểu thế! Tôi quen sống lãng mạn. Những lần nằm bệnh giữa đêm, chỉ chực chờ đến sáng để trăn trối với mặt trời, bỗng lại nhờ chút lãng mạn mà hồi sinh. 
Minh họa: KIM HƯƠNG
Minh họa: KIM HƯƠNG
29 tuổi, tôi như chiếc đồng hồ quả lắc cứ đi về giữa được-mất, vui-buồn trong thành phố nhỏ. Chừng ấy chỉ vừa đủ để tôi tự phác thảo chân dung mình bằng những nét vẽ rời rạc nhất. Khi tiếng thở rơi rụng thành giọt xuống những bước chân bộn bề, gấp gáp, tôi quay về căn nhà ở ngoại ô và tìm cách diễn đạt sự cô đơn của mình bằng lời, dù tôi chỉ là một kẻ cô đơn nửa mùa không hơn không kém. Tôi có những cuộc hẹn hò không văn tự. Từ đó, tôi biết làm thơ. Thơ dìu tôi qua nỗi thống khổ của trái tim, dù mai này có thể trái tim vẫn còn thống khổ. Tuổi 29, tôi đèo bòng thơ ca và lấy đó làm vốn liếng cho cuộc đời. 
Tôi đi tìm chính mình ở khắp nơi. Trong một bài giảng, một bài thơ, trong một tiệm cà phê hay một chuyến xe không dành cho người đến muộn. Để rồi, rất nhiều khi lại quay trở về trong mất mát và bẽ bàng. Nhưng lòng tôi dịu đi rất nhanh, như thể một đứa trẻ vừa giãy giụa quấy khóc đòi kẹo rồi lại hân hoan trong chớp mắt. May mắn là tôi thường rất mau quên như thế. Để trước mắt tôi, mỗi ngày, mỗi người đều có lý do để được bao dung, để được nhìn khác đi. 
Tôi cho tuổi 29 của mình là một dấu lặng. Biết im lìm cất dăm ba kỷ niệm vào đêm. Biết mở lòng đón nhận chính mình dù đâu đó vẫn còn những vụng về. Tôi chưa bao giờ dám tự thuật về một quãng đời tôi đã đi qua. Chỉ là trong một đêm bấm đốt tay mình thao thiết, tôi can đảm gõ vài ký tự riêng dành cho nhật ký tuổi mình…
LỮ HỒNG

Có thể bạn quan tâm

Xây dựng nghị định về khuyến khích phát triển văn học là cần thiết

Xây dựng nghị định về khuyến khích phát triển văn học là cần thiết

Ngày 4-4, tại Hà Nội, Bộ VH-TT-DL tổ chức hội thảo lấy ý kiến xây dựng Nghị định về khuyến khích phát triển văn học. Đây là một bước quan trọng nhằm tạo dựng hành lang pháp lý hỗ trợ nền văn học Việt Nam phát triển bền vững trong bối cảnh toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp 4.0.

“Gạn đục khơi trong” để phát triển văn hóa

“Gạn đục khơi trong” để phát triển văn hóa

(GLO)- Sau nửa thế kỷ đất nước thống nhất, đời sống văn hóa tại nhiều ngôi làng Bahnar, Jrai có nhiều đổi mới, nhất là xóa bỏ những gánh nặng liên quan đến hủ tục. Nhưng để bảo tồn những giá trị cốt lõi của văn hóa vẫn là một hành trình cần “gạn đục khơi trong”.

Chuyện học trong một gia đình trí thức Jrai

Chuyện học trong một gia đình trí thức Jrai

(GLO)- Sinh ra trong một gia đình trí thức người Jrai ở thị xã Ayun Pa (tỉnh Gia Lai), cô Kpă H’Nina-Giáo viên môn Tiếng Anh ở Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (huyện Ia Grai) không chỉ được rèn giũa tinh thần ham học, mở mang kiến thức mà còn được thừa hưởng vẻ đẹp của cả bố và mẹ.

Sáng tạo văn học nghệ thuật: Hành trình không đơn độc

Sáng tạo văn học nghệ thuật: Hành trình không đơn độc

(GLO)- Mặc nhiên, việc sáng tạo văn học nghệ thuật luôn mang tính độc lập và tự giác cao độ của mỗi văn nghệ sĩ, nhưng hành trình ấy sẽ không đơn độc nếu có sự dìu dắt chân tình của người đi trước. Tại phố núi Pleiku, nhiều tác giả trẻ đã tìm được điểm tựa tinh thần đáng quý như thế.