Nhật Bản chạy đua công nghệ nhận diện khuôn mặt với Trung Quốc

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Từ mua sắm, giao dịch ngân hàng đến thủ tục lên máy bay, một nền kinh tế dựa trên nhận diện khuôn mặt đang đi sâu vào xã hội Nhật Bản, cho phép người tiêu dùng sống không cần tiền mặt, không cần túi hay thẻ.
 
Một hành khách lên máy bay sử dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt của NEC tại Nhật Bản. Ảnh: Nikkei
Thử nghiệm "xã hội không tiền, không túi"
Khi du khách hạ cánh xuống sân bay Nanki-Shirahama, phía Tây tỉnh Wakayama, họ được chào đón, không phải bởi những chú gấu trúc nổi tiếng ở thị trấn Shirahama, mà bởi một màn hình TV hiển thị "Chào mừng ông/bà A".
Du khách có thể mua kẹo cao su tại cửa hàng bằng chính khuôn mặt của họ, vào phòng khách sạn mà không cần chìa khóa. Họ cũng có thể tới công viên giải trí Adventure World vào cửa thông qua nhận diện khuôn mặt, rồi thoải mái xem gấu trúc và cá heo biểu diễn.
Theo tờ Nikkei Asian Review, đây là một phần của chương trình thử nghiệm nhận diện khuôn mặt mà công ty điện tử NEC của Nhật Bản đã tiến hành ở Shirahama từ tháng trước. Nhà sản xuất thiết bị điện tử Nhật Bản tin rằng tính tiện lợi kết hợp với sự an tâm về bảo mật dữ liệu sẽ là một công thức chiến thắng trên thị trường công nghệ nhận diện khuôn mặt.
Công ty nghiên cứu Mordor Intelligence của Ấn Độ dự đoán, thị trường toàn cầu về nhận diện khuôn mặt sẽ tăng gấp đôi từ năm 2018 đến năm 2024, đạt 9,1 tỷ USD, khi công nghệ này mở rộng sang các lĩnh vực lái xe tự hàn, tài chính và điều trị y tế.
Không còn nghi ngờ gì nữa, các công ty Trung Quốc đã chiếm ưu thế trong lĩnh vực này, khi họ tăng thứ hạng về quy mô và độ chính xác. Nhưng khi Washington và Bắc Kinh đang ráo riết cạnh tranh thương mại và công nghệ, thì những người chơi Nhật Bản cũng không đứng ngoài.
 
Du khách có thể vào công viên giải trí Adventure World ở phía tây tỉnh Wakayama của Nhật Bản với khuôn mặt của họ. Ảnh: Nikkei
Công nghệ xác thực khuôn mặt hàng đầu thế giới của NEC dựa trên công nghệ mà công ty đã thiết lập cách đây nửa thế kỷ để giải mã các ký tự bằng văn bản. Năm 1989, công ty bắt đầu nghiên cứu xác thực khuôn mặt, với tỷ lệ nhận dạng sai khoảng 30% trong giai đoạn đầu.
Nhưng NEC đã liên tục cải thiện độ chính xác và tốc độ của công nghệ, áp dụng trí tuệ nhân tạo và phát triển một thuật toán gốc. Tỷ lệ nhận diện sai của NEC hiện giảm xuống chỉ còn 0,5%. Tốc độ và năng lực vượt xa khả năng của các công ty khác, đó là lý do tại sao công nghệ của NEC đứng đầu trong thử nghiệm điểm chuẩn của Viện Tiêu chuẩn và Công nghệ Quốc gia Mỹ (NIST). 
Trung Quốc - người đi sau nhưng dẫn trước
Tuy nhiên, bất chấp lợi thế công nghệ của NEC - bao gồm khả năng nhận diện những khuôn mặt già nua và đeo mặt nạ - các nhà cung cấp máy ảnh và hệ thống nhận diện khuôn mặt của Trung Quốc mới đang là “người chơi” chiếm thị phần lớn trên thị trường toàn cầu.
Công ty Công nghệ kỹ thuật số Hàng Châu Hikvision là một trong những doanh nghiệp Trung Quốc đã kiếm được tiền. Họ trở thành nhà sản xuất camera giám sát lớn nhất thế giới, một phần nhờ cung cấp sản phẩm với giá thấp hơn một nửa so với giá của các nhà cung cấp tiên tiến trên thế giới.
Ba trong số những "người chơi" vượt qua NEC trong Top năm 2018 do NIST xếp hạng đều là công ty Trung Quốc, gồm Công ty Công nghệ Yitu, Viện Công nghệ tiên tiến Thâm Quyến và SenseTime. Đây là một bước tiến ngoạn mục kể từ năm 2013, khi không công ty Trung Quốc nào nằm trong Top 5.
Nhưng những rào cản mới đang gia tăng khi Washington và Bắc Kinh rơi vào căng thẳng thương mại và công nghệ. Tăng trưởng của Hikvision đã chậm lại, với doanh số tăng 10%/năm trong nửa đầu năm 2019 – chỉ bằng 1/3 so với năm 2017.
Thương chiến Mỹ-Trung và cơ hội của Nhật Bản
Vào tháng 10/2019, chính quyền Tổng thống Trump đã cấm các công ty Mỹ xuất khẩu thiết bị công nghệ cao cho thêm 28 công ty, tổ chức của Trung Quốc. Hikvision, Yitu và SenseTime đều có tên trong danh sách này. Lệnh cấm đã hạn chế mua sắm phần mềm, chất bán dẫn và các thành phần quan trọng khác.
 
