Theo TikTok, việc cấp quyền trên nhằm "giới thiệu những người nổi tiếng và các nhà sáng tạo nội dung mới nổi đến với cộng đồng người dùng". Trước đó đã có những báo cáo về việc nút "Heating" trên nền tảng này được sử dụng để đẩy video được chọn trước vào phần For You (Dành cho bạn) ở giao diện người dùng, giúp tăng lượt xem thông qua thuật toán đang "vận hành" những trải nghiệm trên nền tảng này.
Nhân viên TikTok được phép đẩy video vào mục For You theo ý chủ quan. Ảnh: CNN |
Jamie Favazza, phát ngôn viên của TikTok chia sẻ với Forbes rằng việc tăng lượt xem cho một số video cụ thể còn phục vụ mục đích khác. Theo đó, nền tảng chia sẻ video ngắn đến từ Trung Quốc sẽ "giới thiệu video nhằm đa dạng hóa trải nghiệm nội dung". Favazza cũng tiết lộ TikTok không thường xuyên làm vậy mà chỉ 0,002% video trong phần For You được đẩy thủ công có chủ đích.
Trang Forbes đã có được tài liệu nội bộ về vấn đề này và trong đó xác thực những video được đẩy lên chiếm từ 1% tới 2% tổng số lượt xem mỗi ngày. Các nội dung đó không gắn nhãn thể hiện rằng có sự can thiệp từ TikTok giống như video quảng cáo hay được tài trợ. Thay vào đó, chúng xuất hiện hoàn toàn bình thường như thể được thuật toán lựa chọn cho người xem.
Nhưng TikTok cũng không phải là công ty chuyên về truyền thông xã hội duy nhất đẩy video lên cho người xem một cách đầy tính toán. Facebook từng bị phát hiện cho hiển thị lượt xem tăng cao và không sửa ngay nhằm thuyết phục các nhà quảng cáo, công ty truyền thông đến với nền tảng của mình. Nhưng cuối cùng hãng bị phạt tới 40 triệu USD vì sự gian dối đó. Lộ trình của TikTok cũng tương tự, dù không hoàn toàn khi những gì hãng làm đang khiến người dùng nghĩ rằng sản phẩm của họ hiệu quả hơn khi được trình diễn tại đây.
Điều này cũng đồng nghĩa TikTok có quyền chọn kẻ thắng, người thua trong cuộc chơi trên sân của họ: các nhà sáng tạo nội dung và nhiều thương hiệu có thể mất vị trí trên trang For You của người dùng bất kỳ chỉ bởi ai đó có quan hệ tốt hơn với phía công ty. Theo điều tra của Forbes, đã có những trường hợp nhân viên TikTok tự ý đẩy các nội dung (mà họ không được phép) nhằm quảng bá cho video của bạn bè, đối tác, thậm chí là từ chính tài khoản của họ.
Nhà sáng tạo nội dung có thể chán nền tảng khi thấy video của họ không đạt kết quả như video được đẩy ngầm khi TikTok đang thiếu minh bạch về vấn đề làm sao xác định được video nào lên xu hướng một cách tự nhiên. Hiện tại, mạng xã hội video từ Trung Quốc đang đối mặt với cuộc cạnh tranh gay gắt từ các nền tảng khác, trong đó có YouTube. Công ty thuộc sở hữu của Google mới đây thu hút nhà sáng tạo nội dung khi cắt cho họ một phần doanh thu có được từ Shorts - dịch vụ video ngắn của hãng. Trong khi đó, Instagram cũng đẩy mạnh khoản chi cho nhà sáng tạo trên Reels.
Anh Quân (TNO)