Công nghệ nhận dạng khuôn mặt đang gây lo ngại có thể bị lợi dụng để xâm phạm quyền riêng tư của con người. Ảnh: New York Times
Nhưng đối với các công ty Nhật Bản như NEC, quyết định của Mỹ và sự nghi ngờ xung quanh ngành công nghiệp giám sát của Trung Quốc lại mang đến cho họ một cơ hội.
NEC và Học viện Công nghệ Thông tin và Truyền thông Quốc gia Nhật Bản đã cùng phát triển một hệ thống nhận dạng khuôn mặt được bảo mật tiên tiến dựa trên mật mã học lượng tử - một hình thức mã hóa hứa hẹn sẽ hầu như không thể “hack” (xâm nhập trái phép) được. Dữ liệu xác thực đã mã hóa được phân chia và lưu trữ bằng phương pháp gọi là "chia sẻ bí mật", gần giống với việc phân tán các mảnh của một miếng đố ghép, để nó không thể bị phá hủy nếu như không ghép tất cả lại với nhau.
NECK hy vọng sẽ tiếp thị hệ thống trên bằng cách nhấn mạnh rằng nó sẽ giảm nguy cơ rò rỉ dữ liệu.
Nhưng an ninh không phải là tất cả. Người chơi Trung Quốc đã đột phá vào các thị trường mới nổi nhờ giá thấp, có nghĩa là Nhật Bản và các đối thủ khác cũng cần cung cấp các lựa chọn với giá cả hợp lý để có thể cạnh tranh.
Vào tháng 11, Panasonic đã giới thiệu hệ thống xác thực khuôn mặt dựa trên đám mây với mô hình “trả tiền ngay khi đi”. Công ty tính phí 1 yên cho mỗi lần kiểm tra nhận dạng, và sẵn sàng chấp nhận lợi nhuận thấp để quảng bá dịch vụ.
 
Công nghệ nhận dạng khuôn mặt ngày càng tiên tiến, với sai số rất thấp.
Tuy nhiên, những rủi ro về quyền riêng tư có thể xuất hiện theo những cách không lường trước được. "’Thần đèn’ nhận dạng khuôn mặt chỉ mới nổi lên từ trong chai", Chủ tịch Microsoft Brad Smith phát biểu với lối nói ví von vào năm ngoái. Cảnh báo rằng hệ thống nhận diện khuôn mặt có thể được sử dụng để phân biệt đối xử các cộng đồng thiểu số, xâm phạm quyền riêng tư của người dân và dẫn đến giám sát hàng loạt trên quy mô toàn cầu, ông Smith nói: "Chúng tôi tin rằng năm 2019 là thời điểm quan trọng để chính phủ bắt đầu áp dụng luật mới điều chỉnh công nghệ này."
Thành phố San Francisco của Mỹ năm nay đã cấm sử dụng phần mềm nhận dạng khuôn mặt của cảnh sát và các cơ quan khác. Liên minh châu Âu cũng đang nghiêm túc xem xét một động thái tương tự.
Trước khuyến nghị của Microsoft, NEC đã đưa ra một tuyên bố trong đó Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Takashi Niino cho biết ông "hoan nghênh cuộc tranh luận" về vấn đề này. Hồi tháng Tư, NEC cho biết họ sẽ cố gắng thúc đẩy công nghệ AI, bao gồm cả xác thực khuôn mặt, đồng thời chú ý đến quyền con người và quyền riêng tư.
Thu Hằng(Báo Tin tức)

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai: Sơ kết 3 năm thực hiện Kế hoạch triển khai đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia đến năm 2025”

Gia Lai: Sơ kết 3 năm thực hiện Kế hoạch triển khai đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia đến năm 2025”

(GLO)- Chiều 14-11, Sở Khoa học và Công nghệ (KH-CN) Gia Lai tổ chức hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Kế hoạch triển khai đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) Quốc gia đến năm 2025” trên địa bàn tỉnh.

Việc áp dụng, duy trì và cải tiến HTQLCL theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001: 2015 góp phần cải thiện và nâng cao chỉ số cải cách hành chính, chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của CQHCNN trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Nhật Hào

Gia Lai áp dụng, duy trì và cải tiến hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015

(GLO)-Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai vừa ban hành Kế hoạch số 2555/KH-UBND về triển khai hoạt động xây dựng, áp dụng, duy trì và cải tiến Hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015 tại các cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống hành chính Nhà nước trên địa bàn tỉnh năm 2025.